Công tác truyền giáo cho bộ lạc người lùn Pigmei Bambuti

Radiovaticana 09/03/2010 – Các thừa sai dòng Thánh Tâm và công cuộc truyền giáo cho bộ lạc Pigmei Bambuti trong rừng già Ituri mạn đông Cộng hòa dân chủ Congo

Trong vài tháng tới đây cứ điểm truyền giáo Nduye do các thừa sai dòng Thánh Tâm, cũng gọi là các cha Dehoniani, điều khiển sẽ bắt đầu hoạt động trở lại sau 8 năm đóng cửa.

Cứ điểm này do Linh Mục Bernardo Longo thành lập trên một ngọn đồi mhìn xuống thung lũng của rừng già Ituri bạt ngàn nằm ở mạn đông Cộng hòa dân chủ Congo. Nó là một loại tiền đồn, trước khi bước vào rừng gìa Ituri là nơi còn bộ lạc người lùn Pigmei Bambuti sinh sống. Bộ lạc này cũng là bộ lạc Pigmei duy nhất còn sống sót tại Congo, tổng cộng khoảng mươi ngàn người.

Cuộc sống an lành của họ đã bị xáo trộn vì chiến tranh và bạo lực. Linh Mục Silvano Ruaro, người Italia, cho biết tháng 3 năm 2002 các toán du kích quân thuộc “Phong trào giải phóng Congo” do Pierre Sikuli Bamba lãnh đạo đã đánh chiếm thành phố Isiro và tiến về Mambasa. Đi tới đâu họ tàn phá các làng mạc, giết người, cướp của và hãm hiếp phụ nữ tới đó. Ngày 12 tháng 10 năm 2002 họ tiến chiếm Bambasa. Cha và dân chúng đã phải chạy trốn về Beri. Và lần đầu tiên trong bao nhiêu năm làm việc truyền giáo tại đây cha cũng thấy người Pigmei Bambuti cùng chạy trốn với dân chúng. Đây là lần đầu tiên họ phải bỏ múi rừng để trốn chạy, bình thường khi gặp nguy hiểm họ lẩn sâu vào rừng già. Nhưng lần đó rừng già Ituri cũng không còn đủ an ninh nữa.

Chính cha Silvano và Đức Cha Melkisédeck Sikuli Paluku, Giám Mục Butembo, đã mạnh mẽ tố cáo trước dư luận thế giới các hành động bạo lực này của du kích quân “Phong trào giải phóng Congo”. Hiện nay các người lãnh đạo của phong trào này đang bị toà án quốc tế La Haie xét xử. Nhưng không phải chỉ có các vụ giết người cướp của đốt phá làng mạc và hãm hiếp phụ nữ. Các du kích quân của phong trào này còn ăn thịt người nữa, đặc biệt là ăn thịt người Pigmei thuộc bộ lạc Bambuti. Vì họ tin rằng khi ăn thịt người Bambuti họ sẽ có được các quyền lực ma thuật huyền bí. Trong chiến dịch có tên gọi là “Xóa bỏ” phong trào này chủ trương tiêu diệt chủng tộc Pigmei Bambuti, là một trong các bộ lạc Pigmei cổ xưa nhất tại Phi châu. Ngày nay ít người muốn nhắc tới thảm cảnh diệt chủng này, kể cả người Pigmei, vì ưu tiên hàng đầu của dân chúng là sự sống còn.

Các chứng từ Ai Cập có nói tới các “vũ công của Thiên Chúa” và ám chỉ người Pigmei Bambuti hiện diện trong rừng già Ituri từ hơn 4.000 năm nay. Mặc dù thời gian qua đi, người dân bộ tộc Bambuti vẫn duy trì được căn cước văn hóa và tôn giáo của họ. Nhưng chiến tranh và bạo lực đã đuổi họ ra khỏi rừng già là điểm quy chiếu ngàn đời của họ, và ngày nay họ cảm thấy lạc lõng vì phải bất đắc dĩ đụng chạm với một xã hội tân tiến xa lạ.

Chiến tranh và bạo lực hồi năm 2002 cũng đã khiến cho cứ điểm truyền giáo Nduye bị hư hại nặng, nhưng nay đã được tu sửa. Trước khi xảy ra chiến tranh trên ngọn đồi đối diện cũng có nhà của các nữ tu Comboni và trường học do các chị điều khiển. Trong các tuần vừa qua cha Silvano Ruaro đang chuẩn bị trở lại cứ điểm truyền giáo.

