Huấn từ trưa Chúa nhật và Kinh Chiều I kết thúc Năm thánh Phaolô tại Rôma

Radio Vatican 28/06/2009 – Ngày chúa nhựt hôm qua, Đức thánh cha đã chủ sự hai buổi cầu nguyện với cộng đồng Dân Chúa: lần thứ nhất lúc đọc kinh Truyền tin vào hồi 12 giờ trưa tại quảng trường thánh Phêrô, và lần thứ hai lúc 6 giờ chiều khi chủ sự buổi hát kinh chiều Một của lễ trọng hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô tại đền thánh Phaolô ngoại thành. Một đề tài huấn giáo nối kết cả hai buổi cầu nguyện là Năm thánh Phaolô, nhưng với điều đặc biệt là bài huấn dụ vào ban trưa thì nhấn mạnh đến năm các linh mục vừa bắt đầu, còn vào buổi chiều thì điểm qua những thành quả của một năm sắp kết thúc.

Như quý vị đã biết, năm linh mục đã được khai mạc với kinh chiều vọng lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngày 19/6, và đức Bênêđictô XVI đã dành buổi tiếp kiến chung hôm thứ tư vừa qua để nhắc lại ý nghĩa của nó. Bài huấn dụ trưa hôm qua muốn móc nối tư tưởng giữa Năm thánh Phaolô và năm linh mục, đặc biệt là mẫu gương của thánh Phaolô cho các linh mục. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.

 

Anh chị em thấn mến

Với buổi kinh chiều Một lễ trọng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô mà tôi sẽ chủ sự chiều nay tại vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành, sẽ kết thúc năm thánh Phaolô được mở ra nhân dịp hai ngàn năm sinh nhật của vị Tông đồ muôn dân. Thật là một mùa hồng phúc, nhờ những cuộc hành hương, những buổi huấn giáo, những ấn phẩm được xuất bản và nhiều sáng kiến khác, bức chân dung của thánh Phaolô lại được trưng bày cho toàn thể Giáo hội, và sứ điệp hùng hồn của Người đã khơi dậy lòng say mê với Chúa Giêsu và với Tin mừng. Vì thế chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì Năm thánh Phaolô và vì những hồng ân thiêng liêng mà nó mang đến.

 

  Chúa quan phòng đã xếp đặt để một năm đặc biệt khác được mở ra cách đây mấy bữa, ngày 19 tháng 6, lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, năm Linh mục, nhân dịp 150 năm tạ thế của thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars. Tôi tin rằng đây sẽ là một sự thúc đẩy mới về tinh thần và mục vụ mang lại nhiều ơn ích cho dân Chúa và cách riêng cho các linh mục. Mục đích của năm Linh mục là gì? Như tôi đã viết trong bức tâm thư gửi các linh mục vào dịp này, năm Linh mục nhằm góp phần vào việc cổ võ cuộc đổi mới tâm linh của tất cả các linh mục ngõ hầu làm chứng tá mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn cho Tin mừng trong thế giới hôm nay. Thánh Phaolô tông đồ là một mẫu gương sáng ngời đáng bắt chước, không những về cuộc sống cụ thể - phải nhận ràng cuộc sống của Người quả là phi thường – mà còn trong việc bắt chước Chúa Giêsu, trong nhiệt tâm loan báo Tin mừng, trong sự tận tụy phục vụ cộng đoàn, trong việc phác hoạ những toát lược về thần học mục vụ. Thánh Phaolô là một tấm gương của một linh mục hoàn toàn đồng hóa với sứ vụ của mình – cũng như thánh Vianney về sau này - , ý thức rằng mình mang trong mình một kho tàng vô giá, đó là sứ điệp cứu độ, nhưng mang nó trong một “chiếc bình sành” (xc. 2Cr 4. 7); vì thế Người vừa mạnh mẽ lại vừa khiêm tốn, xác tín tận thâm tâm rằng tất cả đều là do ân sủng của Chúa. Thánh Phaolô viết: “Tinh yêu Chúa Kitô chiếm đoạt tôi”. Điều này cũng có thể trở nên châm ngôn cho hết mọi linh mục, nghĩa là Thánh Linh đã “trói buộc” (xc. Cv 20, 22) mình để biến thành một người quản nhiệm trung tín của các mầu nhiệm của Chúa (xc. 1Cr 4, 1-2): linh mục phải là một con người thuộc trọn về Chúa Kitô, thuộc trọn về Giáo hội; linh mục được mời gọi dành trót con tim không chia sẻ để phục vụ Giáo hội, giống như một người chồng trung thành với người bạn trăm năm của mình.

