Hội nhập Tin Mừng vào nền văn hóa địa phương

 

Radio Vatican 17/06/2009 – Mỗi dân tộc phải đưa sứ điệp Tin Mừng đi sâu vào nền văn hóa của mình và diễn tả sự thật cứu độ với ngôn ngữ riêng. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trước hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần 17-6-2009.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của hai thánh Cirillo và Metodio, tông đồ của các dân tộc Slave. Ngài nói:

Thánh Cirillo sinh tại Thexalonica vào năm 826-827 bởi ông Leone, quan tòa của hoàng gia, và là người em trai trẻ nhất trong 7 anh em. Từ bé Cirillo đã học tiếng Slave và năm lên 14 tuổi được gửi đi học tại Constantinopoli và là bạn học của hoàng đế Michele III. Trong các năm đó Cirillo học nhiều bộ môn khác nhau. Sau khi khước từ một cuộc hôn nhân rạng rỡ, Cirillo quyết định chịu các chức thánh, rồi rút lui vào nơi thanh vắng sống đời ẩn tu trong một đan viện, nhưng bị bắt về nhà và giao cho nhiệm vụ dậy học các môn đạo đời. Cirillo chu toàn nhiệm vụ một cách tốt đẹp tới độ được mọi người gọi là “Triết gia”. Trong khi đó người anh là Michele sau thời gian làm việc trong lãnh vực hành chánh tại Macedonia, năm 850 bỏ hết mọi sự để sống đời đan tu trên núi Olimpo bên Bittinia, và lấy tên là Metodio.

Theo gương anh, Cirillo cũng bỏ nghề dậy học để lên núi Olimpo sống đời chiêm niệm và cầu nguyện. Vài năm sau triều đình giao cho Cirillo nhiệm vụ truyền giáo cho người Khazari vùng Biển Azov. Người dân ở đây đã xin triều đình gửi cho họ một nhà trí thức có thể tranh biện với ngươi Do thái và người Hồi Saraceni. Cùng với Metodio Cirillo sống lâu năm trong vùng Crimea và học tiếng do thái.

Thánh nhân cũng tìm kiếm xác của Đức Giáo Hoàng Clemente I đã bị đi đầy và qua đời tại đây. Sau khi đem hài cốt Đức Giáo Hoàng về Constantinopoli hai anh em được hoàng đế Michele III gửi sang Moravia, theo lời yêu cầu của Ratislao ông hoàng vùng này muốn cho dân chúng có bậc thầy dậy dỗ lòng tin trong tiếng Slave. Công cuộc truyền giáo đạt kết qủa ngoại thường. Cirillo và Metodio dịch phụng vụ ra tiếng Slave và chiếm được cảm tình của dân chúng.

Nhưng sự kiện này khiến cho hàng giáo sĩ người Franc đến truyền giáo trong vùng Moravia trước đó ghen tức thù nghịch với hai vị, vì cho rằng vùng đất này thuộc quyền của họ. Năm 867 trên đường về Roma, hai anh em dừng chân tại Venezia và tranh luận với người theo lạc phái “ba thứ tiếng”, vì những người này chủ trương chỉ có thể ca tụng Thiên Chúa trong ba thứ tiếng Do thái, Hy lạp và Latinh.

Tại Roma Cirillo và Metodio được Đức Giáo Hoàng Adriano II đi kiệu ra để tiếp nhận hài cốt của thánh Clemente. Đức Adriano hiểu biết tầm quan trọng sứ mệnh của hai vị, vì từ hậu bán kỷ nguyên thứ I có nhiều người Slave đến sống trong vùng biên giới Đông Tây của đế quốc, và giữa hai vùng có các căng thẳng. Trong tình thế đó người Slave có thể nắm giữ vai trò cầu nối giúp duy trì sự hiệp nhất gữa các Kitô hữu của cả hai vùng đế quốc. Do đó Đức Adriano II chấp thuận sứ mệnh truyền giáo của hai thánh Cirillo và Metodio cho người Slave vùng Moravia, và chấp thuận cho dùng tiếng Slave trong phụng vụ. Các sách phụng vụ tiếng Slave được đặt trên bàn thờ của vương cung thánh đường Đức Bà Cả, và phụng vụ tiếng Slave được cử hành trong các đền thờ thánh Phêrô, thánh Anrê và thánh Phaolô.

Nhưng rất tiếc tại Roma thánh Cirillo bị đau nặng. Biết mình sắp chết, thánh nhân muốn hoàn toàn hiến mình cho Thiên Chúa trong một đan viện của thành phố và lấy tên dòng là Cirillo, vì tên thật của thánh nhân là Costantino. Và Cirillo năn nỉ em mình là Giám Mục Metodio đừng bỏ công tác truyền giáo tại Moravia và trở lại với các dân tộc vùng này. Thánh nhân xin Thiên Chúa giải thoát các dân tộc sống trong vùng ấy khỏi phái lạc giáo “ba thứ tiếng”, và hiệp nhất họ với nhau. Cirillo qua đời ngày 14 tháng 2 năm 869.

