“Hãy kính trọng, bảo vệ, yêu thương và phục vụ sự sống, mọi sự sống con người”

Bài giảng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô, giờ Kinh chiều I Chúa nhật I Mùa Vọng, 27-11-2010

 

Anh chị em thân mến,

Với buổi cử hành chiều hôm nay, Chúa ban cho ta ơn sủng và niềm vui được bắt đầu một năm Phụng vụ mới, với Mùa Vọng mùa Phụng vụ đầu tiên, đó là mùa tưởng niệm việc Thiên Chúa đến ở giữa chúng ta. Mọi sự bắt đầu đều mang một ơn sủng đặc biệt vì được Chúa chúc phúc.

Trong Mùa Vọng này, một lần nữa chúng ta được Chúa thương cho cảm nghiệm sự gần gũi của Đấng đã tạo thành thế giới này, Đấng hướng dẫn lịch sử và yêu thương chăm sóc chúng ta đến mức đoái thương mang lấy phận làm người.

Thật vậy, trong một vài tuần lễ nữa hướng tới Giáng Sinh, Đêm Thánh Vô Cùng, chúng ta sẽ cử hành mầu nhiệm Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta rất tuyệt vời và hấp dẫn này, mầu nhiệm Thiên Chúa trở thành một người giữa chúng ta. Trong suốt mùa Vọng chúng ta sẽ cảm nhận Giáo hội cầm tay chúng ta và – qua hình ảnh Mẹ Maria rất thánh – bộc lộ tình mẹ bao la giúp ta sống niềm vui mừng hy vọng mong ngày Chúa đến, Ngài ôm chúng ta trong vòng tay yêu thương cứu độ và ủi an.

Trong khi tâm hồn ta hướng đến việc mừng lễ Sinh nhật hàng năm của Đức Kitô, Phụng Vụ Giáo hội hướng ta đến chiêm ngắm đích điểm cuối cùng, đó là cuộc gặp gỡ với Chúa, Đấng sẽ đến trong vinh quang rạng ngời. Bởi thế, trong mỗi Thánh Lễ chúng ta “loan truyền việc Chúa chịu chết, tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến”, chúng ta canh thức cầu nguyện đợi chờ. Phụng Vụ không ngừng khuyến khích và nâng đỡ chúng ta, khi đặt trên môi miệng chúng ta lời kêu van những ngày trong Mùa Vọng: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến !” (Kh 22,20). Đó cũng là những lời ở trang cuối cùng sách Khải huyền kết thúc quyển Sách Thánh.

Anh chị em thân mến, sự quy tụ của chúng ta chiều hôm nay ở đây vào đầu Mùa Vọng còn được giàu thêm ý nghĩa bởi một lí do quan trọng khác. Đó là cùng toàn thể Giáo hội chúng ta muốn cử hành buổi canh thức trang trọng cầu nguyện cho các thai nhi còn chưa chào đời. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với những ai đón nhận lời mời gọi này và đối với những ai đang đầu tư đặc biệt việc chào đón và bảo vệ sự sống con người trong mọi hoàn cảnh mỏng manh nhất của nó, nhất là khi sự sống ấy vừa mới được đậu thai còn trong những thời kỳ đầu. Cụ thể là, thời gian khởi đầu Năm Phụng vụ này giúp chúng ta sống lại niềm trông đợi vị Thiên Chúa, Đấng đã đảm nhận lấy phận người đầu thai trong dạ Đức Trinh Nữ Maria, vị Thiên Chúa đã tự trở nên trẻ bé phận hèn. Một Thiên Chúa rất gần gũi đã chọn sống kiếp con người ngay từ giai đoạn đầu tiên để cứu chuộc toàn thể đời sống con người, đem sự sống con người đến viên mãn. Như thế, mầu nhiệm Chúa nhập thể và khởi đầu của sự sống con người liên hệ với nhau thật chặt chẽ và hài hòa, và hòa điệu với nhau trong cùng một chương trình cứu độ duy nhất của Thiên Chúa, là Chúa của sự sống của mỗi người và của mọi người.

Mầu nhiệm nhập thể trong ánh sáng cực mạnh và gây ngỡ ngàng đã mạc khải cho chúng ta phẩm giá cao vời và khôn sánh của sự sống của mỗi con người.

Sánh với mọi thọ sinh trên Trái Đất con người thật độc đáo không thể lầm lẫn được. Con người là hữu thể duy nhất được phú bẩm cho trí thông minh và ý chí tự do cùng với thân xác vật chất. Con người sống đồng thời cả hai chiều kích tinh thần và xác thể không tách biệt. Điều này cũng được gợi lên từ lời của thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Thessalônica: “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hóa toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta quang lâm” (5, 23).

Bởi thế, chúng ta là tinh thần, linh hồn và thể xác. Chúng ta là thành phần của thế giới này, mang thân phận với những khả năng và giới hạn vật chất, đang khi đó đồng thời ta lại mở ra hướng tới chân trời vô hạn, có khả năng đối thoại với Thiên Chúa và đón tiếp Ngài vào trong con người mình. Chúng ta sống tích cực những thực tại trần thế và nhờ đó chúng ta nhận ra Chúa hiện diện và chạm tới Ngài, Đấng là Chân, Thiện, Mỹ tuyệt đối. Chúng ta hưởng nếm những mảnh sự sống và hạnh phúc, và khát khao thực hiện sự toàn mãn.

Thiên Chúa đã yêu thương thật thẳm sâu toàn thể con người chúng ta không chút kì thị. Ngài cho chúng ta được làm bạn hữu của Ngài, cho ta dự phần vào thực tại vượt quá mọi sự tưởng tượng không diễn tả được bằng ngôn từ, đó là tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa.

