Đức GH Bênêđíctô XVI và vụ Murphy

 

(Vietcatholic 06 Apr 2010 00:32)

Trong số các bài viết về Đức Bênêđíctô XVI gần đây liên quan đến vụ cố linh mục Murphy của Giáo Phận Milwaukee, Wisconsin, Hoa Kỳ lạm dụng tình dục cách nay hơn 40 năm, rất ít bài viết cho thấy đầy đủ các chi tiết ngược xuôi của vấn đề.

Riêng bài viết đăng trên trang mạng popebenedictxvinews.blogspot.com ngày 27 tháng 3 năm 2010 có hơi khác. Chúng tôi cho đăng nguyên văn bài viết ấy sau đây:

Trước hết là lời tố cáo

Laurie Goodstein, trong bài “Vatican Declined to Defrock U.S. Priest Who Abused Boys” (Vatican từ khước không lột áo dòng một linh mục Hoa Kỳ từng lạm dụng các bé trai) đẳng trên tờ Nữu Ước Thời Báo ngày 24 tháng 3 năm 2010, đã tố cáo rằng “các viên chức cao cao cấp của Vatican, trong đó có vị giáo hoàng tương lai Bênêđictô XVI, đã không chịu lột áo dòng một linh mục từng xách nhiễu tình dục đến 200 bé trai bị điếc, mặc dù một số vị giám mục Hoa Kỳ đã liên tiếp cảnh giác họ rằng không hành động về vấn đề này sẽ gây bối rối cho Giáo Hội”. Thư từ nội bộ do các vị giám mục Wisconsin trực tiếp gửi cho Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, giáo hoàng tương lai, chứng tỏ rằng trong khi các viên chức Giáo Hội đang vật lộn với vấn đề có nên bãi nhiệm vị linh mục này không, thì ưu tiên hàng đầu của họ vẫn là che chở cho Giáo Họi khỏi bị tai tiếng…

Vụ Wisconsin này liên quan tới một linh mục Hoa Kỳ, Cha Lawrence C. Murphy, người từng làm việc tại một trường nổi tiếng chăm sóc các trẻ em điếc từ năm 1950 tới năm 1974. Nhưng đây chỉ là một trong hàng ngàn vụ đã được các vị giám mục, trong nhiều thập niên qua, chuyển trình cho văn phòng Vatican gọi là Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, do Đức Hồng Y Ratzinger lãnh đạo từ năm 1981 tới năm 2005. Ngày nay Thánh Bộ này vẫn còn là văn phòng phải quyết định việc liệu các linh mục bị tố giác có nên chịu các phiên xử đầy đủ theo giáo luật và bị lột áo dòng hay không.

Năm 1996, Đức Hồng Y Ratzinger không trả lời 2 lá thư về vụ này do (Đức Cha) Rembert G. Weakland, Tổng Giám Mục Milwaukee lúc đó, đệ trình. Tám tháng sau, vị thứ hai đứng đầu Văn Phòng Tín Lý, là Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, nay là Quốc Vụ Khanh của Vatican, ra chỉ thị cho các vị giám mục Wisconsin bắt đầu một phiên xử bí mật theo giáo luật, một phiên xử có thể dẫn tới việc bãi nhiệm Cha Murphy. Nhưng Đức Hồng Y Bertone cho ngưng diễn trình ấy sau khi Cha Murphy đích thân viết cho Đức Hồng Y Ratzinger phản đối cho rằng không nên đem ngài ra xét xử vì ngài đã hối lỗi rồi và sức khoẻ đang không tốt, vả lại vụ việc nằm bên ngoài thẩm quyền của Giáo Hội. Lúc gần cuối đời mình, Cha Murphy viết cho Đức Hồng Y Ratzinger như sau: “Một cách đơn giản, con muốn được sống hết quãng đời còn lại trong phẩm giá linh mục của con. Con xin Đức Hồng Y giúp con trong việc này”. Hồ sơ không cho thấy một trả lời nào từ Đức Hồng Y Ratzinger.

