Đức Thánh Cha viếng thăm mộ của thánh Piô Năm dấu

 

Radio Vatican 21/06/2009 – Đức Thánh Cha đã dành trọn ngày chúa nhựt hôm qua để đi thăm viếng San Giovanni Rotondo, một thị trấn với 26 ngàn dân cư, nằm ở mạn Nam nước Ý, cách Rôma 500 cây số, nổi tiếng nhờ thánh Piô de Pietralcinô, một linh mục dòng Capucinô, sinh năm 1887 và qua đời năm 1968. Từ năm 1918, cha đã được bề trên cử về San Giovanni Rotondo (có lẽ tên gọi bắt nguồn từ ngôi nhà thờ hình tròn, dâng kính thánh Gioan Tấy giả, được cất từ thế kỷ VII) để hoạt động mục vụ cho đến khi qua đời. Trong suốt thời gian 50 năm, cha được biết đến như là vị giải tội ngoại thường: nhiều ngày cha ngồi toà hơn 10 tiếng đồng hồ; ngoài ra cũng từ năm 1918 cha được lãnh nhận trên thân mình 5 dấu thương tích của Chúa Giêsu. Tuy đã qua đời từ hơn 40 năm qua, nhưng hai công trình do cha khởi xướng vẫn tồn tại, thứ nhất là “Nhà xoa dịu đau khổ”, tức là bệnh viện dành cho các bệnh nhân (khánh thành vào năm 1956 với 250 giường, nhưng nay đã lên đến 1200 giường với 50 ngành chuyên khoa) và “hội cầu nguyện cha Piô” (chính thức thành lập từ năm 1950, và ngày nay bành trướng khắp thế giới). Cha Piô được phong chân phước năm 1999 và hiển thánh năm 2002, lễ kính vào ngày 23/9, trùng vào ngày tạ thế. Cách đây 22 năm, vào ngày 23/5/1987, đức Gioan Phaolô II đã đến viếng thăm mộ của cha Piô, vị giải tội mà ngài đã từng gặp khi còn là một linh mục sinh viên ở Rôma 40 năm về trước. Đức Bênêđictô XVI là vị giáo hoàng thứ hai đến viếng thăm mồ của vị thánh linh mục hầu như suốt đời chỉ thi hành hai tác vụ là dâng Thánh lễ (đôi lúc kéo dài 3 giờ đồng hồ) và ban bí tích giải tội.

Theo chương trình, lẽ ra ngài đáp máy bay lên thẳng từ Vaticano đến sân vận động thành phố, nhưng vì thời tiết xấu, nên phải đổi dùng máy bay thường và đáp xuống phi trường quân sự ở Foggia. Vào buổi sáng, ngài cử hành Thánh lễ cho cộng đoàn Dân Chúa, với các tín hữu đến từ nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là từ Ba-lan. Các bài đọc Sách Thánh được công bố bằng tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Ý. Những ý chỉ lời nguyện giáo dân được xướng bằng tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây-ban-nha, Ba-lan. Vào buổi chiều, ngài đã thăm các bệnh nhân điều trị tại “Nhà Xoa dịu đau khổ” và gặp gỡ các linh mục tu sĩ. Bài tường thuật hôm nay chỉ giới hạn vào Thánh Lễ buổi sáng, phần tiếp sẽ được dành cho buổi phát ngày mai.

 Dựa theo các bài đọc Sách Thánh chúa nhựt thứ XII thường niên, cách riêng là bài đọc Tin mừng kể lại việc Chúa Giêsu dẹp tan cơn bão tố trên hồ Tiberiađê, đức thánh cha đã áp dụng cho đời sống của các môn đệ của Chúa, qua tấm gương của thánh Piô. Khi cơn sóng gió nổi lên, các môn đệ đâm ra hoảng hốt. nhưng đức Giêsu bình thản. Nhưng cũng có lúc mà chính đức Giêsu cảm thấy xao xuyến, tuy vẫn không hoài nghi về quyền năng và sự gần gũi của Chúa Cha. Đức Giêsu đã có lần trải qua tình cảnh bi đát, một đàng thấy mình hợp nhất với Chúa Cha, phó thác hoàn toàn cho Cha, và đàng khác, vì liên đới với các tội nhân, Người cảm thấy ra như xa cách Cha và bị Cha bỏ rơi. Trong cuộc Tử nạn, Người đã cảm thấy trọn vẹn sự cách quãng giữa hận thù và thương yêu. Nhiều vị thánh cũng trải qua cơn thử thách ấy, trong số đó có cha Piô.

