Cuộc tông du Đất Thánh (bài 11)

 

Quê hương độc lập cho người Palestine

Hôm nay, 13 tháng Năm, nhân tới thăm các Lãnh Thổ Palestine, Đức Giáo Hoàng nói lên sự yểm trợ đối với mục tiêu một quê hương độc lập cho người Palestine. Nhân dịp này, ngài công bố việc Tòa Thánh sẽ thành lập một ủy ban song phương với Thẩm Quyền Palestine.

Về việc này, ngài nói như sau: Tòa Thánh đang mong đợi thiết lập thật nhanh “Ủy Ban Song Phương Làm Việc Thường Xuyên đã được dự liệu trong Thỏa Hiệp Căn Bản” ký ngày 15 tháng Giêng năm 2000 giữa Tòa Thánh và Tổ Chức Giải Phóng Palestine.

Cuộc thăm viếng của Đức GH bắt đầu sáng hôm nay khi ngài du hành từ Giêrusalem, nơi ngài còn ở tới Thứ Sáu này, và vượt qua biên giới giữa Do Thái và các Lãnh Thổ Palestine ở ngay cửa ngõ dẫn tới Mộ Rachel. Ngừng tại dinh chủ tịch ở Bêlem, nơi ngài được chủ tịch Thẩm Quyền Palestine, Mahmoud Abbas, nghênh đón. Tại đây, Đức Thánh Cha phát biểu rằng: “Tôi khẩn khoản xin Đấng Toàn Năng ban hòa bình, một nền hòa bình công chính và bền vững, cho các Lãnh Thổ Palestine và toàn vùng”. Ngài bảo đảm với ông chủ tịch rằng: “Tòa Thánh ủng hộ quyền của dân tộc ngài có một quê hương Palestine độc lập ngay tại mảnh đất tổ tiên, sống an toàn và hoà bình với các lân bang, trong các biên giới được quốc tế công nhận”.

Đức GH khích lệ quần chúng đang tụ tập để nhânh đón ngài hãy “giữ cho ngọn lửa hy vọng luôn bừng cháy” để tìm ra một giải pháp có thể thoả mãn “các nguyện vọng chính đáng về hoà bình và ổn định cho cả người Do Thái lẫn người Palestine”. Ngài đặc biệt kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy dùng ảnh hưởng của mình mà đem lại một giải pháp. Nhìn nhận cuộc tranh chấp gần đây tại Gaza đã mang lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, Đức GH hy vọng: khu vực ấy sẽ mau chóng được tái thiết với sự trợ giúp của quốc tế.

Không nhà

Sau đó, ngài tới thăm trại tị nạn Aida, phía bắc Bêlem, nơi khoảng 5,000 người Palestine theo Kitô Giáo và theo Hồi Giáo đang sinh sống. Trên một khán đài dựng gần bức tường xi-măng đánh dấu biên giới Do Thái, cuộc đón tiếp Đức Giáo Hoàng đã diễn ra. Trẻ em trình diễn một điệu vũ với những chiếc chìa khóa mầu đen, muốn nói lên ước nguyện của các em được trở về “nhà” tại các làng mạc ở Do Thái, và đọc các bài thơ than cho cảnh mất quê hương của các em.

Chủ tịch Abbas đọc diễn văn nghênh đón Đức Giáo Hoàng. Ông kêu gọi việc giải quyết các tranh chấp và gửi một sứ điệp hòa bình cho Do Thái với lời kêu gọi hãy rút lại các biện pháp an ninh ngặt nghèo quanh các lãnh thổ Palestine.

Đức Giáo Hoàng được trao tặng một khăn choàng có thêu Ngôi Sao Đavít của Do Thái Giáo, Mái Vòm Đền Thờ Đá của Hồi Giáo và vương cung thánh đường Giáng Sinh của Công Giáo, tượng trưng cho ý nguyện hợp nhất giữa ba tôn giáo.

