Giáo Hội Công Giáo khắp năm châu hướng về Thượng Hội đồng Giám mục Trung Đông

“Các Kitô hữu Trung Đông đang gõ cửa trái tim và đánh thức lương tâm Kitô giáo chúng ta”

WHĐ (15.10.2010) – Ngay trong phiên họp khoáng đại đầu tiên vào ngày 11-10 vừa qua, Thượng Hội đồng Giám mục (THĐ) về Giáo Hội tại Trung Đông đã nhận được sư hiệp thông của Giáo Hội Công Giáo khắp nơi trên thế giới.

Sau đây là lược trích một số nội dung chính các bài phát biểu được đại diện Giáo Hội tại các châu lục trình bày tại THĐ.

Châu Phi:

“Liên quan đến tình hình về Bắc Phi và về Trung Đông đã được mô tả trên đây (mối liên hệ về ngôn ngữ và văn hóa Phi Châu-Trung Đông, người Trung Đông di cư đến Bắc Phi vì lý do tôn giáo, vai trò tích cực của các thừa sai Công giáo tại Bắc và Đông Phi trong việc giúp đỡ các Kitô hữu trẻ đến từ Trung Đông tìm việc làm và sống đạo…), có thể thấy rất cần phải có những phương thức hành động khác nhau.

Như vậy, đang và sẽ phải đặt lên tầm quan trọng hàng đầu, vì sự sống còn của các cộng đoàn Kitô hữu tại hai bờ châu Phi, về sự hợp tác chặt chẽ giữa Giáo Hội tại vùng hạ-Sahara với Châu Phi, và với Giáo Hội tại Trung Đông.

Hội đồng các HĐGM Châu Phi và Madagascar (SCEAM) chính là một công cụ tuyệt hảo cho sự hợp tác này”.

(Trích phát biểu tại THĐ của Đức Hồng y Polycarp Pengo, TGM Dar-es-Salaam (Tanzania), Chủ tịch Hội đồng các HĐGM Châu Phi và Madagascar – SCEAM, đại diện Châu Phi).

Bắc Mỹ:

“Làm chứng bằng sự hiệp thông:

Giáo Hội tại Bắc Mỹ chúng tôi đã đón nhận anh chị em Công giáo thuộc nhiều nghi lễ Đông phương như: Assyrie-Chaldée, Copte, Hy Lạp-Melkite, Maronite và Syria.

Riêng tại Tổng giáo phận Los Angeles, chúng tôi đã giúp đỡ về tài chính và các phương tiện khác cho rất nhiều anh chị em Công giáo Đông phương, giúp họ trong việc chọn nơi cư trú tại Los Angeles.

Trong 25 năm đảm nhận nhiệm vụ Tổng giám mục, tôi đã đến thăm các cộng đoàn này, khuyến khích họ thể hiện bản sắc của mình khi sống trên địa bàn Los Angeles, một Tổng giáo phận thuộc Công giáo Rôma. Trong những nỗ lực của mình, chúng tôi đã thúc đẩy việc thành lập Hiệp hội Mục vụ Công giáo Đông phương, giúp hàng giáo sĩ các Giáo Hội Công giáo Đông phương và các Giáo Hội khác tổ chức gặp gỡ một tháng hai lần, để cầu nguyện và hỗ trợ nhau trong nỗ lực cùng phối hợp hoạt động mục vụ trong tinh thần xây dựng hơn là tìm cách cạnh tranh.

Sự Hiệp thông là trung tâm của đời sống thần linh: đa dạng trong hiệp nhất; hiệp nhất trong đa dạng, đó là trung tâm của sự hiệp thông. Sự hiệp thông này chính là Giáo Hội (…).

