Đức Thánh Cha Biển Đức XVI viếng thăm hội đường do thái ở Roma

 

Radiovaticana 15/01/2010 – Phỏng vấn Rabbi Riccardo Di Segni về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tại hội đường do thái Roma

Chiều Chúa Nhật 17-1-2010 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ viếng thăm hội đường của cộng đoàn do thái Roma. Lúc 16 giờ 25 phút Đức Thánh Cha sẽ được ông Riccardo Pacifici, chủ tịch cộng đoàn do thái Roma và ông Renzo Gattegna, chủ tịch các cộng đoàn do thái toàn Italia, tiếp đón tại cổng Ottaviano gần hội đường. Đây là nơi ngày 16 tháng 10 năm 1943 quân Đức quốc xã đã tập trung các người do thái bị lùng bắt trong khu phố này trước khi đầy họ tới các trại tập trung. Đức Thánh Cha sẽ đặt vòng hoa trước tấm bia tưởng niệm gắn tại đây. Tiếp đến Đức Thánh Cha sẽ dừng lại tại nơi xảy ra vụ khủng bố chống lại hội đường do thái ngày mùng 9 tháng 10 năm 1982, khiến cho một em bé do thái 2 tuổi thiệt mạng và 37 tín hữu do thái khác bị thương, đang khi họ rời hội dường sau buổi cầu nguyện. Tại bậc thang dẫn vào hội đường Đức Thánh Cha sẽ được Rabbi trưởng cộng đoàn do thái Roma Riccardo Di Segni tiếp đón và tháp tùng vào trong hội đường.

Sau lời chào mừng của các ông Pacifici, Gattegna và Di Segni cộng đoàn sẽ hát thánh vịnh 133. Tiếp đến là diễn từ của Đức Thánh Cha. Sau đó hai bên sẽ trao đổi qùa tặng, rồi cộng đoàn hát bài thánh ca “Ani Maamin”. Buổi viếng thăm tiếp diễn với cuộc hội kiến riêng của Đức Thánh Cha với Rabbi Di Segni trong một phòng bên cạnh hội đường, và lễ nghi khánh thành cuộc triển lãm trong viện bảo tàng do thái trưng bầy các hình vẽ của cộng đoàn do thái thuộc thế kỷ XVII liên quan tới lễ đăng quang của các Đức Giáo Hoàng. Tiếp đến Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ vài dại diện của các cộng đoàn do thái Italia trong hội đường Spagnola trước khi trở về Vaticăng.

Đây là chuyến viếng thăm hội đường do thái lần thứ hai của một vị Giáo Hoàng, sau chuyến viếng thăm lần đầu tiên của Đức Gioan Phaolô II ngày 13 tháng 4 năm 1986. Hội đường do thái hiện nay được xây giữa các năm 1901-1904 trong khu phố do thái tại Roma. Lễ khánh thành hội đường đã diễn ra ngày mùng 2 tháng 7 năm 1904 và vua Vittorio Emmanuel III đã tới viếng thăm hội đường ngày 27 tháng 7 nhân lễ thánh hiến hội đường.

Người do thái đã sinh sống trong khu phố này từ thời rất xa xưa. Năm 1885 chính quyền Italia ra lệnh phá khu phố do thái cổ để xây khu phố mới theo chương trình thành thị hóa do chính phủ Italia đề ra hồi năm 1873.

Việc di rời các gia đình sang các khu vực khác đã rất là tốn kém: các gia đình nghèo được chuyển sang khu phố Trastevere nằm ở bên kia bờ sông và Monteverde, các gia đình giầu được di chuyển tới vùng Esquilino, nơi vào năm 1911 hội đường ở đường Balbo đã được khánh thành. Hiện nay vẫn còn nhiều gia đình gốc do thái sinh sống trong khu phố này.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công giáo Hoa Kỳ ngày 12-1-2010 ông Riccardo Di Segni, Rabbi trưởng cộng đoàn Do thái ở Roma nhận định rằng cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 tại Hội đường Do thái ở Roma vào chiều Chúa nhật 17-1-2010 là dấu chỉ người Công Giáo và Do thái quyết tâm đối thoại trong tinh thần tôn trọng nhau, cho dù quan hệ giữa hai bênh có gặp những chướng ngại. Cuộc viếng thăm sắp tới của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI quan trọng, trước tiên vì đó là một sự tiếp tục cử chỉ của vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II là người đầu tiên đặt chân đến Hội đường Do thái ở Roma trong 19 thế kỷ, tuy rằng trước đó cũng đã có một tiền lệ, vì Thánh Phêrô cũng đã ở trong Hội đường Do thái”.

