Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống tại Vatican

 

Radio Vatican 31/05/2009 – Hôm qua Giáo hội mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Nếu muốn dịch sát từ ngữ gốc Hy-lạp thì phải gọi là lễ “Ngũ tuần”, nghĩa là 50 ngày. Dân Do thái mừng lễ Ngũ tuần, 50 ngày sau lễ Vượt qua, để tưởng niệm việc lãnh nhận giao ước trên núi Sinai. Về phần các môn đệ của Chúa Giêsu, 50 ngày sau khi cuộc phục sinh, họ nhận lãnh Thánh Linh như là giao ước mới, giao ước của tình yêu, được ghi khắc trong trái tim chứ không trên bia đá. Lễ Ngũ tuần cũng đánh dấu ngày ra mắt của Hội thánh, một cộng đoàn tuy gồm bởi nhiều dân tộc và ngôn ngữ, nhưng cùng tuyên xưng một đức tin duy nhất.

Sáng chúa nhựt hôm qua, vào lúc 9 giờ rưỡi, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh lễ tại đền thánh Phêrô. Một nét đặc biệt là sự hiện diện của ca đoàn nhà thờ chính toà Koln bên Đức hát bộ thường lễ hợp xướng Missa solemnis in si bemol do nhạc sĩ Josep Hayden (1732-1809) sáng tác, nhân kỷ niệm 100 năm ngày ông tạ thế. Đến 12 giờ đức Bênêđictô XVI đã tiến ra cửa sổ văn phòng để chủ sự buổi đọc kinh kính Đức Mẹ như thường lệ. Một chủ đề được nhắc đến trong bài giảng Thánh lễ cũng như trong bài huấn dụ là năm nay lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống trùng vào ngày kính Đức Mẹ đi viếng bà Elizabeth. Trong cả hai biến cố, chúng ta đều nhận thấy sự hiện diện của Đức Maria. Trước hết, chúng tôi xin dịch nguyên văn bài huấn dụ dẫn vào kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng, và sau đó tóm lược vài đề tài của bài giảng Thánh lễ.

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, đaị lễ Ngũ tuần, Hội thánh rải rác trên khắp địa cầu sống lại mầu nhiệm của ngày ra đời của mình, mầu nhiệm “phép rửa trong Thánh Linh” (xc Cv 1,5) diễn ra ở Giêrusalem 50 ngày sau lễ Vượt qua, vào chính lễ Ngũ tuần của người Do thái. Trước đó, Chúa Giêsu phục sinh đã nói với các môn đệ: “Các con hãy ở lại trong thành phố cho đến khi được khoác lấy sức mạnh từ trên cao” (Lc 24,49). Điều đó dã xảy ra cách nhãn tiền trong nhà Tiệc Ly, đang khi tất cả đang họp nhau cầu nguyện cùng với Đức Trinh nữ Maria. Như chúng ta đọc thấy trong sách Tông đồ công vụ, đột nhiên một làn gió mạnh đã ập xuống nơi ấy, và những lưỡi lửa đáp xuống trên mỗi người hiện diện. Thế rồi các tông đồ đã ra đi và bắt đầu công bố bằng nhiều ngôn ngữ rằng đức Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, đã chết và sống lại (xc Cv 2,1-4). Thánh Linh, Đấng cùng với Chúa Cha và Chúa Con đã tạo dựng vũ trụ, Đấng đã hướng dẫn lịch sử dân tộc Israel và đã phán dạy qua các ngôn sứ, đã hợp tác vào công cuộc cứu chuộc chúng ta vào thời viên mãn, thì vào dịp lễ Ngũ tuần đã ngự xuống Hội thánh mới khai sinh và đã biến Hội thánh trở nên truyền giáo bằng việc phái cử Hội thánh loan báo cho hết mọi dân tộc rằng tình yêu Thiên Chúa đã chiến thắng tội lỗi và sự chết.

Thánh Linh là hồn của Hội thánh. Nếu không có Thánh Linh, thì Hội thánh sẽ ra như thế nào? Chắc sẽ là một phong trào lịch sử, một cơ chế đồ sộ và vững chắc, có lẽ sẽ là một thứ cơ quan nhân đạo. Trên thực tế, đó là hình ảnh về Hội thánh ở nơi những người nhìn từ bên ngoài viễn ảnh của đức tin. Tuy nhiên, xét trong bản tính đích thực và trong sự hiện diện lịch sử, Hội thánh được đúc nặn và hướng dẫn liên lỉ bởi thần khí của Chúa Giêsu. Hội thánh là một thân thể sống động, và sức sống là hoa quả của Thánh Linh vô hình.

