Những Lời đáng ghi nhớ của ĐTC Bênêđictô XVI tại Israel và Palestine

 

1. Tổng thống và thủ tướng cùng với các quan chức chính quyền Israel, đại diện các tôn giáo và các Giám Mục Công Giáo chào đón ĐTC tại phi trường Ben Gourion của thành phố Tel Aviv. Đáp lời chào của tổng thống Peres, ĐTC nói: “Tòa Thánh và Quốc gia Israel cùng chia sẻ nhiều giá trị, trong đó trước tiên có quyết tâm dành cho tôn giáo chỗ đứng hợp pháp trong đời sống xã hội…”.

2, ĐTC khẳng định: “Cần phải cố gắng hết sức để loại trừ nạn bài Do thái, bất kỳ nó ở đâu, và thăng tiến sự tôn trọng và quí chuộng mọi thành phần của mỗi dân, tộc, bộ lạc, ngôn ngữ và quốc gia trên thế giới”.

3. Hướng về thành thánh Jerusalem, ĐTC nói: “Hy vọng nồng nhiệt của tôi là tất cả các tín hữu hành hương tại các nơi thánh ở Jerusalem có thể tự do lui tới các nơi ấy mà không phải chịu những giới hạn, họ được tham gia các lễ nghi tôn giáo và bảo trì một cách xứng đáng các nhà thờ phượng tại các nơi Thánh. Ước gì họ có thể chu toàn lời tiên tri của Isaia, theo đó nhiều dân nước sẽ tựu về Núi của Nhà Chúa, để Chúa dạy họ những đường nẻo của Ngài và có thể tiến được theo đường lối Chúa, con đường hòa bình và công chính, những con đường dẫn đến hòa giải và hòa hợp” (Is 2,2-5).

4. ĐTC kêu gọi cho hòa bình Đất Thánh: “Niềm hy vọng của vô số người nam nữ và trẻ em mong được một tương lai chắc chắn và an toàn hơn tùy thuộc kết quả cuộc thương thuyết hòa bình giữa người Israel và Palestine. Hiệp với tất cả mọi người thiện chí, tôi tha thiết xin những người có trách nhiệm hãy tìm kiếm mọi con đường có thể, để tìm kiếm giải pháp đúng đắn cho những khó khăn hết sức lớn lao, để hai dân tộc có thể sống trong hòa bình nơi quê hương của họ, trong các biên cương chắc chắn và được quốc tế nhìn nhận. Tôi hy vọng và cầu nguyện để sớm có một bầu không khí tín nhiệm lẫn nhau hơn, để mọi phía có thể thực sự tiến triển trên con đường hòa bình và ổn định”.

5. Tại Đền Thờ Hồi Giáo Jerusalem, ĐTC khẳng định: “Trong một thế giới bị xâu xé đau thương vì chia rẽ, nơi thánh này có tác dụng như một sự kích thích, và cũng là một thách đố thúc giục mọi người nam nữ thiện chí làm việc để vượt thắng những hiểu lầm và xung đột quá khứ, để tiến bước trên con đường đối thoại chân thành, nhắm xây dựng một thế giới công lý và hòa bình cho các thế hệ mai sau… Những người tuyên xưng danh Chúa đều được ủy thác nhiệm vụ cố gắng không biết mệt mỏi để sống ngay chính, đồng thời noi gương tha thứ của Chúa, vì công lý và từ bi đều nhắm tới sự sống chung hòa hợp và an bình của gia đình nhân loại”.

6. Tại Bức Tường Than Khóc, sau khi cầu nguyện thinh lặng, ĐTC nhét một miếng giấy nhỏ vào khe tường với lời nguyện: “Lạy Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacob, xin lắng tiếng kêu của những người sầu khổ, sợ hãi và túng thiếu, xin Chúa ban an bình cho Thánh Địa, cho miền Trung Đông, trên toàn thể gia đình nhân loại, xin đánh động tâm hồn của tất cả những người kêu cầu danh Chúa, để họ khiêm tốn tiến bước trên con đường công lý và cảm thông. Thiên Chúa từ nhân đối với những người mong đời Ngài, cho các linh hồn tìm kiếm Ngài” (Lam 3,25).

