Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mở đầu chuyến hành hương Thánh Địa bằng lời kêu gọi sự khoan dung

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI được Đức Vua Abdullah II đón tiếp

WHĐ – Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bắt đầu cuộc hành hương về Thánh Địa bằng lời kêu gọi hoà bình và một cử chỉ bác ái. Chặng dừng chân đầu tiên của ngài là Jordan, ở đây, ngài đã được Đức Vua Abdullah II đón tiếp tại phi trường quốc tế mang tên hoàng hậu Alia. Vừa đặt chân xuống phi trường, Đức Thánh Cha đã bày tỏ “sự kính trọng sâu xa của ngài đối với cộng đồng Hồi giáo” và ca ngợi những sáng kiến của các nhà lãnh đạo Jordan về đối thoại liên tôn. Ngài nói, “Chúng ta có thể nói rằng những sáng kiến đáng quý này đã mang lại nhiều kết quả trong việc thúc đẩy sự gặp gỡ giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo, xua tan những lời tiên báo cho rằng bạo lực và xung đột là điều không thể tránh khỏi.” 

Đức Thánh Cha nói ngài đến Jordan như một khách hành hương viếng thăm những nơi thánh đối với Kitô giáo, bao gồm núi Nebo là nơi Môsê đã từ đó đứng nhìn vào Thánh Địa, sau đó là sông Jordan là nơi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa. Ngài cũng sẽ đặt viên đá đầu tiên cho việc xây dựng nhà thờ mới gần địa điểm Chúa chịu Phép Rửa, và theo ngài, sự kiện này cho thấy sự trân trọng của chính quyền Jordan đối với tôn giáo và các quyền về tôn giáo: “Dĩ nhiên tự do tôn giáo là quyền căn bản, và niềm hi vọng cũng như lời cầu nguyện tha thiết của tôi là sự tôn trọng những quyền và phẩm giá căn bản của mọi người ngày càng được khẳng định và bảo vệ, không những trong khắp vùng Trung Đông mà còn trên toàn thế giới.”

Bên ngoài phi trường, hằng trăm học sinh mặc đồng phục với những biểu ngữ chào mừng, tay phất cờ Toà Thánh, reo hò mừng rỡ khi xe của Đức Giáo hoàng đi ngang qua.

Một giờ sau đó, Đức Giáo hoàng viếng thăm trung tâm Nữ Vương Hoà Bình (Regina Pacis), một trung tâm bác ái lo cho người khuyết tật tại Amman. Ở đó, ngài đã xúc động nói đến những cố gắng đi tìm ý nghĩa của đau khổ và nỗ lực của Giáo Hội trong việc chăm sóc miễn phí cho người khuyết tật, Hồi giáo cũng như Công giáo. Ngài cũng nói với mọi người tại Trung tâm này rằng: “Tôi đến đây đơn giản với một ý nguyện, một niềm hi vọng, đó là cầu nguyện cho ơn hiệp nhất và bình an, đặc biệt là cho vùng Trung Đông.”

Sau đó, Đức Thánh Cha đã gặp Đức Vua Abdullah, hoàng hậu Rania và các thành viên khác của hoàng gia tại dinh thự hoàng gia. Hai vị lãnh đạo đã có cuộc trò chuyện riêng, chụp ảnh chung và trao đổi quà lưu niệm.

Được biết trên đường tới Jordan, Đức Giáo hoàng đã cho các phóng viên biết ngài hi vọng chuyến viếng thăm của ngài sẽ giúp cho tiến trình hoà bình tại Trung Đông bằng cách nhấn mạnh đến giá trị của cầu nguyện và thúc đẩy mọi người bỏ lại đằng sau những tính toán không thích hợp. Ngài nói, “Chúng tôi không phải là một quyền lực chính trị nhưng là một sức mạnh tinh thần, và sức mạnh tinh thần này có thể góp phần vào sự phát triển trong nỗ lực kiếm tìm hoà bình.” Người Kitô hữu xác tín vào quyền năng của lời cầu nguyện: “Cầu nguyện mở cánh cửa thế giới cho Thiên Chúa, và chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa lắng nghe và có thể can thiệp trong thế giới. Tôi cho rằng nếu hàng triệu tín hữu cùng cầu nguyện thì đây thật sự là một sức mạnh có thể gây ảnh hưởng và tác động trên tiến trình hoà bình.” Đức Giáo hoàng cũng cho biết đây là thời điểm khó khăn cho các Kitô hữu tại Thánh Địa, nhưng cũng là thời điểm của hi vọng, thời điểm của một khởi đầu mới và nỗ lực mới trên con đường hoà bình.

Các cộng đoàn Kitô giáo góp phần vào việc xây dựng xã hội đặc biệt qua mạng lưới giáo dục và y tế. Cụ thể là Đức Thánh Cha sẽ đặt viên đá đầu tiên cho việc xây dựng một đại học công giáo tại Jordan. Đức Thánh Cha ghi nhận rằng những trường học đó là nơi giúp cho người Hồi giáo và các Kitô hữu xích lại gần nhau: “Họ gặp gỡ nhau và trò chuyện với nhau ở đó. Đó là nơi các Kitô hữu ưu tuyển được đào tạo để làm việc cho hoà bình.”

  Ngày kế tiếp, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm một ngôi đền lớn của Hồi giáo tại Amman, và sẽ nói chuyện với các nhà khoa bảng Hồi giáo cũng như các nhà ngoại giao đang làm việc tại Jordan.

(Tổng hợp CNS và Zenit)

 

 


Về Trang Mục Lục