Ngỏ lời với đám đông, Đức Giáo Hoàng bày tỏ tình liên đới với “những người Palestine không nhà, những người luôn mong mỏi được trở về sinh quán, được sống thường trực tại chính quê hương của mình”. Ngài quả quyết: “Nguyện vọng chính đáng của các bạn có được mái nhà thường trực, có được một Nhà Nước Palestine độc lập, hiện vẫn chưa được thực hiện. Thay vào đó, giống như nhiều người khác trong vùng và ở khắp nơi trên thế giới, các bạn hiện vẫn còn bị giam hãm trong vòng xoáy của bạo lực, tấn công, phản công, trả thù và liên tục hủy diệt”.

Ngài nói thêm: “toàn thế giới đang mong đợi cho vòng xoáy ấy bị phá tan”. Ngài kêu gọi “các sáng kiến táo bạo và giầu tưởng tượng cho việc hòa giải” nhằm chấm dứt thế bế tắc từng phát sinh do việc bên nào cũng chỉ biết nhấn mạnh tới việc bên kia phải nhượng bộ. Theo ngài, giải pháp lâu dài cho “một cuộc tranh chấp giống như cuộc tranh chấp này chỉ có thể là giải pháp chính trị… Không ai hy vọng nhân dân Palestine và nhân dân Do Thái có thể đạt được giải pháp ấy một mình. Sự yểm trợ của cộng đồng quốc tế hết sức cần thiết”. Do đó, ngài kêu gọi mọi người liên hệ hãy dùng ảnh hưởng của mình để đem lại một giải pháp công chính và lâu dài.

Tuy nhiên, ngài nhận định rằng: “các cố gắng ngoại giao chỉ có thể thành công nếu người Palestine và người Do Thái có ý chí phá vỡ chu kỳ gây hấn”.

Rời trại tị nạn, Đức Giáo Hoàng lại trở lại dinh chủ tịch một lần nữa để tham dự nghi lễ tiễn chân. Ngài gặp riêng ông chủ tịch và sau đó lại công khai ngỏ lời với đám đông. Đức GH nhìn nhận rằng “thật cảm động sâu xa” được lắng nghe nhiều câu truyện kể về “các điều kiện sống tại đây, tại West Bank và tại Gaza. Ngài cho hay ngài rất buồn khi thấy hoàn cảnh của người tị nạn và quan sát bức tường trông xuống thành phố, bức tường “chia cách người hàng xóm, chia rẽ các gia đình”.

Khi sắp rời Bêlem, Ngài bảo đảm với họ: “Tôi sẽ tiếp tục vận dụng mọi dịp may để thúc giục những ai có liên hệ tới những cuộc thương thảo hòa bình hãy cố gắng làm việc nhằm một giải pháp công chính, biết tôn trọng các nguyện vọng chính đáng của cả người Do Thái lẫn người Palestine”.

Chỉ trích các Bức Tường Trung Đông

Tại Bêlem, Đức GH Bênêđíctô XVI cho hay phải phá sập các bức tường hiện nay ở Trung Đông. Nhưng trước hết, phải phá sập các rào cản đang xây quanh trái tim con người.

Sáng nay, 13 tháng Năm, Đức Thánh Cha đã đi thăm các lãnh thổ Palestine. Tại đây, ngài đã đọc bốn bài diễn văn công khai, liên tục nhắc đi nhắc lại tình liên đới của ngài với nhân dân Palestine. Nhưng lời kêu gọi hoán cải tâm hồn là một chủ đề khác, khá hiển hiện trong các bài diễn văn trên, một hóan cải, theo ngài, phải làm nền cho bất cứ giải pháp nào đối với hàng chục năm đầy bạo lực tại ngay quê hương của Chúa Giêsu.