Năm sau đó 870, Metodio trở lại Moravia và Pannonia, tức Hungari ngày nay nhưng gặp sự chống đối kịch liệt của hàng giáo sĩ người Franc. Đức Cha Metodio bị bắt bỏ tù, nhưng vẫn không mất can đảm. Khi được tự do năm 873 Đức Giám Mục Metodio hăng hái tái tổ chức Giáo Hội và đào tạo một nhóm môn đệ. Chính các môn sinh của thánh nhân đã giúp thắng vượt cuộc khủng hoảng bùng nổ sau khi Đức Cha Metodio qua đời ngày mùng 6 tháng 4 năm 885.

Bị bách hại và truy nã một vài môn sinh của thánh Metodio bị bán như nô lệ và đem sang Venezia. Họ được một nhân viên của triều đình chuộc và cho về quê trong vùng Balcan.

Các vi được tiếp đón bên Bulgaria và tiếp tục sứ mệnh rao truyền Tin Mừng trong vùng Russ. Thiên Chúa đã dùng cuộc bách hại để cứu vãn công cuộc truyền giáo của hai thánh Cirillo và Metodio. Tên tuổi của hai vị cũng được các tài liệu văn chương nhắc tới. Chẳng hạn như sách các văn bản phúc âm được dùng trong phụng vụ, sách Thánh Vịnh, các văn bản phụng vụ khác nhau bằng tiếng Slave mà cả hai anh em đã cùng dịch chung. Sau khi thánh Cirillo qua đời thánh Metodio và các môn sinh đã dịch Kinh Thánh, và bút tích của các giáo phụ.

Đề cập tới gương mặt tinh thần của hai anh em Đức Thánh Cha nói:

Nếu muốn tóm tắt gương mặt tinh thần của hai anh em, trước hết phải ghi nhận nỗi đam mê của thánh Cirillo đối với các bút tích của thánh Gregorio Nazianzeno, và học được nơi người giá trị của các ngôn ngữ trong việc thông truyền sự mạc khải. Thánh Gregorio đã mong muốn Chúa Kitô nói tiếng của người. Cirillo muốn bắt chước người nên xin Chúa Kitô nói tiếng Slave qua thánh nhân. Cirillo dẫn nhập dịch thuật của mình như sau: “Hãy lắng nghe, hỡi các dân tộc Slave, hãy lắng nghe Lời đến từ Thiên Chúa, Lời dưỡng nuôi các linh hồn, Lời dẫn đưa tới sự hiểu biết Thiên Chúa”. Thật ra, vài năm trước khi ông hoàng vùng Moravia xin hoàng đế Michele III gửi các thừa sai tới, hai anh em Cirillo Metodio và một nhóm môn sinh đã bắt đầu thu thập các tín điều thành các sách bằng tiếng Slave. Và khi đó cần phải có các dấu chữ mới gần hơn với ngôn ngữ nói: thế là nảy sinh ra mẫu tự glatgolitico sau đó được sửa đổi và được gọi là chữ “cirillico” để vinh danh thánh Cirillo là người sáng chế ra nó. Đó đã là biến cố định đoạt đối với sự phát triển của nền văn minh của người Slave nói chung. Cirillo và Metodio xác tín rằng các dân tộc riêng rẽ chưa nhận được đầy đủ sự Mặc Khải cho tới khi nào họ chưa nghe được nó trong ngôn ngữ riêng của họ và chưa được đọc nó trong chữ viết của họ.

 Nhờ thánh Metodio mà công trình của thánh Cirillo không bị dở dang. Trong khi thánh Cirillo có khuynh hướng sống đời chiêm niệm, thì thánh Metodio có huynh hướng hoạt động tông đồ nhiều hơn. Nhờ tư tưởng “cirillo metodio” mà trong các giai đoạn lịch sử khác nhau các dân tộc Slave đã có được sự phát triển văn hóa, quốc gia, và tôn giáo. Đây là điều đã được Đức Giáo Hoàng Pio XI thừa nhận với Tông thư Quod Sanctum Cyrillum”, trong đó người gọi hai thánh là “con cái của Phương Đông, có quê quán Bisantin, có gốc Hy lạp, là người Roma vì sứ mệnh truyền giáo và là người slave vì các hoa trái tông đồ”. (AAS 19 (1927) 93-96).

Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Vai trò lịch sử của các vị đã được Đức Gioan Phaolo II tuyên dương với Tông thư “Egregiae virtutis viri” tuyên bố hai thánh Cirillo và Metodio đồng bổn mạng Âu châu với thánh Biển Đức (AAS 73 (1981) 258-262). Thật thế, Cirillo và Metodio là thí dụ cổ điển của việc “hội nhập văn hóa”: mỗi dân tộc phải đưa sứ điệp Tin Mừng đi sâu vào nền văn hóa của mình và diễn tả sự thật cứu độ với ngôn ngữ riêng. Điều này giả thiết việc dịch thuật rất dấn thân vì nó đòi hỏi phải nhận diện các từ thích hợp để thông truyền Lời mạc khải một cách trung thực. Hai vị là chứng tá ý nghĩa linh hứng và giúp Giáo Hội ngày nay định hướng đúng đắn.

 Sau khi chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha cất kinh Lậy Cha và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

 


Về Trang Mục Lục