Tại Hoa Kỳ, thái độ tôn trọng sâu sắc đối với tính đa dạng cũng có những thách đố riêng. ‘Các tín hữu của những Giáo Hội Công giáo khác vẫn thường lui tới Giáo Hội Công giáo không thuộc nghi lễ của mình (nghĩa là Giáo Hội Công giáo Rôma)’. ‘Tuy nhiên họ vẫn nhận được yêu cầu gắn bó với cộng đoàn gốc, nơi họ đã được Rửa tội’. (…)

Tại những vùng tập trung đông đảo di dân, chúng tôi làm thế nào để có thể giúp đỡ các học viện cao cấp, giống như các chủng viện của chúng tôi, nhận ra sự cần thiết phải có các khóa học như vậy, giúp cho tín hữu thuộc các Giáo Hội diaspora (kiều cư) có thể “tiếp thu đầy đủ các kiến thức về thần học, linh đạo đặc thù của Giáo Hội mà họ là thành viên”. (…).

Làm chứng bằng sự tha thứ:

“Tôi thấy thách thức lớn nhất chúng tôi phải đối mặt liên quan đến những người nhập cư. Họ là những người Công Giáo Trung Đông, Công Giáo Việt Nam rời quê hương đến sinh sống tại miền Nam California, hoặc những người Cuba rời Cuba đến sống tại miền biển Miami. Thách thức đó không phải là giúp họ sống hiệp thông với các Kitô hữu khác hay với những Giáo Hội Kitô khác, mà chủ yếu là giúp họ đáp lại ơn Chúa ban cho, bằng cách làm chứng cho Tin Mừng qua việc tha thứ cho kẻ thù, những người đã khiến họ phải lìa bỏ quê hương, đi tìm hòa bình và công lý tại vùng duyên hải đất nước chúng tôi. Chúng ta còn nhớ, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, sau khi công bố với ngoại giao đoàn bức Thông điệp nhân Ngày Thế giới Hòa bình 2002, đã đúc kết bằng lời kêu gọi: ‘Không có hòa bình nếu không có công lý; không có công lý nếu chưa có thứ tha”.

(Trích phát biểu tại THĐ của Đức Hồng y Roger Michael Mahony, TGM Los Angeles (Hoa Kỳ), đại diện Bắc Mỹ).

Châu Á:

“Đức Thánh Cha đã từng nhắc nhở: ‘Không có sự hiệp thông, thì không thể làm chứng: sống hiệp thông thực sự là một chứng từ lớn lao nhất’. Đã có biết bao phát biểu mang tính nền tảng như vậy dành cho toàn thể Giáo Hội tại Châu Á, trong đó có Giáo Hội tại Trung Đông.

Chúng tôi là “đoàn chiên nhỏ” tại Châu Á, chiếm chưa tới 3% dân số Á châu (hơn 3 tỉ người). Dưới những tác động của thái độ nghi kị tôn giáo và chủ nghĩa cực đoan, đôi khi chuyển thành bạo lực chết người, chắc chắn chúng tôi có thể đã sợ hãi và nhát đảm. Nhưng chúng tôi được Lời Chúa củng cố và khích lệ: ‘Này đoàn chiên nhỏ, đừng sợ’. Vì vậy, chúng tôi cần phải hiện thực hóa mối hiệp thông của mình để làm chứng cho Chúa. Bởi vì, tại nhiều nơi của châu Á vốn không có tự do tôn giáo, chỉ có thể nói cho mọi người được biết Chúa bằng cách duy nhất là làm chứng về Ngài qua đời sống Kitô hữu trung tín, âm thầm và thành tâm, một đời sống yêu mến Chúa và chân thành phục vụ tha nhân (x. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Giáo Hội tại Á Châu, số 23).

Chứng từ này kêu gọi chúng tôi, là những giám mục, hiệp thông với Đức Thánh Cha và với nhau, để nghiêm chỉnh giải quyết những thách đố đặt ra cho trách nhiệm mục tử của mình tại châu Á. Đó là những thách đố của hiện tượng di dân, có khi được gọi là tình trạng nô lệ mới, thách đố của hiện tượng toàn cầu hóa về kinh tế và văn hóa với những tác động tiêu cực, vấn đề biến đổi khí hậu, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, tình trạng bất công và bạo lực, không tôn trọng tự do tôn giáo, và những vấn đề về di truyền sinh học đang đe dọa sự sống con người ngay trong lòng mẹ, từ khi thụ thai cho đến lúc chết.