Vừa bước chân tới nơi, ngài đã chào thăm ông Mahmoud Abbas, Chủ Tịch Thẩm Quyền Quốc Gia Palestine. Trong lời chào thăm, ngài trích dẫn Đức GH Gioan Phaolô II để nói với cử tọa rằng “không thể có hòa bình nếu không có công lý, không thể có công lý nếu không có tha thứ”. Ngài xin mọi người “hãy để qua một bên bất cứ bất bình và chia rẽ nào vẫn còn đang ngăn cản con đường hòa giải và hãy vươn tay ra một cách đại lượng và đầy cảm thương chào đón mọi người như nhau, không phân biệt”

Đặc biệt đối với giới trẻ, tương lai của Trung Đông, ngài nhắn nhủ họ “đừng để những mất mát nhân mạng và những tàn phá mà chúng con từng chứng kiến phát sinh ra cay đắng hay hận thù trong lòng chúng con. Chúng con hãy can đảm chống trả lại bất cứ cơn cám dỗ nào muốn dùng tới bạo lực hay khủng bố. Thay vào đó, hãy để những gì chúng con cảm nghiệm đổi mới quyết tâm của các con trong việc xây đắp hòa bình. Hãy để chúng đổ đầy trái tim chúng con nguyện ước sâu xa đóng góp lâu dài cho tương lai Palestine, để Palestine chiếm được chỗ đứng đúng đắn của nó trong diễn đàn thế giới. Hãy để chúng linh hứng nơi các con các cảm tình biết xót thương đối với mọi người đau khổ, biết tha thiết hòa giải, và vững tin vào khả thể một tương lai huy hoàng”.

Tiếp tục tiến lên

Tại Công Trường Máng Cỏ, trong Thánh Lễ công cộng, Đức GH cho hay: hoán cải là một phần trong sứ điệp của Bêlem. Ngài khẳng định rằng sứ điệp nơi Chúa Giêsu sinh ra mời gọi người ta “làm chứng nhân cho cuộc chiến thắng của tình yêu Thiên Chúa trên hận thù, vị kỷ, sợ sệt và ghét bỏ từng làm què quặt các mối liên hệ nhân bản và tạo ra chia rẽ ngay tại những nơi anh em nên sống hòa hợp, tạo hủy hoại tại những nơi đáng lý người ta nên xây dựng, tạo thất vọng tại những nơi đáng lý ra hy vọng phải nở rộ!”.

Ngài nói thêm: những người sống trong hy vọng cần “không ngừng trở về với Chúa Kitô, một cuộc trở về không phải chỉ được phản ảnh trong hành động mà còn trong cả tư duy của ta nữa: phải can đảm từ bỏ những lối suy nghĩ, hành động và phản ứng vô bổ và khô cằn”. Họ cần phải “vun sới một não trạng hòa bình dựa trên công lý, trên việc tôn trọng các quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người, và dấn thân hợp tác vì ích chung. Đồng thời phải kiên tâm, kiên tâm trong điều thiện, trong việc bác bỏ tội ác”.

Theo ngài, các Lãnh Thổ Palestine không phải chỉ cần “những cấu trúc kinh tế và cộng đồng mới. Điều quan trọng hơn cả là một hạ tầng thiêng liêng mới, có khả năng vận dụng được năng lực của mọi người thiện chí, cả đàn ông lẫn đàn bà, để phục vụ giáo dục, phát triển và cổ vũ ích chung. Các bạn có đủ tài nguyên nhân bản để xây dựng tương lai hòa bình và tôn trọng lẫn nhau, là những điều bảo đảm cho một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái các bạn. Công trình cao thượng ấy đang chờ đợi các bạn. Đừng sợ!”.

Tự giải thoát

Buổi chiều cùng ngày, tại trại tị nạn Aida, Đức GH lại nhắc lại một lần nữa nhu cầu phải hóan cải trước khi đạt được hòa bình. Ngài nói: “Cả hai bên bức tường đều cần thật nhiều can đảm nếu muốn thắng vượt sợ sệt và bất tín, nếu muốn chống trả ý muốn trả đũa cho mất mát hay thương tổn. Cần một lòng hào hiệp để kiếm tìm hòa giải sau nhiều năm tranh chấp. Ấy thế nhưng lịch sử từng chứng tỏ rằng hòa bình chỉ đến khi hai bên tranh chấp sẵn lòng vuợt lên trên các bất bình của mình và cùng nhau làm việc cho các mục tiêu chung, mỗi bên phải nghiêm chỉnh tiếp nhận các quan tâm và nỗi sợ của bên kia, và cố gắng xây dựng cho được một bầu khí tin tưởng lẫn nhau. Cần phải sẵn lòng đưa ra các sáng kiến táo bạo và giầu tưởng tượng hướng tới hòa giải: nếu bên nào cũng nằng nặc đòi bên kia phải nhượng bộ, thì hậu quả chỉ có thể là bế tắc”.

