Thánh lễ mừng Chúa Hiển linh tại MEP Paris ngày 3/1/2010

WHĐ (6.1.2010)­ – Nhận lời mời của Cha Bề trên tổng quyền Hội Thừa Sai Paris hải ngoại (MEP), Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám mục Giáo phận Đalat, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và Đức cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục Giáo phận Nha trang, Phó Tổng thư ký HĐGMVN, đã đáp máy bay sang Paris từ ngày 29/12/2009 đến ngày 5/1/2010, để có thể hiện diện trong ngày lễ Chúa Hiển linh (3/1/20100) là ngày lễ chính của MEP. Buổi chiều Chúa nhật 3/1 vừa qua, sau phần các Bề trên liên hệ của MEP tường trình sinh hoạt của Hội Thừa sai hải ngoại, Đức cha Phêrô đã được mời chủ sự Nghi thức làm phép Phòng trưng bày sinh hoạt của MEP và chủ sự Thánh lễ trọng thể tại Nguyện đường Hiển Linh của MEP. Đồng tế với Đức cha Phêrô, có Đức cha Giuse, cha Bề trên tổng quyền của MEP và khoảng trên 100 linh mục là những vị khách mời vị vọng, là thành viên của MEP và một số lớn các linh mục sinh viên thuộc nhiều quốc tịch thụ hưởng học bổng của MEP để theo học tại Pháp, cách riêng tại Paris. Tham dự Thánh lễ còn đông đảo các thân hữu của MEP. Trước khi cử hành Thánh lễ, cha Bề trên tổng quyền của MEP có đôi lời chào mừng cộng đoàn, cách riêng trân trọng chào mừng Đức cha Chủ tịch và Đức cha phó Tổng thư ký HĐGMVN, thay mặt cho HĐGMVN.

Đức cha Phêrô bắt đầu Thánh lễ với lời ngỏ với cộng đoàn (xem toàn văn lời ngỏ). Sau bài Phúc âm, Đức cha Phêrô đã trực tiếp chia sẻ Lời Chúa trong bài giảng lễ (xem toàn văn bài giảng lễ).

Trong phần hiệp lễ, có một bất ngờ tạo nhiều xúc cảm, là giữa cộng đoàn phụng vụ trang trọng ở thủ đô Paris, bản thánh ca “Đêm đông” bằng tiếng Việt đã được hát vang lên, để ca ngợi mầu nhiệm Chúa Giáng sinh, đồng thời cũng để hiệp thông với Giáo hội tại quê nhà Việt Nam.

Sau Thánh lễ, có bữa tiệc buffet thân mật quy tụ tất cả cộng đoàn.

Ngày 5/1, Đức cha Phêrô và Đức cha Giuse đã đáp máy bay trở về nước bình an.

Lời ngỏ trước khi cử hành Thánh lễ mừng Chúa Hiển linh tại MEP Paris ngày 3/1/2010

