Đức Thánh Cha viếng thăm mục vụ tại Cộng hòa Tchèque

 

Radiovaticana 26/09/2009 – PRAHA. Sáng 26-9-2009, ĐTC Biển Đức 16 đã đến Praha, thủ đô Cộng hòa Tchèque (Tiệp) để thực hiện chuyến viếng thăm mục vụ 3 ngày tại nước này.

Đây là lần thứ 4 trong 19 năm qua, một vị Giáo Hoàng đến viếng thăm nước Tchèque, kể từ cuộc viếng thăm của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 trong hai ngày 21 và 22-4 năm 1990, tức là chỉ 5 tháng sau khi Liên bang Tiệp Khắc tìm lại được tự do. Đây cũng là chuyến viếng thăm thứ 3 và là chuyến viếng thăm cuối cùng ĐTC Biển Đức 16 thực hiện tại nước ngoài trong năm nay, sau hai cuộc viếng thăm tại Phi châu và Thánh Địa.

Chủ đề chuyến viếng thăm hiện nay của ĐTC là: “Tình yêu Chúa Kitô là sức mạnh của chúng ta”, một đề tài nhắm khơi dậy niềm hy vọng nơi các tín hữu tại Tchèque trong hoàn cảnh mới mẻ, tuy được tự do và sung túc hơn về vật chất, nhưng xã hội nước này ngày càng tục hóa và vắng bóng hy vọng, đồng thời khích lệ Giáo Hội tại địa phương dấn thân làm chứng tá trong xã hội nước này.

Mức thực hành đạo của các tín hữu Công Giáo Tchèque từ năm 1946 đến 1968 ở mức độ 50%, mặc dù sức ép mạnh mẽ và các cuộc bách hại của Nhà Nước cộng sản. Nhưng sau khi cuộc cách mạng Mùa Xuân Praha năm 1968 bị thất bại, với cuộc xâm lăng của Liên xô và các nước trong Minh Ước Varsava, niềm hy vọng sụp đổ, người dân bắt đầu mất tin tưởng nơi tín ngưỡng và tương lai. Mức độ thực hành đạo tiếp tục giảm sút từ đó và xuống còn 4% tại miền Boemia và 8% tại miền Moravia như hiện nay.

 Trên chuyến bay dài 2 tiếng từ Roma đến Praha, ĐTC đã chào thăm và trả lời một vài câu hỏi của các ký giả tháp tùng. Ngài cho cổ tay phải của ngài bị gẫy hồi giữa tháng 7 vừa qua nay đã khá hơn và có thể viết được. ĐTC nói: “Tư tưởng của tôi phát triển trong lúc viết, vì thế đối với tôi thật là một cơ cực vì không thể viết được trong 6 tuần lễ. Giờ đây tôi đang tiếp tục viết cuốn sách Đức Giêsu Thành Nazareth. Nhưng tôi còn nhiều điều phải làm, có lẽ tôi sẽ hoàn tất cuốn sách này vào mùa xuân năm tới. Nhưng đây còn là một điều hy vọng”.

Một ký giả đề cập đến sự kiện 66% dân Tchèque tuyên bố không tin nơi Thiên Chúa, ĐTC nhận định rằng Giáo Hội Công Giáo phải là một thiểu số có tinh thần sáng tạo, có khả năng ảnh hưởng tới tương lai, kể cả qua việc đối thoại với những người không tin tưởng. Ngài nói: “Các nhóm thiểu số, nếu có tinh thần sáng tạo, họ đóng góp quan trọng vào hành trình của văn hóa và của các dân tộc. Giáo Hội tại Cộng hòa Tchèque cũng phải như vậy, đặc biệt trong lãnh vực giáo dục, bác ái, phục vụ người nghèo, cả những người từ ngoài Âu Châu. Đó là điều mà các tín hữu Công giáo Tchèque đang dấn thân hoạt động”.