Đức Thánh Cha thúc giục cộng đồng quốc tế giúp đem lại giải pháp nhưng nếu người Do Thái và người Palestine không sẵn lòng tự giải thoát mình ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của gây hấn, thì các cố gắng quốc tế cũng chỉ vô ích mà thôi.

Kitô hữu Palestine xây dựng Giáo Hội

Tại Bêlem, hơn 10,000 người đã chen chúc nhau tại Công Trường Máng Cỏ và các đường phố lân cận để lắng nghe Đức Giáo Hoàng khuyên nhủ họ làm chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa. Ngài bảo họ “đừng sợ” và khích lệ họ đem mọi sáng kiến cụ thể ra làm việc để củng cố sự hiện diện của họ và đem lại các khả thể mới cho những ai đang bị cám dỗ lên đường ra đi.

Đài phát thanh Vatican hôm nay tường trình rằng con số Kitô hữu tại Bêlem gần đây đã giảm từ 80% xuống còn 15% dân số và nhiều người tìm đường di cư vì sự bất ổn của thị trường lao động, bất an chính trị và các đe dọa của một số nhóm quá khích Hồi Giáo.

Thượng Phụ Latinh của Giêrusalem, Đức Tổng GM Fouad Twal cũng tường trình cho Đức GH hay “Đức Thánh Cha đang đứng trước một bày chiên đang thưa dần vì buộc phải rời cư, phần lớn do hậu quả của việc chiếm đóng bất công và mọi tủi nhục, bạo động và hận thù do sự chiếm đóng ấy gây ra”.

Đức GH khuyên nhủ họ xây dựng các Giáo Hội địa phương, biến chúng thành những trường thực tập đối thoại, khoan dung và hy vọng, cũng như liên đới và bác ái thực tiễn. Ngài nhấn mạnh nhu cầu không những phải có các cấu trúc mới cho kinh tế và cộng đồng, nhưng quan trọng nhất là hạ tầng cơ sở thiêng liêng.

Đáp ứng của Kitô hữu

Trong Thánh Lễ tại Bêlem, Thị trưởng Công Giáo là Victor Batarseh nói với hãng tin Zenit rằng sứ điệp của Đức GH khích lệ người Kitô hữu Palestine kiên vững trên mảnh đất quê hương và khuyến khích họ tiếp tục ở lại. Trước đây vốn là một y sĩ, Batarseh phát biểu thêm rằng: “trong tư cách anh chị em của Bêlem, chúng tôi hy vọng việc ngài tới đây sẽ đem lại hòa bình và yêu thương cho mọi người.

Sau đó, tại dinh chủ tịch, viên thị trưởng này đã nhân danh mọi Kitô hữu của West Banks chào mừng Đức Thánh Cha. Ông quả quyết: “Tất cả chúng con đều cảm kích về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha”. Ông mô tả chuyến viếng thăm này là “một biểu tượng vĩ đại của hy vọng, một biểu tượng sẽ linh hứng cho chúng con biết quyết tâm bám trụ vào Đất Thánh như những viên đá sống động”.

Một Kitô hữu khác, hiện là một bộ trưởng trong Thẩm Quyền Palestine và là hậu duệ của một gia tộc vốn sinh sống tại Bêlem từ ngày Chúa Giêsu sinh ra, cũng đã thưa chuyện với Đức Thánh Cha. Ông khẳng định mục tiêu ở lại quê hương và góp phần xây dựng một xã hội biết đặt cơ sở trên các giá trị hòa bình và tha thứ.

Gaza

Dù một số người Công Giáo Palestine từ Gaza tới tham dự Thánh Lễ trên và một số biến cố khác, chỉ có 48 người được nhà cầm quyền Do Thái cấp giấy phép chính thức để tới Bêlem, vượt qua các rào cản an ninh.