7. Gặp gỡ tại Trung Tâm Hechal Shlomo, trụ sở của tòa Đại Rabbi Israel, gồm hai vị Đại Rabbi Sefardita và Ashkenazita của Israel cùng với Tối cao pháp viện tôn giáo của nước này, ĐTC nói: “Người Do thái và Kitô đều quan tâm bảo đảm sự tôn trọng tính chất thánh thiêng của sự sống con người, vị trí trung tâm của gia đình, nền giáo dục tốt đẹp cho người trẻ, tự do tôn giáo và lương tâm để có một xã hội lành mạnh. Những đề tài đối thoại này chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu của điều mà chúng ta tin là sẽ một cuộc hành trình lâu bền, từ từ tiến đến một sự cảm thông sâu xa đối với nhau. Một hướng đi cho loạt gặp gỡ này đã được thấy qua mối quan tâm chung đứng trước trào lưu duy tương đối về luân lý và những thương tổn mà trào lưu này gây ra chống lại phẩm giá con người” .

8. Gặp gỡ tại Nhà Tiệc Ly với các vị Thượng Phụ, Giám Mục, nói chung là các vị Bản quyền Công Giáo tại Thánh Địa, trong đó có cả Cha Bề trên và đông đảo các tu sĩ dòng Phanxicô tại đây, ĐTC chia sẻ: “Anh em hãy tin cậy nơi sự ủng hộ và khuyến khích của tôi trong lúc anh em làm tất cả những gì có thể để giúp các anh chị em Kitô ở lại và phát triển tại đây, nơi phần tất của tổ tiên và trở thành những sứ giả, những người thăng tiến hòa bình. Tôi đánh giá cao nỗ lực của anh em trong việc giúp đỡ về các giá trị và những nguyên tắc, để họ giữ vai trò của mình trong xã hội, như những công dân trưởng thành và có tinh thần trách nhiệm. Qua việc giáo dục, chuẩn bị nghề nghiệp và các sáng kiến xã hội và kinh tế, điều kiện sống của họ được nâng đỡ và cải tiến. Về phần tôi, tôi lập lại lời kêu gọi các anh chị em trên thế giới hãy hỗ trợ và nhớ đến các cộng đồng Kitô tại Thánh Địa và Trung Đông trong kinh nguyện”.

9. Giảng Thánh lễ tại Thung lũng Josaphat, đối diện với Vương cung thánh đường Giệtsimani và Vườn Cây Dầu, ĐTC nói: “Tụ họp nhau dưới thành của thành phố này, thành thánh đối với tín đồ của 3 tôn giáo lớn, làm sao chúng ta có thể không nghĩ đến ơn gọi phổ quát của thành Jerusalem? Ơn gọi này được các ngôn sứ công bố, và là một sự kiện thông thể phủ nhận, một thực tại ăn rễ sâu nơi lịch sử phức tạp của thành này và các dân tại đây. Người Do thái, Hồi giáo cũng như Kitô giáo đều coi thành này là nhà tinh thần của mình. Có bao nhiêu điều cần phải làm để Jerusalem thực sự là thành hòa bình cho mọi dân tộc, nơi mà mọi người có thể đến hành hương, tìm kiếm Chúa, và nghe tiếng Chúa, một tiếng nói về hòa bình” (Tv 85,8).

10. ĐTC nói tiếp: “Tại đây, tôi muốn trực tiếp nói đến một thảm trạng, vốn là nguồn lo âu cho những ai yêu mến thành thánh và đất nước này, đó là sự di cư của quá nhiều phần tử các cộng đồng Kitô trong những năm gần đây. Trong khi những lý do có thể hiểu được làm cho nhiều người, nhất là người trẻ, di cư ra nước ngoài, quyết định này làm cho thành thánh trở nên nghèo nàn nhiều về văn hóa và tinh thần. Hôm nay, tôi muốn lập lại điều đã nói trong những dịp khác rằng: tại thánh địa này có chỗ cho mọi người! Tôi thúc giục chính quyền hãy tôn trọng, nâng đỡ và đề cao giá trị sự hiện diện của các tín hữu Kitô tại đây. Tôi cũng muốn bảo đảm với anh chị em về tình liên đới, yêu thương và nâng đỡ của toàn thể Giáo Hội và của Tòa Thánh”.

