Cuộc tông du Đất Thánh (tiếp)

Tân Môsê

Ngày 9 tháng Năm, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tới viếng Vương Cung Thánh Đường Kỷ Niệm Môsê tại Núi Nebo, nơi, theo truyền thuyết, Chúa cho Môsê thấy Đất Hứa từ xa sau 40 năm lang thang trong hoang địa.

 Điều George Weigel nhận định trên Neewsweek về chuyến đi của Đức Thánh Cha có tính Thánh Kinh quả rất đúng. Vì chính tại đây, Đức Giáo Hoàng cho rằng thật là thích hợp khi ngài khởi đầu cuộc tông du Đất Thánh từ ngọn núi Nebo, nơi Môsê được ngắm nhìn Đất Hứa từ xa, vào lúc cuối cuộc hành trình trần gian của ông. Điều này nhắc ta nhớ rằng cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đang tham dự cuộc hành hương muôn thuở của dân Chúa qua dòng lịch sử. Ngài mong ước rằng cuộc gặp gỡ hôm nay tại đỉnh núi này sẽ gợi hứng để ta đổi mới lòng yêu mến đối với qui điển Thánh Kinh.

 

Cha José Rodrígez Carballo, Tổng Thừa Tác Các Tu Sĩ Phanxicô đang sống tại Đất Thánh, người nghênh đón Đức Thánh Cha tại đây, thưa với ngài như sau: “Đức Thánh Cha không đơn độc trong cuộc hành trình này. Chúng con muốn được tháp tùng Đức Thánh Cha, hay đúng hơn, được theo chân ngài, như dân Do Thái xưa từng theo chân Môsê và được ông hướng dẫn. Ngày nay, chúng con vẫn cảm thấy mình như đang lang thang trong sa mạc và chúng con đang cần một ai đó dẫn dắt chúng con tới Chúa, một ai đó giúp chúng con biết Người như là người Cha đầy quan phòng và xót thương, như chính Chúa Giêsu Kitô đã mạc khải cho chúng ta. Thưa Đức Thánh Cha, chúng con phó thác chúng con cho Đức Thánh Cha trong cuộc hành trình này”.

Bồi đắp tiềm năng của lý trí nhân bản

Từ núi Nebo, Đức Thánh Cha tới Madaba gần đó để làm phép viên đá đầu tiên cho một đại học tân lập do Tòa Thượng Phụ Latinh tại Giêrusalem xây cất. Sau đó, ngài đi thăm Đền Thờ Hồi Giáo Hussein bin Talal và Viện Bảo Tàng Hashemite kế bên.

Trong một bài diễn văn tiếp đó với các nhà lãnh đạo Hồi Giáo, ngài nhấn mạnh đến việc sử dụng lý trí nhân bản làm cơ sở chung cho việc hợp tác giữa người Hồi Giáo và người Kitô Giáo. Ngài nói: “Thưa qúi bạn, hôm nay tôi muốn nhắc tới một trách vụ mà tôi từng đề cập tới nhiều lần và là trách vụ tôi tin chắc cả người Kitô hữu lẫn người Hồi Giáo đều có thể theo đuổi, nhất là trong các đóng góp liên hệ của họ đối với học thuật và việc nghiên cứu bác học, cũng như công vụ. Trách vụ đó chính là thách đố phải bồi đắp tiềm năng rộng lớn của lý trí nhân bản để phục vụ sự thiện, trong bối cảnh đức tin và chân lý”.

Ngài giải thích thêm: “quả thật, người Kitô hữu mô tả Thiên Chúa nhiều cách, nhưng một trong các cách đó là mô tả Người như một Lý Trí sáng tạo, một lý trí biết xếp sắp và huớng dẫn thế giới. Và Người phú bẩm cho chúng ta khả năng tham dự vào lý trí của Người và nhờ thế, có thể hành động phù hợp với điều thiện. Người Hồi Giáo thờ phượng Thiên Chúa, Đấng dựng nên trời và đất, Đấng đã lên tiếng với nhân loại. Và trong tư cách những người tin vào một Thiên Chúa duy nhất, chúng ta biết rằng lý trí nhân bản chính là quà phúc của Thiên Chúa. Quà phúc ấy vươn tới bình diện cao nhất khi nó thấm nhiễm ánh sáng chân lý của Người. Thực vậy, khi lý trí con người chịu khiêm hạ để đức tin thanh lọc mình, nó không thể nào ra suy yếu được; trái lại, sẽ trở nên vững mạnh để chống trả mọi kiêu căng và vươn cao hơn chính các giới hạn của mình”. Bằng cách đó, lý trí con người sẽ theo đuổi việc phục vụ nhân loại, “nói lên các khát vọng chung sâu xa nhất của chúng ta và mở rộng ra mãi, chứ không thao túng hay giam hãm cuộc tranh luận công cộng”

