Nạn kỳ thị các kitô hữu tại Pakistan

Radiovaticana 01/03/2010 – Phỏng vấn Linh Mục Peter Jacob, Thư ký Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục Pakistan, về nạn kỳ thị tôn giáo tại nước này

Từ mấy tuần qua, dư luận trong và ngoài nước Pakistan lại phẫn nộ vì vụ Shaziar Bashir, một bé gái Kitô 12 tuổi giúp việc trong nhà luật sư Chaudhry Muhammad Naeem tại thành phố Lahore, đã bị ông hãm hiếp và giết chết ngày 23-1-2010. Trước áp lực của hai tổ chức Kitô “Liên Minh mọi nhóm thiểu số Pakistan” và “Liên minh Masihi Pakistan” ông Naeem đã bị cảnh sát bắt giữ và đưa ra tòa, nhưng cảnh sát đối xử với ông luật sư giầu như là “một quốc khách”, và đã 3 lần cấm không cho gia đình và bạn bè của nạn nhân vào phòng xử án viện cớ “lý do an ninh”. Trong khi các công tố viên chậm trễ trong việc đưa ra các lời cáo buộc, và Hiệp hội luật sư của tòa án Lahore gồm hàng ngàn thành viên, mà ông Naeem đã từng là Chủ tịch, đe dọa sẽ thiêu sống luật sư nào dám đứng ra nhận biện hộ cho cô bé Bashir. Chính vì thế nên cho dù thành viên của các tổ chức bảo vệ nhân quyền các tín hữu công giáo tranh đấu cho tự do tôn giáo nhất quyết đòi hỏi công lý, cho tới nay vẫn chưa có luật sư Kitô hay hồi giáo nào dám nhận bênh vực cho bé Bashir và gia đình cô.

Ông Joseph Francis, giám đốc “Trung tâm trợ giúp luật pháp và định cư” đã mạnh mẽ tố cáo các sự kiện kể trên, và kêu gọi mọi thành phần xã hội dân sự cũng như các giới lãnh đạo chính trị, tôn giáo, mạnh mẽ đứng lên và có các biện pháp lên án “hình thức khủng bố mới này” từ phía các luật sư là những người đáng lý ra phải bênh vực công lý. Nhật báo “Tin” số ra ngày 4-2-2010 tại Pakistan cũng cho biết ông Naeem đã được cảnh sát hộ tống tới tòa án, nhưng đã không có ai được vào tham dự phiên phúc thẩm, kể cả gia đình của Shazia Bashir vì cái cảnh sát gọi là “lý do an ninh”.

Đức Cha Lawrence John Saldanha, Tổng Giám Mục Lahore kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pakistan và Linh Mục Peter Jacob, Thư ký Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục Pakistan, đã công bố thông cáo miêu tả cái chết thê thảm của bé Shazia “không phải là biến cố lẻ tẻ”, vì các người làm thuê rất thường là nạn nhân của bạo lực và cưỡng bức từ phía chủ nhân.

Pakistan rộng hơn 769 ngàn cây số vuông, có 180 triệu dân, trong đó có 3 triệu là tín hữu Kitô, tức chiếm 1,5% tổng số dân. Đa số các tín hữu Kitô sống trong bang Punjab, vì họ là sắc dân của vùng này. Trong thành phố Lahore có 10% dân theo Kitô giáo. Họ là các thành phần nghèo nhất trong xã hội, thường phải làm các công việc hèn hạ nhất như đúc gạch, với đồng lương chết đói, cứ 1000 viên gạch mới kiếm được 4 Euros.

Thật ra trong thời lập nước Pakistan hồi năm 1947, các Kitô hữu đã đóng góp rất nhiều cho quốc gia. Họ đã ủng hộ ông Mohammad Ali Jinnah trong việc lập nước, và nắm giữ các địa vị quan trọng trong quân đội và được nhiều huy chương trong các trận chiến năm 1965 và 1971 với Ấn Độ. Kitô giáo cũng cung cấp cho xã hội Pakistan nhiều luật sư và thẩm phán lỗi lạc, cũng như nhiều văn nghệ sĩ và kịch sĩ nổi tiếng. Giáo Hội công giáo nắm giữ vai trò quan trọng trong lãnh vực y tế và giáo dục. Nhưng từ năm 1971 trở đi đường lối cai trị hồi giáo hóa xã hội của chính quyền Pakistan đã gây ra rất nhiều khó khăn cho Giáo Hội. Thủ tướng Zulficar Ali Bhutto đã ra lệnh quốc hữu hóa các trường Kitô và hồi giáo hóa việc giáo dục. Đặc biệt từ sau năm 1978 khi tướng Zia Ul Haq đảo chánh lên nắm quyền, làn sóng bảo thủ lan tràn và xâm nhập mọi giai tầng xã hội. Ông và thủ tướng Nawaz Sharif đã củng cố ảnh hưởng của luật Sharia trong xã hội Pakistan. Luật chống phạm thượng được tổng thống Zia Ul Haq đưa ra năm 1985 cấm xúc phạm tới kinh Coran và ngôn sứ Mohammed.

