Một xã hội không biết lo lắng cho công ích không thể tiến triển

 

Radio Vatican 27/05/2009 – Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu sáng thứ tư 27-5-2009.

  Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của thánh Teodoro Studita, sống vào thời trung cổ bisantin là thời đại có nhiều giao động trên bình diện chính trị cũng như tôn giáo. Thánh nhân sinh năm 759 trong một gia đình quyền qúy và đạo hạnh: thân mẫu là bà Teoctista và một người bác là Platone, viện phụ đan viện Sakkudion bên Bittinia, cũng được tôn kính như hai vị thánh. Chính ông bác đã hướng Teodoro tới cuộc đời viện tu năm Teodoro lên 22 tuổi. Thầy được Đức Thượng Phụ Tarasio truyền chức linh mục, nhưng sau đó bẻ gẫy sự hiệp thông với người, vì Đức Thượng Phụ tỏ ra qúa nhu nhược đối với vụ hôn nhân ngoại tình của hoàng đế Costantino VI. Năm 796 linh mục Teodoro bị hoàng đế đầy sang Texalonica, nhưng năm sau dưới thời hoàng hậu Irene cha hòa giải với triều đình. Cha cùng với viện phụ Platone và đa số các đan sĩ bỏ tu viện Sakkudion di chuyển về sống trong tu viện Studios, để tránh các vụ tấn kích của người hồi Saraceni.

Linh mục Teodoro trở thành người lãmh đạo những người chống lại khuynh hướng bài các ảnh tượng của vua Leone V người Armeni. Vụ các đan sĩ tổ chức rước kiệu các ảnh tượng đã khiến cho cảnh sát phản ứng. Giữa các năm 815-821 cha Teodoro bị đánh đòn, tống ngục và đầy sang nhiều vùng khác nhau bên Tiểu Á. Sau cùng khi được trở về Constantinopoli nhưng không được sống trong đan viện cũ, Teodoro và một số các đan sĩ khác tới định cư tại Bosforo, và người qua đời tại Prinkipo ngày 11 tháng 11 năm 826. Đức Thánh Cha đã ca ngợi công đức của thánh Teodoro như sau:

Teodoro và các tu sĩ của cha là các chứng nhân can đảm trong các thời xảy ra các cuộc bách hại các ảnh tượng. Tên tuổi các vị được gắn liền với việc cải cách cuộc đời đan tu trong thế giới Bisantin. Tầm quan trọng của các vị được biểu lộ ra ngay trong sự kiện bề ngoài là con số các đan sĩ: bình thường các đan viện thời đó chỉ có khoảng 30-40 đan sĩ, nhưng sách “Cuộc đời của Teodoro” cho chúng ta biết có tới một ngàn đan sĩ studiti. Chính thánh Teodoro cho chúng ta biết đan viện của ngài có khoảng 300 đan sĩ. Nhưng hơn là con số, ảnh hưởng lớn là tinh thần mà thánh Teodoro đã để lại cho cuộc đời đan tu. Trong các bút tích của mình thánh nhân nhấn mạnh việc cấp thiết trở về với giáo huấn của các Giáo Phụ, nhất là các giáo huấn của thánh Basileo, nhà làm luật đầu tiên của đời đan tu và thánh Doroteo thành Gaza, người cha linh hướng nổi tiếng của sa mạc Palestine. Phần đóng góp đặc thù của thánh Teodoro là sự cần thiết của trật tự và sự vâng phục của các đan sĩ. Trong thời bách hại các đan sĩ bị phân tán và quen sống theo ý riêng của mình. Nhưng giờ đây được sống đoàn tụ với nhau, thì mọi người phải dấn thân để cho cuộc sống đan viện trở thành cuộc sống của một gia đình đích thật, một “Thân Mình đích thật của Chúa Kitô” như thánh Teosoro quen nói, trong đó thực tại của Giáo Hội được hiện thực.

Thánh Teodoro còn có một xác tín khác nữa: đó là các đan sĩ phải dấn thân tuân giữ các bổn phận kitô với sự nhặt nhiệm và cường độ lớn hơn là tín hữu sống ngoài đời. Vì thế các đan sĩ phải có lời tuyên khấn đặc biệt giống như một bí tích “rửa tội mới”, với nghi thức mặc áo dòng và mang biểu hiệu. Việc sống ba lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời cũng khiến cho các đan sĩ khác với giáo dân. Chỉ có các đan sĩ mới noi gương Chúa Kitô từ chối chiếm hữu của cải vật chất, chọn sống thái độ tự do, thanh bần và đơn sơ trong hình thái triệt để. Nhưng tinh thần từ bỏ là tinh thần sống của mọi kitô hữu. Thật thế, chúng ta tất cả không được tùy thuộc của cải vật chất, trái lại phải tập sống từ bỏ, đơn sơ, khổ hạnh và thanh bần. Chỉ như thế một xã hội liên đới mới có thể lớn lên và mới có thể vượt thắng được vấn đề nghèo đói của thế giới này. Do đó cuộc sống từ bỏ tuyệt đối của các đan sĩ cũng là một con đường cho tất cả chúng ta ngày nay. Khi trình bầy các cám dỗ chống lại đức khiết tịnh, thánh Teodoro không dấu diếm các kinh nghiệm riêng của mình, và chứng minh cho thấy con đường chiến đấu nội tâm giúp chế ngự chính mình và tôn trọng thân xác của riêng mình cũng như của người khác là đền thờ của Thiên Chúa.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói về đức vâng lời của các đan sĩ trong đời sống cộng đoàn, mà thánh Teodoro gọi là “cuộc tử đạo của sự vâng phục”. Gương sống của các đan sĩ cho chúng ta thấy sau tội nguyên tổ, con người có khuynh hướng làm theo ý riêng mình. Nhưng nếu mỗi người chỉ theo ý riêng mình thì xã hội không hoạt động được. Chỉ khi nào người ta tập hội nhập vào sự tự do chung, chia sẻ và tùng phục nó, tập sống hợp pháp, nghĩa là tuân hành các luật lệ của thiện ích và cuộc sống chung, mới có thể chữa lành xã hội và cái “tôi” khỏi tính kiêu căng coi mình là trung tâm thế giới. Các đan sĩ giúp chúng ta hiểu cuộc sống đích thật, chống lại cám dỗ coi ý muốn của mình là luật lệ tối cao và duy trì căn tính bản vị đích thật (luôn là một căn tính cùng với tha nhân) và sự an bình của con tim.