của Đức cha Chủ tịch HĐGMVN

Trọng kính Cha Bề Trên Tổng Quyền, Kính thưa Quý Cha, Thưa Anh Chị Em thân mến,

Thật là một niềm vui lớn lao và một vinh dự đặc biệt đối với hai anh em chúng tôi, Đức cha Giuse Võ Đức Minh và tôi, được hiện diện nơi đây, ở giữa Quý Vị trong giờ phút hồng ân này, lúc mà Hội Thừa Sai Paris cử hành lễ bổn mạng của mình vào chính ngày Lễ Hiển Linh năm 2010. Trước tiên tôi muốn chu toàn nhiệm vụ cao quý được giao phó là chuyển tới Quý Vị những lời chào đượm tình huynh đệ của tất cả các Đức Giám mục và Dân Chúa tại Việt Nam, kèm với những lời chúc mừng tốt đẹp nhất cho Năm 2010 mới bắt đầu. Thánh Lễ tạ ơn hôm nay, mà Cha Bề Trên Tổng Quyền đã có nhã ý mời tôi chủ tế, càng mang nhiều ý nghĩa, khi Quý Vị vừa cử hành trong năm 2008 lễ Đại Khánh kỷ niệm 350 Năm ngày thành lập Hội của Quý Vị vào năm 1658. Năm Đại Khánh của Quý Vị bế mạc vào ngày Lễ Hiển Linh 2009, mở đường cho Năm Thánh của chúng tôi nhằm kỷ niệm 350 Năm ngày thành lập hai Địa Phận Đại Diện Tông Tòa đầu tiên tại Đàng Ngoài và Đàng Trong vào năm 1659, tức là thành lập Giáo Hội Việt Nam được chính thức uỷ thác ngay từ đầu cho Hội của Quý Vị, đồng thời chúng tôi cũng kỷ niệm 50 Năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm Công Giáo tại Việt Nam vào năm 1960. Năm Thánh kép của chúng tôi đã khai mạc  long trọng vào ngày 24 tháng 11 năm  2009 tại Sở Kiện, Tổng Giáo Phận Hà Nội; sẽ đạt tới một “thì mạnh” với Đại Hội Dân Chúa vào tháng 11 năm 2010 tại Sàigòn, Tổng Giáo Phận Thành Phố Hồ Chí Minh; và sẽ bế mạc tại Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang, Tổng Giáo Phận Huế, vào ngày lễ Hiển Linh năm 2011. Các cuộc cử hành tại Pháp cũng như tại Việt Nam nhắc lại một cách sống động các mối tương quan liên đới đã được dệt nên trong hơn ba thế kỷ qua giữa Hội của Quý Vị và Giáo Hội chúng tôi. Các mối tương quan liên đới này thực sự biểu lộ sự hiệp thông định mệnh giữa Quý Vị và chúng tôi, một sự hiệp thông đã khởi đầu một cách cụ thể trong vai trò của hai Đức Cha François Pallu và Pierre Lambert de la Motte, là những vị Sáng lập Hội của Quý Vị, đồng thời là những vị mục tử đầu tiên của Giáo Hội chúng tôi. Các ngài đã để lại dấu ấn sâu đậm trên cả hai thực thể, phía Quý Vị cảm nhận dấu ấn Đức Cha Pallu trực tiếp hơn, phía chúng tôi cảm nhận dấu ấn Đức Cha Lambert trực tiếp hơn. Nhưng những chức vụ do các ngài thi hành thì bổ túc cho nhau và không thẻ tách rời nhau. Cả hai vị đều liên đới và đồng trách nhiệm trong việc thành lập Hội của Quý Vị và thành lập Giáo Hội của chúng tôi. Đó chính là lý do khiến Hội Thừa Sai Paris và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã thỏa thuận với nhau để cùng ký tên vào thỉnh nguyện thư chung, thỉnh cầu Tông Tòa phong chân phước và hiển thánh cho hai nhà Thừa sai vĩ đại này, là những vị Sáng Lập và những người Cha của chúng ta trong đức tin. Hy vọng rằng cuộc vận động chung này sẽ củng cố thêm nữa các mối tương quan sẵn có giữa Hội của Quý Vị và Giáo Hội chúng tôi.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho cuộc vận động chung này được Thiên Chúa chúc lành và đạt kết quả: 

- Nhằm tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh,

- Nhằm khích lệ toàn thể Dân Chúa tại Việt Nam nêu lên một chứng từ xác tín và mang tính thuyết phục cho Phúc Âm theo tinh thần của những người Cha của mình trong đức tin,

- Và nhằm nuôi dưỡng lòng nhiệt thành truyền giáo của Hội Thừa sai Paris theo đường hướng đã được các Vị Sáng Lập vạch ra.

Với  những ý nguyện đó, giờ đây chúng ta bắt đầu cử hành thánh Lễ bằng nghi thức thống hối, xin Thìên Chúa thứ tha tội lỗi cho chúng ta.

Bài giảng lễ Hiển Linh tại MEP Paris (của Đức Cha Chủ tịch HĐGMVN)

ngày 3/1/2010

(Is 60, 1-6; Ep 3, 2-3a. 5-6; Mt 2, 1-12)

