Đức Thánh Cha kêu gọi thay đổi mô thức phát triển toàn cầu, tôn trọng môi sinh và bảo vệ thiên nhiên

26/08/2009 – Trái đất là ơn rất qúy báu Thiên Chúa ban cho nhân loại, vì vậy phải cấp thiết tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên, tái phục hồi và lượng định tương quan đúng đắn với môi sinh trong cuộc sống mỗi ngày và thay đổi mô thức phát triển toàn cầu.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với hơn 2000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 26-8-2009 trong sân nhà nghỉ mát Castel Gandolfo.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

  Anh chị em thân mến, chúng ta đang tới gần cuối tháng 8, và đối với nhiều người nó cũng có nghĩa là kết thúc kỳ nghỉ hè. Trong khi trở lại với các sinh hoạt thường ngày, làm sao lại không cảm tạ Chúa vì ơn qúy báu của thụ tạo, có thể thưởng thức, và không phải chỉ thưởng thức trong kỳ hè mà thôi. Các hiện tượng môi sinh đồi tệ và các tai ương thiên nhiên mà báo chí thường ghi nhận, cấp thiết mời gọi chúng ta phải tôn trọng thiên nhiên, bằng cách trong cuộc sống thường ngày biết phục hồi và đánh gía trở lại một tương quan đúng đắn với môi sinh. Liên quan tới các đề tài này khiến cho các giới chức và dư luận công cộng âu lo, cũng đang phát triển một sự nhậy cảm mới, được diễn tả ra trong nhiều cuộc hội họp cả trên bình diện quốc tế.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Trất đất là ơn qúy báu của Đấng Tạo Hóa. Ngài đã đặt định các trật tự nội tại và như thế cho chúng ta các dấu chỉ định hướng, cần phải tuân giữ trong tư cách là các người quản lý thụ tạo của Chúa. Chính từ ý thức đó mà Giáo Hội coi các vấn đề liên quan tới môi sinh và việc bảo vệ nó như gắn liền một cách mật thiết với đề tài phát triển con người toàn diện. Tôi đã nhiều lần đề cập tới vấn đề này trong thông điệp “Yêu thương trong sự thật”, bằng cách nhắc lại sự cấp thiết luân lý của một tình liên đới mới (s. 49), không phải chỉ trong các tương quan giữa các nước, mà cả trong liên hệ giữa các cá nhân, bởi vì môi sinh được Thiên Chúa trao ban cho tất cả mọi người, và việc sử dụng nó bao gồm trách nhiệm cá nhân của chúng ta đối với toàn thể nhân loại, đặc biệt đối với những người nghèo túng và các thế hệ tương lai (s. 48). Nhận thức được trách nhiệm chung đó đối với thụ tạo, Giáo Hội không chỉ dấn thân thăng tiến việc bảo vệ trái đất, nước và khí, do Đấng Tạo Hóa ban cho tất cả mọi người, mà cũng dấn thân bảo vệ con người chống lại sự tàn phá chính nó. Thật thế, khi “môi sinh nhân bản” được tôn trọng trong xã hội, thì cả môi sinh thiên nhiên cũng được hưởng ích lợi” (ibid). Lại không đúng hay sao, khi việc sử dụng vô chừng mực thiên nhiên bắt đầu tại nơi nào Thiên Chúa bị loại bỏ ra bên lề hay tệ hại hơn cả sự hiện hữu của Ngài cũng bị chối bỏ? Nếu tương quan của con người với Đấng Tạo Hóa bị giảm bớt, thì vật chất bị giản lược thành chiếm hữu ích kỷ, con người trở thành đòi hỏi cuối cùng của nó, và mục đích của cuộc sống bị giản lược thành một cuộc chay đua mệt nhọc để chiếm hữu nhiều chừng nào có thể.

 Đức Thánh Cha đã giải thích ơn gọi và trách nhiệm của con người đối với thiên nhiên như sau:

Thiên nhiên, vật chất được Thiên Chúa cấu tạo một cách thông minh, như thế được giao phó cho trách nhiệm của con người, có khả năng giải thích nó và tái nhào nặn nó một cách tích cực, mà không tự coi mình là chủ nhân. Đúng hơn con người được mời gọi thi hành việc cai quản có trách nhiệm để giữ gìn thiên nhiên, làm cho nó sinh lợi và vun trồng nó, bằng cách tìm ra các tài nguyên cần thiết cho một cuộc sống xứng đáng cho tất cả mọi người.