Các bạn thân mến, năm nay đại lễ Ngũ tuần trùng vào ngày cuối tháng năm, thường dành để mừng lễ Đức Mẹ thăm viếng. Sự kiện này mời gọi chúng ta hãy để cho đức trinh nữ Maria, nhân vật chính của cả hai biến cố, hướng dẫn và dạy dỗ. Tại Nazaret, Mẹ đã được báo tin về thiên chức làm mẹ diệu kỳ, và liền sau khi thụ thai do quyền năng Thánh Linh, Mẹ đã để cho chính Thánh Linh thúc đẩy đi giúp đỡ bà chị họ Elizabet, đã mang thai cách lạ thường được 6 tháng. Cô Maria trẻ trung, đang mang Chúa Giêsu trong lòng, và bỏ quên bản thân, chạy đi giúp đỡ tha nhân, là bức icôn tuyệt đẹp của Hội thánh luôn luôn được Thánh Linh làm tươi trẻ, của Hội thánh truyền bá Ngôi Lời nhập thể, được gọi mang Chúa đến cho thế giới và làm chứng cho Chúa trong cuộc phục vụ đức ái. Vì thế chúng ta hãy khẩn nài Mẹ Maria chí thánh cầu xin cho Hội thánh thời nay được củng cố sức mạnh nhờ Thánh Linh. Cách riêng, xin cho những giáo đoàn đang bị bách hại vì danh Chúa Kitô được cảm nhận sức mạnh ủi an của Thánh Linh, để đang khi thông phần vào những đau khổ của Chúa thì cũng nhận được dồi dào Thần khí vinh hiển (xc 1Pr 4,13-14).

Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã chú giải vài hình ảnh được sách Tông đồ công vụ ghi lại để mô tả tác động của Thánh Linh: bão, lửa. Trận bão được diễn tả như là làn gió mạnh. Tư tưởng này làm ta liên tưởng đến không khí, yếu tố cần thiết cho sự sống. Không khí cần cho sự sống thế nào, thì Thánh linh cũng cần cho đời sống tâm linh như vậy. Vì thế nếu có sự ô nhiễm không khí làm hoen ố môi trường, thì cũng có một thứ ô nhiễm của trái tim và tinh thần, làm hoen ố đời sống tâm linh. Vì thế, nếu chúng ta quan tâm đển việc thanh lọc môi trường thì chúng ta cũng phải quan tâm đến việc tạo ra bầu khí trong sạch cho tinh thần. Không khí trong sạch của tinh thần chính là tình yêu. Trên thực tế, chúng ta đã quá quen với sự ô nhiễm tinh thần đến nỗi không còn ý thức mối nguy hại của nó nữa. Nhân danh tự do, chúng ta đã để cho những hình ảnh đề cao lạc thú, bạo lực, bóc lột tha nhân lẻn vào con tim, khiến cho tinh thần của mình và của các thế hệ tương lai bị nhiễm độc, và bóp chết tự do đích thực.

Hình ảnh thứ hai về Thánh Linh là lửa. Chúa Giêsu đã mang ngọn lửa Thánh Linh vào trần gian. Người không lấy trộm ngọn lửa từ các thần linh trên thiên cung để đem đến cho nhân loại, theo huyền thoại ông Ptolomê của Hy lạp. Người làm môi giới để mang cho nhân loại “hồng ân của Thiên Chúa”. Người đã trở nên hồng ân, bởi vì Người đã trao ban mạng sống của mình trên thập giá. Thiên Chúa muốn tiếp tục trao ban hồng ân, trao ban “ngọn lửa” cho hết mọi thế hệ. Nhưng con người thời nay xem ra như không muốn đón nhận hồng ân của Chúa, bởi vì nó muốn khẳng định mình như là Thượng đế, muốn biến đổi vũ trụ, mà không đếm xỉa đến Đấng Tạo thành vũ trụ. Con người không muốn làm hình ảnh của Thiên Chúa nhưng muốn làm Chúa. Tuy nhiên, khi con người nắm trong tay ngọn lửa mà không quy hướng về Thiên Chúa thì nó sẽ sát hại mình: kỹ thuật và khoa học sẽ đưa tới chỗ tiêu diệt nhân loại, như chúng ta đã chứng kiến nơi những trái bom hạt nhân ném xuống Hiroshima và Nagasaki.

Chính vì thế Hội Thánh ngày nay cảm thấy sự cần thiết phải nhận lãnh lửa của Thánh Linh, tác nhân của sự hoà giải giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Để nhận lãnh hồng ân Thánh Linh, cần phải noi gương cộng đoàn Hội thánh tiên khởi, đó là họp nhau để cầu nguyện, thinh lặng lắng nghe Lời Chúa.

Bình Hòa

 


Về Trang Mục Lục