Đức Thánh Cha mời gọi mọi tín hữu yêu thương, cầu nguyện, hoạt động cho Giáo Hội, đừng bao giờ bỏ rơi và phản bội Giáo Hội

 

Radiovaticana 23/09/2009 – Các chủ chăn cũng như những người sống đời thánh hiến và mọi giáo dân đều được khích lệ yêu thương Giáo Hội của Chúa Kitô, cầu nguyện, làm việc và đau khổ vì Giáo Hội, mà không bao giờ bỏ rơi và phản bội Giáo Hội.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 23-9-2009.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của thánh Anselmo thành Aosta bên Italia cũng còn gọi là Anselmo thành Bec bên Pháp và Anselmo thành Canterbury bên Anh quốc, mà năm nay là mừng kỷ niệm 900 năm thánh nhân qua đời. Người là một đan sĩ có cuộc sống tinh thần sâu xa, một nhà giáo dục lỗi lạc, một thần học gia có khả năng suy tư ngoại thường, một người cai quản khôn ngoan và là người cương quyết bảo vệ sự tự do của Giáo Hội. Thánh nhân là một trong những nhân vật lỗi lạc của thời trung cổ biết hòa hợp các đức tính trên đây nhờ kinh nghiệm thần bí hướng dẫn tư tưởng và hoạt động của người.

  Đề cập tới tiểu sử thánh Anselmo Đức Thánh Cha nói:

Thánh Anselmo sinh năm 1033 tại Aosta và là con trưởng của một gia đình quyền qúy, có thân phụ là người cộc cằn, chơi bời phung phí của cải, nhưng thân mẫu là người rất đạo đức biết lo lắng dậy con từ tấm bé và giao con cho các tu sĩ Biển Đức giáo dục. Ngay từ ngay còn bé Anselmo đã tưởng tượng nhà của Chúa nằm trên các đỉnh núi cao của dẫy Alpe và một đêm nằm mơ thấy mình được Chúa mời lên đó nói chuyện và sau cùng nhận được một “bánh rất tinh tuyền” (Eadmero, Vita si S. Anselmo, PL 159, col. 49).

Năm lên 15 tuổi Anselmo xin phép nhập dòng Biển Đức, nhưng thân phụ nhất quyết cự tuyệt, ngay cả khi Anselmo bị bệnh sắp chết chỉ muốn mặc áo dòng trước khi qua đời. Sau khi khỏi bệnh và mồ côi mẹ, Anselmo trải qua một thời gian sống buông thả luân lý, bỏ học chạy theo các đam mê trần tục và giả điếc đối với lời mời gọi của Thiên Chúa. Chàng bỏ nhà lang thang bên Pháp kiếm tìm các kinh nghiệm mới. Sau ba năm Anselmo tới Normandia tìm đến đan viện Bec, vì bị thu hút bởi tiếng tăm của bề trên đan viện là Cha Langfranco thành Pavia. Đây đã là cuộc gặp gỡ đổi đời. Được hướng dẫn trong việc học hành chỉ trong vòng một thời gian ngắn Anselmo không chỉ trở thành môn sinh giỏi nhất mà còn là người tâm phúc của bề trên. Ơn gọi Biển Đức bùng cháy trở lại và năm 27 tuổi Anselmo gia nhập đan viện và được thụ phong linh mục.

Năm 1063 cha Langfranco trở thành viện phụ đan viên tại Caen, Anselmo được chỉ định làm bề trên đan viện Bec và làm giáo sư trường học của tu viện, mặc dù cha mới nhập dòng được ba năm. Cha tỏ ra là một nhà giáo dục tài ba, luôn coi người trẻ như các cây non phát triển mạnh mẽ khi ở ngoài trời tự do hơn là trong lồng kính. Ngài rất đòi hỏi đối với việc tuân giữ luật lệ, nhưng chỉ bằng cách thuyết phục chứ không cưỡng bách các môn sinh. Khi cha Erluino, viện phụ và là người sáng lập tu viện Bec qua đời, cha Anselmo được các tu sĩ đồng thanh bầu làm viện phụ năm 1079.

Trong thời gian này có nhiều tu sĩ Biển Đức được gửi sang Canterbury để huấn luyện các tu sĩ theo tinh thần cuộc canh tân các đan viện bên đất liền. Công việc này được các tu sĩ chấp nhận tốt đến độ khi viện phụ Langfarnco thành Pavia được chỉ định làm Tổng Giám Mục Canterbury, Đức Cha đã mời Anselmo qua đó phụ giúp dậy dỗ các tu sĩ. Thánh Anselmo được qúy trọng tới độ khi Đức Tổng Giám Mục Langfranco qua đời, ngài được chọn làm Tổng Giám Mục kế vị Canterbury và được tấn phong năm 1093.

 Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha đề cao nỗ lực của Đức Cha Anselmo trong việc bảo vệ sự tự do của Giáo Hội như sau:

Thánh Anselmo lập tức dấn thân cương quyết tranh đấu bảo vệ sự tự do của Giáo Hội, bằng cách can đảm bênh vực sự độc lập của quyền bính tinh thần khỏi quyền bính trần thế. Người bảo vệ Giáo Hội chống lại các xen mình vào chuyện tôn giáo của quyền bính chính trị, nhất là của vua Guglielmo Đỏ và Enrico I, và được sự khích lệ và ủng hộ của Đức Giáo Hoàng, mà người luôn tỏ ra gắn bó mật thiết. Chính sự trung thành đó đã khiến cho thánh nhân gặp cay đắng và bị đầy khỏi Canterbury. Chỉ vào năm 1103 sau khi vua Enrico I từ bỏ yêu sách chỉ định các chức sắc giáo hội cũng như việc đánh thuế và tịch thu tài sản của Giáo Hội, thánh nhân mới được trở về Anh quốc, và được giáo sĩ và tín hữu vui mừng tiếp đón. Cuộc chiến đấu với vũ khí là lòng kiên trì, sự hãnh diện và lòng tốt đã chiến thắng. Thánh Anselmo dành các năm cuối đời cho việc đào tạo luân lý của hàng giáo sĩ và nghiên cứu các đề tài thần học. Ngài qua đời ngày 21 tháng 4 năm 1109 với các lời phúc âm của thánh lễ hôm đó ghi lại lời Chúa Giêsu hứa: “Các con là những người đã kiên trì với Thầy trong các thử thách gian nan, và Thầy chuẩn bị cho các con một vương quốc, như Cha đã chuẩn bị cho Thầy, để các con có thể đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương quốc của Thầy” (Lc 22,28-30).

Thánh Anselmo cũng là người có tâm hồn thần bí. Ngài viết trong một lời nguyện như sau: “Lậy Thiên Chúa, con cầu xin Chúa, con muốn hiểu biết Chúa, con muốn yêu mến Chúa và hưởng nếm Chúa. Và nếu trong cuộc sống này con không có khả năng làm điều đó một cách tràn đầy, thì ít nhất mỗi ngày có thể tiến tới cho tới khi đạt sự toàn vẹn” (Proslogion, cap. 14).

Thánh Anselmo đã là người thành lập nền thần học kinh viện, nên truyền thống Kitô đã tặng người tước hiệu “Tiến Sĩ Tuyệt Vời” vì người đã vun trồng ước muốn sâu xa đào sâu các mầu nhiệm của Chúa, nhưng với ý thức là con đường kiếm tìm Thiên Chúa không bao giờ kết thúc, ít nhất là trên trái đất này. Sự rõ ràng và luận lý vững chãi trong tư tưởng của người luôn có mục đích nâng con người lên chỗ chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Người làm thần học không thể chỉ dựa trên trí thông minh của mình, mà đồng thời phải vun trồng một kinh nghiệm lòng tin sâu xa nữa.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ:

Theo thánh Anselmo sinh hoạt thần học, như thế, được khai triển thành ba đợt: đức tin là ơn nhưng không của Thiên Chúa cần được đón nhận với lòng khiêm tốn; kinh nghiệm hệ tại việc nhập thể lời Chúa vào cuộc sống thường ngày; và sự hiểu biết không bao giờ chỉ là hoa trái của các lý luận nhưng là một trực giác chiêm niệm. Ba mức độ đó cũng ích lợi đối với việc tìm hiểu thần học ngày nay và đối với những ai muốn đào sâu các sự thật lòng tin.

Rồi ngài kết thúc bài huấn dụ như sau: Ước chi tình yêu đối với chân lý và sự liên lỉ khát khao Thiên Chúa đã ghi dấu toàn cuộc sống của thánh Anselmo, cũng thúc đẩy mọi Kitô hữu không mệt mỏi kiếm tìm sự hiệp nhất sâu xa hơn với Chúa Kitô, là Đường, Sự Thật và Sự Sống. Ngoài ra, ước chi lòng nhiệt thành tràn đầy can đảm đã ghi dấu hoạt động mục vụ của người khiến cho người gặp các hiểu lầm cay đắng và đầy ải, khích lệ các chủ chăn cũng như những người sống đời thánh hiến và mọi giáo dân yêu thương Giáo Hội của Chúa Kitô, cầu nguyện, làm việc và đau khổ vì Giáo Hội, mà không bao giờ bỏ rơi và phản bội Giáo Hội.

 Sau khi chào các nhóm tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải


Về Trang Mục Lục