Tờ Nữu Ước Thời Báo trưng dẫn làm bằng chứng “các lá thư giữa các vị giám mục và Vatican, các tuyên bố hữu thệ (affidavit) của các nạn nhân, các ghi chép viết tay của một chuyên viên về các rối loạn tính dục từng phỏng vấn Cha Murphy và các biên bản của phiên họp cuối cùng tại Vatican về vụ này”. Cũng theo tờ Nữu Ước Thời Báo, “Cha Murphy không những không bao giờ bị xử hay bị kỷ luật bởi hệ thống công lý riêng của Giáo Hội, mà còn được cảnh sát và các công tố viên bỏ qua, không xét tới các báo cáo của các nạn nhân”.

Các tài liệu cho thấy: ba vị tổng giám mục liên tiếp tại Wisconsin đã được báo cáo rằng Cha Murphy hiện đang lạm dụng tính dục các trẻ em, nhưng cả ba vị đều không bao giờ phúc trình việc ấy cho các thẩm quyền hình sự hay dân sự. Thay vì bị kỷ luật, Cha Murphy đã được Đức Tổng Giám Mục William E. Cousins của Milwaukee âm thầm thuyên chuyển qua Giáo Phận Superiors thuộc Miền Bắc Wisconsin năm 1974, nơi ngài sống 24 năm còn lại, tự do làm việc với trẻ em tại các giáo xứ, các trường học và, như vụ kiện tố cáo, cả một trung tâm giam giữ vị thành niên nữa. Ngài qua đời năm 1998, vẫn còn là một linh mục.

Trả lời của Vatican

Cùng ngày Thứ Tư, Linh Mục Dòng Tên Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí của Vatican, đã gửi cho tờ Nữu Ước Thời Báo một thư trả lời, nguyên văn như sau:

Trường hợp đầy thảm kịch của Cha Lawrence Murphy, một linh mục của Tổng Giáo Phận Milwaukee, liên hệ đặc biệt tới các nạn nhân đáng thương từng chịu nhiều đau khổ khủng khiếp vì hành động của ngài. Khi lạm dụng tình dục các trẻ em khiếm thính, Cha Murphy đã phạm luật và, quan trọng hơn nữa, còn phạm niềm tin tưởng thánh thiêng từng được các nạn nhân đặt trọn nơi ngài.

Giữa thập niên 1970, một số nạn nhân của Cha Murphy phúc trình việc lạm dụng của ngài cho các thẩm quyền dân sự. Lúc ấy các thẩm quyền này có điều tra về ngài; tuy nhiên, theo phúc trình của báo chí, việc điều tra ấy đã bị ngưng lại. Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin chỉ được thông tri về vấn đề ấy mãi hai mươi năm sau.

Trong vụ này, người ta cho rằng có một mối liên hệ giữa việc áp dụng điều khoản “Crimen sollicitationis” và việc không phúc trình tội lạm dụng trẻ em cho các nhà cầm quyền dân sự. Nhưng thực ra không hề có một liên hệ như thế. Thực vậy, trái với một số tuyên bố được loan truyền trong báo giới, cả điều khoản “Crimen” lẫn Bộ Giáo Luật đều không bao giờ ngăn cấm việc phúc trình tội lạm dụng trẻ em cho các thẩm quyền chấp pháp.

Cuối thập niên 1990, sau gần hai thập niên qua đi kể từ khi sự lạm dụng được phúc trình cho các các viên chức giáo phận và cho cảnh sát, lần đầu tiên, Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin mới được trình bày vấn nạn phải xử lý vụ Murphy ra sao về phương diện giáo luật. Sở dĩ Thánh Bộ được thông tri về vấn đề này, là vì nó liên hệ tới việc gạ gẫm mua dâm (sollicitation) trong toà giải tội, một việc vi phạm tới Bí Tích Thống Hối. Điều quan trọng cần ghi là vấn đề giáo luật trình bày với Thánh Bộ không liên quan hệ gì tới bất cứ diễn biến dân sự hay hình sự có thể có chống lại cha Murphy.

