Đâu là con người thật của ĐGH Bênêđictô XVI ?

 

 

Paris ngày 9/5/2009

 

Chuyến thăm viếng vùng Trung Đông hiện nay của ĐGH Bênêđictô XVI trước hết là cuộc hành hương vùng Đất Thánh, đến những nơi phát sinh ra kitô giáo. Trên vùng đất này, nơi mà các tôn giáo, các dân tộc, các quốc gia và các văn hoá pha trộn lẫn nhau, ranh giới phân biệt rất tế nhị. Cũng như khoảng cách giữa tình yêu và thù hận rất mong manh. Cho tất cả những người đang sống nơi đây, bất kỳ họ thuộc tôn giáo hay quốc gia nào, ĐGH Bênêđictô XVI đến để mang sứ điệp tình yêu và hoà bình.

 

Chuyến thăm viếng đầy nguy hiểm ? Các quốc gia đón tiếp ngài nên làm tất cả những gì có thể để mọi sự diễn ra tốt đẹp. Nhưng triều giáo hoàng của ngài Joseph Ratzinger, lúc đầu được xem như một dòng sông phẳng lặng, lại thỉnh thoảng gây nên những tranh luận, từ bài diễn văn tại Ratisbonne năm 2006 đến một loạt ba cuộc tranh luận trong nửa năm đầu 2009, đến nỗi người ta đang chờ xem lần chống đối tiếp đến là gì. Có phải ĐGH Bênêđictô XVI đang trở nên người bị hiểu lầm trong thời đại hiện nay, bị thù ghét một cách tự động không ? Thật là một điều nghịch lý cho một nhà tri thức với cách nói dịu dàng, một người không thích tất cả những gì là thái cực hay điên cuồng, một người chỉ ước mơ dương cao niềm tin và lý trí !

 

Từ đầu năm nay, ba cuộc khủng hoảng đã phát ra trong dư luận về Giáo Hội, chúng không cùng tầm quan trọng và cũng không cần thiết là do trách nhiệm của ĐGH. Nhưng chúng cùng chung một điểm là làm lu mờ hình ảnh của ngài đối với quần chúng.

 

Trước tiên là vụ giám mục Williamson. Việc giải án tuyệt vạ thông công cho các giám mục đã được truyền chức bởi ĐGM Lefebvre là hành vi đã được ĐGH mong muốn trong tinh thần hiệp nhất giữa các kitô hữu. Nó đã bị bôi nhọ bởi scandale Williamson và bởi sự chậm trễ của các cơ quan tại Rôma đã không biết giải thích đúng lúc, đến nỗi ĐGH phải đích thân tự bào chữa sau khi bị kết tội đã yếu đuối đối với chủ thuyết phủ nhận sự diệt chủng người Do Thái. Lịch sử sẽ phân giải sự giật dây của những người chống lại Ratzinger trong vụ này. Dù rằng không ai biết tương lai sẽ ra sao, nhưng kết quả trong lãnh vực này là một cơ hội đã để mất.

 

Vụ Recife không thể được gán ghép cho ĐGH. Phải nên ý thức đến phần đấu tranh dư luận đang diễn ra tại Brésil, quốc gia với cuộc tranh luận gắt gao về dự luật cho phép phá thai. Tuy nhiên trong trường hợp bi thảm của một bé gái bị hiếp dâm, lời lẽ của nguyên tắc mới đầu dường như có giá hơn tình cảm con người. Thực ra, tình cảm này đã được biểu hiệu ở mọi cấp bậc trong Giáo Hội, nhất là từ ĐGM Fisichella, chủ tịch Uỷ Ban về sự sống và là người tin cậy của ĐGH, trong bức thử ngài gửi cho em bé. Nhưng đã có bao nhiêu TV, radio hay báo chí nhắc đến điều này ?

 

Vụ thứ ba là túi capốt. Vụ này phát sinh từ một câu trích ra khỏi bối cảnh và về một vấn đề mà nhận định thì rất khác nhau giữa Tây Phương và Phi Châu, nơi mà cuộc thăm viếng của ĐGH Bênêđictô XVI được coi như một thành công.