Đức Thánh Cha không quên ngỏ lời với họ trong Thánh Lễ tại Công Trường Máng Cỏ. Ngài bảo họ: “trái tim cha chào đón anh chị em hành hương từ Gaza đang bị xâu xé vì chiến tranh”. Nhân dịp này, ngài gửi một sứ điệp cho 1.5 triệu người đang sinh sống tại Giải Gaza, trong đó có 300 người Công Giáo: “Cha xin chúng con đem về các gia đình và các cộng đồng của chúng con vòng tay nồng nhiệt của cha, và cả nỗi buồn phiền của cha đối với những mất mát, những khó khăn và đau khổ chúng con đang phải chịu đựng”.

Ngài cam đoan với họ rằng ngài luôn liên đới với họ trong công trình tái thiết vĩ đại tiếp theo cuộc tranh chấp gần đây với người Do Thái, một tranh chấp đã chấm dứt ngày 18 tháng Giêng vừa rồi, để lại 1,300 người chết.

Ngài cũng cho biết: ngài sẽ cầu nguyện để việc cấm vận do người Do Thái áp đặt sau khi phong trào Hamas kiểm soát được Giải Gaza vào năm 2007 được bãi bỏ. Trước đó, Đức GH đã bày tỏ hy vọng sẽ có nhiều tự do đi lại hơn, nhất là trong lãnh vực liên lạc gia đình và việc lui tới các nơi thánh thiêng.

Sau Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã đi bộ tới viếng hang đá Sinh Nhật, nơi Chúa Giêsu sinh ra. Sau đó, ngài tới Bệnh Viện Bác Ái Hài Đồng. Tại đây ngài nói với các bệnh nhân tí hon và gia đình các em rằng: “Đức Giáo Hoàng đang ở cùng các con!”

Ngôi sao hy vọng

Theo nhận định của Cha Caesar Atuie, thuộc cơ quan Opera Romana Pellegrinaggi, mục tiêu duy nhất của Đức GH khi tới Bêlem là đem hy vọng lại cho một cộng đồng nhiều đau khổ. Theo cha, Bêlem trong mấy ngày qua giống như ngày lễ Giáng Sinh vậy. Mà quả đúng như thế, ngay trong Thánh Lễ tại Công Trường Máng Cỏ, người ta vẫn thoáng nghe được các bài thánh ca Giáng Sinh.

Cha Atuire nhận xét: “Thấy dân chúng ở đây, nghe họ ca hát, chúng tôi hiểu ra rằng hôm nay Đức Giáo Hoàng quả đã mang đến mảnh đất này một sứ điệp hòa bình, một sứ điệp hân hoan, để khích lệ nhóm dân vốn sống trong quá nhiều tranh chấp”. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha đã nhắc lại điều Phúc Âm Thánh Luca từng đề cập tới, tức việc Chúa Giêsu là dấu chỉ mâu thuẫn. Ngày nay, thực tại tại Bêlem cũng là một dấu chỉ mâu thuẫn, nhưng theo Đức Thánh Cha, nó là một dấu chỉ mâu thuẫn mang theo hy vọng. Bởi sứ điệp của Chúa Giêsu vốn là sứ điệp đem lại hy vọng cho hòa bình, cho tương lai tốt đẹp của dân tộc này.

Sứ điệp ấy cũng được Đức Thánh Cha nhắn gửi các nạn nhân của cuộc tranh chấp mới đây tại Giải Gaza cũng như toàn thể dân chúng của vùng ấy, và những người hiện còn đang sinh sống trong trại tị nạn Aida của người Palestine. Niềm hy vọng mà Đức GH nhắn gửi bao hàm việc nhìn nhận các quyền lợi của nhân dân Palestine, trong đó có quyền độc lập trên chính mảnh đất cha ông của họ. Với quyền độc lập ấy, họ có khả năng hoàn tất các dự án phát triển, công lý và hòa bình cho toàn dân.

