Huấn dụ của Đức Thánh Cha dành cho Dòng Biển Đức

 

Radio Vatican 25/05/2009 – MONTECASSINO. ĐTC Biển Đức 16 khích lệ các Đan sĩ nam nữ dòng Biển Đức tiếp tục trung thành với ơn gọi nguyên thủy và giải thích chính thức về sứ mạng của thánh Tổ Phụ.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi hát kinh chiều trọng thể chúa nhật 24-5-2009 trong dịp viếng thăm Đan viện Biển Đức Montecassino, cách Roma lối 150 cây số.

Hiện diện tại buổi hát kinh chiều ở thánh đường Đan viện có 500 viện phụ, viện mẫu, các bề trên và các đan sĩ Biển Đức đến từ nhiều nước. Đặc biệt cũng có 6 HY và một số GM, cùng với các tín hữu.

 Trong bài giảng sau bài đọc ngắn, ĐTC nhắc đến sự kiện Đan viện Montecassino 4 lần bị tàn phá nhưng đã được tái thiết, giống như cây sồi cổ thụ vẫn xanh tươi. Lần chót Đan viện bị tàn phá bình địa cách đây 65 năm trong thời thế chiến thứ hai, nhưng đã tái sinh, vững mạnh hơn. Ngài nói: “Hơn một lần tôi đã được hưởng lòng hiếu khách của các đan sĩ và trong Đan viện này tôi đã trải qua những giờ phút yên tĩnh và cầu nguyện không thể quên được”.

Sau khi chào thăm các Đan sĩ, đặc biệt là Đức Viện Phụ Pietro Vittorelli, cùng với tất cả các Viện phụ, Viện mẫu và các cộng đồng Biển Đức hiện diện ĐTC nói về tấm gương và sự nghiệp của Thánh Biển Đức, đồng thời nhắc nhở các Đan sĩ nam nữ Biển Đức ngày nay tiếp tục trung thành với linh đạo nguyên thủy của thánh Tổ Phụ, và giúp con người ngày nay tìm kiếm Thiên Chúa.

Thánh Biển Đức và mầu nhiệm Chúa lên trời

“Hôm nay, phụng vụ mời gọi chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa lên trời. Trong bài đọc ngắn trích từ thư thứ I của Thánh Phêrô, chúng ta được nhắn nhủ hãy ngắm nhìn Đấng Cứu chuộc chúng ta, Chúa đã chết một lần cho tất cả vì tội lỗi để dẫn đưa chúng ta về cùng Thiên Chúa, và nay Ngài đang ngự bên hữu Thiên Chúa, “sau khi lên trời và được chủ quyền trên các thiên thần, vương thần và quyền thần” (1 Pr 3,18.22). “Được cất lên cao” và trở nên vô hình trước mắt các môn đệ, nhưng Chúa Giêsu không bỏ rơi họ: thực vậy, 'Ngài chết trong thân xác, nhưng sống trong tinh thần” (1 Pr 3,18), giờ đây Ngài hiện diện một cách mới mẻ, trong nội tâm các tín hữu, và nơi Ngài, ơn cứu độ được ban cho mọi người không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa. Thư thứ I của thánh Phêrô chứa đựng những tham chiếu rõ ràng về các biến cố Kitô học cơ bản trong đời sống Kitô. Quan tâm của Thánh Tông Đồ là làm nổi bật chiều kích phổ quát của ơn cứu độ trong Chúa Kitô. Chúng ta cũng thấy điểm tương tự trong thánh Phaolô mà chúng ta đang kỷ niệm 2 ngàn năm sinh nhật của Người. Thánh nhân đã viết cho cộng đoàn Corintô rằng: “Chúa Kitô đã chết cho tất cả mọi người, để những người sống không còn sống cho mình nữa, nhưng cho Đấng đã chết và sống lại cho họ” (2 Cr 5,15).