 Đón tiếp

 Khi đến phi trường Praha vào lúc 11 giờ rưỡi, ĐTC đã được Tổng thống Vaclav Klaus và phu nhân, cũng như ĐHY Miroslav Vlk, TGM Praha, và Đức TGM Jan Graubner Chủ tịch HĐGM Tchèque, cùng với các GM và đông đảo giới chức chính quyền đạo đời và nhiều trẻ em trong y phục truyền thống đón tiếp. 3 em bé trong y phục cổ truyền, dâng tặng những món quà biểu tượng của đất nước gồm bánh, muối và một bình đựng đất.

Trong diễn văn đầu tiên, ĐTC nhắc đến ảnh hưởng sâu đậm của Kitô giáo trên nền văn hóa Tchèque, cũng như kỷ niệm 20 năm “Cuộc cách mạng êm như nhung”, sắp được cử hành, cuộc cách mạng đã chấm dứt thời kỳ đặc biệt cam go của đất nước. Ngài hiệp ý với nhân dân Tchèque và các nước láng giềng để cảm tạ Chúa vì cuộc giải phóng khỏi các chế độ đàn áp. Tuy nhiên, ĐTC cũng nói rằng:

“Không nên coi nhẹ tổn hại do 40 năm đàn áp chính trị gây nên. Một thảm trạng đặc biệt đối với phần đất này là toan tính tàn bạo của Nhà Nước thời ấy muốn bóp nghẹt tiếng nói của Giáo Hội. Qua dòng lịch sử của quí vị, từ thánh Venceslao, thánh nữ Ludmilla, thánh Adalberto cho đến thánh Gioan Nepomuceno, đã có những vị tử đạo can trường, mà lòng trung thành của các ngài với Chúa Kitô được biểu lộ bằng tiếng nói rõ ràng và hùng hồn hơn cả tiếng nói của những kẻ sát hại các ngài. Năm nay là kỷ niệm 40 năm qua đời của Vị Tôi Tớ Chúa ĐHY Josef Baran, TGM Praha. Tôi muốn ca ngợi Đức Cố HY và vị kế nhiệm là ĐHY Frantisek Tomasek, - mà tôi đã được đích thân quen biết, - vì chứng tá Kitô kiên cường của các ngài đứng trước cuộc bách hại. Các vị cùng với vô số các LM, tu sĩ và giáo dân nam nữ can đảm khác đã giữ cho ngọn lửa đức tin tại đất nước này luôn cháy sáng. Giờ đây tự do tôn giáo đã được phục hồi, tôi kêu gọi tất cả các công dân của Cộng hòa Tchèque hãy tái khám phá truyền thống Kitô đã hình thành nền văn hóa của mình và tôi nhắn nhủ cộng đồng Kitô hãy tiếp tục lên tiếng trong lúc đất nước phải đương đầu với những thách đố của Ngàn năm mới. “Nếu không có Thiên Chúa Con người không biết đi đâu và cũng chẳng hiểu được mình là ai” (CV 78). Chân lý Phúc Âm là điều không thể thiếu được đối với một xã hội thịnh vượng, vì chân lý ấy mở ra viễn tượng hy vọng và làm cho chúng ta khám phá phẩm giá bất khả nhượng làm con Thiên Chúa của chúng ta.

 Kính viếng thăm Chúa Hài Đồng Giêsu

 Rời phi trường Starà Ruzyné, ĐTC đã đi thẳng tới Nhà thờ Đức Mẹ Chiến Thắng ở trung tâm thủ đô, cách phi trường 13 cây số. Trong thánh đường này có giữ tượng Chúa Hài Đồng Giêsu thành Praha, một pho tượng giữ vai trò quan trọng trong việc sùng kính Chúa Hài Đồng tại nhiều nơi trong Giáo Hội.

 Tượng Chúa cao 47 centimet bằng gỗ có bọc nến bên ngoài do một nghệ sĩ vô danh ở miền nam Tây Ban Nha thực hiện. Tượng được công nương Isabela Manrique de Lara trao tặng con gái là Maria, khi cô thành hôn với một nhà quí tộc người Tchèque tên là Vratislav di Pernstein. Về sau, tượng được tặng cha bề trên dòng Cát Minh Nhặt Phép thuộc tu viện Đức Mẹ Chiến Thắng ở Praha vào năm 1628. Với thời gian, lòng sùng kính Chúa Hài Đồng ngày càng gia tăng. Các bảng hiệu tạ ơn bằng bạc, có hình những bàn tay nhỏ bé, được treo trên tường nhà thờ chung quanh tượng, để cảm tạ vì những ơn lành họ đã nhận lãnh.