Đóng góp của tôn giáo

Đức Bênêđíctô XVI quả quyết rằng theo một tôn giáo cách đó “thay vì làm tâm trí ta ra nhỏ hẹp, nó sẽ mở rộng chân trời hiểu biết của con người”. Ngài còn cho rằng: “Nó sẽ bảo vệ xã hội dân sự khỏi những thái quá của cái tôi bất trị vốn có khuynh hướng tuyệt đối hóa cái hữu hạn và che bớt cái vô hạn; nó bảo đảm rằng tự do phải được thực thi song song với chân lý, và nó làm đẹp nền văn hóa bằng những thông tuệ liên quan tới bất cứ cái chân, cái thiện và cái mỹ nào”

Đức Giáo Hoàng nói thêm: Một cái hiểu như thế về lý trí đặt ra một thách đố lớn cho cả người Kitô Giáo lẫn người Hồi Giáo, và ngài thúc giục họ bỏ qua một bên các ý thích đặc thù để “trân quí cái khoái cảm sâu sắc của việc phục vụ ích chung, dù bản thân có mất mát”.

Để kết luận, Đức Giáo Hoàng nói rằng: “chúng ta nên nhớ rằng vì nhân phẩm chung của chúng ta đã phát sinh ra các nhân quyền phổ quát, nên các nhân quyền này có giá trị ngang nhau đối với mọi người, bất kể là đàn ông hay đàn bà, bất kể họ thuộc nhóm tôn giáo, xã hội hay sắc tộc nào. Về phương diện này, chúng ta cần ghi nhận rằng quyền tự do tôn giáo vượt quá vấn đề thờ phượng và phải bao gồm cả quyền được gia nhập một cách công bằng thị trường nhân dụng và các lãnh vực khác của đời sống dân chính”.

Tôn giáo có thể bị hủ hóa

Tại buổi lễ đặt viên đá đầu tiên cho đại học tân lập tại Madaba của Tòa Thượng Phụ Latinh tại Giêrusalem, Đức Giáo Hoàng nói rằng: “Dĩ nhiên, tôn giáo, giống như khoa học và kỹ thuật, triết học và mọi phát biểu khác trong cuộc tìm kiếm chân lý của chúng ta, có thể bị hủ hóa. Tôn giáo sẽ mất hết hình tượng khi bị buộc phải phục vụ sự ngu dốt hay thiên kiến, khinh miệt, bạo lực hay lạm dụng”.

Ngài cho biết khi điều trên xẩy ra, không những nó là một hủ hóa tôn giáo, mà còn là một hủ hóa chính tự do con người nữa, một “việc biến tâm trí thành hẹp hòi và mù quáng”.

Tuy nhiên, theo Đức Giáo Hoàng, “một hậu quả như thế không phải là điều không thể tránh được. Thực vậy, khi chúng ta chịu cổ vũ giáo dục, là chúng ta tuyên xưng lòng tín nhiệm của chúng ta đối với quà phúc tự do. Trái tim con người có thể ra chai đá do các giới hạn của môi trường, của tư lợi và đam mê. Nhưng mọi người cũng được kêu gọi tiến tới khôn ngoan và chính trực, tới việc biết chọn lựa một cách căn bản và hết sức quan trọng sự thiện thay vì sự ác, chân lý thay vì bất trung thực, và có thể được trợ giúp trong trách vụ này”.

Những người thờ phượng trung thành

Sau đó, tại đền thờ Hồi Giáo chính thức của Giođăng, ngôi đền thứ hai được ngài thăm viếng từ ngày lên ngôi giáo hoàng, sau ngôi đền tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức Giáo Hoàng lại một lần nữa lên tiếng bênh vực tôn giáo đích thực.