Tha thứ đôi khi có nghĩa phải quên

Cha Thomas D. Williams, LC, tiếp tục nhận định về chuyến đi của Đức GH trên hệ thống CBS. Theo cha, cha rất biết ơn thái độ hiền hòa của vị Giáo Hoàng người Đức này và cha hiểu được tính độc đáo trong sứ mệnh của ngài tại một vùng đất bị xâu xé vì phe phái, lúc nào cũng cãi cọ về đủ mọi chuyện từ lãnh thổ tới những chi tiết vụn vặt về học lý.

Sự thực là Đức Thánh Cha không đến Đất Thánh để chơi trò chính trị đảng phái, dù là cho chính “đảng phái” của ngài.Thực vậy, Ngài không tới đây chỉ như đại diện cho Giáo Hội Công Giáo, mà thực ra nhân danh mọi người liên hệ, nhân danh chính nhân loại. Ngài lên tiếng nhân danh người Do Thái, ca ngợi gia tài tôn giáo của họ và bênh vực quyền an ninh và tự trị của họ. Ngài lên tiếng nhân danh người Palestine và quyền tự chủ và quyền tự do của họ. Ngài lên tiếng nhân danh người Hồi Giáo, kêu gọi họ hãy xứng đáng nhất đối với truyền thống tôn giáo của họ qua các xác tín tôn giáo thâm hậu và việc thờ phượng tận trái tim đối với Thiên Chúa Độc Nhất. Ngài lên tiếng cho người Kitô Giáo đang sống trong thân phận thiểu số đầy khó khăn, đau khổ. Nói tóm, ngài lên tiếng với mọi người và cho mọi người.

Đó chính là tính độc đáo trong tiếng nói và sứ điệp của Đức Giáo Hoàng. Một cách nghịch lý, giữa các thao túng đối với sứ điệp của ngài và đủ mọi thứ than phiền về việc ngài không về phe đủ với họ, ta vẫn thấy nét vĩ đại và độc đáo qua việc ngài hiện diện tại đây. Không một nhà lãnh đạo thế giới nào đã có thể lên tiếng với cùng một thế giá tinh thần hay cùng một tính vô tư chân thật như ngài. Chính việc ngài từ khước không chơi trò chính trị phe phái đã là lý do tại sao đôi khi sứ điệp của ngài bị từ khước hay lý do tại sao sứ điệp ấy lại quan trọng đến thế.

Trong khi đó, một trong những người cay cú nhất về việc cho rằng Đức Giáo Hoàng không ân hận đủ đối với Nạn Diệt Chủng chính là Giáo Sĩ Ysrael Meir Lau, chủ tịch đài tưởng niệm Yad Vashem. Ông chỉ trích, cho rằng bài diễn văn của Đức GH “thiếu lòng cảm thương, hối hận, đau đớn đối với thảm kịch khủng khiếp của sáu triệu nạn nhân”.

Cha Williams nhận xét tiếp: theo dõi chương trình truyền hình, người ta sẽ thấy Giáo Sĩ Lau ngồi phía bên phải Đức Giáo Hoàng, trông như thể vừa ăn phải món gì rất khó chịu đối với dạ dầy. Hóa ra, ông ta đâu phải là người xa lạ gì với việc chỉ trích ngôi vị giáo hoàng. Ông ta cũng là người chẳng tiếc lời hạ giá Đức GH Piô XII, ngay cả để bóp méo sự thật. Trong buổi lễ năm 1998 tại Bá Linh để tưởng niệm năm thứ 60 biến cố Bể Kiếng (Kristallnacht) xẩy ra ngày 9 tháng Mười Một năm1938, biến cố làm phát sinh ra cả một thời kỳ bách hại người Do Thái, ông Lau, lúc đó là trưởng giáo sĩ của Do Thái, đã được mời nói truyện. Trong bài diễn văn này, ông đặt câu hỏi: “Hỡi Piô XII, lúc đó ngài đang ở đâu? Tại sao ngài lại im hơi lặng tiếng trong biến cố Bể Kiếng?”. Chỉ có điều Đức Piô XII chỉ được bầu làm giáo hoàng năm 1939, 4 tháng sau ngày Bể Kiếng. Ấy thế mà không ai thấy ông Lau nhúc nhích hối tiếc gì về việc hạ nhục Đức Piô XII.