11. Trong lễ nghi tiếp đón tại quảng trường trước dinh tổng thống Palestine, ĐTC chia sẻ: “Tôi biết các bạn đã đau khổ và tiếp tục đau khổ chừng nào vì các giao dộng đã gây tang thương cho vùng đất này từ bao thập niên qua… Các bạn đừng để cho các mất mát sự sống và các tàn phá, mà các bạn đã chứng kiến, khơi dậy các cay đắng hay thù hận trong lòng. Hãy can đảm chống lại mọi cám dỗ sử dụng bạo lực hay khủng bố phá hoại. Trái lại, hãy làm sao để cho tất cả những gì các bạn kinh nghiệm, canh tân sự quyết tâm xây dựng hòa bình. Hãy làm sao để nó làm cho các bạn tràn đầy ước mong sâu thẳm cống hiến phần đóng góp lâu dài cho tương lai của đất Palestina, để nó có thể có một chỗ đứng đúng đắn trong bối cảnh thế giới”.

12. Giảng Thánh lễ tại quảng trường Máng Cỏ Bethlehem, cách dinh tổng thống 2.5 cây số, ĐTC nhắc lại lời “Đừng sợ hãi” mà thiên thần nói với các mục đồng: “Đừng sợ hãi!... Anh chị em hãy là các chứng nhân của quyền năng sự sống, sự sống mới mà Chúa Kitô phục sinh trao ban, sự sống có thể soi sáng và biến đổi cả bóng tối và các tình trạng tuyệt vọng của con người. Đất nước của anh chị em không chỉ cần có cơ cấu kinh tế mới và các cơ sở thiêng liêng hạ tầng mới mà thôi, nhưng quan trọng nhất là khả năng thu hút năng lực của các người thiện chí phục vụ giáo dục, phát triển và thăng tiến thiện ích chung. Anh chị em có khả thể xây dựng nền văn minh hòa bình và tôn trọng lẫn nhau, và bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái anh chị em. Nhiệm vụ cao qúy này đang chờ đợi anh chị em. Đừng sợ”.

13. Chia sẻ với dân chúng trong trại ti nạn Aida cách Bethlehem 2 cây số, ĐTC cảm nhận nỗi đau khổ của dân tị nạn cũng như của toàn dân Palestine, hỗ trợ mong ước của họ được sống trong một quốc gia an bình. ĐTC khẳng định rằng giải pháp dài hạn cho cuộc xung đột giữa người Palestine và Israel chỉ có thể là giải pháp chính trị. Không ai nghĩ rằng người Palestine và Israel tự mình có thể đạt tới giải pháp đó, vì thế sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế là điều tối quan trọng: “Tôi tái kêu gọi tất cả các phe liên hệ hãy dùng ảnh hưởng của mình để giúp đạt tới một giải pháp chính đáng và lâu bền, tôn trọng những yêu cầu hợp pháp của mọi phía, và phù hợp với công pháp quốc tế”.

14. Ngỏ lời trong lễ nghi từ biệt diễn ra trong sân của dinh tổng thống Palestine, ĐTC phát biểu: “Cần phải lấy đi các bức tường mà chúng ta xây lên chung quanh con tim chúng ta, phải lấy đi các hàng rào mà chúng ta dựng lên chống lại tha nhân. Vì thế… tôi muốn lập lại lời kêu gọi cởi mở và quảng đại tâm trí, chấm dứt sự bất khoan nhượng và loại trừ. Cho dù cuộc xung đột xem ra không có lối thoát và sâu đậm, cũng luôn luôn có các lý do để hy vọng rằng có thể giải quyết được nó, và các nỗ lực kiên trì của những người hoạt động cho hòa bình và hòa giãi sẽ đem lại hoa trái”.