  Cha Piô là một con người chất phác bình dân, nhưng đã được Chúa Kitô chọn để trở thành dụng cụ của sức mạnh vạn năng của Thập giá. Các dấu thương tích mà cha Piô mang trên mình đã đưa cha kết hợp chặt chẽ với Đấng chịu đóng đinh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là con người của cha hoàn toàn bị động. Không, cha Piô đã sử dụng những khả năng tự nhiên của mình để phục vụ chương trình của Thiên Chúa, đặc biệt ở ba điểm: rao giảng Tin mừng, tha thứ tội lỗi, và chữa lành những vết thương thể xác và tâm hồn. Hơn thế nữa, ai ai cũng biết những cuộc chiến đấu mà cha Piô phải đương đầu trong suốt cuộc đời.

Cũng như Chúa Giêsu, cuộc chiến đấu khốc liệt nhất không phải là đối lại với địch thù trần thế nhưng là ma quỷ. Những bão tố đe doạ cha là những cuộc tấn công của ma quỷ. Cha đã đương đầu với chúng với khí cụ của Chúa, với thuẫn của đức tin, và gươm của Thần khí tức là lời của Chúa.

 Nhờ kết hiệp với Chúa Giêsu, cha Piô đã hiểu biết sâu sắc tình trạng bi thảm của cuộc sống con người, và vì thế cha đã hiến mình và dâng hiến những nỗi đau khổ của mình cho họ. Cũng vì thế cha đã tìm hết phương tiện để xoa dịu những nỗi đau khổ của các bệnh nhân, như dấu chỉ biểu hiện tình thương của Chúa, của triều đại Thiên Chúa đã đến, của sự chiến thắng của tình yêu và sự sống trên tội lỗi và sự chết. Cuộc đời linh mục của cha tóm lại trong sứ vụ “hướng dẫn các linh hồn và xoa dịu đau khổ” hay nói theo Đức giáo hoàng Phaolô VI, “cha là con người của cầu nguyện và đau khổ”.

 

Hướng về những con cái tinh thần của cha Piô, tức là các anh em dòng Capuxinô và các nhóm cầu nguyện của cha, đức Bênêđictô XVI trao lại cho họ một khẩu hiệu: hãy nên thánh. Và con đường nên thánh được xây cất bởi sự cầu nguyện và lòng bác ái. Nhờ cầu nguyện và kết hợp với Chúa Giêsu tử nạn và phục sinh, cách riêng khi dâng Thánh lễ, cha Piô đã múc được nguồn mạch để gặp gỡ con người một cách cụ thể. Tình yêu tha nhân mà cha ấp ủ trong lòng được diễn tả qua những hành động cụ thể khi ân cần gặp gỡ họ trong những hoàn cảnh thực tế của cá nhân cũng như gia đình. Ngôi nhà xoa dịu đau khổ mà cha dựng lên bắt nguồn từ lòng yêu mến mà cha nhận được do sự cầu nguyện. Cha muốn mang tình yêu của Thánh Tâm Chúa đến với những người đau khổ. Ngày nay, công trình của cha vẫn được tiếp tục nơi nhiều người thiện nguyện, nhưng cần phải cảnh giác trước nguy cơ là chúng ta đánh mất tinh thần của thuở ban đầu, khi chỉ nghĩ dến hiệu năng sản xuất, mà bỏ qua việc lắng nghe Lời Chúa nhờ đó chúng ta tìm cách thi hành ý Chúa.

Trong phần kết luận, đức thánh cha nhắn nhủ rằng chúng ta sẽ gặp những sóng gió bão táp, nhưng khi nó xảy đến, chúng ta hãy nhìn tấm gương của cha Piô, con người cầu nguyện và chia sẻ cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, nhờ đó chúng ta sẽ vượt qua được.

 Đức Thánh Cha đã dâng Thánh lễ với chén thánh mà cha Piô đã dùng. Một nét đặc biệt của buổi cử hành Thánh lễ hôm qua là đám đông 30 ngàn người đã giữ được những phút thinh lặng hoàn toàn vào đầu Thánh lễ để hồi tâm xét mình, sau bài giảng để nghiền ngẫm, và sau khi rước lễ để tạ ơn.

Trước khi ban phép lành kết thúc, đức thánh cha đã cám ơn những người đã góp phần vào việc tổ chức cho cuộc viếng thăm được tốt đẹp. Ngài cũng ký thác cho Đức Mẹ các tu sĩ dòng Capuxin, các bệnh nhân và những nhân viên y tế phục vụ tại Nhà xoa dịu đau khổ, các nhóm cầu nguyện của cha Piô, và cũng xin Đức Mẹ và cha Piô chuyển cầu cho năm dành cho các linh mục mới khai mạc hôm thứ 6 vừa qua.

Bình Hòa

 


Về Trang Mục Lục