Các thách đố văn hóa trong thế giới toàn cầu

RV 25/08/2009 – Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Giancfranco Ravasi, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Văn Hóa về các thách đố văn hóa trong thế giới toàn cầu

Ngày 21-8-2009 chương trình tiếng Bulgari của đài Vaticăng đã thực hiện một cuộc phỏng vấn quay phim Đức Tổng Giám Mục Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Văn Hóa, về các thách đố văn hóa trong thế giới toàn cầu, ngôn ngữ của người trẻ, cách thức họ tiến tới gần Kinh Thánh và các tật xấu của con người thời nay. Trong mục Sinh Hoạt Giáo Hội hôm nay chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn nội dung phần đầu bài phỏng vấn này.

Hỏi: Kính thưa Đức Tổng Giám Mục Ravasi, đâu là các thách đố văn hóa trong thế giới toàn cầu ngày nay?

Đáp: Mặc dù tính cách phức tạp của tình hình ngày nay và hiện tình xã hội trên thế giới, trong nòng cốt chúng ta có thể nói tới hai thách đố chính. Tôi chỉ muốn nêu bật hai thách đố vì bản chất hầu như đối kháng của chúng. Một đàng đó là thách đố luôn ngày càng tìm nhận diện ra đâu là các đường nét nền tảng của sự truyền thông toàn cầu. Chúng ta biết là bình thường khi nói tới việc toàn cầu hóa, người ta chỉ nghĩ tới hiện tượng kinh tế, nhưng trên thực tế nó là một hiện tượng truyền thông. Và bên trong sự truyền thông đó có các lộ trình chung cho tất cả mọi người: cho các nước đang lên của Phi châu và Á châu cũng như cho các nước Âu châu. Như thế cần phải nhận diện một cách chính xác đâu là các yếu tố nền tảng của sự truyền thông này, các phương thế và đương nhiên cả vài nội dung nền tảng của nó nữa. Tuy nhiên đàng khác, có một khía cạnh phản đề, đến độ ngày nay người ta không còn nói đến toàn cầu hóa nữa, mà nói địa phương hóa, để nói rằng các nền văn hóa riêng rẽ, các chủng tộc, các quốc gia muốn duy trì căn tính của họ.

Đây cũng là trường hợp của các nước nhỏ ở Âu châu, có lẽ không có một truyền thống lớn lắm như truyền thống của các nước Italia, Pháp, Tây Ban Nha hay Đức chẳng hạn, nhưng họ vẫn muốn có ngôn ngữ riêng, một lịch sử, một truyền thống của họ, đôi khi đổ đốn và biến thành khuynh hướng quốc gia qúa khích ở bên trong cuộc đối thoại đại đồng là việc toàn cầu hóa. Vì thế tầm quan trọng đối với nền văn hóa đó là biết quân bình ngôn ngữ đại đồng và các sắc thái riêng. Một mặt có sự truyền thông, một vài giá trị và các yếu tố thuộc mọi quốc gia, vì mọi quốc gia đều có ăng ten, đều có parabol truyền hình trên mái nhà, hay trên mái chòi bên Phi châu; nhưng mặt khác cũng có ý muốn duy trì căn tính riêng và các truyền thống riêng.

Hỏi: Làm thế nào mà một người sống theo khuynh hướng duy vật chất có thể khám phá ra chiều kích tinh thần riêng qua nền văn hóa, thưa Đức Cha?

Đáp: Nhìn từ góc cạnh tôn giáo vấn đề đích thật trong nền văn hóa hiện đại không phải là vấn đề của chủ thuyết vô thần hay việc khước từ một cách có hệ thống, trung thực và có ý thức chiều kích siêu việt, đã trở thành một yếu tố khá hiếm hoi. Trái lại yếu tố nền tảng giờ đây là sự thờ ơ, là chủ thuyết vô thần chung chung bề ngoài, tầm thường, coi vấn đề tôn giáo hay vấn đề luân lý đạo đức như là vấn đề bên lề, phụ thuộc không khiến cho lương tâm áy náy, không đặt vấn nạn về sự hiện hữu của con người.

