Giáo Hội và việc bảo vệ quyền của các người du mục

 

Radiovaticana 02/03/2010 – Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Agostino Marchetto, Thư ký Hội Đồng Tòa Thánh Mục Vụ cho mgười di cư và lưu động

Trong những ngày này các vị giám đốc mục vụ toàn Âu châu đang tham dự cuộc họp đo Hội Đồng Tòa Thánh đặc trách mục vụ cho người di cư và lao động triệu tập tại Roma. Cuộc họp có đề tài là: “Sự quan tâm của Giáo Hội đối với các người du mục: tình hình và các viễn tượng” đã bắt đầu hôm 2-3 và sẽ kết thúc vào ngày 4-3-2010.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Agostino Marchetto, Thư ký Hội Đồng Tòa Thánh về cuộc họp này.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Marchetto, tình hình sống của các anh chị em du mục tại Âu châu hiện nay ra sao?

Đáp: Trước hết tôi xin nêu bật rằng tình trạng sống nghèo túng tột cùng của hàng triệu anh chị em du mục tại Âu châu đã trở thành trầm trọng hơn vì bầu khí căng thẳng và thù nghịch đối với họ. Dĩ nhiên, không phải trong mọi nước Âu châu đều có cùng cường độ chống người du mục, kỳ thị và bài trừ họ như nhau. Tuy nhiên, đây là các điều tiếp tục tồn tại khắp nơi. Giáo Hội có bổn phận bênh vực phẩm giá và các quyền lợi của họ, đồng thời cũng nhắc nhở cho các anh chị em du mục biết các bổn phận dân sự của họ.

Trong phiên họp này chúng tôi duyệt xét tình trạng sống của người du mục trong các nước Âu châu cả trên bình diện mục vụ và nhấn mạnh các thách đố và các cơ may. Đồng thời chúng tôi cũng tìm minh nhiên các ưu tiên và đưa ra các đề nghị cho một công tác mục vụ hữu hiệu và có phối hợp hơn giữa các Giáo Hội địa phương Âu châu và các tổ chức giáo hội và không giáo hội đang nỗ lực dấn thân trợ giúp người du mục. Ngoài ra chúng tôi cũng tìm các phương thế làm sao để Giáo Hội được các cộng đoàn du mục tiếp nhận một cách tốt đẹp hơn.

Hỏi: Thưa Đức Cha, đề tài của cuộc họp là “Sự quan tâm của Giáo hội đối với người du mục: tình trạng và các viễn tượng”. Giáo Hội chứng tỏ cho thấy sự lo lắng của mình đối với các anh chị em này như thế nào?

Đáp: Giáo Hội hiện diện giữa các người du mục với một công tác mục vụ chuyên biệt, chú ý tới các đặc thù văn hóa của họ và tôn trọng căn cước và sự khác biệt của họ, như Công Đồng Chung Vaticăng II đã đòi hỏi. Trong hầu hết các nước Âu châu đều có các cơ cấu và văn phòng được thành lập cho công tác mục vụ chuyên biệt này, trong đó có các linh mục và nhân viên mục vụ hoạt động để bảo đảm việc trợ giúp tinh thần một cách hữu hiệu và thích hợp cho người du mục. Số nhân viên mục vụ này thay đổi tùy theo từng nước. Bên Pháp chẳng hạn là nước có truyền thống mục vụ lâu đời cho người du mục có khoảng 100 nhân viên, trong đó có hai Linh Mục, các Phó Tế vĩnh viễn các thừa tác giúp lễ và đọc sách thuộc sắc tộc Manouche. Nhiều vị chia sẻ cuộc sống lang thang nay đây mai đó của người du mục tại các trại hay trong các xe làm nhà ở và thành lập các “cộng đoàn cầu nối”. Và như thế các nhân viên mục vụ này chia sẻ các khổ đau và các âu lo thường ngày của các anh chị em du mục, bằng cách tạo ra các mối dây liên đới và hiệp thông huynh đệ.

Còn có một cách thức cụ thể khác diễn tả sự lưu tâm của Giáo Hội đối với anh chị em du mục: đó là con số nhiều dòng tu và hiệp hội tu sĩ dấn thân trong việc rao truyền Tin Mừng cho người du mục và trong các hoạt động đôi khi nhắm mục đích cống hiến cho người du mục sự phát triển toàn diện. Ngoài ra công tác mục vụ của khoảng 100 linh mục tu sĩ nam nữ và phó tế phát xuất từ các sắc tộc du mục cũng rất là hữu hiệu. Thêm vào đó cũng nên nhớ rằng còn có các tổ chức quốc tế dấn thân bênh vực các quyền của người du mục và thăng tiến cuộc sống xã hội văn hóa và tôn giáo của họ nữa.

Hỏi: Theo Đức Cha, sự kiện năm 2010 đã được tuyên bố là “Năm Âu châu chống lại nạn nghèo túng và loại trừ bên lề xã hội” có thể có ý nghĩa nào đối với các anh chị em du mục thuộc các sắc dân Rom, Sinti và các nhóm du mục khác?

Đáp: Số người du mục tại Âu châu xê xích từ 12 đến 14 triệu. Đa số, như tôi đã nói trên đây, phải sống trong cảnh nghèo túng cùng cực: không có nước trong lành để uống, không có thực phẩm, nhà ở và không được trợ giúp y tế. Sự nghèo túng và bị kỳ thị khiến cho rất nhiều anh chị em du mục bị gạt bỏ ra ngoài các lãnh vực lao động và chính trị, các hệ thống giáo dục và các tiến trình quyết định kể cả đối với những gì liên quan tới họ. Đã có nhiều hoạt động và các dự án từ phía các chính quyền và chúng tôi hy vọng là chúng sẽ được thực hiện để giúp các người du mục ra khỏi tình trạng bị cô lập hóa này, tình trạng mà chính họ cũng có phần trách nhiệm.