Với lòng biết ơn và cảm mến thẳm sâu, chúng ta hãy ý thức giá trị không gì sánh được của phẩm giá của mỗi sự sống con người và trách nhiệm lớn lao của chúng ta đối với mọi sự sống ấy. Lời của Công đồng Vatican II: “Đức Kitô, là Ađam thời sau hết, Đấng trong khi mạc khải về mầu nhiệm Chúa Cha và Tình thương của Ngài đã mạc khải trọn vẹn về con người cho chính con người và ơn gọi cao cả của họ ... Bởi nhập thể, Con Thiên Chúa đã liên kết mình cách nào đó với mỗi con người” (Gaudium et Spes, 22).

Tin Chúa Giêsu Kitô cũng có nghĩa là nhìn con người bằng một nhãn quan mới, trong tin tưởng và hy vọng. Hơn nữa, chính kinh nghiệm và lí trí ngay thẳng chứng thực rằng con người có khả năng hiểu biết và yêu mến, ý thức về chính mình và tự do, độc đáo và duy nhất, đỉnh cao của mọi thực tại trần gian, con người là kẻ đòi hỏi mình phải được nhìn nhận như một giá trị tự thân và xứng đáng luôn được đón nhận với lòng kính trọng và yêu mến. Con người được quyền đòi không bị đối xử như một đồ vật để người khác chiếm hữu hay thao túng tùy tiện, và không để bị khai thác như một phương tiện cho người khác trục lợi.

Nhân vị tự mình là một điều thiện hảo và phải luôn hướng tìm phát triển mình toàn diện. Hơn nữa, Tình yêu đối với mọi người, nếu chân thành, sẽ hướng ta đến chỗ quan tâm ưu tiên hơn đến người yếu đuối, nghèo hèn nhất. Điều này cho thấy tại sao Giáo hội bận tâm đến những thai nhi, những con người trong tình trạng mỏng manh, yếu đuối nhất, những con người bị đe dọa bởi sự ích kỉ của những người lớn và bởi sự tán tận lương tâm.

Giáo hội luôn khẳng định lại lời của Công đồng Vatican II chống lại mọi hình thức phá thai và xâm phạm sự sống con người đang hình thành, “kể từ khi đậu thai sự sống con người phải được hết sức bảo vệ và chăm sóc” (GS, 51).

Các nền văn hóa hiện nay có xu hướng tìm cách làm lương tâm con người tê liệt bằng những lập luận giả trá. Đối với các phôi thai trong lòng mẹ, chính khoa học cho biết sự độc lập của chúng, khả năng tương tác của chúng với người mẹ, các tiến trình sinh học được sắp đặt, phát triển liên tục, các cơ quan ngày càng trở nên phức tạp hơn.

Phôi thai không phải là chất liệu sinh học tích tụ lại, nhưng đúng hơn là một sự sống mới, năng động và được sắp đặt cách thật kì diệu, là một cá thể mới của loài người. Đó là thực tế mà Đức Giêsu đã từng ở trong dạ của Đức Maria. Đó cũng là điều tất cả chúng ta đã từng là như thế trong lòng mẹ của mình. Như Tertullianô, một văn sĩ Kitô giáo thời Cổ, chúng ta có thể nói: “Kẻ sẽ là một con người đã là một cá thể” (Apologeticum IX,8). Không có lí do gì không coi nó là một con người kể từ lúc đậu thai.

Rủi thay, nhiều trẻ con, cả sau khi đã chào đời, cuộc sống chúng luôn bị bỏ bê, bị đói, nghèo, bệnh tật, bị lạm dụng, trấn áp bởi bạo lực và bóc lột. Bao nhiêu quyền của các trẻ em bị xâm phạm đã làm tổn thương lương tâm của mọi người thiện chí.

Đứng trước tình cảnh bất công đáng buồn hiện nay đối với sự sống con người, cả sự sống trước lẫn sau khi sinh ra đời, tôi lặp lại lời kêu gọi tha thiết của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II mỗi người và mọi người hãy có trách nhiệm “tôn trọng, bảo vệ, yêu thương và phục vụ sự sống, mỗi sự sống con người! Chỉ trong chiều hướng này chúng ta mới có được công lý, phát triển, tự do thực sự, an bình và hạnh phúc!” (Thông điệp Evangelium Vitae, 5).

Mọi chính trị gia, mọi nhà lãnh đạo về kinh tế cũng như truyền thông xã hội hãy làm mọi sự trong khả năng quyền hạn mình để cổ võ nền văn hóa luôn biết tôn trọng sự sống con người, tạo ra những hoàn cảnh thuận lợi và ủng hộ các mạng lưới đón nhận và phát triển sự sống con người.

Chúng ta hãy phó dâng lời cầu nguyện cũng như mọi dấn thân cho sự sống các thai nhi cho Đức Trinh Nữ Maria, Đấng làm Mẹ đã đón nhận Con Thiên Chúa làm người, trong niềm tin, vào cung lòng mình, và đã hết sức yêu thương, chăm sóc, nuôi nấng Hài Nhi.

Chúng ta hãy cùng nhau cử hành Phụng Vụ –là nơi chúng ta sống sự thật và là nơi sự thật sống với chúng ta – bằng cách thờ lạy Thánh Thể, chiêm ngắm Mình Thánh Chúa Kitô, là Thân Mình sinh ra từ Đức Maria bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, sinh hạ ở Bêlem để cứu độ chúng ta. Ave, verum Corpus, natum de Maria Virgine!

(Nguồn: www.vatican.va Chuyển ngữ: Lm Luy Nguyễn Anh Tuấn)


Về Trang Mục Lục