“Không còn sống cho mình nữa, nhưng cho Chúa Kitô: đó chính là điều mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống của những ai để cho Chúa chinh phục. Cuộc sống nhân bản và tinh thần của thánh Biển Đức biểu lộ rõ ràng điều đó. Sau khi từ bỏ mọi sự, thánh nhân đã trung thành theo Chúa Giêsu. Người thể hiện Tin Mừng trong cuộc sống của mình, và khởi xướng một phong trào rộng lớn làm tái sinh tinh thần và văn hóa tại Tây Phương. Ở đây tôi muốn nhắc đến một biến cố ngoại thường trong cuộc sống của thánh nhân mà thánh Gregorio Cả, người viết tiểu sử thánh Biển Đức đã nói tới và chắc chắn anh chị em đã biết rõ. Hầu như người ta có thể nói rằng cả thánh Tổ Phụ Biển Đức cũng đã được “cất lên cao” trong một kinh nghiệm thần bí khôn tả. Tiểu sử thánh nhân còn ghi lại: đêm 29 tháng 10 năm 540, trong lúc nhìn qua cửa sổ, ngắm nhìn các vì sao, Người chìm đắm trong chiêm niệm thần linh, và cảm thấy tâm hồn nồng cháy... Đối với Người, bầu trời đầy sao kia giống như một bức màn thêu che Gian Cực Thánh. Rồi một lúc nào đó tâm hồn Người cảm thấy được đưa qua phía bên kia của bức màn, để chiêm ngưỡng nhãn tiền tôn nhan Đấng ở trong ánh sáng không thể lui tới được” (Xc A.I Schuster, Tiểu sử thánh Biển Đức và thời đại của ngài, Ed. Abbazia di Viboldone, Milano, 1965, p.11 e ss). Hẳn thật, tương tự như đã xảy ra với thánh Phaolô sau khi được cất đưa lên trời, đối với Thánh Biển đức, sau kinh nghiệm thiêng liêng ngoại thường ấy, đã khởi sự một đời sống mới. Thực vậy, tuy thị kiến chóng qua, nhưng những công hiệu vẫn tồn tại. Các sử gia ghi lại, chính dung mạo của thánh nhân cũng thay đổi, khuôn mặt Người luôn thanh thản và thái độ như thiên thần, tuy vẫn sống trên mặt đất, người ta hiểu rằng tâm hồn của Người đã ở trên thiên đàng.

Ảnh hưởng của Thánh Biển Đức

ĐTC nói tiếp:

“Thánh Biển Đức nhận được thiên ân ấy chắc chắn là không phải để thỏa mãn tính hiếu kỳ trí thức, nhưng đúng hơn, để đoàn sủng mà Chúa ban cho Người có khả năng diễn lại trong đan viện chính cuộc sống trên trời và tái lập sự hòa hợp của thụ tạo nhờ sự chiêm niệm và lao tác. Vì thế, Giáo Hội có lý mà tôn kính Thánh Nhân như “bậc thầy nổi bật về đời sống đan tu” và là “tiến sĩ linh đạo khôn ngoan yêu mến cầu nguyện và lao tác”, “là vị hướng đạo rạng ngời đưa các dân tộc đến ánh sáng Tin Mừng” được nâng lên trời qua một con đường sáng ngời, dạy cho con người thuộc mọi thời đại tìm kiếm Thiên Chúa và những sự phong phú trường cửu đã được Chúa chuẩn bị” (Xc kinh tiền tụng lễ kính Thánh nhân trong phụ trương đan tu cho Sách Lễ Roma, 1980, 153).

“Đúng vậy, thánh Biển đức là mẫu gương sáng ngời về sự thánh thiện và Người chỉ dẫn cho các đan sĩ Chúa Kitô là đại lý tưởng duy nhất; Người là vị tôn sư dạy về văn minh, đề nghị một cái nhìn quân bình và thích hợp về những đòi hỏi của Chúa và các mục đích tối hậu của con người, Người luôn nhớ tới những nhu cầu và lý lẽ của con tim, để dạy dỗ và khơi lên tình huynh đệ chân chính và bền bỉ, để trong những quan hệ xã hội phức tạp, con người không quên sự hiệp nhất tinh thần, có khả năng kiến tạo và luôn luôn nuôi dưỡng hòa bình. Không phải tình cờ mà từ Pax, Hòa bình, đón tiếp các tín hữu hành hương và khách viếng thăm ngay tại cửa Đan viện này, một Đan viện được tái thiết sau thảm hại lớn lao trong thế chiến thứ hai; từ Hòa bình được treo lên như một lời âm thầm nhắc nhở hãy loại bỏ mọi hình thức bạo lực để xây dựng hòa bình: trong gia đình, trong các cộng đoàn, giữa các dân tộc và trong toàn thể nhân loại. Thánh Biển Đức mời gọi mỗi người lên núi này hãy tìm kiếm và theo đuổi hòa bình: (inquire pacem et sequere eam, Ps 33,14-15) (Tu luật, Lời tựa, 17).