Trong cuộc đối thoại của chúng tôi như một biểu hiện về sự hiệp thông trong Nhà Chúa, chúng tôi cầu nguyện cho mình biết rút ra cách tiếp cận mục vụ chung cho các vấn đề khác nhau, để làm chứng cho đức tin chúng tôi đã lãnh nhận trong Chúa Giêsu”.

(Trích phát biểu tại THĐ của Đức cha Orlando B. Quevedo OMI, TGM Cotabato ( Philippines), Tổng Thư ký Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC), đại diện Châu Á).

Châu Âu:

Châu Âu đang mắc nợ Trung Đông. Không chỉ vì rất nhiều yếu tố nền tảng trong văn hóa của chúng tôi được du nhập từ vùng đất Trung Đông, mà còn vì những vị thừa sai đầu tiên đặt chân lên lục địa chúng tôi cũng từ vùng đất này mà đến. Chúng tôi, với lòng biết ơn, đang gìn giữ kí ức về sự kiện được ghi lại trong sách Tông đồ công vụ: “Khi ấy, đang đêm, Phaolô được thị kiến: ở đó có một người Maxêđônia đang đứng, lên tiếng van nài: ‘Xin hãy đến Maxêđônia giúp đỡ chúng tôi!’. Tức thì, sau thị kiến này, chúng tôi tìm cách đi Maxêđônia, vì tin chắc rằng Thiên Chúa đã gọi chúng tôi đem Tin Mừng đến cho nơi ấy” (Cv 16, 9-10). Quả là ý Chúa quan phòng khi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, vừa mới đây đã nhiệt tâm và khôn ngoan trong công cuộc tân Phúc âm hóa, đã quyết định dành hẳn một năm kính Thánh Phaolô, vị tông đồ của mọi dân nước. (…)

Suy nghĩ về Trung Đông, những người Âu châu chúng tôi phải tự vấn lương tâm mình.

Sứ điệp Tin Mừng chúng tôi đã lãnh nhận từ các tông đồ có còn sống động nơi chúng tôi hay không? Hay chúng tôi chẳng còn thấy ánh sáng và lòng nhiệt thành phát xuất từ niềm tin vào Đức Kitô trong cuộc sống của mình nữa?

Hiện nay, có những người tị nạn và di dân Kitô giáo từ các quốc gia Trung Đông đến châu Âu, chúng tôi đã phản ứng như thế nào?

Chúng tôi đã có đủ sự quan tâm về những nguyên nhân khiến cho hàng vạn, nếu không muốn nói là hàng triệu người Kitô hữu phải lìa bỏ mảnh đất tổ tiên đã sinh sống từ hàng hai ngàn năm nay?

Chúng tôi phải đối mặt với một thách thức lớn. Chúng tôi phải xem xét bản chất và những hậu quả của sự thay đổi đang diễn ra tại châu Âu và thế giới phương Tây. Chúng tôi đã biết thể hiện một cách có hiệu quả sự giúp đỡ của mình đối với những Kitô hữu đến từ Trung Đông? Các nhân tố chính của đời sống công cộng tại châu Âu có còn nhạy cảm trước những giá trị nhân văn đã được Kitô giáo chiếu rọi hay không? Hay chúng tôi lại dửng dưng và xem thường đối với di sản quý báu mình đã thừa hưởng? Xét theo quan điểm văn hóa, nếu không có di sản này, châu Âu đã không tồn tại.

Các Kitô hữu đến từ Trung Đông đang gõ cửa trái tim chúng tôi và đánh thức lương tâm Kitô giáo của chúng tôi.

