Say mê Chúa Kitô để chống lại chủ thuyết duy lý và duy tương đối

 

Radio Vatican 05/08/2009 – Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã mời gọi các linh mục noi gương thánh bổn mạng Gioan Maria Vianney Cha sở họ Ars, say mê Chúa Kitô để chống lại chủ thuyết duy lý và duy tương đối đang hành khổ con người.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến chung hơn 4.000 tín hữu và du khách hành hương tại nhà nghỉ mát Castel Gandolfo sáng thứ tư 5-8-2009. Vì sân nhà nghỉ mát chỉ có 2.000 chỗ nên số người còn lại phải đứng ngoài quảng trường phía trước nhà nghỉ mát.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã gợi lại vài nét trong cuộc đời của thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars, bổn mạng các linh mục, mà Giáo Hội mới mừng kính 150 năm qua đời ngày mùng 4 tháng 8 vừa qua. Đức Thánh Cha nói:

Gioan Maria Vianney chào đời ngày mùng 8 tháng 5 năm 1786 trong một gia đình nghèo vật chất nhưng giầu nhân bản và lòng tin. Theo thói quen thời đó chú bé được rửa tội trong cùng ngày. Suốt cả tuổi thơ và thời niên thiếu Gioan Maria Vianney sống và làm các công việc khiêm tốn ngoài đồng và chăn đàn vật, vì thế năm lên 17 tuổi mà vẫn mù chữ.

Nhưng cậu thuộc lòng các kinh nguyện mẹ dậy, và dưỡng nuôi mình bằng bầu khí đạo hạnh trong gia đình. Gioan Maria Vianney muốn trở thành linh mục và đã đạt ước nguyện sau biết bao nhiêu khó khăn, hiểu lầm và nhờ sự trợ giúp của các linh mục khôn ngoan nhận ra sự thánh thiện đặc biệt của người. Sau bao nhiêu nghi nan, thất bại và nước mắt, năm 1815 thầy Gioan Maria Vianney được lãnh chức Phó Tế và năm sau đó được thụ phong linh mục để hạnh phúc bước lên bàn thờ Chúa và hiện thực mộng ước cuộc đời mình.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nhấn nạnh rằng cha Vianney rất coi trọng chức linh mục. Cha thừờng nói: “Ôi, chức linh mục lớn lao biết bao! Người ta chỉ hiểu biết nó thật sự khi lên Trời... nếu trên trái đất này mà hiểu được nó thì người ta sẽ chết mất, không phải vì hoảng sợ nhưng vì yêu mến” (Abbé Monnin, Esprit du Curé dÀrs, tr. 113). Ngay từ ngày còn bé Vianney đã tâm sự với mẹ: “Nếu con là linh mục, con sẽ chinh phục nhiều linh hồn” (Abbé Monnin, Procès de l'ordinaire, tr. 1064). Và qủa thế, cha xứ vô danh của một làng quê hẻo lánh miền nam nước Pháp đã sống làm một với chức thừa tác của mình đến độ trở thành một Chúa Kitô khác, một cách hữu hình và phổ quát, một hình ảnh của Chúa Chiên Lành hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên (x. Ga 10,11).

Cuộc sống của thánh nhân đã là một bài giáo lý sống động, đặc biệt hữu hiệu, khi người dân thấy người cử hành Thánh Lễ, dừng lại trước Nhà Tạm hay ngồi lâu giờ trong tòa giải tội. Như thế, trung tâm cuộc sống của thánh nhân là Thánh Thể, mà người cử hành và thờ lậy với lòng đạo đức và kính trọng. Nét đặc thù khác trong gương mặt linh mục ngoại thường của người là thừa tác giải tội. Người nhận ra trong bí tích sám hối việc thành toàn có luận lý và tự nhiên của nhiệm vụ linh mục, vâng theo lênh truyền của Chúa Kitô: “Chúng con tha tội cho ai, thì người ấy được tha, chúng con cầm buộc ai thì người ấy bị cầm buộc” (x. Ga 20,23). Thánh Gioan Maria Vianney đã là một cha giải tội và bậc thầy thiêng liêng tuyệt vời và không mệt mỏi. Từ bàn thờ ngài bước sang tòa giải tội, và ngồi tòa cả ngày để qua lời giảng dậy và khuyên răn, tìm cách làm cho tín hữu nhận ra ý nghĩa và vẻ đẹp của bí tích sám hối, bằng cách cho thấy nó là một đòi buộc thân tình của Sự Hiện Diện Thánh Thể.

Các phương thế mục vụ của thánh Gioan Maria Vianney xem ra ít thích hợp với các điều kiện xã hội và văn hóa thay đổi ngày nay. Nếu có đúng thật là thời thế đã thay đổi và con người có nhiều đặc sủng khác nhau, thì cũng có một kiểu sống và một khát vọng thâm sâu mà mọi người đều được kêu mời vun xới. Nhìn kỹ ra thì điều làm cho cha sở họ Ars nên thánh đó là sự trung thành khiêm tốn của người với sứ mệnh mà Chúa đã mời gọi người thực hiện: đó là sự phó thác liên lỉ, tràn đầy tin tưởng nơi bàn tay của Chúa Quan Phòng. Ngài đánh động được con tim của con người không phải bằng các khả năng của phàm nhân, cũng không phải nhờ sự dấn thân của ý chí. Người chinh phục các linh hồn, kể cả các linh hồn chai lì nhất, bằng cách thông truyền cho họ điều người sống một cách thân thiết, đó là tình bạn với Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha khai triển điểm này như sau:

Thánh nhân say mê Chúa Kitô, và bí quyết đích thật sự thành công mục vụ của người đã là tình yêu của người đối với Mầu Nhiệm Thánh Thể được loan báo, cử hành và sống. Chứng tá của người nhắc nhớ cho chúng ta biết rằng đối với mỗi một tín hữu được rửa tội và còn hơn thế nữa đối với mỗi một linh mục, Thánh Thể không chỉ đơn thuần là một biến cố với hai nhân vật, một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và tôi. Sự hiệp thông thánh thể hướng tới một biến đổi hoàn toàn cuộc sống. Nó mở rộng toàn cái tôi của con người và tạo ra một chúng tôi mới” (Joseph Ratzinger, La Communione nella Chiesa, tr. 80)

Như thế không được giản lược gương mặt của thánh Gioan Maria Vianney vào một mẫu gương của nền tu đức thế kỷ XVIII, cho dù là một mẫu gương đáng ca tụng đi nữa. Trái lại, cần phải tiếp nhận được sức mạnh ngôn sứ nơi con người nhân bản và linh mục của thánh nhân. Trong nước Pháp thời hậu cách mạng sống kinh nghiệm một loại “độc tài của chủ trương duy lý” nhằm xóa bỏ chính sự hiện diện của các linh mục và Giáo Hội giữa lòng xã hội, trong các năm thời niên thiếu thánh nhân đã sống một tình trạng lén lút anh hùng, bằng cách liều chết đi bộ nhiều cây số ban đêm để tham dự Thánh Lễ. Rồi sau khi làm linh mục, người đã có một sáng kiến mục vụ đặc thù và phong phú chứng minh rằng chủ thuyết duy lý thống trị khi đó thực ra không thỏa mãn được các nhu cầu đích thật của con người và vì thế rốt cuộc nó không thể sống được.

150 năm đã trôi qua kể từ khi Cha thánh họ Ars qua đời, các thách đố của xã hội ngày nay cũng đòi buộc các linh mục dấn thân không kém thời của thánh nhân. Trái lại có lẽ chúng còn phức tạp hơn. Nếu hồi đó có “sự độc tài của chủ trương duy lý”, thì trong thời đại ngày nay trong nhiều môi trường người ta cũng ghi nhận “sự độc tài của chủ trương duy tương đối”. Cả hai đều là những câu trả lời không thích hợp cho vấn nạn chính đáng của con người trong việc dùng trọn vẹn lý trí riêng của mình như yếu tố phân biệt và tạo thành căn tính riêng của con người.

Chủ trương duy lý không thích hợp, vì nó đã không chú ý tới các hạn hẹp của con người và yêu sách nâng cao lý trí lên trên mọi sự và biến nó thành một nữ thần. Còn chủ trương duy tương đối ngày nay thì lại hành khổ lý trí, vì nó đi tới chỗ khẳng định rằng con người không thể hiểu biết gì một cách chắc chắn ngoài lãnh vực khoa học thực nghiệm. Nhưng ngày nay cũng như thời đó, con người “ăn mày ý nghĩa và sự thành toàn” luôn kiếm tìm các câu trả lời thỏa đáng trọn vẹn cho các vấn nạn nền tảng, mà nó không ngừng đặt ra.

Các Nghị Phụ Công Đồng Chung Vaticăng II đã nghĩ tới “nỗi khát khao sự thật đó” bừng cháy trong con tim của từng người, khi khẳng định rằng các linh mục là “những nhà giáo dục lòng tin” có nhiệm vụ đào tạo “một cộng đoàn Kitô đích thật”, có khả năng rộng mở ra cho tất cả mọi người con đường dẫn đưa tới Chúa Kitô, và thực hành cử chỉ làm mẹ đối với họ, bằng cách chỉ cho người không tin “con đường dẫn tới Chúa Kitô và Giáo Hội Ngài”, và là một khích lệ, dưỡng nuôi và nâng đỡ đối với người đã tin trong cuộc chiến tinh thần” (Presbyterorum ordinis, 6).

Giáo huấn của Cha thánh họ Ars cho thấy linh mục phải là người có được sự kết hiệp thân tình với Chúa Kitô, vun trồng và làm cho nó lớn lên mỗi ngày. Chỉ như thế mới có thể đánh động được con tim của con người và rộng mở họ cho tình yêu thương xót của Chúa. Và chỉ như thế linh mục mới có thể trao ban niềm hăng say và sức sinh động tinh thần cho các cộng đoàn Chúa trao phó. Chúng ta hãy cầu nguyện để, qua lời bầu cử của thánh Gioan Maria Vianney, xin Chúa ban cho Giáo Hội các linh mục thánh thiện, và để cho tín hữu ước mong nâng đỡ và trợ lực các ngài trong sứ vụ linh mục.

Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, đặc biệt là các bạn trẻ sẻ tham dự đại hội tình bạn các dân tộc diễn ra tại Rimini trung Italia trong các ngày 23-29 tháng 8, và cầu chúc họ mùa hè vui khỏe, Đức Thánh Cha đã ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

 


Về Trang Mục Lục