Trong những trường hợp như thế, Bộ Giáo Luật không dự liệu các hình phạt tự động, nhưng khuyến cáo rằng một phán quyết phải được đưa ra, không loại trừ hình phạt nặng nhất của giáo luật là bãi nhiệm khỏi bậc sống giáo sĩ (xem giáo luật điều 1395, tiết 2). Vì các sự kiện: Cha Murphy đã già và sức khỏe rất yếu, vả lại ngài đang sống ẩn cư và không bị tố giác một hành vi lạm dụng nào trong suốt hơn 20 năm qua, nên Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin gợi ý rằng Đức Tổng Giám Mục Milwaukee nên xem sét giải quyết tình thế, thí dụ như hạn chế thừa tác vụ công khai của Cha Murphy và đòi Cha Murphy phải nhận đầy đủ trách nhiệm về tính nặng nề trong các hành vi của mình. Cha Murphy qua đời gần như 4 tháng sau đó, mà không có biến cố gì thêm xẩy ra.

Các trả lời sau đó

Jimmy Akin, trong bài “Cardinal Ratzinger An Evil Monster?” (Đức Hồng Y Ratzinger Một Quái Vật Ác?), viết cho tờ the National Catholic Register, đã phân tích từng điểm các lời tố giác và các bằng chứng (cũng như thiếu bằng chứng) của Vụ Murphy. Còn Michael Sean Winters, trên tạp chí America, qua bài “Shame on the New York Times” đã viết: “… tôi nhìn nhận rằng có một điều gì đó trong luận điểm cho rằng quyền của được kể lại câu truyện của mình, được nhận công lý vì các tội ác chống lại mình của các nạn nhân đòi phải có một sự xét xử theo giáo luật đối với vị linh mục, bất kể tình trạng thể lý của ngài. Tôi nhìn nhận rằng có một sự lạnh lùng trong thư từ trao đổi, xem ra tập chú vào tai tiếng của Giáo Hội nhiều hơn là vào quyền lợi các nạn nhân. Tôi nhìn nhận rằng chính các nạn nhân bị vị linh mục lạm dụng, chứ không phải Đức Hồng Y Ratzinger, mới có quyền quyết định tỏ lòng thương xót Cha Murphy lúc nào và cách nào. Không khó khăn gì để thấy rằng Đức Hồng Y Ratzinger dám quyết định sai trong vụ này, nhưng tôi cho rằng trong các tài liệu do tờ Nữu Ước Thời Báo trình bày, không có điều gì có thể gợi ý cho thấy Đức Hồng Y Ratzinger đáng bị khiển trách về phương diện luân lý đối với chính sự lạm dụng hay đối với bất cứ sự che đậy nào về nó. Và chắc chắn tờ Nữu Ước Thời Báo đã gợi ý điều ấy dù các tài liệu không hỗ trợ lời kết án ấy.

Phil Lawler, trong bài “The Pope and the Murphy case: what the New York Times story didn't tell you” (Đức Giáo Hoàng và Vụ Murphy: những điều mà câu truyện của Nữu Ước Thời Báo không cho bạn biết) trên trang mạng CatholicCulture.com, đã khảo sát các bằng chứng và thấy rằng... “đây là một câu truyện về sự thất bại đáng chê trách của tổng giáo Phận Milwaukee không chịu kỷ luật một linh mục nguy hiểm, và các cố gắng trễ nải của Đức Tổng Giám Mục Weakland (đất yếu!), người chẳng bao lâu sau đã trở thành chủ đề cho một tai tiếng lớn, trong việc hoán chuyển trách nhiệm cho Rôma”.

Nhân dịp này, Lawler liệt kê mấy điểm đáng lưu ý sau đây:

1. Theo tờ Nữu Ước Thời Báo, các tố cáo Cha Lawrence Murphy lạm dụng đã bắt đầu có từ năm 1955 và tiếp diễn cho tới năm 1974. Vatican được thông báo lần đầu năm 1996, 40 năm sau khi các viên chức Giáo Hội tại Wisconsin biết vấn đề lần thứ nhất. Các nhà lãnh đạo Giáo Hội địa phương đáng lẽ phải có hành động ngay từ thập niên 1950. Nhưng họ đã không hành động.