Nhưng trong thực tế 99% mọi trường hợp nó bị lạm dụng, và chỉ là cớ để người hồi thanh toán các tư thù hay bảo vệ các lợi lộc hoặc thỏa mãn các ham muốn của họ. Tồi tệ nhất đã là vụ đốt phá nhà cửa và tấn công tín hữu Kitô làng Gojra hồi tháng 8 năm 2009 khiến cho 7 người bị thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Song song với việc hồi giáo hóa quân đội và lực lượng mật vụ, cũng như ủng hộ cuộc thánh chiến jihad của Afghanistan, trong thập niên 1980 tổng thống Zia Ul Haq và thủ tướng Nawaz Sharif đã góp phần vào việc phát triển các mạng lưới hồi giáo ngày càng hoạt động mạnh hơn, mà không lượng định được ảnh hưởng chính trị và sức nặng tiềm năng của một liên minh các đảng phái tôn giáo của chúng. Ngày nay, tuy đã bị đánh đuổi khỏi thung lũng Swat mùa hè năm 2007, các lực lượng Taleban Pakistan tiếp tục gieo kinh hoàng cho dân chúng, đặc biệt trong các tỉnh miền tây bắc. Điển hình như vụ đặt bom khiến cho 4 người chết và 24 người bị thương tại Peshawar ngày 16-11-2009.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Linh Mục Peter Jacob, Thư ký Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục Pakistan, về nạn kỳ thị tôn giáo tại nước này.

Hỏi: Thưa cha Jacob, đâu là nỗi lo lắng nhất của cha đối với tình trạng sống của các Kitô hữu tại Pakistan hiện nay?

Đáp: Hệ thống chính trị của đất nước chúng tôi dựa trên đường lối kỳ thị tôn giáo. Nếu đọc thuộc lòng được Kinh Coran, thì sẽ được điểm cao ở trường học, và nếu bị tù thì được rút ngắn thời gian ở tù 6 tháng. Các Kitô hữu thì không được đặc ân này, vì hệ thống chính trị được tổ chức theo kiểu biến các người không theo Hồi giáo trở thành công dân hạng hai. Luật chống phạm thượng được đưa ra hồi thập niên 1980 là biểu tượng cho chính sách kỳ thị và bách hại tôn giáo tại Pakistan. Người ta lạm dụng luật đó và khích lệ mọi thứ vu khống chống lại các Kitô hữu, như được chứng minh trong các vụ bách hại các Kitô hữu làng Gojra. Trước công lý, luật chống phạm thượng nói trên kết án tử hình, nhưng trên thực tế cho đến nay chưa có ai bị giết, vì luật này được soạn thảo thiếu sót đến độ nói chung bản án không được xác nhận khi kháng án. Đàng khác những người bị kết án bị bỏ tù nhiều năm và đôi khi họ bị giết chết trong tù. Nếu được tha, họ phải sống trong bất an, vì sẽ bị các người hồi cuồng tín tìm mọi cách thanh toán. Mặc dù bị đàn áp như vậy nhưng các cuộc cải đạo không nhiều, vì tín hữu Kitô có một đức tin rất sâu xa.

Hỏi: Ủy ban Công Lý và Hòa Bình do cha đặc trách có những hoạt nào động?

Đáp: Từ 25 năm nay Ủy ban của chúng tôi tranh đấu để chính quyền hủy bỏ luật phạm thượng. Vấn đề đó là luật này nhập thể cung cách suy nghĩ của cả một xã hội. Chúng tôi đã phát động chiến dịch tranh đấu giữa giới dân biểu và có một vài dân biểu hồi ủng hộ chúng tôi. Chúng tôi đã thu thập được 7.000 chữ ký của dân chúng thuộc mọi tôn giáo và chúng tôi sẽ gửi tới chính quyền. Chúng tôi cũng hoạt động để bảo vệ và trợ giúp các anh chị em nạn nhân của luật phạm thượng này.