Thật ra chúng ta cũng đang đứng trước một vài cuốn sách được xuất bản xem ra vô thần vì chúng cũng dùng từ “không thần học”. Nhưng nói đúng ra chúng chỉ là các trò chơi của xã hội, các nhạo báng, châm biếm, dè bỉu tôn giáo. Nó không phải là một cuộc đối diện nghiêm chỉnh, sít sao và có tinh thần phê bình. Và đó là thảm cảnh đích thật: vì chúng ta đang có trước mặt một đám sương mù. Cùng lắm Thiên Chúa chỉ là một yếu tố, đôi khi đi ngang qua cuộc sống con người, nhưng chỉ là bên lề và hoàn toàn phụ thuộc.

Vì lý do đó con người chỉ chú ý đến hiện tại, đến cuộc sống thường ngày, đến các điều có thể sờ mó được, mà không bao giờ có khả năng ngẩng đầu lên và đặt câu hỏi liên quan tới cái gì cao hơn và xa hơn. Đây là hình thái mới của chủ thuyết duy vật, không phải là thứ duy vật lý thuyết mác xít, biện chứng đã từng là một kiểu nhìn thế giới, mà là một quan niệm thay thế Kitô giáo. Đây là một thái độ sống mầu xám như triết gia Kierkegaard thuộc thế kỷ XIX đã nói vì đã trực giác được vấn đề: “Con thuyền thế giới ngày nay không còn ở trong tay thuyền trưởng nữa, nhưng ở trong tay anh làm bếp. Và điều mà máy phóng thanh nói, không phải là hải trình, mà là cái chúng ta sẽ ăn ngày mai”.

Truyền hình, truyền thông hiện nay liên tục đặt để chúng ta trước các mốt mới, các kiểu sống, các đồ vật, các tiêu thụ. Nó không bao giờ có khả năng đưa ra cho con người các câu hỏi lớn nền tảng. Chủ trương vô thần truyền thống còn đặt ra các câu hỏi lớn, và đưa ra các câu trả lời thay thế cho các câu trả lời của Kitô giáo. Trái lại giờ đây mầu xám thống trị, sự thờ ơ thống trị, hình thái mới của việc tôn thờ ngẫu tượng thống trị. Và nhiệm vụ chính của các tôn giáo và nền văn hóa, kể cả nền văn hóa đích thật: đó là đem âu lo, đem khủng hoảng, đem các vấn nạn đến cho con người để lay động mầu xám xịt ấy, để làm cho con người sáng lên trong chiều kích sâu thẳm của nó.

Hỏi: Thưa Đức Cha, 20 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, các nước thuộc khối cựu cộng sản đang đứng trước một thách đố mới: đó là đánh mất đi căn tính của mình trước nền văn hóa Tây âu. Giáo Hội có thể nắm giữ vai trò nào trong việc giúp tránh nguy cơ này?

Đáp: Khi còn có chế độ cộng sản vô thần hay các thể chế coi tôn giáo như một nguy cơ, như một thực tại ngoại tại, thì giữa lòng nhân dân, trong lòng con người vẫn có một sự rên siết nào đó, rồi có ý thức phê bình từ phía các Giáo Hội, và đã có xung khắc công khai, đã có các trường hợp bách bại thực sự.