 Theo Rabbi Segni, thời thế đã thay đổi, nhiều điều đã đạt được, những điều khác cần thực hiện. Con đường gặp gỡ giữa Do thái và Công Giáo rất phức tạp. Đây không phải là một con đường phẳng lỳ tiến về phía trước, nhưng là một con đường liên tục có những chướng ngại. Cuộc viếng thăm sắp tới của một vị Giáo Hoàng tại Hội đường Do thái cần chứng tỏ rằng bên trên những chướng ngại đó có một ước muốn chủ yếu muốn cảm thông với nhau và giải quyết các vấn đề”.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Rabbi Di Segni về chuyến viếng thăm này và về cuộc đối thoại giữa Giáo Hội công giáo và Do thái giáo.

Hỏi: Thưa Rabbi Di Segni, cách đây một năm “Ngày thân hữu công giáo do thái” đã không được cử hành vì tình hình căng thẳng giữa hai bên. Nhưng Chúa Nhật tới đây Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ viếng thăm hội đường và cộng đoàn do thái Roma. Đã có điều gì định đoạt giúp đưa tới tình trạng cải tiến này?

Đáp: Việc hủy bỏ “Ngày thân hữu công giáo do thái” đã do các xáo trộn xảy ra vì lời cầu nguyện cho người do thái ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, đụng tới một dây gân bị hở nơi sự nhậy cảm của người do thái. Thật ra nếu việc đối thoại nhằm hoán cải người do thái, thì chúng tôi từ chối trên ngyên tắc. Trái lại việc đổi thoại có mục đích giúp chúng ta hiểu biết và tôn trọng nhau hơn, nghĩa là khiến cho chúng ta được mạnh mẽ hơn trong đức tin của mình khi hiểu biết người khác. Nếu cuộc đối thoại có các mục đích khác thì nó không có ý nghĩa. Về điểm này đã cần có các minh giải và nhờ đối thoại bầu khí đã lắng dịu.

Hỏi: Như vậy năm nay ngày cử hành này mang một khía cạnh tuyệt đối đặc biệt. Thế đâu là ý nghĩa của chuyến viếng thăm thưa Rabbi?

Đáp: Tự nó chuyến viếng thăm là một cử chỉ tiếp nối, bởi vì nó ở trên cùng đường hướng cử chỉ lớn lao của Đức Gioan Phaolô II. Sự kiện cử chỉ này được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI lập lại có nghĩa là đường hướng này đã được vạch ra, và Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI không có ý trở lại đàng sau. Vì thế một kiểu tương quan đã được tạo ra và nó là một truyền thống cần tiếp tục.

Hỏi: Trong chưa đầy 5 năm làm Giáo Hoàng đây là lần thứ 3 Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI viếng thăm một hội đường do thái. Trong chuyến công du và hành hương Thánh Địa các ngày từ mùng 8 đến 15 tháng 5 năm 2009, Đức Thánh Cha đã viếng thăm Bức tường than khóc và trung tâm Yad Vashem. Ngày 28 tháng 5 năm 2006 trong chuyến công du Ba Lan Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng đã tưởng niệm biến cố diệt chủng do thái khi viếng thăm trại tập trung Auschwitz. Đối với thế giới do thái Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI là ai, thưa Rabbi?

Đáp: Đó là một vị Giáo Hoàng có sự nhậy cảm mạnh mẽ đối với thế giới của chúng tôi, nhưng cũng có một tư tưởng phức tạp. Và thật thế, bên cạnh các khía cạnh thiện cảm lớn đối với thực tại do thái cũng có những lúc người có tư tưởng cứng rắn, các lập trường hiển nhiên không có lợi cho chúng tôi. Tuy nhiên người không phải là vị Giáo Hoàng bẻ gẫy sự đối thoại hay nói rằng: “Cần phải quay trở lại đàng sau”, trái lại người tiến tới với với cung cách chính xác của người. Vả lại nếu chúng ta đồng ý với nhau về mọi chuyện, thì đâu có cần phải đối thoại làm gì nữa.