Ngài cho hay: một điều khiến ta phải lo âu đó là việc càng ngày càng có nhiều người nằng nặc cho rằng tôn giáo không còn là “người xây dựng hợp nhất và hoà hợp nữa, không còn là biểu thức hiệp thông giữa con người và Thiên Chúa nữa. Thực thế, một số người còn dám quả quyết rằng tôn giáo nhất thiết là nguyên nhân gây chia rẽ trong thế giới chúng ta; và do đó, họ biện luận rằng càng ít quan tâm tới tôn giáo trong lãnh vực công càng hay”.

Nhưng dù nhìn nhận hiện đang có “những mâu thuẫn gây căng thẳng và chia rẽ giữa tín đồ các truyền thống tôn giáo khác nhau”, Đức Giáo Hoàng vẫn cho rằng “Phải chăng cũng có trường hợp chính sự thao túng có tính ý thức hệ đối với tôn giáo, đôi khi vì những mục tiêu chính trị, mới thực là chất xúc tác của căng thẳng và chia rẽ, và đôi lúc của bạo lực trong xã hội?”

Đức Giáo Hoàng nói thêm: “Đối diện với tình huống trên, một tình huống trong đó các kẻ thù của tôn giáo không hẳn chỉ tìm cách giập tắt tiếng nói của tôn giáo mà còn thay thế tiếng nói đó bằng chính tiếng nói của họ nữa, thì các tín hữu cần phải cảm nhận sâu sắc sự trung thực đối với các nguyên tắc và niềm tin của mình. Ngày nay, người Hồi Giáo và người Kitô Giáo, chính vì sức nặng của lịch sử chung, dù đôi khi bị hoen ố bởi hiểu lầm, phải cố gắng làm sao cho người ta thấy và nhìn nhận mình là những người thờ phượng Thiên Chúa luôn trung thành với việc cầu nguyện, hăng say tuân giữ và sống theo lệnh truyền của Đấng Toàn Năng, nhân từ và xót thương, nhất quán trong việc làm chứng cho mọi điều chân và thiện, và luôn chú tâm tới nguồn cội và phẩm giá chung của mọi con người nhân bản, những chủ thể luôn đứng ở đỉnh cao trong kế sách sáng tạo của Thiên Chúa dành cho thế giới và lịch sử”.

Người Hồi Giáo biết ơn

Hoàng tử Ghazi Bin Talal cám ơn Đức Thánh Cha đã tới thăm đền thờ Hồi Giáo: “Nghĩa cử này càng đáng ghi nhớ vì sự kiện cuộc viếng thăm Giođăng lần này của ngài chủ yếu là một cuộc hành hương thiêng liêng tới Đất Thánh Kitô Giáo, và đặc biệt tới địa điểm Chúa Giêsu Kitô chịu phép rửa. […]Ấy thế nhưng ngài vẫn dành thì giờ trong thời khóa biểu dày đặc và nhiều mệt mỏi của ngài, quả là mệt mỏi đối với một người cỡ tuổi ngài, đến viếng đền thờ Vua Hussein, để tôn vinh người Hồi Giáo”.

Hoàng tử này vốn là người soạn thảo thông điệp “Lời Chung” của 138 học giả Hồi Giáo công bố để trả lời vụ bất ổn do hiểu lầm gây ra nhân bài diễn văn năm 2006 của Đức Thánh Cha tại Regensburg. Đối với các hiểu lầm ấy, vị hoàng tử Giođăng này quả quyết rằng người Hồi Giáo có trách nhiệm phải giải thích gương sáng của Mohammed, “trên hết bằng những việc làm của đức hạnh, bác ái, lòng đạo đức và thiện chí”.

Và ông lấy Giođăng làm điển hình cho việc người thuộc các tôn giáo khác nhau có thể chung sống hòa bình với nhau. Ông đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của người Kitô Giáo tại Giođăng, bởi theo ông, họ “không những luôn bảo vệ Giođăng mà còn không biết mệt mỏi và hết dạ yêu nước góp phần vào việc xây dựng Giođăng, đảm nhiệm những vai trò hàng đầu trong lãnh vực giáo dục, y tế, thương mãi, du lịch, canh nông, khoa học, văn hóa và nhiều lãnh vực khác. Bởi thế, tất cả những điều này nói lên rằng trong khi ngài tin rằng họ là những Kitô hữu đồng đạo của ngài, nhưng chúng tôi, chúng tôi biết rằng họ là đồng bào Giođăng của chúng tôi. Họ là một phần của xứ sở này cũng giống như lãnh thổ vậy”.