Hỏi: Các Kitô hữu Pakistan chờ đơi gì nơi thế giới tây phương?

Đáp: Nước Pakistan đang đứng trước hai ngã đường. Nó có thể cải tổ chính trị và loại bỏ phong trào hồi giáo cực đoan. Từ người dân các nước tây phương chúng tôi chờ đợi họ hiểu rằng tại Pakistan chúng tôi không sống trong một nền dân chủ đích thật, mà trong một hệ thống dựa trên việc lạm dụng tôn giáo, và tình hình này ngày càng tồi tệ hơn. Các chính quyền tây phương phải dùng ảnh hưởng của mình và tạo áp lực làm sao để chính quyền Pakistan thừa nhận tất cả chúng tôi có quyền sống tại Pakistan, nơi chúng tôi muốn hội nhập và là công dân Pakistan một cách hoàn toàn, mà không bị áp lực kỳ thị. Trong thế kỷ XXI không nước nào có thể thờ ơ đứng nhìn những gì xảy ra tại nơi khác. Nếu Pakistan trở thành một Afghanistan khác, thì toàn cộng đồng quốc tế sẽ phải gánh chịu hậu qủa trầm trọng của nó.

Hỏi: Ngày 1-10-2009 tổng thống Pakistan đã được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tiếp đón tại Vaticăng. Kitô hữu đã cảm thấy gì và đã đón nhận lời Đức Thánh Cha mời gọi tiếp tục cuộc đối thoại liên tôn như thế nào?

Đáp: Chúng tôi đã chờ đợi rất nhiều nơi chuyến viếng thăm này, hhông phải chỉ vì Đức Thánh Cha là vị đại diện cho Giáo Hội hoàn vũ, mà cũng bởi vì ngài được coi là một tiếng nói độc lập. Cả cuộc gặp gỡ của tổng thống Pakistan với các giới chức chính quyền Italia cũng rất quan trọng. Tất cả mọi người đã bầy tỏ sự lo lắng đối với cảnh kỳ thị các Kitô hữu tại Pakistan, và tổng thống Pakistan đã thừa nhận rằng cần phải làm một cái gì đó, tuy ông không dấn thân.

Về cuộc đối thoại liên tôn đây không phải là một điều mới mẻ. Vì khi phải sống trong môi trường hồi giáo, đối thoại là thực tại sống thường ngày của chúng tôi, trên tất cả mọi bình diện và đã từ rất lâu rồi. Vấn đề đó là một đàng Giáo Hội phổ biến sứ điệp theo đó tất cả chúng tôi có thể cùng chung sống với nhau, đàng khác có các nhóm hồi cuồng tín tìm cách áp đặt luật lệ của họ và đe dọa các Kitô hữu để loại trừ họ khỏi cộng đoàn quốc gia. Giáo Hội công giáo đã có các cố gắng lớn, nhưng cuộc đối thoại chỉ có thể kết hiệp nếu được xây dựng trên sự bìmh đẳng. Tự do tôn giáo phải là quyền hiện hữu cho tất cả mọi người dân Pakistan, kể cả các tín hữu hồi vì họ cũng ít được tự do.

Hỏi: Cha có hy vọng có được các thay đổi nào hay không?

Đáp: Điều đang xảy ra trước mắt là hậu qủa của một cơ cấu chính trị xác định, hậu qủa của một mô thức Nhà Nước thần quyền, và nó đang cho thấy sự thất bại của mình. Thật ra có một hình thức tục hóa thuộc Pakistan, nơi nhiều tôn giáo khác nhau sống bên cạnh nhau. Xã hội dân sự Pakistan đã luôn luôn chống lại trật tự tôn giáo đàn áp. Nó đã thành công trong việc hủy bỏ các cuộc bỏ phiếu tách rời. Trong con tim, người dân Pakistan ủng hộ một nước Pakistan khác và giữ vững niềm hy vọng. Điều mà họ mong muốn một cách sâu xa đó là sự chung sống giữa tín hữu các tôn giáo khác nhau. Hiện nay người dân Pakistan bị các nhóm qúa khích nhồi sọ và đầu độc, và họ là nạn nhân đầu tiên của chúng. Nhưng họ sẽ có cơ may, khi tiếp nhận dịp thay đổi tình hình, vì họ khát khao công lý và hòa bình.

(Avvenire 31-1-2010 Asianews 2.6-2-2010)

Linh Tiến Khải

 


Về Trang Mục Lục