Chúng tôi đón nhận những anh chị em Trung Đông như thế nào đây? Chúng tôi góp phần vào việc gìn giữ cho mai sau di sản xa xưa của họ, và cũng là của Giáo Hội, như thế nào đây?

Chủ đề của Thượng Hội Đồng này là “Giáo Hội Công Giáo tại Trung Đông: “Hiệp thông và làm chứng”. Trong Công vụ Tông đồ, chúng ta đọc rằng, đông đảo các tín hữu đã có “một lòng một ý” (Cv 4, 32). Hội Thánh ngày nay cũng có sự hiệp thông này, nói đúng hơn, sự hiệp thông của các thánh là một nội dung tuyên xưng đức Tin của chúng ta. Như chính bản thân Giáo Hội, chủ yếu sự hiệp thông ấy vừa hữu hình vừa vô hình, vừa thể hiện trong thế giới của ân sủng nhưng đồng thời cũng phải thực hiện trong xã hội nữa.

Người Công giáo châu Âu cầu nguyện, làm việc, nỗ lực và đấu tranh để hiện diện và tác động vào xã hội hữu hình. Mặc dù có những ưu phiền, thất vọng, những kinh nghiệm thất bại, và đôi khi phải hứng chịu những phân biệt đối xử và áp lực đè nặng lên những Kitô hữu đang muốn sống theo lương tâm của mình, nhưng chúng tôi không ngừng hi vọng châu Âu sẽ tìm lại được căn tính đã bén rễ sâu trong nền văn hóa của sự sống, của hi vọng và tình yêu. Càng ý thức về ơn gọi Kitô hữu trong xã hội, chúng ta sẽ càng phải thể hiện và làm cho sức mạnh của Tin Mừng lan tỏa và biến đổi xã hội loài người trong thời đại chúng ta.

Trung thành với Giáo huấn của Công đồng Vatican II, được thể hiện đặc biệt trong Hiến chế mục vụ Vui mừng và Hy vọng, chúng ta phải đáp lại lời mời gọi của Hội Thánh: “Những người đang hoặc sẽ bước vào hoạt động chính trị, một hoạt động tuy có nhiều khó khăn nhưng cũng rất cao quý, cần phải được chuẩn bị cho công việc này, để họ tham gia một cách nhiệt thành, không màng đến lợi ích cá nhân và các quyền lợi vật chất. Với sự liêm khiết và khôn ngoan, họ sẽ chiến đấu chống lại bất công và áp bức, sự chuyên chế và thái độ bất khoan dung của một người hoặc của một đảng chính trị; và với sự chân thực và ngay thẳng, hơn nữa, với tình yêu và lòng can đảm theo yêu cầu của đời sống chính trị, họ sẽ cống hiến hết mình cho lợi ích của mọi người”. (Vui mừng và Hy vọng, số 75F).

Thánh Luca, thầy thuốc yêu quý (Cl 4, 14), đã viết: “Hỡi thầy thuốc, hãy chữa cho mình trước đã” (Lc 4, 23). Chúng tôi, các Kitô hữu châu Âu, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, phải tự chữa bệnh cho mình để có thể phản chiếu ánh sáng Chúa Kitô đã lãnh nhận từ Trung Đông, và phục hồi ơn được ban cho qua chứng từ can trường của chúng ta.

Với ý nghĩa đó, tôi nài xin Chúa chúc lành cho THĐ và cho tất cả mọi Kitô hữu Trung Đông. Lạy Ngôi sao Phương Đông – Stella Orientis, xin cầu cho chúng tôi!”.

(Trích phát biểu tại THĐ của Đức Hồng y Péter Erdo, TGM Esztergom-Budapest, Chủ tịch HĐGM Hungary, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Âu châu (CCEE), đại diện Châu Âu).