Trên chuyến bay tới Do Thái, cha Williams may mắn có dịp đọc lại cuốn tự thuật “Muối Đất” hết sức thẳng thắn của Đức Bênêđíctô XVI. Nên cha mới hiểu tuổi trẻ của Đức Thánh Cha đã bị cản trở tai hại như thế nào do việc Quốc Xã nắm quyền và nhiều người Đức tốt lành đã bị bôi bẩn cách bất công ra sao do cái bút lông Quốc Xã. Nếu người ta phải tin các nhà chỉ trích Đức Bênêđíctô, thì bất cứ ai sống tại Đức trong các thập niên 1930 và 1940 đều nhất thiết mang tội vì liên hệ.

Rất may, một vài giọng nói quan trọng đang bắt đầu gióng lên tại Giêrusalem yêu cầu những người chỉ trích như trên hãy ngưng đừng làm phiền Đức Giáo Hoàng nữa. Như Noah Frug chẳng hạn. Ông hiện đứng đầu Tổ Hợp Các Tổ Chức Người Sống Sót Nạn Diệt Chủng Ở Do Thái. Theo ông, người ta đã cường điệu các chỉ trích nhằm vào Đức Bênêđíctô XVI. Ông bảo: “Ngài đến đây để đem Giáo Hội và Do Thái Giáo gần lại với nhau, nên ta phải coi chuyến viếng thăm của ngài là tích cực và quan trọng”.

Hôm nay, 13 tháng Năm, chú ý đã được chuyển về Bêlem, Thành Vua Đavít và là nơi sinh hạ của Chúa Giêsu Kitô, nhưng đồng thời cũng là một phần thuộc Lãnh Thổ Palestine. Vừa tới Bêlem, Đức Bênêđíctô XVI đã không để mất thì giờ, nên đã bày tỏ lập tức tình liên đới tận tình của ngài đối với nhân dân Palestine đau khổ và khẳng định quan điểm của Tòa Thánh liên quan tới quyền tự chủ của họ.

Trên lý thuyết, điều ấy không gây ra bất cứ bất đồng nào, vì quan điểm chính thức của Nhà Nước Do Thái trùng hợp với quan điểm của Tòa Thánh. Vì cả Do Thái nữa cũng khẳng nhận việc người Palestine có quyền có quê hương tự chủ, miễn là việc ấy không gây hại tới an ninh của Do Thái. Dĩ nhiên, điều thòng sau mới là vấn đề,

Cha Williams kết luận: ở đây, tại Đất Thánh này, người ta có thể thuộc nhiều hậu cảnh khác nhau, có nhiều cảm nghiệm khác nhau, nhưng ai cũng có chung cảm nghiệm này: mọi người đều đau khổ. Ai cũng sẵn sàng kể cho bạn nghe nỗi cay cực hay bất công, hoặc có tính bản thân hoặc có tính lịch sử. Ít ai nhận mình đã gây ra bất công, nhưng ai cũng cho là mình chịu bất công. Điều ấy khiến một quan sát viên như cha Williams thắc mắc: phải chăng tại vùng đất có quá nhiều đau thương tiếc nhớ này, một vùng đất mà người dân hết sức tự hào với “tưởng niệm” này, đôi khi quên đi lại không phải là một nhân đức còn cần thiết hơn đấy ư?

Hôm nay tại Bêlem, Đức Bênêđíctô XVI thúc giục các thính giả Kitô Giáo hãy “là cây cầu đối thoại và hợp tác trong việc xây dựng một nền văn hóa hòa bình, thay thế cho tình trạng bế tắc hiện nay, đầy sợ sệt, gây hấn và chán chường”. Đó cũng là điều chính ngài đang cố gắng trở thành, bằng sự hiện diện, bằng lời nói và bằng quyết tâm kiên nhẫn rao giảng Tin Mừng “hết mùa này qua mùa nọ” (2 Tm 4:2).

Vũ Văn An

Nguồn Vietcatholic.net

 


Về Trang Mục Lục