Vị hoàng tử này kết luận: “chúng tôi hy vọng rằng tinh thần hòa hợp liên tín ngưỡng đầy tính độc đáo Giođăng này sẽ là một gương sáng cho toàn thế giới”.

Bênh vực người Kitô Giáo Iraq

Cuối bài diễn văn với các nhà lãnh đạo Hồi Giáo, Đức Giáo Hoàng dành mấy lời đặc biệt chào mừng Đức Emmanuel III Delly, thượng phụ Baghdad. Ngài nói: “Sự hiện diện của thượng phụ khiến mọi người nhớ tới nước Iraq lân bang, mà nhiều công dân đã tìm được nơi tỵ nạn đầy niềm nở tại Giođăng này. Các cố gắng của cộng đồng quốc tế trong việc cổ vũ hòa bình và hoà giải, cùng với các cố gắng của các nhà lãnh đạo tại địa phương, phải được tiếp tục để mang hoa trái lại cho cuộc sống người dân Iraq”.

Đức Bênêđíctô XVI ngỏ lời cám ơn đối với những ai đang góp phần “thâm hậu hóa lòng tin tưởng lẫn nhau” và tái thiết đất nước bị chiến tranh tàn phá. Ngài nói tiếp: “Và một lần nữa, tôi khẩn khoản xin các nhà ngoại giao và cộng đồng quốc tế mà họ đại diện cùng với các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo tại địa phương làm mọi điều có thể làm được để đảm bảo cho cộng đồng Kitô giáo cổ xưa của mảnh đất cao quí ấy được hưởng quyền căn bản sống chung hòa bình với các đồng bào của họ”.

Người ta ước lượng có tới 20,000 Kitô hữu Iraq tị nạn tại Giođăng.

Trân quí các truyền thống Đông Phương

Chiều ngày 9 tháng Năm, Đức Giáo Hoàng đã tới đọc kinh chiều (Vespers) tại Nhà Thờ Chính Tòa Thánh George, theo Nghi Lễ Melkite Hy Lạp, và tại đây, ngài đã nói truyện với các vị lãnh đạo các giáo hội Công Giáo tại Cận Đông. Trong số các vị hiện diện, người ta thấy Đức Gregorios III Laham, Thượng Phụ Giáo Hội Melkite Hy Lạp tại Damascus, Tổng Giám Mục Hồi Hưu Georges El-Murr và Tổng GM Yasser Ayyach của Petra và Philadelphia, cà các vị lãnh đạo các Giáo Hội Maronite, Syrian, Armenian, Chaldean và Latinh. Tổng giám mục Benediktos Tsikoras của Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp cũng hiện diện.

Nhân dịp này, Đức Thánh Cha ngỏ lời thành thực cám ơn vì được “dịp may cầu nguyện với qúi vị và cảm nghiệm phần nào nét phong phú trong các truyền thống phụng vụ của qúi vị”. Ngài nói thêm: “Giáo Hội là một dân lữ hành và do đó, suốt trong nhiều thế kỷ, đã được đánh dấu bằng các biến cố lịch sử có tính lên khuôn, trong đó có những thời điểm tranh chấp thần học hay những giai đoạn chèn ép lẫn nhau. Tuy nhiên, cũng có những thời điểm khác đánh dấu bằng hòa giải, nhờ thế đã củng cố một cách tuyệt vời sự hiệp thông trong Giáo Hội. Lại cũng có những thời điểm phục hưng văn hóa phong phú, trong đó các Kitô hữu Đông Phương đóng góp một phần hết sức lớn lao”.

Theo Đức Giáo Hoàng, “Các Giáo Hội đặc thù trong lòng Giáo Hội phổ quát nói lên năng động tính trong cuộc lữ hành trần gian của Giáo Hội và biểu lộ cho mọi thành phần tín hữu thấy một kho tàng gồm nhiều truyền thống tâm linh, phụng vụ, và giáo hội học dẫn người ta tới sự tốt lành phổ quát của Chúa và thánh ý của Người, lôi kéo mọi người vào sự sống thần linh của Người”.

