Mộ của hai thánh Phêrô và Phaolô và các cuộc khai quật khảo cổ học

 

WHĐ (07.07.2009) – Đức Hồng y Cordero Lanza di Montezemolo, Tổng linh mục Vương cung Thánh đường thánh Phaolô ngoại thành, trong cuộc họp báo ngày 03-07 vừa qua đã trình bày chi tiết kết quả của việc nghiên cứu khảo cổ học thực hiện trên quan tài của Thánh Phaolô.

ĐHY nhấn mạnh: “Dù việc nghiên cứu bằng phương pháp carbon 14 thực hiện trên quan tài của thánh Phaolô “không khẳng định” đây là thánh tích của ngài, nhưng “cũng không phủ nhận” khẳng định này.”

Như đã biết, trong bài giảng Thánh Lễ kết thúc Năm Thánh Phaolô, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói đến những cuộc nghiên cứu khảo cổ học mới đây được thực hiện bên trong Vương cung Thánh đường, tại nơi, theo truyền thống, có mộ của tông đồ Phaolô. ĐTC cho biết kết quả của các cuộc nghiên cứu khoa học này xác nhận truyền thống của Giáo hội khẳng định đây chính là mộ của thánh Phaolô là đúng.

Trong cuộc họp báo, Đức Hồng y Montezemolo giải thích là trong hai mươi thế kỷ qua, quan tài bên trong mộ đã không hề được mở. Vừa qua, các nhà khoa học đã khoan thủng một lỗ nhỏ để đưa một máy thăm dò nhỏ vào bên trong quan tài. Sở dĩ người ta chỉ khoan một lỗ  nhỏ là để tránh không để cho khí oxy vào trong quan tài và làm tổn hại các đồ vật bên trong quan tài. Và kết quả của việc nghiên cứu này “không chỉ hấp dẫn” mà còn cho thấy những gì tìm thấy được khẳng định đây là “một ngôi mộ cổ thuộc thế kỷ thứ nhất hoặc thứ hai”.

ĐHY nhấn mạnh là quan tài đã không được mở mà chỉ được khoan một lỗ nhỏ. Mở nắp quan tài để nghiên cứu một cách chi tiết hơn những gì có bên trong là điều khó khăn, bởi vì phải tháo dỡ bàn thờ giáo hoàng.

ĐHY cũng cho biết thêm là người ta đã tìm thấy những tấm đá cẩm thạch, chắc chắn được đưa vào trong mộ “để chặn nước của sông Tibre”. Một trong những tấm đá này có ghi hàng chữ “Phaolô tông đồ và tử đạo” bằng chữ cổ.

Giáo sư Ulderico Santamaria, giám đốc “Phòng thí nghiệm chẩn đoán để phục vụ cho việc bảo tồn và tái tạo” của các Bảo tảng tại Vatican, người đã tham gia cuộc nghiên cứu khoa học này, cũng có mặt tại cuộc họp báo.

“Các mảnh xương tìm thấy được quá nhỏ, không thể xét nghiệm ADN”.

Theo truyền thống, thánh Phaolô đã bị chặt đầu tại nơi nay là tu viện Trois-Fontaines, trên via Laurentina ở Roma. Thi thể của ngài, trong nhiều thế kỷ, đã được giấu trong một quan tài của gia đình. Mãi tới năm 313, sau khi hoàng đế Constantinô ban hành tự do tôn giáo trong đế quốc Roma, người ta mới bắt đầu có các nghi lễ công khai tôn kính và viếng mộ thánh Phaolô.

Một ngôi nhà thờ đã được cất lên, sau đó được biến thành Vương cung Thánh đường, và cuối cùng là Vương cung Thánh đường thánh Phaolô ngoại thành.

Linh mục Federico Lombardi, giám đốc phòng Báo chí của Tòa Thánh, trong tờ Octava Dies, một tờ tuần báo có tính cách thông tin của Trung tâm truyền hình Vatican do linh mục phụ trách, cũng đã đề cập đến kết quả của các nghiên cứu khoa học về những gì tìm thấy được trong quan tài chôn bên dưới bàn thờ của Vương cung Thánh đường thánh Phaolô ngoại thành.

Linh mục nhìn nhận là việc ĐTC Bênêđictô XVI loan báo về kết quả của các cuộc nghiên cứu khảo cổ học này “vào lúc kết thúc năm Thánh Phaolô đã gây xúc động lớn trong thế giới Công giáo. Nỗi xúc động này hoàn toàn có thể hiểu được.”

“Một nỗi xúc động tương tự cũng đã diễn ra, linh mục viết, khi kết quả của các cuộc khai quật khảo cổ học được thực hiện dưới Vương cung Thánh đường thánh Phêrô, theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Piô XII, được công bố. Kết quả này đã xác nhận một cách rõ ràng không chút nghi ngờ là mộ của thánh Phêrô tông đồ, trong khu mộ cổ ở Vatican, nằm ngay dưới bàn thờ”.

“Roma chính là trung tâm của thế giới Công giáo, không phải vì nó đã là kinh đô của đế quốc xưa, mà bởi vì chính tại nơi đây, hai vị tông đồ đã chịu tử vì đạo và mộ của các ngài luôn được tôn kính tại đây”.

“Ngay cả khi, trong nền văn hóa hiện đại  của chúng ta ngày nay, việc tôn kính các thánh tích không còn quan trọng như xưa nữa, thì các nơi và những kỷ niệm cụ thể về cuộc đời và chứng từ của những người đã đi trước chúng ta, đặc biệt của các vị thánh, vẫn mang một giá trị rất lớn cho thấy chúng ta cắm rễ sâu trong truyền thống sống động của lòng tin như thế nào” .

Cha Lombardi kết luận: “Phêrô và Phaolô là  đá tảng và ánh sáng của việc loan báo Tin Mừng. Hai môn đệ này của Chúa Giêsu vốn rất khác nhau, như Đức Thánh Cha nói, nhưng bổ túc cho nhau theo một nghĩa nào đó, tiếp tục lôi kéo sự chú ý và bước chân của chúng ta về Roma ‘ad limina Apostolorum’. Các ngài vẫn sống động giữa chúng ta để hướng dẫn và thúc đẩy lòng tin của chúng ta tới các biên giới của thế giới.”

(Tin tổng hợp)

 


Về Trang Mục Lục