Hỏi: Như thế đâu là các điểm cấp thiết của cuộc đối thoại này thưa Rabbi?

Đáp: Trước hết có vấn đề bầu khí thanh thản giữa hai bên. Dĩ nhiên thỉnh thoảng cũng có thể xảy ra các tai nạn và vấp ngã, nhưng ý chí giải quyết chúng là điều phải luôn luôn mạnh mẽ. Điểm nền tảng thứ hai đó là phải tự hỏi sự kiện hai thế giới của chúng ta đối chiếu nhau có ý nghĩa gì?

Đáp: Riêng Rabbi thì Rabbi trả lời câu hỏi này như thế nào?

Đáp: Tình bằng hữu của chúng ta phải chứng minh cho thấy rằng có thể làm chứng cho niềm tin của mình, mà không xúc phạm, không gây hấn và không bạo lực đối với tín hữu các tôn giáo khác và với các người khác. Đây là một sứ điệp rất quan trọng đối với giai đoạn hiện nay. Còn hơn thế nữa, chúng tôi mong muốn cho sứ điệp của chuyến viếng thăm này trải rộng ra và lôi cuốn cả các cộng đoàn khác nữa.

Hỏi: Mới đây việc công bố sắc lệnh liên quan tới các nhân đức của Đức Giáo Hoàng Pio XII đã khơi dậy các phản ứng mới từ phía cộng đoàn do thái. Rabbi nghĩ gì về việc này?

Đáp: Vâng, đây là một vấn đề gây chia rẽ. Nó là vấn đề giải thích lịch sử, và về điểm này cần lưu ý rằng sự nhậy cảm của người do thái hoàn toàn khác biệt. Chúng tôi muốn rằng người ta tiến tới một cách hết sức thận trọng, chứ không phải với các cử chỉ liều lĩnh thiếu suy nghĩ. Thật thế theo quan điểm của chúng tôi giải pháp của vấn đề còn xa lắm.

Hỏi: Rabbi có ý nói gì với kiểu nói “hết sức thận trọng”, và đâu là các “cử chỉ liều lĩnh thiếu suy nghĩ”?

Đáp: Hết sức thận trọng có nghĩa là còn có rất nhiều tài liệu phải nghiên cứu, trong khi các cử chỉ liều lĩnh thiếu suy xét là các cử chỉ của những người nói rằng: “Tình hình hoàn toàn rõ ràng, chúng tôi đã giải quyết công việc và thế là đủ rồi”.

Hỏi: Như vậy mọi sự đã rõ ràng liên quan tới lời cầu nguyện cho người do thái ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, mà Rabbi đã nói tới trên đây hay chưa?

Đáp: Liên quan tới vấn đề này thì tôi sẽ nói rằng đã đạt tới một sự đình chiến “chính trị”, hơn là một sự hòa bình thực sự. Trong nghĩa các giới chức cấp cao của Giáo Hội đã minh giải rằng sự hoán cải không liên quan tới hiện tại tức thì, mà là vào ngày sau hết.

Hỏi: Rabbi có tin rằng từ chuyến viếng thăm này cũng nảy sinh ra việc mạnh mẽ khước từ khuynh hướng bài do thái hay không?

Đáp: Tôi xin thẳng thắn nói rằng ngày nay vấn đề bài do thái giáo là một vấn đề khác, nhưng không kém phần nguy hiểm. Khuynh hướng bài Do thái giáo là sự thù ghét dựa trên sự kỳ thị chủng tộc, và Giáo Hội không thể kỳ thị chủng tộc được. Nhưng sự thù nghịch người do thái có thể hiện hữu tách rời khỏi sự thù ghét chủng tộc, và đây là điều mà chúng ta phải minh giải rõ ràng, cả khi phải thừa nhận rằng đã có các tiến triển nòng cốt trong các năm qua.

(CNS 12-1-2010; Avvenire 13-1-2010)

Linh Tiến Khải

 

 


Về Trang Mục Lục