LỜI CẦU NGUYỆN « LẠ LÙNG » CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI

XBVN – Trong thánh lễ Đêm Giáng Sinh 2010, lồng vào trong những suy niệm về mầu nhiệm Giáng Sinh, Đức Thánh Cha đã đưa ra một lời cầu nguyện đặc biệt : « Lạy Chúa, xin hãy hoàn thành lời hứa của Ngài. Xin hãy bẻ gãy ngọn roi của kẻ áp bức. Xin hãy thiêu hủy những gót giày chiến binh. Xin hãy chấm dứt cái thời áo choàng đẫm máu». Lời cầu xin này đặc biệt ở chỗ, nếu thông thường người ta thường cầu nguyện, đặc biệt trong các buổi lễ trang trọng như thế, trước mắt của hàng ngàn người trên khắp thế giới, rằng xin cho những con người gây ra bất công, chà đạp nhân phẩm và nhân quyền…biết hạ « vũ khí » xuống, biết ăn năn sám hối trở về nhìn nhận chân lý…, thì lời cầu nguyện trong thánh lễ Đêm Giáng Sinh 2010 dường như có điều gì đó đặc biệt hơn : một tiếng kêu mạnh mẽ thấu trời trước những bách hại và bất công đang hoành hành : Lạy Chúa, « xin bẻ gãy », « xin hãy thiêu hủy », « xin hãy kết thúc »…những bất công và bách hại chà đạp phẩm giá con người đó.

Dĩ nhiên, lời kêu xin của Đức Thánh Cha không kêu gọi bẻ gãy cổ, hay thiêu hủy hay kết liễu kẻ áp bức, nhưng là « bẻ gãy ngọn roi của kẻ áp bức », « thiêu hủy những gót giày chiến binh », « chấm dứt cái thời áo choàng đẫm máu ». Những kẻ áp bức này cũng là đối tượng cần được cứu chuộc.

Đưa ra lời cầu  xin mạnh mẽ đó, Đức Thánh Cha mong muốn Thiên Chúa không chỉ thể hiện « lòng tốt lành » của Ngài, nhưng còn « biểu dương sức mạnh của Chúa » nữa.

Bởi vì, đối với Đức Thánh Cha, dường như chỉ trông chờ vào thiện chí (dù cần thiết) của con người mà thôi thì không đủ, nhưng còn phải cần đến ân sủng của Thiên Chúa nữa. Trong thông điệp Giáng Sinh 2010 cho thành Rôma và thế giới, Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của Nước Thiên Chúa cho việc xây dựng một thế giới công bằng: “Chúng ta biết Nước của Ngài không thuộc về thế gian này, tuy nhiên, nó lại  quan trọng hơn tất cả các nước trên thế gian này. Nó như là men của nhân loại; nếu thiếu nó, thì  sức mạnh thúc đẩy sự phát triển chân thực cũng sẽ thiếu đi: đà nhiệt huyết cộng tác vào công ích, vào việc phục vụ tha nhân một cách vô vị lợi, vào cuộc đấu tranh ôn hòa cho công lý”. Đối với Đức Thánh Cha, cần phải nhấn mạnh đến cả hai yếu tố tự do và ân sủng : « Chúng ta không thể chia tách ân sủng và tự do thành những thực thể biệt lập nhau, cũng không thể chia tách tính hỗ tương giữa tiếng gọi và sự đáp trả. Hai đàng đan kết chặt chẽ với nhau».

Tuy nhiên, nếu lâu nay, trong bầu khí Giáng Sinh, người ta có thói quen kêu gọi sự thành tâm thiện chí của con người xây dựng một  xã hội công bằng, chân lý và tình yêu, thì thế nhưng, như Đức Thánh Cha buồn rầu công nhận rằng thực tế cho thấy, từ thời Isaia đến nay, rằng ““ngọn roi của kẻ áp bức” vẫn chưa bị bẻ gãy, “gót giày lính vẫn còn nện xuống” và vẫn còn đó những “áo choàng đẫm máu” (Is 9,4 tt). » Chính vì thế mà năm nay, nhất là đứng trước những đàn áp, bách hại tôn giáo, phẩm giá con người bị chà đạp, những bất công lan tràn, những tấn công hèn hạ nhắm vào Giáo Hội và các vị lãnh đạo trong Giáo Hội…, Đức Thánh Cha đã gióng tiếng kêu thấu trời : « Lạy Chúa, xin hãy hoàn thành lời hứa của Ngài. Xin hãy bẻ gãy ngọn roi của kẻ áp bức. Xin hãy thiêu hủy những gót giày chiến binh. Xin hãy chấm dứt cái thời áo choàng đẫm máu». Xin Thiên Chúa « biểu dương sức mạnh của Chúa ».

 


Về Trang Mục Lục