 

Một bên là sự bóp méo những lời nói, sự vơ đũa cả nắm, sự đơn giản hoá. Một bên là sự thiếu giải thích và thiếu thông tin. Ba cuộc tranh cãi trong ba tháng, về những sự kiện hoàn toàn khác nhau. Một đường dây đỏ truyền thông duy nhất : ĐGH Bênêđictô XVI, người đã mang điều ác tới. ĐHY Vingt-Trois, TGM Paris, đã nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn rằng có một số người muốn « bắt ĐGH chịu tội ».

 

Tới mức độ nào cần tin vào những cuộc thăm dò dư luận cho thấy nhiều người không tin tưởng vào ĐGH ? Sự điều hành triều giáo hoàng không dựa trên những nguyên tắc dư luận, ngài Joseph Ratzinger đang và sẽ tiếp tục là thủ lãnh của Giáo Hội.

 

Được bầu vào lúc ngài 78 tuổi và ý thức rằng ngài không có những ưu điểm như ĐGH Gioan Phaolô II mà ngài đã phục vụ lâu dài, ĐGH Bênêđictô XVI đã lựa chọn sống như con người thật của mình. Một con người của học hỏi nghiên cứu, nhưng cũng chấp nhận đi thăm viếng và xuất hiện với đám đông. Khi ngài đeo kính của vị giáo sư và đọc diễn văn thì người nghe biết là ngài sẽ nói những điều khó khăn, đôi khi là những điều vượt trên đầu người. Nhưng người ta lắng nghe ngài, bởi vì sự đói khát hiểu biết thế giới và sự cần có những chìa khoá để hướng dẫn đời mình thúc đẩy rất nhiền người hiện đại, bị lạc hướng bởi những xáo trộn tầm mốc. ĐGH Bênêđictô XVI muốn đóng góp thoả mãn cơn khát và giúp có những chìa khoá này.

 

Trong bức thư gửi đến các giám mục trên toàn cầu sau vụ tranh luận khởi từ việc các giám mục nhóm Lefebvre, một bức thư cảm động toát ra một sự đau khổ lớn của cá nhân ngài, ĐGH Bênêđictô XVI đã tóm tắt điều thiết yếu trong sứ vụ của ngài : « Dẫn dắt con người đến với Thiên Chúa, đến với Thượng Đế trong Kinh Thánh, đó là ưu tiên tột cùng và nền tảng của Giáo Hội và của người kế vị thánh Phêrô ngày hôm nay ».

 

ĐGH này thật không phải thuộc thế hệ internet. Ngài suy nghĩ. Ngài làm việc. Thật lâu. Rất từ từ. Trong thời đại của văn hoá hời hợt zapping, cách làm việc của ngài có thể bị hiểu lầm. Nhưng ngài sẽ không thay đổi. Cuốn sách « Giêsu người Nazareth » (2007) của ngài là cuốn sách nền tảng. Thông điệp đấu tiên của ngài, Deus caritas est, xuất bản năm 2006 là một suy nghĩ về tình yêu và lòng bác ái. Thông điệp thứ hai, Spe salvi, xuất bản năm 2007 là một suy tư về niềm hy vọng. Thông điệp thứ ba, nói về những vấn đề xã hội, được dự định xuất bản cuối năm 2008, sau đó được rời đến mùa hè 2009. Lý do là để cập nhật hoá về những hậu quả mới đây của sự khủng hoảng kinh tế. Ai nói rằng ĐGH Bênêđictô XVI sống tách rời ra khỏi thực tế ? Trái lại, ngài không ngừng đặt nghi vấn về chúng, nhưng theo nhịp của ngài và để chỉ ra những hướng đi mà chỉ có ngài mới nhắc nhở lại.

 

Mỗi người có quyền tự do tin hay không vào Thượng Đế. Hay là người công giáo hay không. Nhưng từ chối không nghe ĐGH Bênêđictô XVI với những lý do chẳng có liên quan gì đến ngài hay vì người ta thích một kiểu ĐGH khác, đó có phải là mất đi một trong những tri thức đẹp nhất của thời nay và một người đứng gác có khả năng nói với mọi người ? Và trong lãnh vực này, người ta có thể đếm trên đầu ngón tay.

 

 

Jean Sevillia

Nhật báo Le Figaro  

Lang biang luợc dịch

 

 

 

 


Về Trang Mục Lục