Trọng kính Cha Bề Trên Tổng Quyền, kính thưa Quý Cha, thưa Anh Chị Em thân mến,

Hôm nay, chúng ta cử hành long trọng Lễ Hiển Linh của Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta. Chính Thiên Chúa bày tỏ vinh quang thần linh trong con người rất đỗi mỏng dòn của Chúa-Con-Nhập-Thể, một vinh quang ẩn kín trong thân phận người phàm mà Ngôi Lời vĩnh cửu đã tự nguyện đảm nhận. Vâng, Hài Nhi Sơ Sinh, nằm trong máng cỏ, chưa biết nói để có thể tuyên bố: “Ta là ánh sáng của thế gian” (Ga 8, 12). Nhưng không gì ngăn cản nổi Ngài “là ánh sáng thật, đến trong thế gian, chiếu soi cho mọi người” (Ga 1, 9), như ngài sẽ khẳng định long trọng lúc đến giờ đến buổi (x. Ga 9, 5). Thật vậy, sự sáng hoặc ánh quang vinh trong đêm Giáng Sinh tháp tùng vị thiên sứ đến gặp gỡ những mục đồng tại Bêlem (x. Lc 2, 9), đã ưu tiên chiếu soi cho những “Người Nghèo của Thiên Chúa”, là chính các người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật, chính họ là những người đầu tiên đón nhận “Tin Mừng trọng đại, mang lại một niềm vui lớn lao” (x. Lc 2,0). Họ vội vã đi đến nhập đoàn với Đức Maria và Thánh Giuse, là những Người Nghèo mẫu mực của Thiên Chúa. Tất cả đều quây quần chung quanh Hài Nhi, Con Thiên Chúa đã trở thành Con-Người, sinh bởi một phụ nữ (x. Gl 4, 4), để làm Người Nghèo tuyệt hảo của Thiên Chúa (x. Pl 2, 6-2; 2Cr 8, 9...). Vâng, vinh quang Thiên Chúa tự bày tỏ trong sự khiêm hạ và nghèo khó của Hài Nhi Giêsu và được phản chiếu trên gương mặt những Người Nghèo vây quanh Ngài và gắn bó với Ngài.

Hôm nay, trong ngày Lễ Hiển Linh, ánh sáng thật của thế gian chiếu soi cho những người khác nữa đến từ những đất nước xa xôi hơn. Đó là các nhà chiêm tinh Đông phương (x. Mt 2, 1). Đúng là Bêlem nằm về phía đông của Aten và Roma, hai trung tâm của nền văn minh châu Âu cổ đại, nhất là Roma thủ đô đế chế, được coi là cái rốn của thế giới người ta biết đến thời bấy giờ. Thế nhưng, ánh sáng của thế gian, xuất hiện tại một thị tứ ít ai biết đến của đất nước Palestina này, đã gửi một sứ điệp bí ẩn, qua ánh sáng mờ nhạt của một ngôi sao không kém bí ẩn, về phía phương Đông xa xôi hơn, chứ không phải về phía phương Tây. Đó là huyền nhiệm của ánh sáng đến từ phương Đông (“lux ex Oriente”). Các nhà chiêm tinh của phương Đông xa xôi, những người tìm kiếm Thiên Chúa, đã từng xem xét tỉ mỉ “diện mạo bầu trời và các thời điềm” (x. Mt 16,3), đã lên đường, hướng về phương Tây so với điểm xuất phát của mình, và đã gặp được Chúa Kitô, Vua dân Do Thái, tại Cận Đông, sau khi dọ hỏi những người nắm trong tay quyển sách Kinh thánh, thông biết nhiều chuyện để có thể trả lời mọi câu hỏi được nêu lên, nhưng không mảy may xê dịch bước chân để tháp tùng những vị khách hành hương đến từ xa (x. Mt 2, 4-6). Còn Chúa Kitô, khi bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai, đã chỉ nhận vào hàng ngũ các môn đệ của mình những người nam và người nữ sẵn sàng từ bỏ tất cả để lên đường với Ngài và bước đi theo Ngài (x. Lc 9, 23; 14, 27).

