TÂM TÌNH CỦA NHỮNG NGUỜI CON GIÁO PHẬN

NHÂN KỶ NIỆM SINH NHẬT 100 CỦA ĐỨC CHA MICAE NGUYỄN KHẮC NGỮ:

75 NĂM LINH MỤC & 50 NĂM GIÁM MỤC

TRI ÂN VÀ CHÚC MỪNG

CỦA LỚP KHAI PHÁ 1964

***

Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa
và tri ân Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ,
Giám Mục tiên khởi của Giáo Phận Long Xuyên.
Chúng con lớp Khai Phá - 1964
Kính chúc Đức Cha Micae:
Hồng Ân Thần Khí Như Đại Thụ
Bóng Cả Cây Cao Tựa Mây Ngàn
Nhân dịp Giáo Phận Long Xuyên mừng:

• Đại Thọ 100 tuổi
• Ngọc Khánh Linh Mục (75 năm)
• Kim Khánh Giám Mục (50 năm)

của Đức Cha khả kính, ngày 14 tháng 5 năm 2009
tại Nhà Thờ Chánh Tòa Long Xuyên, Việt Nam

 

TRIẾT LÝ TAO-MÀY

Trích trong Kỷ Yếu “Viết Về Cha”, trang 91, 92, 93 - phát hành ngày 14 tháng 5 năm 2009 tại Nhà Thờ Chánh Tòa Long Xuyên, dịp mừng Đại Thọ 100 tuổi, 75 năm Linh Mục, 50 năm Giám Mục của Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ, Giám Mục tiên khởi của Giáo Phận Long Xuyên. Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ

Ở trong các tiểu chủng viện Long Xuyên ngày xưa – ngày xưa nghĩa là vào những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước – có những điều chủng sinh được dậy phải tuân giữ mà không hiểu, hoặc không hiểu rõ lắm vì không được cắt nghĩa chính thức hoặc không được cắt nghĩa đầy đủ, chẳng hạn như luật ‘không được chơi riêng’. Mười ba mười bốn tuổi đầu, tôi không thể hiểu tại sao lại ‘nunquam duo et semper tres’? Mãi về sau lớn lên mới biết là luật này đựợc áp dụng để tránh hiện tượng ‘trồng cây kiểng’ làm tâm lý mất quân bình. Thì ra thế. Nhưng có những luật cấm rất hiển nhiên không cần phải cắt nghĩa dài dòng cũng hiểu được, chẳng hạn luật cấm không được xưng hô mày-tao với nhau mà các đấng bề trên hay nói bằng tiếng Tây cho oai là ‘ne tutoyes pas’. Xưng mày tao với nhau mà vô tình bị cha giám luật Nguyễn Toàn Thư hay cha Giám luật Nguyễn Văn Định nghe được thì thế nào điểm hạnh kiểm tháng ấy cũng từ BB xuống BC hoặc từ SB xuống SC (còn cha quản lý Nguyễn Quốc Vận hoặc cha linh hướng Vũ Sửu nghe được thì cũng… không sao). Luật cấm tutoyer được áp dụng nghiêm chỉnh như thế mà lại có một đấng bề trên của các bề trên hay xử dụng mới… là điều lạ. Tôi nhớ vào khoảng đầu năm 1980, tôi tạm trú ở nhà anh Trương Văn Trang, căn nhà bên bờ sông, cạnh tòa giám mục cũ để chờ ngày vượt biên. Lúc ấy Đức cha Micae bệnh nhiều lắm, không biết vì bao tử bị đầy hơi hay phổi bị thiếu khí mà Ngài bị nấc cục cả ngàn cái mỗi ngày. Thấy Ngài đau ốm và tiều tụy, ai cũng nghĩ Ngài sẽ khó mà sống lâu được dưới những áp lực của thời đại mới. Đợi cả mấy tuần lễ trong nhà của Trang mà vẫn chưa có ghe đi vượt biên, tôi chán quá nên đánh bạo sang nhà thờ chính tòa để khiêng gạch giúp các ông thợ ‘xây kim tĩnh’ cho Đức Cha Micae dưới sự chỉ đạo của cha sở nhà thờ chánh tòa. Cha Mỹ dặn kỹ các ông thợ xây phải đóng cửa nhà thờ cẩn thận khi làm việc, đừng để cho… Ngài biết. Thế mà không hiểu sao một buổi chiều, Đức Cha Micae lần mò được vào trong nhà thờ: - Chúng mày làm cái gì ở đây thế? Các ông thợ xây nhìn nhau giả lơ như không nghe. Mãi sau mới có một ông ỡm ờ, chống chế quanh: -Thưa Đức Cha chúng con chỉ đào đất theo lệnh của cha Mỹ thôi ạ. Cũng không biết để làm gì… Nghe thế, Đức Cha Micae tỉnh queo: -Thôi. Tao biết rồi. Chúng mày đào lỗ xây mộ để chôn tao chứ gì. Nhưng tao chưa chết đâu mà chôn. Nói vậy rồi Ngài mỉm cười và từ từ lui bước. Độc đáo chưa, cái TAO của một vị Giám Mục đấy. Một cái TAO thân tình làm cho người nghe thương mến Ngài hơn, một cái TAO bình dị làm cho người nghe gần gũi với Ngài hơn, một cái TAO khôi hài làm cho người nghe nhớ Ngài (có lẽ) suốt đời, và một cái TAO duyên dáng làm cho người nghe sảng khoái và bình an.

