Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại Monte Cassinô

 

Tuy rằng tại Vatican, lễ Chúa Giêsu lên trời đã được cử hành vào thứ năm vừa rồi, nhưng tại Italia bởi vì hôm đó không phải là lễ nghỉ dân sự cho nên Hội đồng Giám mục nước này đã dời sang chúa nhựt hôm qua, cũng như tại nhiều nơi trên thế giới. Đức Thánh Cha lại có dịp mừng lễ một lần nữa cùng với cộng đoàn Dân Chúa ở Cassinô, một thị trấn cách Rôma 130 cây số về mạn nam, nổi tiếng về đan viện do thánh Bênêđictô (cũng phiên âm là Biển đức) sáng lập vào khoảng năm 500. Đan viện này mang quy chế một đan viện biệt hạt, nghĩa là một đơn vị hành chánh tương đương với gíao phận, với diện tích 567 cây số vuông, dân số là 78.900 tín hữu, được phân phối trong 53 giáo xứ, do 40 linh mục triều và 34 linh mục dòng phụ trách.

 Chuyến viếng thăm hôm qua được đặt dưới khẩu hiệu: “đức giáo hoàng mang danh hiệu Bênêđictô viếng thăm quê hương thánh Bênêđictô”. Đức đương kim giáo hoàng đã hơn một lần giải thích lý do của việc chọn lựa danh hiệu Bênêđictô: bởi vì cảm thấy gắn bó với vị thánh tổ phụ đời đan tu bên Tây phương. Chỉ cần ghi lại vài kỷ niệm gần nhất. Vào ngày 1/4/2005, nghĩa là hôm trước khi vị tiền nhiệm băng hà, đức hồng y Ratzinger đã đọc một bài thuyết trình tại Subiaco, đan viện tiên khởi của thánh Bênêđictô, về bài học của vị thánh này đối với việc kiến tạo châu Âu ngày nay. Bốn tháng trước đó, ngài đã đến Monte Cassino để dâng thánh lễ cho các thành viên Hàn lâm viện Khoa Học của Toà Thánh.

Cuộc viếng thăm ngày hôm qua được chia làm hai phần. Vào buổi sáng, ngài đã chủ sự thánh lễ đồng tế cùng với 27 giám mục trong miền Lazio dành cho cộng đoàn Dân Chúa tại quảng trường Campo Miranda, từ nay được đổi tên là quảng trường Bênêđictô XVI. Vào ban chiều, ngài đã gặp gỡ các viện phụ và viện mẫu của dòng Biển đức trên toàn thế giới trong khuôn khổ Kinh Chiều. Bài tường thuật hôm nay chỉ giới hạn vào sinh hoạt ban sáng, còn sinh hoạt ban chiều được dành cho buổi phát ngày mai.

 Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Ý, nhưng các bài hát phần thường lễ bằng tiếng latinh vì lý do dễ hiểu: các cha dòng Biển đức nổi tiếng về bình ca grêgôrianô. Bài giảng thánh lễ gồm hai tư tưởng chính: thứ nhất chú trọng vào lễ Chúa Lên Trời, thứ hai về linh đạo thánh Biển đức.

Khi tuyên xưng Đức Giêsu lên trời, chúng ta không hiểu về một chuyển động không gian kiểu như du hành lên không trung, nhưng cần hiểu như là một tác động của Thiên Chúa đưa đức Giêsu vào cõi thiên giới. Ở đây “trời” không ám chỉ một chỗ nào ở trên cung trăng hay các tinh tú, nhưng ám chỉ một điều cao siêu hơn nhiều. Trong mầu nhiệm Đức Giêsu lên trời, phụng vụ tuyên xưng rằng nhân tính của Người được liên kết mãi mãi với Thiên Chúa. Mầu nhiệm này mang lại cho ta một niềm hoan hỉ vô tận, giống như các môn đệ tại Giêrusalem, bởi vì chúng ta biết rằng Chúa Giêsu không tách biệt khỏi chúng ta, nhưng Người hiện diện giữa chúng ta dưới một hình thức mới, trong quyền năng của Thánh Linh, trong lời giảng và chứng tá của các môn đệ. Hội thánh được thiết lập không phải để thay thế cho sự vắng mặt của Chúa, nhưng để tuyên xưng sự hiện diện năng động và vinh hiển của Chúa trên trần thế. Vai trò của Hội thánh, như thánh Phaolô nhắc lại trong thư các tín hữu Êphêsô, là tăng cường lòng gắn bó với Chúa Giêsu và mang những đặc sủng đã lãnh nhận để xây dựng sự hợp nhất của Thân Thể của Người.