Dầu sao đi nữa, cần phải chú ý tới điều Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã yêu cầu trong Thông Điệp “Bác Ái trong chân lý”, nghĩa là lưu tâm làm sao để các hoạt động, các dự án và các sáng kiến không hạ nhục người nghèo, trong trường hợp ở đây là các người du mục. Bởi vì rất thường khi người ta quên rằng họ cũng là người như chúng ta, với phẩm giá của họ. Cần có các cử chỉ bác ái và các lộ trình cởi mở đối với nhau. Tôi cầu mong rằng mọi sáng kiến trợ giúp các anh chị em du mục thuộc sắc tộc Rom, Sinti và các nhóm sắc tộc khác là các chương trình dài hạn, nghĩa là không kết thúc với “Năm Âu châu cho người du mục”, nhưng tiếp tục cho tới khi họ hội nhập vào cuộc sống xã hội và dân sự.

Hỏi: Trong chương trình cuộc họp các vị giám đốc mục vụ cho người du mục Âu châu cũng có một cuộc thảo luận về các “đề nghị giúp gia tăng đối thoại và cộng tác bên trong và bên ngoài Giáo Hội”. Tại sao người ta lại cho khía cạnh này tầm quan trọng lớn như thế thưa Đức Cha?

Đáp: Đối thoại và cộng tác là hai cột trụ nâng đỡ mọi hoạt động chung và vì thế chúng rất quan trọng trong công việc mục vụ. Các anh chị em du mục, đa số đều là những người bị gạt bỏ bên lề xã hội dân sự, và hậu qủa là họ cũng bị loại bỏ một cách dễ dàng bởi các cộng đoàn giáo xứ tại nơi họ sống. Vì vậy cần phải có một công tác mục vụ chuyên biệt cho họ. Nhưng rất tiếc là không phải mọi Giám Mục và linh mục chánh xứ đều cảm nhận được sự cấp thiết đó.

Mục đích chúng tôi nhắm tới đó là tìm ra các phương thức và đường lối thuận tiện giúp các Giáo Hội địa phương, các giáo phận, giáo xứ tham gia nhiều hơn vào công tác mục vụ cho người du mục, bằng cách khuyến khích sự cộng tác và chia sẻ giữa chúng tôi với nhau. Thật ra có những giáo phận đã thành công trong việc tạo ra các ủy ban bao gồm đại diện của người du mục và tín hữu bản địa. Nhiều giáo phận khác đã thành công trong nỗ lực thiết lập các tương quan huynh đệ và đưa ra các lộ trình cộng tác và hiệp thông tập thể. Một vài Giáo Hội và giáo phận đã phát triển các dự án lôi cuốn sự tham dự của cả các anh chị em du mục và đòi hỏi phải có một ý thức và tinh thần trách nhiệm lớn hơn. Chẳng hạn đã có một giáo phận mở cho anh chị em du mục một “Văn phòng lo cho người Rom và Sinti”, hoạt động như là văn phòng xã hội, nơi các anh chị em du mục Rom và Sinti có thể được hưởng quy chế trợ giúp tài chánh cho các dự án nhỏ. Đây không phải chỉ là khuynh hướng duy trợ giúp, mà là các chiến thuật qua đó người du mục Rom và Sinti trở thành các người chủ động. Đây là điều xa lạ với bản chất của họ. Nhưng người ta hy vọng là việc chia sẻ các kinh nghiệm này giúp củng cố dấn thân mục vụ của các Giáo Hội địa phương và các phong trào và hiệp hội của Giáo Hội trong nỗ lực thăng tiến cuộc sống của người du mục.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Marchetto, Giáo Hội có nhiệm vụ chống lại các thành kiến và các thái độ bài người du mục Rom và Sinti tại một số quốc gia, kể cả Italia, hay không?

Đáp: Chắc chắn là có rồi. Như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng mới nhắc lại cho chúng ta biết trong Thông Điệp “Bác ái trong chân lý”. Giáo Hội “có một sứ mệnh về sự thật phải chu toàn, trong mọi thời và mọi hoàn cảnh, nhắm tới một xã hội phù hợp với con người, với phẩm giá và ơn gọi của nó”.

Các thành kiến và các thái độ bài ngoại trái nghịch với các quyền con người và gây nguy hại cho việc chung sống trong xã hội dân sự. Ngoài ra đối với chúng ta là Kitô hữu đó là thiếu bác ái và công bằng đối với tha nhân, dù họ có khác biệt với chúng ta, hoặc thiếu sót hay có lỗi đi nữa. Thế rồi các hình thức nghi kỵ này cũng là các triệu chứng của sự nghèo nàn tinh thần mà Giáo Hội công giáo phải tố cáo và trợ giúp thắng vượt nó. Đó là lý do giải thích sự khích lệ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm đối với việc đưa vào trong công tác mục vụ việc bênh vực và bảo vệ các quyền con người. Liên quan tới điều này chúng ta có giáo huấn xã hội của Hội Thánh là một phần của luân lý công giáo, luôn đặc biệt lắng nghe các người yếu đuối nhất và bênh vực những người đau khổ vì các kỳ thị và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Tuy nhiên Giáo Hội cũng cảnh cáo những người đòi các quyền lợi của họ một cách chính đáng, để họ đừng quên các bổn phận riêng của mình, bởi nếu không thì có nguy cơ xảy ra cảnh “một tay xây dựng một tay phá” (Gioan XXIII, Pacem in Terris).

(RG 27-2-2010)

Linh Tiến Khải


Về Trang Mục Lục