2. Theo thủ tục tiêu chuẩn do giáo luật đòi hỏi, Vatican phải giữ kín đáo các cuộc điều tra của mình. Nhưng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin không bao giờ ngăn cấm các cuộc điều tra khác.

3. Đức TGM Cousins của Milwaukee đáng lẽ phải ngưng không cho Cha Murphy thi hành thừa tác vụ linh mục từ năm 1974, khi ngài biết chắc vị linh mục này phạm các hành vi tồi bại. Nhưng ngài đã không làm như thế.

4. Sau khi đã phúc trình Vụ Murphy cho Vatican, Đức TGM Weakland rõ ràng muốn một phúc đáp ngay lập tức, và rất không vui khi Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin chỉ phúc đáp 8 tháng sau. Nhưng chính tổng giáo phận Milwaukee đã đợi cả hàng thập niên mới thông báo vụ việc cho Vatican thì sao? Kết quả là Cha Murphy qua đời chỉ sau đó mấy tháng.

Các thư từ cho thấy Đức TGM Weakland hành động không hẳn vì ngài muốn bảo vệ công chúng khỏi một linh mục lạm dụng, nhưng vì ngài muốn tránh né sự phản ứng lớn lao của công chúng mà ngài tiên đoán sẽ xảy ra nếu Cha Murphy không bị kỷ luật.

Trên tờ The Times của Anh, Damien Thompson viết trong bài "smells a stitch up" rằng: Murphy? Có tội là cái chắc. Một số vị giám mục thì sao? Cũng vậy. Nhưng sự kiện năm 1996 Đức Hồng Y Joseph Ratzinger có thể chuẩn y quyết định không theo đuổi thêm nữa các thủ tục giáo luật phức tạp chống lại Cha Murphy vì lý do vị linh mục này lúc ấy đang sắp chết thì tôi không thấy súng nào có khói cả. Tuy nhiên, tôi có cảm giác khá mạnh rằng kẻ thù của Đức Giáo Hoàng, kể cả các kẻ thù của ngài ở trong Giáo Hội, đang ra sức một cách tuyệt vọng tìm cho ra tội đồng lõa nghiêm trọng của ngài trong vụ lạm dụng trẻ em này. Bởi vì điều ấy quá tiện lợi, phải không? Như ký giả Riccardo Cascioli của tờ Avvenire từng kết luận: Tài liệu do tờ Nữu Ước Thời Báo công bố tự mâu thuẫn với chính mình, khi tố cáo Đức Hồng Y Ratzinger không đủ đảm lược trong vụ một linh mục Hoa Kỳ bị Giáo Hội trừng trị vì hành vi đồng dâm nam (pederasty).

Tin cập nhật

Cha Raymond J. de Souza trên tờ National Review, trong một bài trả lời tờ Nữu Ước Thời Báo, cho hay cần phải lưu ý các hoàn cảnh sau đây:

Câu truyện của tờ Nữu Ước Thời Báo có hai nguồn. Nguồn thứ nhất là các luật sư đang có một vụ kiện dân sự chờ sẵn chống lại Toà Tổng Giám Mục Milwaukee. Một trong các luật sư này, ông Jeffrey Anderson, cũng có nhiều vụ kiện đệ trình sẵn ở Tối Cao Pháp Viện Mỹ chống lại Tòa Thánh. Ông ta có quyền lợi tài chánh trong vấn đề đang được phúc trình.

