Loan Báo Tin Mừng Là Một Bổn Phận Của Mọi Kitô Hữu

Radiovaticana 04/10/2010 18.16.09 – VATICĂNG: Loan báo Tin Mừng là một bổn phận của mọi kitô hữu. Do đó cần phải canh tân ý thức trách nhiệm của tín hữu, chứ không tìm kiếm các kỹ thuật và kiểu mới để khiến cho Giáo Hội hấp dẫn hơn. Giáo Hội thi hành lệnh truyền của Chúa Kitô chứ không cạnh tranh với các nhóm tôn giáo hay ý thức hệ duy tương đối khác.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến các Giám Mục vùng Bắc 1 và Đông Bắc Brasil về Roma viếng mộ hai Thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh sáng mùng 4-10-2010.

Đức Thánh Cha ghi nhận các vấn đề và các khó khăn của công tác truyền giáo trong vùng đất rộng 2 triệu cây số vuông mà các Giám Mục phải đảm trách và nhận định rằng: cả khi con người có thể được cứu rỗi qua các con đường khác, không thể nghĩ rằng chúng ta được cứu rỗi nếu vì lơ là, sợ hãi, xấu hổ hay để theo các con đường khác, tôi ngăn cản việc loan báo Tin Mừng.

Đôi khi người ta phản bác rằng áp đặt một sự thật, cả khi đó là sự thật của Tin Mừng, áp đặt một con đương, cả khi đó là con đường cứu độ, thì chỉ là một bạo lực đối với tự do tôn giáo. Nhưng Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đưa ra câu trả lời táo bạo sau đây: “Thật là một sai lầm áp đặt điều gì đó trên lương tâm của các anh chị em khác. Nhưng đề nghị với lương tâm ấy sự thật Tin Mừng và ơn cứu độ trong Chúa Giêsu Kitô với sự rõ ràng tràn đầy và việc tuyệt đối tôn trọng các lựa chọn tự do... thì không phải là một âm mưu chống lại tự do tôn giáo, mà là một trân trọng đối với sự tự do đó. Tại sao dối trá lầm lạc, đồi trụy và dâm ô lại có quyền được đề nghị, và rất tiếc thường khi được áp đặt bởi sự tuyên truyền của các phương tiện truyền thông, bởi sự dung thứ của luật lệ, bởi sự nhút nhát của những người tốt lành và sự táo bạo của những kẻ xấu xa? Hơn là một quyền, kiểu tôn trọng đề nghị Chúa Kitô và Nước của Người, là một bổn phận của người loan báo Tin Mừng. Vì thế, lời mời gọi truyền giáo không chỉ hướng tới một nhóm các thành viên được tuyển chọn của Giáo Hội, mà là một lệnh truyền hướng tới tất cả mọi tín hữu đã được rửa tội, một yếu tố nòng cốt trong ơn gọi của họ.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã nhắc lại một trong những dấn thân nền tảng của Hội nghị triệu tập tại Aparecida năm 2007 là “thức tỉnh lương tâm các kitô hữu môn đệ và là người truyền giáo”. Ngài đề nghị mẫu gương của chân phước José de Anchieta rao truyền Lời Chúa giữa các anh chị em thổ dân và người Bồ đào nha đương đầu với nhiều hiểm nguy, nên được gọi là “Tông Đồ của nước Brasil”.

Tuy nhiên, các thách đố trong hoàn cảnh hiện nay có thể dẫn đưa tới một quan niệm giản lược về ý thức truyền giáo. Nó không thể chỉ hạn chế trong việc tìm kiếm các kỹ thuật và kiểu mới để khiến cho Giáo Hội hấp dẫn hơn và để chiến thắng sự tranh đua với các nhóm tôn giáo hay ý thức hệ duy tương đối khác. Giáo Hội không hoạt động cho chính mình nhưng phục vụ Chúa Giêsu Kitô; Giáo Hội hiện hữu để cho Tin Mừng được đến với tất cả mọi người. Tất cả những điều đó phải đưa tới chỗ suy tư về sự kiện tinh thần truyền giáo truyền thống suy yếu không phải do các hạn hẹp hay thiếu thốn trong các hình thức bề ngoài của hoạt động truyền giáo cho bằng việc quên rằng sứ mệnh truyền giáo phải được dưỡng nuôi bằng nhân tố sâu xa hơn. Nhân tố đó là bí tích Thánh Thể. Đức Thánh Cha phó thác công tác rao truyền Tin Mừng và các đích điểm mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Brasil cho sự bầu cử của Chân phước José de Anchieta. Ngài cầu mong tên Chúa Kitô luôn hiện diện trên môi miệng và trong con tim của mọi người dân Brasil (SD RG 4-10-2010)

Linh Tiến Khải

 


Về Trang Mục Lục