Phải chăng “Ngài là vị Giám Mục, nhưng không phải lúc nào cũng xưng mình là chủ chăn cao siêu, nhưng đã hạ mình xưng “tao” để sống giữa những con người tầm thường ít học, xưng “tao” để bắt chước Thiên Chúa làm một Emmanuel khác trong vùng đất đa số dân là Phật Giáo Hòa Hảo hoặc còn ngoại đạo, xưng “tao” để thực thi danh hiệu “Christus in Vobis” Ngài đã chọn cho những người nông dân hiền hòa chất phát miền sông nước Cửu Long…”. Một lần khác, vào năm 1974 thì phải, tôi lên phòng Đức Cha để thăm và chào biệt Ngài trước khi về chủng viện. Gặp Ngài, tôi vừa thích lại vừa sợ. Thích vì ai gặp Ngài mà chả thích. Còn sợ vì tóc tôi dài, dài lắm nên cha giáo Nguyễn Ngọc Thử mới gặp tôi ở ngõ vào Tòa Giám Mục đã cảnh cáo một cách vui vẻ: “Hê, ông thầy tóc dài nhứt địa phận…”. Vậy mà gặp Đức Cha, Ngài chẳng nhìn vào đầu tóc tôi gì cả: -Vào đây cho tao hỏi truyện một tí. Chúng mày ở trên Đà Lạt làm gì mà um xùm quá vậy? Đại hội Lửa Hồng với Lửa Đỏ là cái gì? Được mấy đứa mà tao nghe các cha giáo nói là đông lắm. Đại hội cho con trai hay con gái? Ông Huynh làm đầu phải không? Liệu mà tu trì cho đàng hoàng… Tôi nhớ hôm ấy Ngài nói nhiều lắm. Còn tôi thì chỉ nghe. Nói rồi, Ngài mỉm cười rất dễ thương và bắt đầu đi tìm cái chìa khóa ngăn kéo. Tôi đoán ngay điều cha Nguyễn Hữu Duy kể cho tôi sắp sửa xẩy ra: “Ngài la mắng một tí rồi thế nào cũng cho tiền đấy”. Và đã xẩy ra đúng y như vậy. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối Ngài cho tôi tiền: Tao cho tiền đi đường. Mày ráng tu cho tốt nghe chưa. Thằng Đại, thằng Hùng, thằng Tại ra cả rồi. Tao buốn lắm. Lại TAO. Tôi nghe mà cảm động quá. Ngài là mục tử nhân lành của tôi hay là một đại ca hào phóng của tôi đây? Có lẽ cả hai.

Thật vậy, cái TAO của Đức Cha Micae dễ thương quá, nhưng không phải ai cũng làm được, không phải ai cũng bắt chước được. Hình như chỉ có cha giáo Nguyễn Hữu Tiến và cha giáo Giặc Thịnh là làm như Ngài được một phần mà thôi. Còn cha giáo Nguyễn Văn Việt và cha giáo Nguyễn Thượng Uyển (sau những ngày ở tù ra) có hòa đồng lắm thì cũng chỉ dám xưng mình là TỚ là cùng thôi. Sau này, một số thầy đi giúp xứ cũng học mốt Đức Cha Micae xưng mình với đám đệ tử là TAO. Có khi nghe cũng được nếu đám đệ tử ấy là những thanh niên chịu chơi xứ Cù Lao Giêng. Còn nếu như đám đệ tử ấy là Con Cái Đức Mẹ xứ Kênh 5 hoặc ca đoàn xứ Rạch Giá thì nghe không có duyên cho lắm. Vậy phải chăng cái TAO là độc quyền cầu chứng của Đức Cha Micae? Chắn chắn là không? Cái TAO là của chung của mọi người. Thế nhưng không phải ai cũng nói được, ai cũng xưng được. Tại sao vậy? Tại vì có nhiều cái TAO. Cái TAO của Jean Paul Sartre thì dễ ghét. Còn cái TAO của Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ thì thật dễ thương. Dễ thương vì trong cái TAO của Ngài có cái TÂM, trong cái TAO của Ngài có cái TÌNH, và có lẽ trong cái TAO của Ngài có cả cái THÁNH nữa. Những ai đã từng nghe được cái TAO của Đức Cha Micae thử nghiệm lại xem điều tôi suy có đúng không? Nếu đúng thì hãy bảo cho những ai chưa từng nghe cái TAO ấy: hãy thử đến với Ngài mà xem. Cái TAO cuối cùng tôi nhận từ Đức Cha Micae là vài ngày trước khi vượt biên. Ngài chúc lành cho tôi rồi bảo: “Đi ra nước ngoài được thì tốt, nhưng liệu mà giữ linh hồn. TAO không chịu trách nhiệm đâu”. Cảm ơn Đức Cha. Con vẫn giữ lời Ngài dậy cho đến hôm nay. Linh hồn con vẫn còn đây mặc dù có nhiều bụi đời phủ lấp. Linh hồn con vẫn còn đây dù có những lúc thật tội lỗi. Linh hồn con vẫn còn đây vì có lẽ nó có duyên với CÁI TAO của Ngài.

J. Vu Cali 03/08/2009

 


Về Trang Mục Lục