Đề cập tới tầm quan trọng của tình yêu đối với lao động tay chân Đức Thánh Cha nói: Đối với Teodoro Studita có một nhân đức quan trọng ngang hàng với đức vâng lời và đức khiêm nhường: đó là “philergia” tình yêu đối với công việc làm, qua đó thánh nhân trông thấy một tiêu chuẩn giúp lượng định phẩm chất của lòng đạo đức cá nhân: ai sốt sắng trong các dấn thân vật chất, kiên trì làm việc thì cũng sốt sắng trong các công việc thiêng liêng. Do đó thánh nhân không chấp nhận viện cớ cầu nguyện, chiệm niệm vị đan sĩ tự miễn cho mình công việc tay chân, mà theo ngài và truyền thống đan tu nó là phương thế tìm gặp Chúa. Thánh Teodoro không sợ phải nói đến việc làm tay chân như là “hiến lễ của đan sĩ”, “phụng vụ của đan sĩ”, còn hơn thế nữa là một loại Thánh Lễ, qua đó đời đan tu trở thành cuộc sống thiên thần. Chính nhờ thế mà thế giới lao động được nhân bản hóa, và qua công việc làm con người trở thành chính mình hơn, và gần Thiên Chúa hơn. Chính vì là hoa trái của “phụng vụ” nên các giàu có phát xuất từ công việc chung không được phục vụ cuộc sống tiện nghi của các đan sĩ, mà phải được dùng để trợ giúp người nghèo. Nghĩa là nó là một thiện ích cho tất cả mọi người. Các đan sĩ Studiti cũng góp phần phát triển tôn giáo văn hóa của nền văn minh bisantin nữa qua việc sao chép các văn bản, hội họa, sáng tác thơ văn, giáo dục người trẻ, dậy dỗ trong các trường học và coi các thư viện.

Thánh nhân cũng làm linh hướng cho các đan sĩ và lắng nghe họ mỗi chiều. Ngài cũng cố vấn cho nhiều người ngoài tu viện. Di chúc tinh thần và các Thư của thánh nhân cho thấy ngài là người có con tim hiền phụ và có nhiều bạn bè tinh thần. Luật Lệ gọi là “Hypotyposis”, được thu thập sau khi thánh nhân qua đời, được các đan sĩ trên núi Athos lấy lại, khi thánh Atanasio Athonita xây đan viện Grande Lavra ở đây. Nó cũng được du nhập vào vùng Rus ở Kiev, khi thánh Todosio áp dụng cho đan viện Lavra delle Grotte vào ngàn năm thứ hai.

 Trong giáo lý tinh thần của thánh Teodoro có tình yêu đối với Chúa Kitô nhập thể, đối với sự hữu hình của Ngài trong Phụng Vụ và trong các ảnh tượng thánh. Cùng với thánh Niceforo Thượng Phụ thành Constantinopoli, thánh Teodoro là một trong các vị cải cách đời đan tu nổi tiếng nhất thời bisantin, và là người mạnh mẽ bảo vệ các ảnh tượng thánh. Trong ba cuốn sách “Antirretikoi”, Teodoro khẳng định rằng bỏ lòng sùng kính ảnh tượng Chúa Kitô thì cũng có nghĩa là xóa bỏ chính công trình cứu chuộc của Người. Vì khi nhận lấy bản tính nhân loại, Ngôi Lời vô hình đã trở thành thịt xác hữu hình và đã thánh hóa toàn vũ trụ hữu hình. Các ảnh tượng, được thánh hóa bởi phép lành phụng vụ và lời cầu nguyện của giáo dân, kết hiệp chúng ta với Con Người của Chúa Kitộ, cùng với các thánh và qua đó với Thiên Chúa Cha trên trời và làm chứng cho thấy thực tại thiên linh đã bước vào vũ trụ vật chất hữu hình.

Trong giáo lý của thánh Teodoro còn có lòng trung thành với bí tích Rửa Tội và việc dấn thân sống trong sự hiệp thông của Thân Mình Chúa Kitô, cũng được hiểu là sự hiệp thông của các kitô hữu với nhau. Thế rồi còn có tinh thần khó nghèo, từ bỏ, chế ngự chính mình, khiêm nhường, vâng lời chống lại sự thống trị của ý muốn riêng tàn phá xã hội và niềm an bình của linh hồn. Ngoài ra còn có tình yêu đối với công việc làm vật chất và tinh thần và tình bạn thiêng liêng.

 Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau trước khi cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải


Về Trang Mục Lục