Quyền của người di cư tị nạn

Radiovaticana 23/02/2010 – Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh cho người di cư và lưu động về quyền của các anh chị em di cư

Chúa Nhật 17-1-2010 là Ngày Quốc Tế của người di cư và tị nạn lần thứ 96 với đề tài “Các người di cư và tị nạn vị thành niên”. Trong sứ điệp gửi ngày này Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã kêu gọi cộng đồng quốc tế và các chính quyền chú ý một cách đúng đắn tới các trẻ em vị thành niên di cư, làm sao để các em có thể phát triển về thể lý, văn hóa, tinh thần và luân lý. Đức Thánh Cha cũng nhắc lại rằng chính Chúa Giêsu cũng đã phải sống kiếp tị nạn khi được cha mẹ đem đi trốn sang Ai Cập để thoát cảnh truy lùng của vua Hêrôđê. Ngài khẳng định rằng đề tài của năm nay đụng tới một khía cạnh mà các Kitô hữu phải chú ý đó là lời Chúa Giêsu nói trong ngày phán xét sau hết: “Tất cả những gì các con làm cho một trong những người bé mọn nhất trong các con là làm cho chính Thầy” (Mt 25,40.45). Đức Thánh Cha cũng than phiền rằng mặc dù có Hiệp định về các quyền của trẻ em bảo vệ các quyền căn bản của trẻ em, nhưng vẫn có biết bao nhiệu trẻ vị thành niên “bị bỏ rơi và có nguy cơ bị khai thác trong nhiều cách thế”.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Tổng Giám Mục Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh cho người di cư và lưu động về quyền của các anh chị em di cư và việc hội nhập của họ.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Vegliò, sự trợ giúp của Giáo Hội đối với các anh chị em di cư và tị nạn đôi khi bổ túc cho thiếu sót của các chính quyền, có phải thế không?

Đáp: Giáo Hội đã luôn luôn sát cánh với người di cư, đặc biệt những người phải sống trong những điều kiện dễ bị tổn thương và yếu đuối nhất tại khắp nơi trên thế giới này. Đồng thời Giáo Hội cũng khích lệ các xã hội nơi họ tìm tới rộng mở tiếp đón họ. Tất cả những điều này đã được phối hơp, trong mức độ có thể, với các cơ quan chính quyền và các hiệp hội dấn thân trong lãnh vực này. Trái lại nơi đâu cần có việc bổ túc, Giáo Hội đã tìm cách đương đầu với một vài thách đố, trước hết là thách đố xã hội và nhân đạo. Do đó Giáo Hội đã thăng tiến các sáng kiến và hướng dẫn bằng cách tôn trọng các nguyên tắc liên đới và phụ đới để đáp ứng các nhu cầu thiếu nhà ở, thiếu nguồn lợi thực phẩm, thiếu các cơ cấu trợ giúp, tìm giải pháp đúng đắn cho các các người di cư không hợp lệ vv... Trong rất nhiều trường hợp Giáo Hội cộng tác để cho các anh chị em di cư có giấy phép cư trú, nhất là để chống lại tệ nạn buôn bán và khai thác người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Hỏi: Thưa Đức Cha, trong công tác mục vụ cho người di cư đâu là các nút thắt chưa giải quyết được?

Đáp: Trên bình diện mục vụ cho người di cư, sự đa diện và phân tán mỏng của các nhóm chủng tộc trong nhiều bối cảnh trên thế giới khiến cho việc bảo đảm công tác mục vụ trợ giúp họ luôn gặp khó khăn: chẳng hạn như việc cử hành thánh lễ và ban các bí tích trong các thứ tiếng khác nhau. Một đàng phải tôn trọng truyền thống của Giáo Hội, đàng khác cũng phải tôn trọng gia tài văn hóa riêng biệt của các anh chị em di cư. Ngoài ra cũng còn sự kiện thiếu các cơ cấu mục vụ, bao gồm các nơi cử hành phụng vụ và gặp gỡ đáp ứng nhu cầu của các nhóm khác nhau. Đây là việc phối hợp khôn khéo mục vụ bình thường, đặc biệt là mục vụ giáo xứ, với mục vụ chuyên biệt, làm sao để tiếp nhận với sự nhậy cảm việc cấp thiết hội nhập đức tin vào lòng văn hóa trong tính cách khác biệt của các dân tộc. Đương nhiên càng ngày càng cần phải lôi kéo các nhân viên mục vụ giáo dân cộng tác với các linh mục và tu sĩ nam nữ, như được minh nhiên trong tài liệu mục vụ cho người di cư “Erga migrantes caritas Christi”.

Hỏi: Thưa Đức Cha, riêng đối với người trẻ di cư, có đề nghị mục vụ chuyên biệt nào hay không?