Giờ đây chúng ta đang đứng trước tình trạng như tôi vừa mới miêu tả trên đây, và tình trạng này cũng xảy ra cho các nước trước kia sống dưới các chế độ vô thần, nghĩa là từ từ tất cả các nước Đông Âu giờ đây đã thích ứng hay đang thích ứng với hình thái hời hợt bề ngoài và thờ ơ, là thái độ đặc thù của thế giới Tây Âu. Các huyền thoại mới là các huyền thoại của quảng cáo, của truyền hình, của tiêu thụ, của hưởng thụ tức khắc. Và như thế là các cộng đoàn này đã đánh mất đi hai lần căn tính của họ: lần thứ nhất với chế độ cộng sản vô thần cắt đứt mọi quy chiếu kiểu siêu việt, và giờ đây họ có khả năng tìm lại các gốc rễ nhưng với bầu khí mới cũng lại xóa bỏ mọi chiều kích mạnh mẽ, mọi chiều kích siêu việt nữa: đó là lần thứ hai. Và tôi nghĩ có thể có hai câu trả lời. Một đàng, các Giáo Hội phải tìm mọi cách tiếp tục và khiến cho giáo dân dấn thấn trong các thực tại mà chúng ta quen gọi một cách truyền thống là các thực tại sau hết, nghĩa là dấn thân sống tình bác ái, sống cho tha nhân, dấn thân xã hội, thăng tiến các chiều kích phát triển văn hóa; tất cả những gì làm thành lịch sử của một con người, của một xã hội.

Dấn thân cho các thực tại sau hết: chúng ta hãy nghĩ tới công tác thiện nguyện là công tác rất quan trọng trong nhiều xã hội, nhất là bên trong Giáo Hội. Nhưng điều này thôi không đủ. Các Giáo Hội phải có can đảm đề nghị cả các sự thật cuối cùng nữa. Nghĩa là trở lại việc loan báo, trong sự truyền thông của mình, trong các dụng cụ giúp hiểu biết và tái đề nghị các đề tài nền tảng như: sự sống, cái chết, cuộc sống đời sau, nỗi khổ đau, bất công, công lý, sự thật, sự thiện, sự dữ và cả Mầu Nhiệm của Thiên Chúa nữa, tại sao lại không? Nghĩa là phải có hai con đường, trên đó chúng ta tìm lấy đi tình trạng mầu xám này hay là chủ thuyết vô thần thực tiễn. Một đàng là dấn thân hiện sinh, nghiêm chỉnh, khắc khổ, đàng khác cũng là và nhất là việc trở lại với các đề tài tinh thần lớn.

Hỏi: Thưa Đức Cha, Giáo Hội tìm làm cho người trẻ dấn thân. Nhưng mà nền văn hóa chung có nợ giới trẻ, nhất là trong lãnh vực giáo dục hay không?

Đáp: Đây là điều rất đúng. Nhưng trước hết tôi xin có một nhận xét đó là ngày nay thế hệ đi trước không hiểu thế giới của người trẻ. Thế hệ đi trước chỉ tìm bảo đảm tiện nghi dễ dài cho mình, mà không cố gắng tìm đáp trả lại các vấn nạn của người trẻ. Các vấn nạn này thường được biểu lộ trong một hình thức mà thế giới người lớn không thể nào hiểu nổi. Người trẻ ngày nay có một ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của thế hệ đi trước. Kết quả một cuộc thăm dò cho thấy người trẻ Italia chỉ dùng có 800 trên 150.000 từ tiếng Ý. Nghĩa là một thứ ngôn ngữ đơn giản hóa. Thế rồi còn có thứ ngôn ngữ của điện thoại di động, là thứ ngôn ngữ dấu hiệu, hình ảnh, không lời mà chỉ có các dấu hiệu. Đây là một kiểu truyền thông khác, bình thường đối với người trẻ, nhưng lại giản lược các tương quan một cách mạnh mẽ. Như thế giới trẻ sống trong thế giới của họ và thông truyền với nhau bằng thứ ngôn ngữ riêng, và rất thường khi chúng ta chứng kiến với sự thờ ơ.