Sang thế kỷ 19, tiếng tăm về pho tượng Chúa Hài Đồng thành Praha lan rộng tới những nước xa xăm, từ Tây Ban Nha, tới Nam Mỹ, Italia và cả Phi luật tân nữa.

Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC nói rằng:

 “Tượng ảnh Chúa Hài Đồng Giêsu làm ta nghĩ ngay đến mầu nhiệm Nhập Thể, đến Thiên Chúa toàn năng làm người và đã sống 30 năm trong gia đình Nazareth khiêm hạ, được Chúa Quan Phòng phó thác cho sự bảo bọc ân cần của Mẹ Maria và Thánh Giuse. Chúng ta nghĩ đến các gia đình chúng ta và mọi gia đình khác trên thế giới, đến những vui mừng và khó khăn của họ. Cùng với ý nghĩ ấy, chúng ta dâng lời cầu nguyện, xin CHúa Hài Đồng Giêsu ban ơn hiệp nhất và hòa thuận trong mọi gia đình. Chúng ta cầu nguyện cho các gia đình đang gặp khó khăn, bị thử thách vì bệnh tật và đau đớn, những gia đình đang bị khủng hoảng, chia rẽ hoặc bị xâu xé vì bất thuận và thiếu chung thủy. Chúng ta phó thác tất cả các gia đình cho Chúa Hài Đồng thành Praha, với ý thức rằng sự ổn định bền vững và hòa hợp của gia đình là điều quan trọng dường nào đối với sự tiến bộ của xã hội và tương lai của nhân loại.

“Ngoài ra, tượng ảnh Chúa Hài Đồng Giêsu, với tuổi thơ dịu dàng, làm cho chúng ta cảm thấy sự gần gũi của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Chúng ta hiểu rằng chúng ta quí giá biết bao trước mắt Chúa vì chính nhờ Ngài, chúng ta trở thành con Thiên Chúa. Mỗi người là con Thiên Chúa và vì thế là an chị em chúng ta, và trong tư cách đó, họ phải được đón nhận và tôn trọng. Ước gì xã hội chúng ta hiểu rõ điều đó! Như thế mỗi người sẽ được đề cao giá trị không phải do những gì họ sở hữu, nhưng vì chính con người của họ, vì nơi khuôn mặt của mỗi người, không phân biệt chủng tộc và văn hóa, đều chiếu tỏa hình ảnh của Thiên Chúa”.

ĐTC không quên nhắc đến bao nhiêu trẻ em không được yêu thương, đón nhận và tôn trọng. Bao nhiêu em là nạn nhân của bạo hành và đủ mọi thứ khai thác bóc lột do những người vô lương tâm. Ước gì trẻ vị thành niên cũng được tôn trọng và quan tâm săn sóc. Các trẻ em chính là tương lai và hy vọng của nhân loại”.

 Gặp gỡ chính quyền

Chiều ngày 26-9-2009, ĐTC đã đến viếng thăm Tổng thống Tchèque tại lâu đài Praha. Lâu đài hùng vĩ này chỉ cách tòa Sứ Thần 4 cây số và thuộc vào số các lâu đài cổ kính rộng lớn nhất thế giới, trên một diện tích 6 hécta bao gồm nhiều dinh thự, khuôn viên và nhà thờ, nổi bật là Nhà thờ chính tòa Thánh Vitô. Cạnh lâu đài là khu vườn rộng 15 hécta. Từ năm 1918, khi Tchèque được độc lập, Lâu đài Praha trở thành phủ tổng thống.

Sau khi hội kiến với Tổng thống, ĐTC đã tiến sang sảnh đường Tây Ban Nha để gặp gỡ chính quyền và ngoại giao đoàn, cùng các quan chức khác, tổng cộng hơn 300 người.