Với sự trợ giúp của chính thiên nhiên và với dấn thân của công việc làm và sáng chế của mình, nhân loại thực sự có khả năng chu toàn nhiệm vụ nghiêm trọng là trao ban cho các thế hệ mới một trái đất, mà tới phiên họ cũng có thể ở được một cách xứng đáng và và tiếp tục vun trồng nó (s. 50). Để có thể thực hiện được điều này, cần phải phát triển một giao ước giữa con người và môi sinh, phản ánh tình yêu thương của Thiên Chúa (Sứ điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 2008, 7), thừa nhận rằng chúng ta tất cả đều phát xuất từ Thiên Chúa và tất cả đều đang tiến tới với Ngài. Thật là quan trọng biết bao nhiêu, khi cộng đoàn quốc tế và các nước riêng rẽ biết đưa ra các dấu chỉ đúng đắn cho công dân của mình, để chống lại một cách hữu hiệu các kiểu sử dụng môi sinh gây thiệt hại cho nó! Các chi phí kinh tế và xã hội phát xuất từ việc sử dụng các tài ngyên môi sinh chung, được thừa nhận một cách trong sáng, phải do những người được hưởng chúng thanh toán, chứ không phải do các dân tộc khác hay các thế hệ tương lai. Việc bảo vệ môi sinh, bảo vệ các nguồn tài nguyên và khí hậu đòi hòi các giới hữu trách quốc tế phải hành động chung với nhau trong việc tôn trọng luật lệ và tình liên đới, nhất là đối với những vùng yếu đuối nhất của trái đất (s. 50).

Cùng nhau chúng ta có thể xây dựng một sự phát triển nhân bản toàn vẹn có lợi cho các dân tộc trong hiện tại và tương lai, một sự phát triển được linh hứng bởi các giá trị của tình yêu thương trong sự thật. Để cho điều ấy trở thành thực tại, cần phải hoán cải mô thức phát triển toàn cầu hiện nay hướng tới một sự chia sẻ trách nhiệm lớn hơn đối tới thụ tạo: không chỉ có các cấp thiết môi sinh đòi hỏi điều đó, mà cả gương mù gương xấu của nạn nghèo đói bần cùng nữa.

Rồi Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cảm tạ Chúa và lấy các lời của thánh Phanxicô thành Assisi trong Bài Ca Vạn Vật làm của chúng ta: “Lậy Đấng Tối cao, quyền năng, lậy Chúa nhân lành, xin dâng Chúa lời chúc tụng, vinh quang, danh dự và mọi lời chúc tụng... Xin chúc tụng Chúa, lậy Chúa của con, với tất cả mọi thụ tạo”. Cả chúng ta nữa chúng ta cũng muốn cầu nguyện và sống theo tinh thần của các lời chúc tụng này.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm tín hữu hiện diện bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ba Lan. Trong tiếng Ý Đức Thánh Cha chào một nhóm các linh mục mừng Ngân Khánh ngày chịu chức và các đại chủng sinh tham dự cuộc gặp gỡ mùa hè do tổng giáo phận tổ chức. Ngài cầu chúc Năm Linh Mục, mà Giáo Hội đang cử hành, là dịp giúp từng người đào sâu giá trị sứ mệnh linh mục thừa tác trong Giáo Hội và trên thế giới.

 Với các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nói trong các ngày tới này phụng vụ mừng kính hai vị đại thánh là thánh nữ Monica và thánh Agostino, hai mẹ con hiệp nhất trong mối dây gia đình và hiệp nhất bởi vinh quang trên trời. Ước gì gương sống của các ngài thúc đẩy người trẻ chân thành say mê tìm kiếm Sự Thật Tin Mừng; vén mở cho các bệnh nhân thấy giá trị cứu rỗi của khổ đau hiến dâng cho Thiên Chúa hiệp nhất với hy lễ của Thập Giá; và trợ lực các cặp vợ chồng mới cưới trong chứng tá quảng đại cho tình yêu nhưng không của Thiên Chúa.

Sau cùng Đức Thánh Cha cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho tất cả.

Linh Tiến Khải

 


Về Trang Mục Lục