Trong phần thứ hai của bài giảng, đức thánh cha đã giải thích tính cách thiết thực của linh đạo của thánh Biển đức: ora et labora et lege: cầu nguyện, làm việc và học hỏi. Việc cầu nguyện, bao gồm cả việc suy niệm Lời Chúa, đưa chúng ta kết hiệp với Thiên Chúa, mang lại bình an cho tâm hồn giữa những sóng gió của cuộc đời. Lao động bao hàm cả sự liên đới với những công nhân đang gặp những khó khăn trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Sự học tập không chỉ giới hạn vào việc trau giồi kiến thức, nhưng còn vươn lên đến việc tìm kiếm Thiên Chúa, đến những chân trời của vô biên, động lực của sự phát triển văn minh châu Âu.

Một đặc trưng nữa của tinh thần thánh Biển đức là bình an (hay hoà bình) được bổ túc trong bài huấn dụ trước khi xướng kinh kính Đức Mẹ kết thúc Thánh Lễ. Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến. Mỗi lần cử hành Thánh lễ, chúng ta nghe thấy vọng lên những lời Chúa Giêsu trối lại cho các môn đệ như một món quà quý báu tại nhà Tiệc Ly: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an cho các con (Ga Ga 14,27). Cộng đoàn Kitô giáo và nhân loại đang cần được hưởng nếm sự phong phú và quyền năng của bình an Chúa Kitô biết bao! Thánh Biển đức là một chứng nhân của điều đó, bởi vì Người đã đón nhận nó vào cuộc đời của mình, và đã để cho nó sinh hoa kết quả qua những công tác canh tân văn hoá và tinh thần. Chính vì thế mà ở cổng vào của đan viện MonteCassino và tất cả các đan viện Biển đức, ta thấy khẩu hiệu PAX (bình an). Thực vậy, cộng đoàn đan tu được kêu gọi để sống sự bình an này là một hồng ân tuyệt vời nhất của Chúa Phục sinh. Như anh chị em đã biết, trong cuộc hành hương mới đây sang Thánh điạ, tôi đã muốn làm kẻ lữ hành của bình an, và hôm nay trên manh đất mang dấu của thánh Biển đức, tôi muốn lợi dụng cơ hội này để nhấn mạnh rằng hoà bình tiên vàn là một món quà của Thiên Chúa, và sức mạnh của nó nằm trong lời cầu nguyện.

Tuy nhiên, hoà bình vừa là món quà vừa là nỗ lực của con ngươi. Và nghị lực cần thiết để hoạt động cũng có thể múc lấy từ việc cầu nguyện. Chính vì thế cần phải vun trồng một đời sống cầu nguyện chân thực để bảo đảm cho sự tiến triển của xã hội trong hoà bình. Một lần nữa, lịch sử của đời đan tu dạy cho chúng ta biết rằng sự tiến bộ của nền văn minh được chuẩn bị trong việc lắng nghe Lời Chúa mỗi ngày, điều này thúc đẩy các tín hữu hãy cố gắng về phía cá nhân cũng như cộng đoàn, hãy chống lại mọi hình thức ích kỷ và bất công. Chỉ khi nào, nhờ ơn Chúa Kitô, chúng ta học biết chống cự sự dữ ở trong bản thân mình và trong các mối tương giao với tha nhân, thì ta mới trở thành những kẻ kiến tạo đích thực của hòa bình và tiến bộ xã hội. Nguyện xin Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa bình, giúp đỡ tất cả mọi tín hữu, trong những ơn gọi và hoàn cảnh sinh sống khác nhau, được trở nên những chứng nhân của bình an mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta và đã để lại cho chúng ta như một sứ mạng phải thực hiện khắp nơi.

 Hôm nay ngày 24 tháng năm, kính nhớ Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu, được kính nhớ đặc biệt tại đền thờ Sheshan tại Thượng hải, là ngày cầu nguyện cho Giáo hội Trung quốc. Tâm tư của tôi hướng về các tín hữu công giáo ở Trung quốc, và tôi xin họ trong ngày hôm nay, hãy lặp lại niềm hiệp thông với Chúa Kitô và sự trung thành với đấng Kế vị thánh Phêrô. Ước gì việc chung lời cầu nguyện của chúng ta mang lai sự trút đổ Thánh Linh, ngõ hầu tính đoàn kết giữa các Kitô hữu, tính công giáo và phổ thế của Giáo hội mỗi ngày được đâm sâu và hiển hiện thêm mãi.

Nên biết là lễ kính Đức Mẹ phù hộ các tín hữu được đức giáo hoàng Piô VIII ấn định cử hành tại Rôma vào ngày 24 tháng 5 năm 1814, nhưng được truyền bá mạnh mẽ nhờ thánh Gioan Bosco, và lễ này được mừng tại nhiều quốc gia, trong đó có cả nước Trung quốc từ năm 1924.

Bình Hòa


Về Trang Mục Lục