Nguồn thứ hai là Đức Cha Rembert Weakland, TGM về hưu của Milwaukee. Vị giám mục này hiện là người mất uy tín và mất danh dự nhất trong hàng giám mục Mỹ, được biết đến nhiều như là người xử lý rất tồi nhiều vụ tai tiếng về lạm dụng tình dục lúc còn tại chức, và từng phạm tội sử dụng 450,000 dollars qũy của tổng giáo phận để bịt miệng (hush money) người tình đồng tính cũ lúc ấy đang tống tiền ngài. Đức TGM Rembert Weakland là người chịu trách nhiệm vụ Cha Murphy trong suốt thời gian từ năm 1977 tới năm 1998, là năm Cha Murphy qua đời. Từ lâu ngài vẫn cay đắng về việc vì quản trị kém Tổng Giáo Phận Milwaukee nên ngài đã không được cảm tình của cả Đức Gioan Phaolô II lẫn Đức Hồng Y Ratzinger. Việc mất cảm tình này xẩy ra trước cả lúc ngài bị phát giác dùng tiền của giáo dân để bịt miệng người tình cũ. Thành thử, chỉ nhìn thoáng qua, cũng đủ thấy chứng cớ của ngài không đáng tin cậy.

Laurie Goodstein, tác giả bài báo trên Nữu Ước Thời Báo, gần đây vốn có giây mơ rễ má với Đức TGM Weakland. Năm ngoái, nhân ngày phát hành cuốn tự truyện của ngài, Goodstein có viết một bài có thiện cảm một cách khác thường, trong đó, cô dấu rất kỹ mọi tố cáo nặng nề nhất chống lại ngài (Nữu Ước Thời Báo, 14 tháng 5, 2009).

Một cuộc biểu tình đã xẩy ra tại Rôma vào hôm Thứ Sáu, trùng với việc công bố câu truyện của tờ Nữu Ước Thời Báo. Người ta thắc mắc làm thế nào những nhà tranh đấu Mỹ lại có mặt ở Rôma để biểu tình và phân phối các tài liệu được Nữu Ước Thời Báo phổ biến vào đúng hôm đó, nếu đó không phải là một chiến dịch có phối hợp, chứ không phải chỉ thuần là một việc phúc trình vô tư.

Cũng lại tin cập nhật

Cha Thomas T. Brundage, JCL, người từng giám sát các thủ tục giáo luật chống lại Cha Murphy, trên tờ The Catholic Anchor số ngày 29 tháng 3 năm 2010, đã thách thức tờ Nữu Ước Thời Báo về tính chân thực của nó như sau:

“Tôi xin giới hạn các lời bình luận của tôi vì lời tuyên thệ của tôi trong tư cách một luật gia giáo luật và là một thẩm phán của giáo hội. Tuy nhiên, vì tên tôi và các lời bình luận của tôi về vấn đề vụ việc Cha Murphy đã bị người ta mặc tình trích dẫn sai lạc trên tờ Nữu Ước Thời Báo và trên hơn 100 tờ báo và tập san liên mạng khác, nên tôi thấy cần phải tự do nói ra một phần trong câu truyện về vụ xử án của Cha kể từ lúc đầu.

Vì thấy việc phúc trình về vụ này thiếu chính xác và nghèo nàn về phương diện sự kiện, nên tôi cũng xin viết vì ý thức mình có nhiệm vụ đối với sự thật. Sự kiện tôi chủ tọa vụ xử này nhưng chưa hề được một cơ quan báo chí nào tiếp xúc xin bình luận cũng đủ nói lên nhiều điều”.

Nói về việc phúc trình thiếu chính xác trên tờ Nữu Ước Thời Báo, Cha Brundage cho hay tờ báo này, cũng như hãng tin Associated Press, và nhiều tờ báo khác cùng sử dụng các nguồn tin này, dù chưa bao giờ liên lạc với ngài nhưng đã mặc tình trích dẫn ngài một cách sai lạc. Hầu hết các trích dẫn này người đọc có thể tìm thấy trên mạng trong thư từ giữa Tòa Thánh và Tổng Giáo Phận Milwaukee. “Trong một tài liệu viết tay đề ngày 31 tháng 10 năm 1997, người ta bảo tôi đã nói rằng ‘có khả năng là tình thế này dám trở nên khủng khiếp nhất, xét về con số, và đặc biệt vì đây là những người bị thách thức về thể lý, dễ bị thương tổn’. Họ cũng bảo là tôi còn nói ‘trẻ em đã bị tiếp cận ngay trong tòa giải tội nơi câu hỏi về cắt bì đã bắt đầu cho việc gạ gẫm mua dâm’”.