Châu Đại Dương:

“Vào tháng 11 năm 1998, tất cả các giám mục của Châu Đại Dương quy tụ nơi đây (Rôma) để họp Thượng Hội Đồng về Châu Đại Dương. Chúng tôi đã nêu lên thách đố khi “đi theo con đường của Chúa Giêsu Kitô, công bố sự thật của Ngài và sống cuộc sống của Ngài”.

Nhờ hiệp thông trong đức Tin và đức Ái, chúng tôi liên kết với các Giáo Hội tại Trung Đông và được dẫn dắt để nhận ra sự đa dạng phong phú mà các thành viên của các Giáo Hội này mang lại cho châu Đại Dương.

Chúng tôi nhận thức rằng, anh chị em Trung Đông là thành phần dễ bị tổn thương vì phải sống như những Giáo Hội thiểu số, và chúng tôi đã “quan tâm tìm hiểu, phát huy truyền thống, phụng vụ, kỷ luật và thần học của các Giáo Hội Công giáo Đông phương”.

Trung Đông rộng lớn đang có mặt tại châu Đại Dương qua các di dân và những người tị nạn định cư trong vùng: các khu định cư của người Do thái châu Âu trong những ngày đầu tại Úc và New Zealand, những người tị nạn đến từ nước Đức vào những năm 1930, những người sống sót từ các lò sát sinh Shoah; rồi người Liban, Palestine, và Ai Cập, Iraq, gồm cả Công giáo và Hồi giáo, và gần đây, những người tị nạn Kurd đến từ Iraq, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. (...)

Ngày nay các mối dây liên kết này được củng cố thông qua sự hiện diện của đông đảo người châu Đại Dương hành hương Thánh Địa, qua việc thành lập những khu định cư mới cho những người tị nạn, qua những chương trình của Caritas quốc tế trợ giúp việc phát triển, qua sự hiện diện của các dòng tu quốc tế phục vụ công tác giáo dục và các nơi thánh”.

(Trích phát biểu tại THĐ của Đức cha John Atcherley Dew, TGM Wellington (New Zealand), Chủ tịch Liên HĐGM châu Đại Dương (FCBCO), đại diện Châu Đại Dương).

Châu Mỹ Latinh:

“Tại các quốc gia Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê chúng tôi, có nhiều người nhập cư đến từ Trung Đông – thuộc thế hệ đầu tiên và thế hệ thứ hai – hầu hết họ là Kitô hữu.

Nhiều người trong số họ đã gia nhập Giáo Hội La-tinh và có những nhóm nhỏ hình thành các giáo phận riêng của mình.

Chúng tôi hy vọng rằng, chúng ta sẽ phát triển hơn nữa ý thức về đức tin Công Giáo chung giữa chúng ta, và tiến đến gần hơn nữa hành động truyền giáo chung với nhau.

Ngay bây giờ, chúng tôi cổ võ các Giáo Hội địa phương chúng tôi về “Sứ vụ đại lục”, thành quả của Đại hội Aparecida. Nếu đạt được sự hiệp nhất với nhau trong những nỗ lực truyền giáo, thì đó sẽ là một chứng từ tuyệt đẹp.

Cuối cùng, chúng tôi muốn chia sẻ với các nghị phụ về mối quan tâm đến cuộc xung đột Israel-Palestine.

Hiệp thông với Đức Thánh Cha, chúng tôi nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc xung đột. Ước gì nền hòa bình giữa hai dân tộc được tái lập trên mảnh đất của Chúa Giêsu!

Chúng tôi nài xin Chúa Giêsu, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Nữ vương các thánh tông đồ, đổ tràn Thần khí của Người, Đấng đổi mới mọi sự, xuống trên THĐ”.

(Trích phát biểu tại THĐ của Đức cha Raymundo Damasceno Assis, TGM Aparecida (Brasil), Chủ tịch HĐGM Mỹ Latinh (CELAM), đại diện Châu Mỹ Latinh).

 


Về Trang Mục Lục