Ngài còn cho hay: “kho tàng cổ xưa nhưng vẫn sống động trong các truyền thống của các Giáo Hội Đông Phương làm phong phú Giáo Hội phổ quát và sẽ không bao giờ bị hiểu lầm như chỉ là một món đồ được người ta thụ động duy trì. Mọi Kitô hữu đều được mời gọi đáp ứng tích cực vào lệnh truyền của Chúa là đem người khác tới chỗ nhận biết và yêu mến Người”.

Để kết luận, Đức Thánh Cha bày tỏ “các cảm tình tôn kính lớn lao đối với toàn thể qúi vị đang quây quần cùng tôi vào buổi chiều hôm nay để cùng thờ phượng”. Ngài cũng tỏ lòng biết ơn đối với các lời cầu nguyện của họ; ngài hứa sẽ cầu nguyện cho họ và những người hiện được trao phó cho họ chăm sóc.

Hãnh diện làm người Ả Rập, Giođăng và Kitô Giáo

Cuộc tông du của Đức Bênêđíctô giúp người Công Giáo tại Giođăng trân quí hơn bản sắc làm “người Ảrập, Giođăng và Kitô Giáo” của họ. Đó là nhận định của Nader Twal, một hướng dẫn viên du lịch theo Kitô Giáo. Twal là một sinh viên Giođăng đã du học tại Rôma trong 7 năm và nói thạo tiếng Ý. Anh sinh tại Madaba, nơi Đức Giáo Hoàng tới làm phép viên đá đầu tiên cho một đại học tân lập sẽ được Tòa Thượng Phụ Latinh xây cất nay mai. Anh cùng một xứ đạo với Đức Fouad Twal, Thượng Phụ Giêrusalem, và cùng tên họ với ngài.

Theo anh, cuộc tông du này là một hỗ trợ rất mạnh cho người Kitô hữu tại đây. “Các Kitô hữu đang làm việc cho nền hành chánh công được phép tham dự Thánh Lễ với Đức Giáo Hoàng vào Chúa Nhật này, mặc dù ngày đó là ngày làm việc của họ. Đây là một quyết định của chính phủ nhằm cổ vũ người Kitô Giáo họp nhau lại để cùng chia sẻ. Quyết định của chính phủ này tăng cường điều chúng tôi vốn đề cập tại đây như là sống chung: ở đây, thực sự có sự tôn trọng nhau giữa người Kitô Giáo và người Hồi Giáo”.

Suy tư về tầm quan trọng của chuyến tông du đối với người Kitô hữu, một thiểu số nhỏ nhoi trpng một quốc gia đại đa số là Hồi Giáo hệ Sunni, Twal cho hay: “Trong tư cách một Kitô hữu, tôi luôn luôn nói mình là người Ảrập, Giođăng và Kitô Giáo. Người Kitô Giáo chúng tôi chỉ chiếm tối đa 3% [tổng số dân Giođăng], riêng người Công Giáo chỉ chiếm 1.5%. Trong cuộc viếng thăm này, chúng tôi nhìn ra sự yểm trợ đối với sự hiện diện của các Kitô hữu, những người vốn đã có mặt ở đây suốt 2,000 năm qua”.

Đối với Twal, việc Đức Giáo Hoàng tới bờ sông Giođăng vào hôm Chúa Nhật quả là một thời điểm có ý nghĩa biểu tượng lớn lao đối với tương lai của Kitô giáo tại Giođăng. Anh nhận định rằng địa điểm từng được coi như nguồn cội cho đức tin Kitô Giáo ấy, nơi Chúa Giêsu được Thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho, hiện ít được ai biết tới, hiện bị ngay Giáo Hội lãng quên. Việc Đức Giáo Hoàng tới đó đặt viên đá đầu tiên xây cất hai thánh đường, một dành cho người Công Giáo theo nghi lễ Latinh, một cho người Công Giáo theo nghi lễ Melkite Hy Lạp, là một cử chỉ khiến người ta lưu ý, vì đó là biến cố được 1,300 nhà báo chứng kiến. “Đó quả là lời mời gọi gửi tới Giáo Hội khắp thế giới”.

Vũ Văn An

 


Về Trang Mục Lục