Cũng có thêm một huyền nhiệm khác nữa nằm trong sự kiện công cuộc Phúc Âm hóa đầu tiên đã được thưc hiện theo hướng phương Tây, bởi lẽ Tin Mừng đã lan tỏa từ Bêlem, giữa lòng Cận Đông, nơi xuất hiện ánh sáng của thế gian, để đến tận Roma, thủ đô của đế chế, là trung tâm thế giới được biết đến vào thời Chúa Kitô và Giáo Hội sơ khai. Nhưng, Cận Đông, Trung Đông và Viễn Đông làm thành phương Đông tổng quát và trong thực tế tương đương với châu Á. Mà “Chúa Kitô thì đã mang lấy xác phàm với tư cách một người Á châu”, theo  lời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (x. Giáo Hội tại châu  Á, Ecclesia in Asia, 1999, số 1). Nói cách khác, ánh sáng của Chúa Cứu Thế, mà các nhà chiêm tinh đã tiên cảm được sự hiện diện của Ngài khi nhìn thấy ngôi sao của Ngài xuất hiện trên bầu trời phương Đông xa xôi, thực sự đến từ phương Đông theo nghĩa tổng quát, so với Aten và Roma, là những trung tâm văn hóa tiêu biểu của phương Tây. Mặt khác, nếu các tặng phẩm: vàng, nhũ hương và mộc dược do họ tiến dâng, biểu lộ cách tượng trưng lòng tin của họ nhìn nhận Ngài là Vua, là Thần Minh và cuộc Thương Khó của Ngài mang giá trị cứu chuộc, theo cách hiểu của các Giáo Phụ, thì cuộc gặp gỡ đầu tiên này của dân ngoại hay lương dân qua trung gian các nhà chiêm tinh Đông phương với Đấng Thiên Sai, tự nó, mang trong mình một niềm hy vọng lớn lao và đầy hứa hẹn. Điều này đã khiến Đức Gioan Phaolô II nói lên giấc mơ đầy cảm hứng tiên tri của mình khi hướng mắt nhìn về ngàn năm thứ ba: “Giáo Hội tại châu Á, biết chắc rằng ‘như Thánh Giá đã được cắm vào đất châu Âu trong thiên niên kỷ thứ nhất, và vào đất châu Mỹ, châu Phi trong thiên niên kỷ thứ hai thế nào, thì trong thiên niên kỷ thứ ba, người ta cũng hy vọng thu được một mùa gặt đức tin dồi dào trên châu lục bao la và đầy sức sống này’” (Giáo Hội tại châu Á, số 2). Các nhà  chiêm tinh Đông phương là những người tìm kiếm Thiên Chúa, những người hành khất ý nghĩa cho cuộc đời, thì cũng thuộc diện những “Người Nghèo của Thiên Chúa”, nên đáng được nghe Tin Mừng và gặp được Chúa Cứu Thế. Qua họ, “các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa, trong Đức Giêsu Kitô và nhờ Tin Mừng”, như Thánh Phaolô nói với chúng ta trong thư gửi giáo đoàn Êphêxô (Ep 3,6).