Đáp: Để trả lời cho các thay đổi liên tục của thực tại giới trẻ cần phải có nhiều óc sáng tạo và sự linh động hơn là đối với các lứa tuổi khác. Các hình thức mục vụ chuyên biệt khác nhau cho giới trẻ cần chú ý tới vài yếu tố nòng cốt sau đây: trước hết là liên tục chú ý tới các nhu cầu đầu tiên của người trẻ, bao gồm việc bảo vệ phẩm giá và quyền lợi của họ, cả khi họ sống trong tình trạng bất hợp lệ. Thứ hai, tìm đối thoại không mệt mỏi như là khả thể làm giầu cho nền văn hóa, vì người trẻ di cư thuộc nhiều tôn giáo khác nhau. Thứ ba, tái chiếm lại cho các thế hệ trẻ vị thế chủ động của họ cả trong lãnh vực tôn giáo. Thứ bốn, đánh gía các đặc thái chủng tộc của người trẻ di cư, trong tinh thần công giáo, bằng cách nhấn mạnh trên sự hội nhập, nhưng khước từ sự đồng hóa. Thứ năm, tái chiếm ý nghĩa Giáo Hội lữ hành trong lịch sử, luôn luôn tiến bước bên cạnh tất cả mọi người, kể cả người trẻ vì nhiều lý do đã rơi vào cạm bẫy của bạo lực lạc hướng hay tôi phạm.

Hỏi: Như mới xảy ra trong cuộc trưng cầu dân ý bên Thụy sĩ, tại nhiều nước âu châu người dân không đồng ý nhượng bộ chấp nhận cho người hồi có các đền thờ. Làm như thế lại không phải là vi phạm quyền diễn tả niềm tin tôn giáo hay sao thưa Đức Cha?

Đáp: Tôn giáo không chia rẽ, nhưng hiệp nhất, bắt đầu từ việc chia sẻ các giá trị không thể khước từ được như sự sống, hòa bình, việc tôn trọng các quyền căn bản của con người, sự tự do tôn giáo và sự phát triển có thể chịu đựng nổi. Dĩ nhiên việc gặp gỡ với Hồi giáo có các vấn đề, trong một giai đoạn định đoạt đối với thế giới, dưới nỗi ám ảnh của nạn khủng bố phá hoại và nguy cơ của sự đụng độ giữa các nền văn hóa. Chiến tranh, như chúng ta đều biết, gây ra khổ đau và thiệt hại cho mọi người, hồi giáo cũng như Kitô. Liên quan tới cuộc trưng cầu dân ý bên Thụy Sĩ về việc cho phép hay không cho phép xây thêm các đền thờ hồi giáo, tôi đồng ý với lập trường của Hội Đồng Giám Mục Thụỵ Sĩ, coi việc khước từ là “một chướng ngại trên con đường hội nhập và đối thoại liên tôn trong sự tôn trong lẫn nhau”. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay người ta thảo luận nhiều về ý nghĩa của sự kiện là tín hữu hồi và làm thế nào để thực hiện cuộc gặp gỡ giữa tín hữu hồi và tín hữu Kitô. Đó cũng là các câu hỏi mà Giáo Hội đặt ra. Câu trả lời nằm trong việc cùng nhau tìm kiếm trong đối thoại và đối tác. Trong đại hội khoáng đại của Hội Đồng Tòa Thánh về di cư và tị nạn năm 2006 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI có nói: “Tự bản chất của nó, tình yêu Kitô là đi bước trước. Vì thế các tín hữu được mời gọi mở rộng vòng tay và con tim cho mỗi người, bất kỳ họ thuộc quốc gia nào, và để cho các chính quyền có trách nhiệm đối với đời sống công cộng thiết định các luật lệ thích hợp cho việc chung sống”. Dĩ nhiên là người ta cũng hy vọng rằng các Kitô hữu di cư sang các nước có đa số dân theo Hồi giáo cũng tìm thấy sự tiếp đón và tôn trọng căn cước tôn giáo của họ như vậy.

Hỏi: Sự hiện diện của người di cư cũng đặt vấn nạn liên quan tới đề tài đa nguyên tôn giáo và dậy tôn giáo trong các trường học. Đức Cha nghĩ gì về vấn đề này?