Vấn đề là những lời gán cho cha Brundage trên đây được viết tay. Nhưng Cha không bao giờ viết ra tài liệu ấy, mà tuồng chữ viết tay cũng không phải của ngài nốt. Cú pháp thì có thể tương tự như cú pháp của cha, nhưng cha không biết ai đã viết ra những lời tuyên bố như thế, ấy thế mà Cha vẫn bị gán ghép là đã nói ra những lời ấy. Cha bảo một sinh viên báo chí tại Đại Học Marquette, dù mới học năm đầu, cũng đã được dạy phải kiểm soát tới kiểm soát lui các lời trích dẫn. Thế mà ở đây, không hề có ai đã cất công đi hỏi ngài xem nguồn tài liệu ấy có đích thị là của ngài hay không. Nhận rõ sự thật cần nhiều thì giờ, nhưng Nữu Ước Thời Báo, hãng tin Associated Press và nhiều tờ báo khác đã không chịu mất thì giờ như thế để chắc chắn điều mình nói đúng sự thật. Tài liệu cũng nói trong một bức thư do Đức TGM Weakland gửi cho tổng thư ký Bộ Tín Lý Đức Tin hồi ấy là Đức TGM Tarcisio Bertone ngày 19 tháng 8 năm 1998, có viết rằng ngài chỉ thị cho Cha Brundage phải giảm bớt các thủ tục chống lại Cha Murphy. Dù Cha Murphy qua đời sau đó chỉ có hai ngày, nhưng sự thực là vào ngày Cha qua đời, ngài vẫn là một bị cáo trong một phiên xử hình sự của Giáo Hội. Hình như không ai biết việc này.

Điều thứ hai liên quan tới vai trò của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger lúc đó trong vụ việc này, Cha Brundage cho hay không có lý do gì khiến Cha tin là Đức Hồng Y có liên lụy gì. “Đặt vấn đề này trước ngưỡng cửa nhà ngài là một bước nhẩy vọt quá lớn về luận lý và thông tin”.

Điều thứ ba: thẩm quyền thụ lý các vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em, vào năm 2001, đã được chuyển từ Tòa Tối Cao Rôma (Roman Rota) qua Bộ Tín Lý Đức Tin do Đức HY Ratzinger cầm đầu lúc đó. Cho tới lúc ấy, phần lớn các vụ kháng án đều phải đệ trình cho Tòa Tối Cao và theo kinh nghiệm của Cha Brundage, thì các vụ xử bị “ngâm tôm” khá lâu ở đấy. Nhưng khi đã chuyển qua Bộ Tín Lý Đức Tin, thì các vụ lam dụng này được xử khá nhanh chóng, công bình và lưu ý tới quyền lợi của mọi phe liên hệ nhiều hơn. “Tôi không hoài nghi gì điều ấy là do công của Đức HY Ratzinger lúc ấy”.

Thứ tư, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, trên nhiều diễn đàn quốc tế, đã liên tiếp xin lỗi về sự nhuốc nha xấu hổ của nạn lạm dụng tình dục trẻ em. Điều ấy trước đây chưa hề có. Ngài đã đích thân gặp các nạn nhân. Ngài cũng đã ra chỉ thị cho toàn thể các hội đồng giám mục về vấn đề này, cụ thể nhất là Hội Đồng Giám Mục Ái Nhĩ Lan mới đây. Theo cha Brundage, “Ngài vốn là người vừa phản vừa đồng động (reactive and proactive) nhất trong số các viên chức của giáo hội thế giới liên quan đến tệ nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em. Thay vì đổ lỗi cho ngài đã không chịu hành động về lãnh vực này, ta phải nhìn nhận ngài là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và đầy hiệu năng trong những vấn đề như thế”.