Chính Giáo Hội hoàn vũ có nhiệm vụ gieo vãi hạt giống Phúc Âm vào đất Á châu. Nhưng theo một lẽ công bằng nào đó, các Giáo Hội Công Giáo tại châu Âu vốn đã được đón nhận Tin Mừng sớm hơn trong ngàn năm thứ nhất, đã quảng đại gửi những nhà truyền giáo đến châu Á trong ngàn năm thứ hai để làm chứng cho Chúa Kitô và Phúc Âm của Ngài, một chứng từ được hai Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI xem như “một sự phục vụ cao nhất mà Giáo Hội có thể cống hiến cho Việt Nam và tất cảc các dân tộc Á châu, bởi lẽ chứng từ đó đáp lại sự tìm kiếm sâu xa hướng về chân lý và các giá trị đảm bảo cho con người được phát triển toàn diện” (x. Giáo Hội tại châu Á, của ĐGH Gioan Phaolô II, được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trích dẫn trong huấn từ ngỏ với các Đức Giám Mục Việt Nam dịp viếng thăm ad limina tháng 6 năm 2009). Trong số các nhà truyền giáo ấy, trước tiên phải kể các thừa sai Dòng Tên, hoạt động dưới chế độ Bảo trợ của vua Bồ Đào Nha ở thế kỷ XVII. Họ đã khai  sinh ra hai giáo đoàn Đàng Trong và Đàng Ngoài. Họ có những đóng góp mang giá trị trường tồn trong lãnh vực hội nhập văn hóa, như lập hội Thầy Giảng, sáng chế hệ thống chữ viết mới cho người Việt Nam bằng cách sử dụng các mẫu tự La tinh, và soạn thảo quyển sách giáo lý đầu tiên bằng thứ chữ quốc ngữ mới ấy. Tiếp theo, là các nhà truyền giáo người Pháp thuộc Hội Thừa sai Paris được Roma gửi đến thay thế các thừa sai Dòng Tên từ năm 1659. Chính vào năm này, Tòa Thánh thành lập hai Địa Phận Đại Diện Tông Tòa đầu tiên tại Đàng Trong và Đàng Ngoài và bổ nhiệm hai vị Chủ Chăn đầu tiên là Đức Cha Lambert de la Motte và Đức Cha François Pallu. Hai nhà Thừa sai lớn này đồng thời là những nhân vật chính đã sáng lập Hội của Quý Vị. Sau đó, đến lượt những thừa sai khác đến từ châu Âu, như các tu sĩ Dòng Đa minh tây Ban Nha, Dòng Phan sinh thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, tiếp tay vào việc rao giảng Tin Mừng tại Việt Nam. Sau những cuộc bách hại đẫm máu kéo dài triền miên đến tận gần ngưỡng cửa thế kỷ XX, nhiều đợt thừa sai khác nữa từ châu Âu, chủ yếu là những tu sĩ, nữ tu, đến đồng hành với Dân Kitô giáo bản địa đã được tôi luyện kỹ bởi thử thách đau thương. Trên nền bức tranh ghép mảnh thật đẹp ấy, Hội Thừa Sai Paris nổi bật hẳn lên, vì Hội đã đóng góp nhiều nhất cho công cuộc Phúc Âm hóa đất nước chúng tôi. Thật vậy, Hội đã có công lớn, qua con người Đức cha Lambert de la Motte, luôn được Đức cha Pallu là bạn thân và đồng sự hậu thuẫn, tổ chức các giáo đoàn non trẻ do các thừa sai Dòng Tên khai sinh, để biến thành một Giáo Hội có cơ cấu vững chắc, được hướng dẫn bởi những vị Mục Tử mang chức vị Giám Mục, kế vị thực thụ của các Thánh Tông Đồ; với sự cộng tác hài hòa của một hàng giáo sĩ “lưỡng sắc”, gồm những thừa sai người Âu và những linh mục người Việt, luôn có sự hậu thuẫn của các Thầy Giảng được đào tạo tại những Chủng viện song song; với sự cộng tác hài hòa của một đạo quân đông đảo các giáo dân nòng cốt, gọi là các “trùm trưởng họ đạo”, tất cả dấn thân phục vụ thiện nguyện và thầm lặng cho công đồng Giáo Hội; và cũng cần nhắc tới một đạo quân khác, gồm những  phụ nữ sống đời thánh hiến, đó là Chị em Mến Thánh Giá do Đức Cha Lambert de la Motte thành lập năm 1670: họ không chỉ tham gia các công tác mục vụ giáo xứ, mà còn dấn thân vào hoạt động truyền giáo cho lương dân trong lãnh vực giáo dục và y tế, nhằm bảo vệ và thăng tiến trẻ em và phụ nữ. Công trạng lớn nhất mà Hội của Quý Vị tạo được, là, đúng như mục tiêu chính yếu của mình đã đề ra, Hội đã thành công trong việc đào tạo một hàng giáo sĩ bản địa có khả năng, cùng với các thừa sai người Âu, mang vác gánh nặng mục vụ và truyền giáo của một Giáo Hội bị nhận chìm trong những cuộc bách hại đẫm máu, kéo dài ba thế kỷ, đã tạo ra hàng trăm ngàn nạn nhân chết vì đạo.Trong số đó, 117 Vị đã được phong Hiển Thánh vào năm 1988, một Thầy giảng trẻ được phong Chân Phước năm 2000, và trong danh sách hồng phúc ấy, Hội của Quý Vị có hai Đức Giám Mục và tám Linh Mục. Ngoài ra, trên tổng số 126 Giám Mục người Âu đã thi hành chức vụ Mục tử tại Việt Nam, thì 76 Vị, nghĩa là 6 trên 10, thuộc Hội của Quý Vị. Và trên tổng số 4.500 thừa sai mà Hội đã gửi sang châu Á trong suốt lịch sử 350 năm qua, có đến 956 Vị, nghĩa là cứ 5 Vị thì có hơn một Vị đã hiến dâng công việc lao nhọc, thường khi là chính mạng sống mình cho công cuộc xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô tại Việt Nam. Những con số ấy tự thân đã là một dấu chỉ hùng hồn cho thấy mối hiệp thông định mệnh đặc biệt giữa Hội của Quý Vị và Giáo Hội chúng tôi.