Đáp: Không được lẫn lộn đề tài đa nguyên tôn giáo với việc dậy tôn giáo trong trường học. Đa nguyên tôn giáo có nhiều khía cạnh tích cực trong chính nó. Liên quan tới việc dậy tôn giáo trong trường học, tôi tán đồng suy tư khôn ngoan mà Đức Hồng Y Angelo Bagnasco đã trình bầy trong bài diễn văn khai mạc đại hội mùa thu của Hội Đồng Giám Mục Italia diễn ra hồi tháng 9 năm 2009. Đức Hồng Y nói rằng: “Đây không phải là việc thảo luận về sự tự do tôn giáo của bất cứ ai như có người nói đâu đó, mà là tính cách đặc thù của học đường và các mục đích chuyên biệt của nó, mà trong một nước đời lành mạnh, chúng thuộc lãnh vực văn hóa và giáo dục. Thật vậy, việc dậy về Công Giáo, như đã biết, không phải là một giờ giáo lý, mà là một dịp hiểu biết mà người ta muốn bảo đảm liên quan tới các nguyên tắc của đạo Công Giáo, là phần gia tài lịch sử của người dân Italia”. Nói một cách linh động, diễn văn đó được áp dụng vào bối cảnh rộng rãi hơn của Âu châu. Dầu sao đi nữa, cần phải ghi nhận rằng tính cách đời đúng đắn của chính quyền không bao giờ được đưa tới cảnh đa số nuốt trửng các nhóm thiểu số, và cũng không được cho phép các nhóm thiểu số có các yêu sách sai trái đòi sự tôn trọng đến gây thiệt hại cho đa số. Tôi muốn nói đến chiến dịch đòi hủy bỏ các dấu chỉ biểu tượng của Kitô giáo, nhân danh việc bảo vệ sai trái quyền của các nhóm thiểu số. Thật ra đây là khuynh hướng giản lược và san bằng đồng nhất mọi sự, mà quên đi các gốc rễ lịch sử và các giá trị của nền văn hóa và của đức tin.

Hỏi: Từ tháng 5 năm 2009 Italia khước từ chấp nhận các người di cư từ đường biển. Đức Cha nghĩ gì về thái độ này của chính quyền?

Đáp: Giáo huấn xã hội của Hội Thánh nêu bật một vài yếu tố nền tảng và coi thái độ đối với người di cư, đặc biệt là những người xin tị nạn, là vấn đề của bổn phận luân lý và nhân đạo, trước khi là chuyện chính trị và pháp lý. Điều đầu tiên cần chú ý đó là sự cách biệt giữa các nước giầu miền bắc bán cầu và các nước nghèo miền nam bán cầu tạo ra làn sóng di cư của người dân các nước nghèo hướng tới các vùng phát triển giầu có hơn.

Trong thông điệp lo lắng cho các vấn đề xã hội Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói tới “các cơ cấu tội lỗi” và các “guồng máy tồi bại” gây ra tình trạng thê thảm mà ngài gọi là “di cư của sự tuyệt vọng”. Tại Âu châu người ta tiếp tục nói tới vấn đề này, nhưng không có các cử chỉ cụ thể giúp giải quyết, vì tại nhiều vùng giầu có dân chúng khép kín trong pháo đài của sự sung túc đã đạt được, và nhất quyết bảo vệ nó bằng mọi giá mà không chú ý liên đới với những người khác ở bên ngoài pháo đài.

Nói tới “sự di cư của tuyệt vọng” có nghĩa là hình thức di cư này không phải là hậu qủa của sự tự do lựa chọn, mà là hậu qủa của một sự cần thiết nghiêm trọng, thường khi là tột cùng: nó không phải là việc ra đi, mà là trốn chạy các bần cùng và bách hại. Vì thế cần phải áp dụng luật tị nạn và che chở nhân đạo đối với họ. Các nguyên tắc này không cống hiến một giải pháp chính xác giúp trả lời cho vấn đề phức tạp khước từ người di cư tị nạn, nhưng chúng cung cấp một khung luân lý và sự nhậy cảm giúp đối phó vấn đề với sự hữu lý và lương tâm Kitô, kể cả các vấn đề gai góc gắn liền với hiện tượng di cư tị nạn.

Hỏi: Tại Italia đã có đề nghị của luật hai đảng phái yêu cầu cấp quốc tịch cho con cái của những người nước ngoài sinh tại Italia. Đức Cha nghĩ sao?

Đáp: Một người di cư có công ăn việc làm bình thường, đóng thuế và tôn trọng luật lệ và các truyền thống của quốc gia nơi họ được tiếp nhận, học tiếng và hội nhập vào cuộc sống xã hội mà họ coi là của họ, thì họ có tất cả các điều kiện để ước mong tham gia vào sinh hoạt hành chánh và chính trị của quốc gia đó đã trở thành quê hương của họ. Do đó tôi không thấy các lý do cản trở họ gia nhập quốc tịch. Còn liên quan tới thời gian và cách thức thì tùy luật lệ xác định của từng nước.

(JESUS Gennaio 2010, trang 13-15)

Linh Tiến Khải

 


Về Trang Mục Lục