Vì thế điều thứ nhất cần thiết là phải hiểu thứ ngôn ngữ này, lắng nghe nó và biết nó; đàng khác vì chúng ta mắc nợ người trẻ sự phong phú đã được xây dựng bằng bao thế kỷ nay, nên cần phải tìm cách thông truyền cho họ vài giá trị nền tảng bắt đầu từ trường học và Giáo Hội, qua một chương trình truyền thông trong các ngôn ngữ mới. Và đây là điều biết bao lần người ta đã không làm, bởi vì học đường và Giáo Hội tiếp tục các phương pháp và các chương trình của mình, trong khi đáng lý ra phải chế ra một sự truyền thông mới, đừng để cho người trẻ bị nghèo nàn đi, bởi vì họ luôn luôn là các con người và đối với họ điều triết gia Pascal nói cũng có gía trị: “Con người thắng vượt con người một cách bất tận”, nghĩa là con người luôn luôn là cái gì sâu thẳm hơn, dấu ẩn hơn, cả khi bề ngoài xem ra nó hời hợt, hài lòng với cái tối thiểu, với sự trống rỗng của sự vật. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng bên trong một kinh nghiệm thê thảm như kinh nghiệm của người trẻ nghiện ngập ma túy chẳng hạn - mà không phải chỉ có người trẻ - có một yếu tố ở chiều sâu, có một vấn nạn về ý nghĩa cuộc đời: nếu cuộc sống không có ý nghĩa, thì khi đó người trẻ đốt nó, hay tìm gây ma túy cho nó. Vấn nạn này nền tảng, quan trọng, và vì thế Giáo Hội và xã hội, học đường và gia đình phải kiên nhẫn tìm cách tái lập một sự truyền thông với người trẻ.

Hỏi: Dưới ánh sáng của tất cả những điều vừa nói, Hội Đồng Tòa Thánh Văn Hóa dành ưu tiên cho những gì thưa Đức Cha Ravasi?

Đáp: Có một loạt các yếu tố mà chúng tôi thấy cần phải đầu tư tìm hiểu, phân tích và dấn thân thực hiện. Trước hết là ngôn ngữ. Phải hiểu xem ngày nay người ta thông truyền như thế nào. Liên mạng là một ngôn ngữ, và bất cứ loại ngôn ngữ nào cũng có sứ điệp riêng của nó, như học gỉa McLuhan chuyên nghiên cứu về ngôn ngữ đã nói: phương tiện là sứ điệp. Phải nhớ rằng ngôn ngữ liên mạng khác với ngôn ngữ viết tay. Nó là thứ ngôn ngữ lạnh lùng. Do đó phải đưa ra các hướng dẫn để tránh các nguy cơ cho giới trẻ. Chúng ta hãy nghĩ tới những người trẻ ngồi trước Internet và tán gẫu với nhau hết giờ này sang giờ khác. Họ quen với thứ ngôn ngữ lạnh lùng đó, nó không phải là một sự truyền thông trực tiếp mắt đối mắt, hay chạm vào da thịt nhau, mà là sự truyền thông ảo tưởng, đôi khi có thể đạt sự giả tạo tuyệt đối.

Xã hội ngày nay cô lập hóa con người mặc dù có các hiện tượng đám đông. Mọi người đều dùng hệ thống liên mạng, một mình, trong cô đơn. Các địa chỉ riêng trên mạng các “blog” là nhu cầu truyền thông chính mình trong một thế giới cô đơn, và đó cũng vẫn là sự truyền thông lạnh lùng. Tự nó, nó là dấu chỉ con người không thể tự đóng kín trong chính mình, không bao giờ là người du mục, không bao giờ đóng kín cửa đối với xã hội, mà không diễn tả nhu cầu sâu thẳm của mình. Và thế là nảy sinh ra các “blog” các địa chỉ liên lạc đáp ứng nhu cầu nhìn thấy mặt nhau như Face Book. Nó diễn tả nỗi nhớ nhung của sự truyền thông liên bản vị. Đây có thể là một dịp giúp thông truyền các giá trị.