Cha cũng đã tìm được vài nữ tu người Congo sẵn sàng tái mở nhà của các nữ tu Comboni và trường học. Nhưng đây không phải là điều dễ dàng vì đường dẫn tới cứ điểm Nduye chỉ là một đường mòn, mỗi khi trời mưa lầy lội rất khó đi. Phương tiện di chuyện duy nhất là đi bộ, đi xe đạp hay xe gắn máy, nhưng thường khi cũng phải xuống để đẩy xe. Do đó đoạn đường từ Mambasa với Nduye dài 65 cây số trở thành một ám ảnh lớn. Cha Silvano cho biết đang hy vọng có một tổ chức phi chính quyền nhận giúp tài trợ làm đường dẫn tới cứ điểm Nduye. Đối với người dân nghèo chỉ sống nhờ ít hoa mầu và hàng quán buôn bán qua ngày, tất cả những phương tiện di chuyển tối tân đều là những ước mơ không bao giờ trở thành sự thực. Trong suốt các năm cứ điểm bị đóng cửa vì chiến tranh, chỉ có một giáo lý viên già mà dân chúng gọi là Papa Bruxelles, ở lại coi cứ điểm với gia đình của ông. Chính ông đã linh hoạt mọi buổi đọc kinh cầu nguyện ngày Chúa Nhật và tham dự các đám táng người chết và trở thành điểm tham chiếu cho cộng đoàn nhỏ tại đây.

Chung quanh cứ điểm Nduye, dọc hai bên đường có các chòi làm bằng cành cây lợp lá của anh chị em Pigmei Bambuti. Mỗi nhóm có chừng 8-10 chòi với số người lớn không qúa 20, nhưng có rất đông trẻ em và người trẻ. Các chòi được dựng theo vòng tròn quay mặt vào nhau chung quanh một khoảng trống rộng, chính giữa có chỗ đốt lửa. Khoảng sân trống ấy là nơi người Pigmei nhảy múa trong các dịp có tang chế hay trong các lễ nghi đặc biệt. Khi đến thăm gia đình nào có người chết, khách phải trùm trên đầu một mảnh vải như dấu chỉ từ thế giới của cuộc sống thường bước vào thế giới lễ nghi của sự thánh thiêng. Đồng thời phải được vẽ mặt bằng nhọ nồi và cắt cổ tay cho ra ít nhất là một giọt máu.

Trong vùng rừng già Ituri Bambuti là bộ lạc người lùn Pigmei duy nhất. Bộ lạc này chia làm 5 nhóm gồm vài chục ngàn người, có một vài khác biệt gắn liền với việc sử dùng cung tên, sở trường của nhóm Efe, hơn là lưới để bẫy thú rừng. Văn hóa của họ bao gồm các vũ điệu và ca hát nhiều bè. Bộ lạc người lùn Bambuti không có các hình thức nghệ thuật khác như mặt nạ, tượng ảnh hay các hình vẽ hoặc các đồ trang sức như các dân tộc phi châu khác. Tuy nhiên người Pigmei Bambuti có nghệ thuật vẽ trên các vỏ cây, mà các bộ lạc Pigmei khác không có, chẳng hạn như bộ lạc Cwa ở miền trung nam Congo, hai bộ lạc Baka và Kola ở Camerun, bộ lạc Bongo bên Gabon, bộ lạc Aka và Mbenzele của nước Gongo Brazzaville và Trung Phi, và bộ lạc Twa bên Ruanda.

Các tác phẩm vẽ trên vỏ cây của bộ lạc Bambuti đã được các nhà thám hiểm, các bác sĩ và thừa sai đem về Âu châu hồi thế kỷ XIX. Bà giám đốc viện bảo tàng Dapper ở Paris cho biết các chuyên viên nghiên cứu văn hóa chia thành hai phe: một phe cho rằng đây là các hình vẽ mới lấy hứng từ nước ngoài; phe kia cho rằng chúng rất cổ xưa và biểu lộ các truyền thống thời nhân loại khai sinh và linh hứng cho các dân tộc khác.