Các bạn thân mến, cùng với các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, chúng ta hãy nhờ Mẹ Maria cầu bầu để xin Chúa ban muôn phúc dồi dào cho các linh mục trong năm Linh mục vừa bắt đầu. Thánh Gioan Maria Vianney rất sùng kinh và cổ động cho các tín hữu yêu mến Dức Mẹ. Xin Mẹ giúp cho mỗi linh mục làm sống lại hồng ân Chúa ban khi thụ phong, nhờ đó ngài tăng tiến trong đường thánh thiện và mau mắn làm chứng, kể cả bằng việc tử đạo, cho vẻ đẹp của cuộc dâng hiến toàn thân và dứt khoát cho Chúa Kitô và cho Giáo hội.

 

Tại Rôma năm thánh Phaolô được khai mạc và bế mạc với Kinh Chiều Một của lễ hai thánh Phêrô và Phaolô vì lý do dễ hiểu. Vào chính ngày lễ, Đức Thánh Cha phải chủ sự thánh lễ trọng thể tại trên mộ thánh Phêrô, vì thế không thể hiện diện tại đền thánh Phaolô nữa.

Trong bài giảng tiếp theo bài đọc Lời Chúa, Đức Thánh Cha đã nhắc nhở rằng tuy rằng năm thánh Phaolô kết thúc, nhưng thánh tông đồ vẫn đồng hành với chúng ta trong việc hiểu biết Chúa Kitô, để từ đó cuộc sống chúng ta được chiếu sáng và đổi mới. Tư tưởng “canh tân đổi mới” được phân tích dựa trên vài đoạn văn tiêu biểu của các thư thánh tông đồ.

Đoạn văn thứ nhất là thư gửi tín hữu Rôma, chương 12 câu 2: “Anh em đừng rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa…”. Đoạn văn này nhấn mạnh đến việc “cải biến” và “đổi mới”. Chúng ta cần phải trở nên những con người mới, được biến đổi bằng một nếp sống mơi. Người ta luôn luôn thích đi tìm điều mới lạ, và không thỏa mãn với hiện tại. Thánh Phaolô nói cho chúng ta biết rằng: đừng mong gì sẽ gặp một thế giới mới nếu không có những con người mới. Chừng nào có những con người mới, thì mới có thế giới mới, một thế giới được đổi mới và tốt hơn. Cần bắt đầu với việc đổi mới con người. Điều này cần được áp dụng cho mỗi cá nhân, Chỉ khi nào chúng ta trở nên mới, thì thế giới mới đổi mới. Điều này có nghĩa là chúng ta không được rập theo đời này, không được chạy theo não trạng của thời đại. Nhưng thế nào là đổi mới? Liêụ chúng ta có sức đổi mới không?

 Đoạn văn thứ hai, trích từ thư thứ hai gửi Corintô (chương 5, 17) giúp cho chúng ta một chìa khóa, khi thánh Phaolô thuật lại cuộc đổi đời của mình nhờ gặp gỡ Đức Kitô phục sinh: “Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi”. Cuộc gặp gỡ ấy đã gây ra một sự xáo trộn trong cuộc đời của Phaolô, đến nỗi Người viết: “Tôi đã chết rồi” (Gl 2, 19; xc Rm 6). Người đã trở nên mới, một con người khác, bởi vì không còn sống cho chính mình và sống nhờ sức của mình, nhưng sống cho Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. Trong suốt cuộc đời, thánh Phaolô nhận thấy rằng cuộc canh tân và biến đổi là một tiến trình kéo dài. Chúng ta sẽ trở nên mới nếu chúng ta để cho Chúa Kitô chiếm đoạt và nhào nặn nên người mới. Đức Kitô là Con người mới.