 Lên tiếng trong dịp này, ĐTC ghi nhận trong 20 năm qua đã có những thay đổi chính trị sâu rộng tại Âu châu, tự do được phục hồi. Tuy nhiên bổn phận củng cố các cơ cấu của sự tự do là điều quan trọng cơ bản nhưng không đủ, vì các khát vọng của con người vượt cao hơn và vượt ngoài những gì mà quyền bính chính trị và kinh tế có thể cống hiến cho con người, để hướng tới niềm hy vọng rạng ngời có nguồn gốc ở ngoài chúng ta nhưng tỏ hiện trong chúng ta như là chân lý và thiện mỹ. Sự tự do đích thực đòi phải có sự kiếm tìm chân lý là sự thiện đích thực được thực hiện trong việc hiểu biết và làm nhưng gì đúng đắn và công chính. Nói cách khác chân lý là quy tắc hướng dẫn sự tự do và lòng tốt là sự hoàn thiện của nó.

ĐTC đã khích lệ giới lãnh đạo duy trì cao độ sự nhậy cảm đối với sự thật và sự thiện trong các lãnh vực tôn giáo, chính trị hay văn hóa, mỗi người trong cương vị và bổn phận của mình. Mọi người phải cùng nhau dấn thân tranh đấu cho tự do và kiếm tìm chân lý.

Kinh chiều

Hoạt động cuối cùng của ĐTC trong ngày đầu tiên tại Tchèque là buổi hát kinh chiều trọng thể lúc quá 6 giờ chiều tại Nhà thờ chính tòa Thánh Vitô, thánh Venceslao và Adalberto, chỉ cách phủ tổng thống 200 mét.

Hiện diện trong thánh đường huy hoàng này, có lối 2.400 người gồm cách GM, LM, tu sĩ nam nữ, các chủng sinh và đại diện của các phong trào giáo dân.

Giảng trong buổi hát kinh chiều, ĐTC đã khích lệ các linh mục tu sĩ nam nữ chủng sinh và các phong trào giáo dân tại Tchèque can đảm noi gương Chúa Giêsu sống yêu thương và phục vụ. Trong một xã hội còn mang đậm các vết thương do ý thức hệ vô thần gây ra, và bị chủ trương tiêu thụ hưởng lạc làm lóe mắt, cũng như khuynh hướng duy tương đối luân lý làm sai lạc các giá trị nhân bản và tôn giáo, làm chứng cho Tin Mừng không phải là điều dễ dàng. Vì thế cần củng cố các giá trị tinh thần và luân lý trong cuộc sống xã hội ngày nay. Đây là điều các cộng đoàn đang làm với các hoạt động bác ái xã hội và công tác mục vụ, trong lãnh vực giáo dục, hướng dẫn giới trẻ và gia đình.

 ĐTC nhấn mạnh rằng: “Chứng tá đức tin anh hùng chỉ có được nhờ sự hiểu biết gắn bó bản thân với Chúa Kitô. Chỉ có tình yêu của Chúa Kitô mới khiến cho hoạt động tông đồ đươc hữu hiệu trong những lúc khó khăn và thử thách. Ước chi tình yêu đó tỏa rạng trong mọi giáo xứ và cộng đoàn của anh chị em, cũng như trong các hiệp hội khác nhau. Ước chi anh chị em luôn là muối xã hội đem lại hương vị cho cuộc sống và là các thớ trung thành trong vườn nho của Chúa. Các GM và LM là những người đầu tiên phải không mệt mỏi làm việc cho thiện ích của tín hữu và sẵăn sàng tận hiến chính mình cho đoàn chiên. ĐTC nhắn nhủ các tu sĩ nam nữ trung thành với các lời khấn và sống chứng tá tình yêu thương huynh đệ. ĐTC khích lệ các chủng sinh và người trẻ chuẩn bị cho minh hành trang trí thức văn hóa, tinh thần và mục vụ vững vàng, và cố gắng nên thánh đặc biệt trong Năm Linh Mục kỷ niệm 150 năm qua đời của thánh Cha Sở họ Ars.”

G. Trần Đức Anh OP & Linh Tiến Khải

 


Về Trang Mục Lục