Viện bảo tàng Dapper là một trong các viện bảo tàng trưng bày nhiều chứng tích văn hóa phi châu nhất, và đã dành hẳn một khu vực cho các bức vẽ trên vỏ cây của bộ lạc Pigmei Bambuti vùng Ituri bên Cộng hòa dân chủ Congo.

Tuy các hình vẽ này chỉ được dùng trong một số lễ nghi, đặc biệt là lễ nghi chấm dứt thời khai tâm các thiếu nữ kéo dài 6 tháng, nhưng nhóm Pigmei Bambuti nào cũng giữ nhiều tác phẩm vẽ khác nhau. Việc vẽ các tác phẩm này chỉ do phụ nữ thực hiện, thường là phụ nữ cao niên nhất hay trong trường hợp người Bambuti ở Nduye là bà vợ của trưởng bộ lạc và các phụ nữ khác. Mầu đỏ được lấy từ một loại gỗ, mầu vàng từ rễ của một loại cây, và mầu đen từ than. Các hình được vẽ bằng một cây que nhỏ hay bằng ngón tay.

Cho tới các thập niên gần đây người Pigmei Bambuti vẫn sinh sống bằng việc hái trái cây, săn bắn và tìm mật ong. Nhưng kể từ khi có chiến tranh cuộc sống của họ cũng trở thành khó khăn hơn, vì rừng già cũng không còn an ninh nữa. Cha Franco Laudani thuộc dòng Comboni đặc trách mục vụ cho người Pigmei từ 20 năm qua, ban đầu tại Mumbere rồi trong giáo phận Wamba, cho biết công tác mục vụ nhắm thăng tiến ba lãnh vực: giáo dục, sức khỏe và các quyền của các anh chị em Pigmei. Trong quá khứ người Pigemei bị người Bantu khai thác bóc lột cho việc săn bắn và trồmg tỉa để đổi lấy một ít lương thực đủ sống qua ngày. Nhưng hiện nay tình hình đang thay đổi nhờ hoạt động của các thừa sai và Giáo Hội. Trong giáo phậm Wamba hiện có 3 trường tiểu học cho người Pigmei và từ năm 2004 có thêm một trường trung học với khoảng 30 học sinh và đã có 5 giáo viên xuất thân từ trường trung học này. Từ tháng 3 năm 2009 lại có thêm một trường dậy nghề và dậy nghệ thuật cho thanh niên thiếu nữ Pigmei. Cha cho biết tổng cộng có khoảng 5.000 học sinh Pigmei. Điều này có nghĩa là các gia đình ý thức được tầm quan trọng của việc giáo dục. Và họ được mời tham dự vào việc xây cất các lớp học.

Trong lãnh vưc y tế cũng có nhiều việc phải làm vì 40% các trẻ em Pigmei chết trước khi lên 5 tuổi và tuổi thọ trung bình của người dân là hơn 40. Các thừa sai cũng dậy người Pigmei tự canh tác đất đai để sinh sống mà không bị người Bantu khai thác bóc lột. Song song là việc thăng tiến việc tôn trọng và thừa nhận các quyền của người Pigmei.

Tại Nduye cha Silvano dòng Thánh Tâm cũng sẵn sàng để tiếp tục công trình truyền giáo của cha Franco và cha Bernardo Longo. Đến Congo năm 1970 năm sau đó cha được chỉ định làm việc tại cứ điểm truyền giáo Nduye 5 năm. Tiếp đến cha được thuyên chuyển đi nhiều nơi khác nhau và làm việc tại Mambasa trong một thời gian dài. Giờ đây cha sẵn sàng trở lại Nduye và nhất quyết đẩy mạnh công tác giáo dục. Cha nói với mọi người: “Đừng gửi thực phẩm, nhưng hãy gửi trường học tới cho chúng tôi”. Đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo nhiều giáo viên để giúp người Pigmei ý thức được phẩm giá và các quyền lợi của họ là phương thế hữu hiệu nhất giúp họ thoát ra khỏi cảnh bị khai thác bóc lột và loại bỏ ngoài lề xã hội. Song song là việc cải tiến các điều kiện cuộc sống vật chất của họ. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng cha Silvano vẫn tin tưởng lạc quan sẽ đạt các mục tiêu đề ra trong đường hướng mục vụ cho các anh chị em Pigmei Bambuti.

(Jesus Febbraio 2010, trang 62-60)

Linh Tiến Khải


Về Trang Mục Lục