15. Trong Thánh lễ tại hý trường thiên nhiên cánh đồng Núi Vực Thẳm, nơi Chúa Giêsu đã trừ quỉ, ĐTC nêu bật tấm gương của Thánh Gia Nazareth như một điều hết sức cần thiết cho xã hội ngày nay: “Gia đình dựa trên sự chung thủy trọn đời của một người nam và một người nữ, được thánh hóa bằng giao ước hôn nhân... Những người nam nữ thời nay cần phải tái lãnh hội chân lý căn bản này dường nào, một chân lý làm nền tảng cho xã hội và chứng tá của các đôi vợ chồng quan trọng dường nào đối với việc huấn luyện lương tâm con người và kiến tạo một nền văn minh tình thương…”.

16. Và ĐTC nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc “kiến tạo một môi trường trong đó trẻ em học yêu thương và chăm sóc tha nhân, sống lương thiện và tôn trọng mọi người, thực hành các đức tính từ bi và tha thứ”.

17. Gặp gỡ các vị lãnh đạo Kitô tại Tòa Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp ở Jerusalem, ĐTC mời gọi: “Chúng ta phải tìm được sức mạnh để gia tăng gấp đôi những cố gắng để kiện toàn sự hiệp thông của chúng ta, làm cho sự hiệp thông ấy được trọn vẹn, để cùng làm chứng về tình yêu của Chúa Cha, Đấng đã sai Con của Ngài đến để thế gian nhận biết tình thương của ngài đối với chúng ta” (Ga 17,23).

18. Tại Mộ Thánh là nơi Chúa Giêsu chịu đóng đanh, an táng và sống lại, ĐTC quì cạnh quan tài đá và hôn phiến đá phủ trên đó, và cầu nguyện trong thinh lặng. Sau đó, ĐTC nói: “Không bao giờ được ngưng trở thành người can đảm công bố sứ điệp hy vọng rạng ngời mà chính ngôi mộ trống ở đây công bố. Tin Mừng trấn an chúng ta rằng Thiên Chúa có thể đổi mới mọi sự, và lịch sử không cần phải lập lại, các ký ức có thể chữa lành, và những hoa trái cay đắng của sự oán hận và đố kỵ có thể được vượt thắng, và một tương lai công lý, hòa bình, thịnh vượng, cộng tác với nhau, có thể nảy sinh cho mỗi người nam nữ, cho toàn thể gia đình nhân loại…”.

19. Bước sang Tòa Thượng Phụ Arméni Tông Truyền chỉ cách đó 400 mét, ĐTC mời gọi: “Xin anh chị em cũng hãy cùng tôi cầu nguyện cho tất cả các tín hữu Kitô tại Thánh Địa biết cộng tác với nhau trong tinh thần quảng đại và nhiệt thành rao giảng Tin Mừng về sự hòa giải chúng ta trong Chúa Kitô, và cho Nước Chúa hiển trị, nước thánh thiện, công lý và an bình”.

20. Tại phi trường Ben Gourion, trước khi lên phi cơ trở về Rôma, ĐTC kêu gọi: “Xin đừng đổ máu nữa! Xin đừng đánh nhau nữa! Đừng khủng bố nữa! Đừng chiến tranh nữa! Trái lại chúng ta hãy phá vỡ cái vòng bạo lực lẩn quẩn, hãy để cho hòa bình hiển trị lâu dài dựa trên công lý, hãy thực hiện sự hòa giải chân thành và chữa lành”.

ĐTC đã về tới Rôma bằng an, kết thúc tốt đẹp cuộc hành hương Đất Thánh tại Jordan, Israel và Palestine, từ ngày 8 tới 15 tháng 5 năm 2009.

Giuse Đặng Văn Kiếm

Nguồn Vietcatholic.net


Về Trang Mục Lục