Vào dịp khai mạc long trọng Năm Thánh của chúng tôi ngày 24 tháng 11 năm 2009, nhằm lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, tôi đã nhân danh Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Dân Chúa tại đất nước chúng tôi nói lên lòng tri ân sâu sắc của chúng tôi đối với tất cả các Vị Thừa sai người Âu đã tham gia vào công cuộc khai sinh và phát triển Giáo Hội trẻ trung và năng động này. Sự hiện diện của Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám mục Paris và Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Pháp mang lại cho chúng tôi vinh dự rất lớn, và chúng tôi cũng trân trọng đặc biệt sự hiện diện của cha Bề Trên Tổng Quyền Hội Thừa sai Paris. Hôm nay, tôi muốn lặp lại nơi đây, tại Nhà Mẹ và vào ngày Lễ Bổn mạng của Quý Vị, lời cám ơn chân thành của chúng tôi đối với sự đóng góp không gì thay thế nổi của Giáo Hội Pháp, đặc biệt đối với tình cảm liên đới huynh đệ và sự hiệp thông định mệnh mà Hội của Quý Vị đã chứng tỏ với Giao Hội non trẻ của chúng tôi. Tinh thần liên đới ấy vẫn tiếp diễn với nhiều nhiệt tình và hiệu quả.

Để kết thúc, tôi muốn nói thêm rằng tôi hoàn toàn chia sẻ tầm nhìn tiên tri của ĐGH Gioan Phaolô II về tương lai của châu Á. Tôi xác tín rằng tại châu lục mênh mông này không có nhiều người vô thần thật sự đâu, vì châu Á là cái nôi của các tôn giáo lớn trên thế giới, và các dân tộc Á châu từ thời xa xưa vẫn mang tính tôn giáo sâu đậm. Đó là những dân tộc gồm những con người tìm kiếm Thiên Chúa và hành khất ý nghĩa cho cuộc đời, và trên bình diện đó, họ có những điểm tương đồng hầu như bẩm sinh với linh đạo của những Người Nghèo của Thiên Chúa, mặc dầu ngày nay họ quyết tâm dấn bước vào con đường phát triển kinh tế nhằm loại trừ sự nghèo đói vật chất. Thiên hướng tôn giáo tự nhiên của họ, thường mang trong mình một sự bén nhạy đặc biệt đối với những giá trị tâm linh, có thể xem như một bước chuẩn bị cho Phúc âm. Tuy nhiên, sự thách đố lớn nhất đối với chúng tôi là điều sau đây: vì người Á châu có xu hướng tự nhiên dễ bị thuyết phục bởi gương sáng hơn là bởi lập luận thuần lý, nên các nhà giảng thuyết và những người làm công tác Phúc Âm hóa của chúng tôi phải trình diện với người đồng hương của mình, không phải như những vị thầy, mà là như những chứng nhân, hay tốt nhất như những vị thầy đồng thời là chứng nhân. Đó là một đòi hỏi hết sức cao! Các Vị Tử Đạo của chúng tôi, mà con số không thể đếm nổi, đã là những Chứng nhân vĩ đại trong quá khứ, thì ngày nay các ngài là những Vị Thầy vĩ đại của chúng tôi trong vấn đề Phúc Âm hóa. Khi hướng trí và lòng chúng tôi về với các ngài, chúng tôi nhìn thấy ở giữa các ngài là chính Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh, Vị Chứng Nhân trung thành và Vị Thầy tuyệt hảo. Kinh nghiệm lịch sử của Giáo Hội chúng tôi cho chúng tôi thấy rằng công cuộc Phúc Âm hóa luôn đi qua con đường Thánh Giá, nhưng chúng tôi cũng biết rằng đó là con đường duy nhất dẫn tới niềm vui đích thực, niềm vui Vượt Qua, và dẫn tới vinh quang đích thực, vinh quang của Chúa Kitô Phục Sinh. Xin mọi người cầu nguyện cho giấc mơ tiên tri của Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II sớm trở thành hiện thực.

Paris, ngày lễ Chúa Hiển Linh 3/1/2010.

 


Về Trang Mục Lục