Hỏi: Có còn ưu tiên nào khác được Hội Đồng Tòa Thánh Văn Hóa chú ý không thưa Đức Cha?

Đáp: Có chứ. Ưu tiên thứ hai là hiện tượng văn hóa mới. Từ “văn hóa” “Kultur” trong tiếng Đức đã được sáng chế ra vào thế kỷ thứ XVII. Nó ám chỉ phần cao, trí thức, thượng lưu, nghệ thuật, âm nhạc, triết lý vv... Nhưng ngày nay trái lại, khoa kinh tế, xã hội, nhân chủng, việc nghiên cứu dân gian và các hiện tượng xã hội, kể cả tôn giáo bình dân, tất cả đều được gọi là văn hóa.

Mọi hiện tượng có ý nghĩa nội tại tìm diễn tả nhân loại đều là văn hóa. Đó là một chinh phục vì giúp trở lại với nghĩa văn hóa cổ điển. Người Hy Lạp gọi văn hóa là “paideia” có nghĩa là giáo dục, đào tạo. Người Latinh gọi văn hóa là “humanitas”, có nghĩa là nhân bản hóa con người. Dưới ánh sáng đó chúng ta cũng chú ý tới các hiện tượng không phải là các hiện tượng cao của văn hóa. Thí dụ như kinh tế, chúng ta nghĩ tới một mẫu kinh tế như được đề nghị bởi Amartya Sen, hay Joseph Stiglitz hoặc Mohammed Yunus, tức các kinh tế gia đã lãnh giải Nobel.

Ông Amartya Sen đã viết rằng: “Từ nay chúng ta phải thôi coi kinh tế như kỹ thuật tài chánh, như kỹ thuật tiền tệ, kỹ thuật ngân hàng, mẫu mực của sự phát triển. Kinh tế là một khoa học nhân văn”. Tại sao vậy? Bởi vì nó liên quan tới các luật lệ, như chính từ “economia” diễn tả là các luật lệ, là “oikia”, là thế giới, là các căn nhà nhỏ trong đó chúng ta sống, là các căn nhà lớn là xã hội. Chính vì các lý do đó tôi nghĩ chúng ta phải chú ý tới các hiện tượng văn hóa mới, bao gồm cả các truyền thống dân gian nữa.

Ngoài ngôn ngữ và các nền văn hóa mới, tôi cũng nghĩ tới một yếu tố thứ ba quan trọng để không xóa bỏ truyền thống văn hóa cao: đó là chiều kích của nghệ thuật. Nghệ thuật, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, phim ảnh, truyền hình, trong các kiểu diễn tả mới của chúng. Chúng ta biết nghệ thuật ngày nay có một ngôn ngữ, một văn phạm hoàn toàn khác với văn phạm truyền thống, văn phạm của nghệ thuật cổ điển. Và đối thoại là điều quan trọng. Vì thế tôi đã đề nghị và Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chấp nhận gặp gỡ giới nghệ sĩ vào ngày 21 tháng 11 năm nay 2009. Dĩ nhiên là chỉ có thể mời một số đại diện nào đó thôi. Các nghệ sĩ sẽ đến từ khắp nơi trên thế giới và đại diện cho tất cả mọi bộ môn nghệ thuật.

Còn có một dấn thân nữa đó là Tòa Thánh sẽ tham dự cuộc triển lãm nghệ thuật hai năm một lần tại Venezia, bắc Italia vào năm 2011, với một khu vực trưng bầy riêng, bằng cách mời hàng chục nghệ sĩ nổi tiếng của nghê thuật hiện đại không có liên hệ đặc biệt với tôn giáo, để khích lệ họ đưa ra các đề nghị nghệ thuật tinh thần, biểu tượng. Đây cũng là một cố gắng đối thoại với nền văn hóa và nghệ thuật ngày nay.

(SD 21-8-2009) ½

Linh Tiến Khải

 


Về Trang Mục Lục