 Thánh Phaolô tiếp tục nói về sự đổi mới khi nói đến sự biến đổi trong lề lối suy tưởng. Người sử dụng từ ngữ Hy lạp “nous”, có nghĩa là “tinh thần, tâm thức, tâm tình, lý lẽ và đường lối suy tư”. Thánh nhân nói rằng chúng ta cần phải thay đổi cách thức lý luận. Thực ra hơi lạ, bởi vì chúng ta tưởng rằng chỉ cần thay đổi vài cách thức hành sử là đủ, nhưng Người muốn đi sâu xa hơn. Cần phải thay đổi tận gốc cách thức mà chúng ta nhìn thế giới, đánh giá thực tại. Lối suy tư cũ của người đời thường là nhắm đến sự chiếm đoạt, hưởng thụ, địa vị, quyền thế, danh giá. Nhưng cái nhìn đó quá thiển cận, bởi vì đặt cái “tôi” làm trung tâm. Cần phải đi xa hơn, đó là đi tìm cái gì là tốt đẹp đối với Chúa, đi tìm ý Chúa. Điều này đòi hỏi sự biến đổi toàn diện con người chúng ta. Chúng ta cần để cho tư tưởng và ý muốn của Thiên Chúa điều khiển cuộc đời chúng ta. Có như thế thì chúng ta mới nên con người mới, và từ đó nổi lên một thế giới mới.

Đức Thánh Cha trưng dẫn một đoạn văn nữa của thánh Phaolô để suy gẫm về sự đổi mới, đó là Ephêsô chương 4. Thánh tông đồ nhắn nhủ các tín hữu là trong đức Kitô, chúng ta đã đạt được tuổi trưởng thành. Vì thế đừng nên cư xử như những kẻ ấu trĩ, bị cuốn theo chiều gió. Đức tin trưởng thành có nghĩa là chấp nhận đạo lý đã được truyền thụ từ các thánh tông đồ, chứ không phải là thời trang của thế gian. Điều này đôi khi có nghĩa là đi ngược lại với sự tuyên truyền của dư luận, chẳng hạn như tôn trọng sự sống của thai nhi chứ không hủy diệt nó, tôn trọng sự chung thuỷ vợ chồng. Đức tin tưởng thành có nghĩa là hành động theo “sự thật trong bác ái” như thánh tông đồ viết ở câu 15. Đường lối tư duy mới có nghĩa là hướng theo sự thực, đối lại với gian dối. Dù sao, nếu muốn đổi mới cách tư duy, chúng ta cần phải nhìn lên Thiên Chúa, Đấng vừa là sự thật vừa là tình thương, cả hai đi đôi với nhau. Tình thương là tiêu chuẩn đo lường sự thực, và sự thực làm cho chúng ta biết yêu thương thật tình.

 Trong phần cuối của bài suy niệm, đức thánh cha nêu bật rằng cuộc canh tân đổi mới là một tiến trình trong cuộc đời chúng ta. Điều này đòi hỏi sự củng cố con người nội tâm, như thánh Phaolô viết trong thư gửi Ephêsô 3,16. Một trong những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng thời đại hôm nay là sự trống rỗng nội tâm. Vì thế cần phải củng cố con người nội tâm, để có khả năng để đánh giá mọi vật với lý trí và con tim, để hành động trong lý trí và bác ái. Điều này đòi hỏi chúng ta phải sống thân mật với Thiên Chúa, qua việc gặp gỡ Chúa nhờ việc cầu nguyện và các bí tích. Nhờ đó, chúng ta sẽ hiểu biết tất cả chiều dài rộng cao sâu của tình yêu Chúa. Thánh Irênê giải thích bốn chiều kích đó như là thập giá của Chúa Kitô, chiều sâu của cái chết, chiều cao của sự tôn vinj, và hai chiều dài rộng để kéo dài ôm ấp tất cả nhân loại và vũ trụ. Tình yêu Chúa Kitô đã ôm ấp tất cả chúng ta.

Bình Hòa

 


Về Trang Mục Lục