Thánh lễ Phục sinh của Đức Thánh Cha

 

Radiovaticana 04/04/2010 – Thánh lễ Phục sinh tại đền thánh Phêrô có gì khác với các nơi khác trên thế giới không? Dưới một khía cạnh nào đó, thì phải thưa rằng không, bởi vì nội dung của đức tin và buổi cử hành thì đâu đâu cững như nhau, đó là tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Kitô Phục sinh đang hiện diện trong cộng đoàn các tín hữu đặc biệt qua bí tích Thánh Thể. Nhưng xét về vài chi tiết bên ngoài, thì thánh lễ tại quảng trường thánh Phêrô mang nhiều nét độc đáo. Thứ nhất, bởi vì người ta có thể nhận thấy tính cách hoàn vũ của Giáo hội, gồm bởi nhiều sắc dân chủng tộc, được tượng trưng qua 65 lời chúc mừng của đức thánh cha vào cuối sứ điệp Phục sinh. Kế đến, ngươi ta cũng nhận thấy sự hiện diện của nhiều thành phần cộng đoàn Dân Chúa, các hồng y, tổng giám mục, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ thuộc nhiều hội dòng, các phong trào giáo dân, vv. Những đặc trưng này bắt nguồn từ vị trí của vị giám mục Rôma, kế vị thánh Phêrô được đặt làm thủ lãnh Giáo hội. Từ năm 2000, thánh lễ Phục sinh bắt đầu với nghi thức hai phó tế mở hai cánh cửa của bức icôn tượng trưng Chúa Kitô Phục sinh, và hướng về đức thánh cha để công bố: “Chúa Kitô đã sống lại và đã hiện ra với ông Simon Phêrô”. Dựa theo sách Tông đồ công vụ, ông Phêrô là người đầu tiên thay mặt Hội thánh để rao giảng cuộc Phục sinh của Chúa Kitô. Năm nay còn một thêm chi tiết khác nữa, liền tiếp theo đó, đức hồng y Angelo Sodano niên trưởng hồng y đoàn đã lên tiếng cám ơn đức Bênêđictô XVI vì lòng can đảm làm chứng cho Tin mừng, bất chấp những sự chống đối, và cam đoan với ngài tình liên đới của toàn thể Hội thánh trong lời cầu xin dâng lên Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành để nâng đỡ sứ vụ của ngài.

 Bất chấp trời mưa, các tín hữu đã đứng chật quảng trưòng thánh Phêrô để tham dự Thánh lễ. Các bài đọc Sách thánh đươc xướng bằng tiếng Tây ban nha, Anh, Ý, và các ý chỉ lời nguyện giáo dân bằng tiếng Pháp, Đức, Nga, Malayalam, Bồ-đào-nha. Ba ca đoàn tổng cộng 230 ca viên đã cùng với cộng đoàn dâng lời ca tụng Thiên Chúa. 140 linh mục đã giúp trao Mình Thánh.

Sau Thánh lễ, đức thánh cha lên bao lơn chính để đọc sứ điệp Phục sinh. Tư tưởng chính dựa trên bài ca chúc tụng của dân Do thái sau khi vượt qua Biển đỏ. Phụng vụ Kitô giáo trích lại bài ca đó, áp dụng cho cuộc Vượt qua mà Chúa Kitô đã thực hiện khi dẫn đưa nhân loại từ cái chết đến sự sống mà chúng ta được tham dự nhờ bí tích Rửa tội. Linh đạo của lễ Vượt qua có thể tóm lại trong tiếng “xuất hành”, vượt qua cái chết của tội lỗi bước sang cuộc sống mới.

 

Bình Hòa

Sứ điệp Phục sinh 2009 của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI

 


Về Trang Mục Lục