  Áp dụng những điều trên đây vào sứ mạng của các đan viện Biển Đức, ĐTC nói:

“Theo trường của thánh Biển Đức, qua các thế kỷ, các đan viện đã trở thành những trung tâm hăng say đối thoại, gặp gỡ và liên kết giữa các dân tộc khác nhau, được hiệp nhất nhờ văn hóa Tin Mừng về hòa bình. Các đan sĩ đã biết dạy bằng lời nói và gương lành nghệ thuật hòa bình bằng cách thi hành cụ thể 3 mối liên hệ mà Thánh Biển đức coi là cần thiết để duy trì sự hiệp nhất tinh thần giữa con người với nhau, đó là: Thánh Giá là chính luật của Chúa Kitô; sách vở, nghĩa là văn hóa; và cái cày, chỉ sự lao tác, sự làm chủ trên vật chất và thời gian. Nhờ hoạt động của các đan viện, được phân phối qua qua công tác thường nhật là cầu nguyện, học hỏi và lao tác, toàn thể các dân tộc Âu Châu đã được giải thoát thực sự và được phát triển về luân lý, tinh thần và văn hóa, học hỏi về ý nghĩa sự liên tục với quá khứ, hoạt động cụ thể cho công ích và cởi mở đối với Thiên Chúa và chiều kích siêu việt. Chúng ta hãy cầu nguyện để Âu Châu luôn biết đề cao giá trị gia sản các nguyên tắc và lý tưởng Kitô rất phong phú về văn hóa và tinh thần này.

Nhưng điều ấy chỉ có thể thực hiện được nếu ta đón nhận giáo huấn trường kỳ của Thánh Biển Đức, nghĩa là “Querere Deum”, tìm kiếm Chúa, như một nghĩa vụ cơ bản của con người. Con người không tự thể hiện trọn vẹn bản thân, không thể thực sự hạnh phúc nếu không có Thiên Chúa. Các đan sĩ quí mến, anh chị em có nghĩa vụ đặc biệt trở thành những mẫu gương sống động về quan hệ nội tâm sâu xa này với Chúa, thực hiện trọn vẹn chương trình mà Đấng Sáng lập của Anh chị em đã tóm tắt trong câu “Không đặt điều gì trên tình yêu Chúa Kitô” (Tu Luật 4,21). Trong câu này nói lên nòng cốt sự thánh thiện, được đề nghị cho mỗi Kitô hữu, hơn bao giờ hết trong thời đại chúng ta ngày nay, trong đó chúng ta thấy cần phải đặt cuộc sống và lịch sử theo những tham chiếu tinh thần vững chắc. Vì thế, anh chị em thân mến, ơn gọi của anh chị em có tính chất thời sự hơn bao giờ hết và sứ mạng đan sĩ của anh chị em là điều không thể thiếu được.

Sứ mạng của các Đan sĩ

“Từ nơi này, có hài cốt của Người, Thánh Bổn Mạng Âu Châu tiếp tục mời gọi tất cả mọi người hãy tiếp tục công cuộc truyền giảng Tin Mừng và thăng tiến con người mà ngài đã thực hiện. Các đan sĩ thân mến, Thánh nhân khích lệ trước tiên anh chị em hãy trung thành với tinh thần nguyên thủy và là những người giải thích chính thức chương trình tái sinh về tinh thần và xã hội do Người đề ra. Xin Chúa ban ơn này cho anh chị em, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Sáng lập, của Thánh Scolastica em Thánh nhân, và tất cả các thánh nam nữ của dòng. Và Thiên Mẫu của Chúa, mà hôm nay chúng ta cầu khẩn là Đấng Phù Trợ các tín hữu Kitô, canh giữ anh chị em và bảo vệ Đan viện này cũng như tất cả các đan viện của anh chị và cộng đồng giáo phận sống quanh Montecassino này. Amen.

Vào cuối kinh chiều, ĐTC còn đến thắp ngọn đèn và xông hương trên mộ thánh Biển Đức và thánh Scolastica ở dưới bàn thờ chính, cũng như cầu nguyện ít phút trong thinh lặng tại đây.

 Rời Thánh đường Đan viện, ĐTC đến viếng nghĩa trang quân đội Ba Lan nơi an táng hàng ngàn binh sĩ Ba Lan, Đức và Đồng Minh tử trận trong thế chiến thứ hai. Tại đây, ngài đã đọc một kinh nguyện cầu nguyện cho tất cả các binh sĩ quá cố đồng thời cầu xin Chúa ban ơn hòa bình cho toàn nhân loại. Sau đó, vào lúc quá 6 giờ rưỡi chiều, ĐTC đã đáp trực thăng trở về Vatican.

G. Trần Đức Anh OP

 


Về Trang Mục Lục