Cuối cùng, suốt 25 năm qua, trong Giáo Hội, nhiều hành động mạnh mẽ đã được đưa ra nhằm tránh tai hại cho trẻ em. Các ứng viên chủng sinh đã được thẩm định cặn kẽ về phương diện tâm sinh lý trước khi được nhận vào chủng viện. Hầu như mọi chủng sinh đều tập trung cố gắng vào việc tạo ra các môi trường yên ổn cho trẻ em. Trong một thập niên qua, con số lạm dụng tình dục trẻ em của các giáo sĩ chỉ còn rất ít.

Cái nhìn của một người thệ phản

Đúng hơn phải nói là của một nhà thần học thuộc phái Luthêrô. Đó là ông John Stephenson, viết trên tờ Logia, một tập san thần học của phái Luthêrô, nhân những cuộc tấn công gần đây vào Đức Bênêđictô XVI. Theo nhà thần học này, không ai lạ gì những cuộc tấn công ấy. Vì chúng đã từng xẩy ra suốt 30 năm qua. Ngay trước khi được bầu làm giáo hoàng vào năm 2005, Đức Bênêđíctô XVI từng thường xuyên bị một số đồng hương chế riễu là Panzerkardinal (hồng y xe tăng) và bị Bắc Mỹ biếm họa là “Chấp Pháp Viên” hay tệ hơn thế “Rottweiler” (chó bécgiê). Gốc rễ những châm biếm ấy ít nhất cũng có từ lúc ra đời Phúc Trình Ratzinger năm 1985, thuật lại cuộc phỏng vấn ngài bởi nhà báo Ý Vittorio Messori, trong đó, ngài dám chất vấn khuynh hướng cấp tiến, duy hiện đại (modernist) trong các trình thuật về Vatican II và các áp dụng sai lầm về Công Đồng này. Trước đó, là việc một nhà khoa bảng nặng ký của Đức nhẩy khỏi một toà giám mục chính để trở thành một viên chức lãnh đạo trong Giáo Triều Rôma.

Nhưng theo Stephenson, người quan sát tinh tường hẳn phải nhận ra một sự cân xứng hết sức rõ ràng giữa những thoá mạ trên và con người ăn nói dịu dàng luôn tránh né cường điệu (hyperbole) như một thứ bệnh dịch. Dù thánh bộ do ngài lãnh đạo gần một phần tư thế kỷ vốn là hậu duệ của Tòa Dị Giáo (Inquitision) thế kỷ 16, nhưng các biện pháp kỷ luật do Thánh Bộ này ban hành chỉ nhằm chống lại một số ít những nhà Duy Hiện Đại cuồng dại nhất, mà thực tế đều là những người bỏ đạo cực đoan nhất. Mà các biện pháp ấy cũng chả có chi khắc nghiệt, chỉ như cái đánh nhẹ vào cổ tay. Hans Kung, một tác nhân cực kỳ phản liên tục tính và là ngôi sao đấm đá hàng đầu về thần học, cũng chỉ mất quyền dạy thần học trong tư cách đại biểu có bài sai (accredited) của huấn quyền, nhưng dù minh nhiên bác bỏ thần tính của Chúa Kitô, ông ta vẫn duy trì được tư cách linh mục chính ngạch (incardinated) của Giáo Hội Rôma, và nhờ thế vẫn hưởng được nhiều lợi thế và danh tiếng nhờ cái mác người chống đối chính của Rôma. Nếu thay vì Ratzinger, ông ta lên nắm cái chức hồng y bộ trưởng đầu năm 1981, thì chắc là nhiều giới trong Giáo Hội còn phải khốn đốn hơn thế nhiều. “Không lực lượng nào phản tự do cho bằng một anh tự do lên cầm quyền!”

Vả lại, khi một ai đó chịu khó đọc kỹ các trước tác suốt 60 năm qua của Ratzinger, họ hẳn phải rất đỗi ngạc nhiên khi tìm ra cái chủ trương trung dung (centrist) của ngài trong tinh cầu thần học Công Giáo Rôma. Ngài là nhà “bảo thủ” nhẹ nhất. Cái nhãn hiệu “cực bảo thủ” mà báo giới có thói quen gán cho ngài quả là đáng buồn cười.

Vũ Văn An


Về Trang Mục Lục