Trước tấm vải liệm xác Chúa Giêsu tại Turinô

Web HĐGMVN (15.04.2010) – Vào dịp trưng bày tấm vải liệm xác Chúa Giêsu, giáo phận Turinô (Italia) mời khách hành hương thực hiện một lộ trình suy niệm xung quanh Con Người bị đóng đinh

“Tôi tìm kiếm dung nhan Chúa”. Một điệp khúc trích từ Thánh Vịnh, được lặp đi lặp lại vào những ngày này từ đám đông khách hành hương nối tiếp nhau trước tấm vải liệm xác Chúa Giêsu được trưng bày tại nhà thờ chính tòa Turinô.

Khách hành hương được mời đi theo một lộ trình trong bầu không khí giản dị, trầm lặng nhưng lại đầy ý nghĩa giáo dục, với tựa đề “Đường Thương khó của Chúa Kitô, Đường Thương khó của Con Người”, theo ý tưởng của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI về cuộc trưng bày này, lần đầu tiên từ mười năm nay.

Từ Bảo tàng khảo cổ học, gần nhà thờ chính tòa, khách hành hương thuộc mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội được dịp dõi theo toàn bộ lịch sử Kitô giáo được trải dài bằng hình ảnh và âm nhạc. Mỗi người đều có thể đọc trên một màn hình khổng lồ bằng tám thứ tiếng các ý chính từ thông điệp của tấm vải liệm.

Gương mặt của những con người tôi đồng hành hằng ngày và hằng đêm

Và rồi khách hành hương, theo hướng dẫn của 4000 tình nguyện viên mang áo gi-lê màu tím tiến vào nhà thờ chính tòa gần như chìm trong bóng tối. Chỉ có tấm vải liệm là được chiếu sáng. Ban tổ chức trù tính sẽ có khoảng hai triệu người bước theo lộ trình này từ nay đến ngày 23/5. Cứ mỗi năm phút, người ta lại được nghe giọng của một nữ tình nguyện viên chậm rãi đọc lời nguyện do chính Đức hồng y Severino Poletto, Tổng giám mục Turinô soạn. Khách hành hương có thể nhận ra gương mặt của Con Người bị đóng đinh hiện ra mờ mờ trên tấm vải liệm (4,42m x 1,12m). Bản thân Ngài là vậy, một mầu nhiệm! Mọi con mắt đều đổ về đây, thinh lặng, trầm lắng.

Nhưng ý tưởng được gợi lên trong đầu óc khách hành hương lại thật phong phú. Một người thổ lộ: “Tôi nhìn thấy nơi gương mặt này gương mặt của những người tôi đồng hành hằng ngày, hằng đêm”. Một người khác, đã từng tới đây vào lần trưng bày năm 1998 nói: “Được cùng cầu nguyện với người khác trước gương mặt huyền bí này giúp tôi vững tin.” Nhưng nếu đây không phải là tấm vải liệm Đức Kitô? “Chẳng hề chi. Biết bao người đã tới đây cầu nguyện. Tôi cần được nhắc nhủ lại rằng Thiên Chúa đã làm người, và Ngài đã đi tới tận cùng con đường làm người…”

“Tập nhìn ra gương mặt của Đức Kitô nơi anh em của chúng ta”

Turinô, đã có thời theo chủ nghĩa cộng sản, thủ đô lịch sử của xứ Piémont, đã hợp tác chặt chẽ trong việc tổ chức cuộc trưng bày này. Tiềm năng kinh tế của địa phương đã được huy động. Người dân rất hãnh diện vì ở đây, người ta tránh không dùng từ “thánh tích”, mà là “ảnh”  hay “tranh thánh”.

Trên đường phố hầu như không có cảnh tượng buôn bán (tại Đền thờ) như được mô tả trong các sách Tin Mừng. Ở Turinô, không có các vụ được khỏi bệnh hay phép lạ. Mọi người như chìm trong bầu khí chiêm niệm của tập thể. Có tín ngưỡng hay không, đám đông tuần hành trước tấm vải liệm với những ý nghĩ và tâm tình được gợi lên từ một bức phác họa, một gương mặt và một thể xác đã phải chịu cực hình. Cuối chặng đường là một ngôi nhà nguyện nhỏ, hiện đại, dành cho việc chầu Thánh Thể. Bên cạnh, ban tổ chức đã bố trí 11 tòa giải tội để lắng nghe những lời được thốt ra từ đáy lòng và những phút thinh lặng của khách hành hương với mấy lời Tin Mừng: “Ngài luôn ở với tôi”, “Ngài đã tỏ lòng thương xót”, “Ngài đã cúi xuống trên sự cùng khốn của tôi”.

Giáo phận Turinô muốn các tín hữu suy niệm về các mầu nhiệm Nhập thể và Thương khó. “Ở đây là sự hiện hữu huyền bí, đã lôi cuốn hằng triệu người trong suốt tám thế kỷ qua, Gian Maria Zaccone, giám đốc khoa học của Bảo tàng lưu giữ tấm vải liệm, nhấn mạnh. Họ tới đây không phải để kiểm tra tính xác thực của tấm vải, mà để cầu nguyện trước một khuôn mặt nhập thể của Chúa Kitô, trước “cái gương của Tin Mừng”, như Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói”.

“Niềm tin của chúng ta không đặt nền tảng trên tấm vải liệm”

“Đối với tất cả chúng ta, vấn đề là cố gắng nhận ra nơi anh chị em của chúng ta gương mặt của Đức Kitô”, vị giám đốc Bảo tàng nhấn mạnh. Đối với ông, trước các cuộc tranh luận khoa học về tính xác thực của tấm vải, “khuôn mặt này vẫn là dấu của mâu thuẫn” như thấy trong các xã hội của chúng ta. Điều Đức hồng y Tổng giám mục Turinô, Severino Poletto, đã giải thích rõ hôm chủ nhật, trong khi 45.000 khách hành hương tuần hành trước tấm vải liệm là: “Trước mặt chúng ta, hình ảnh, âm thầm nhưng lại đầy sức thuyết phục, của một con người bị đóng đinh, hình ảnh về mọi nét đặc trưng của bạo lực mà Chúa Giêsu đã phải gánh chịu trong chặng Thương khó của Ngài, như các sách Tin Mừng mô tả. Chúng ta biết là niềm tin của chúng ta không đặt nền tảng trên tấm vải liệm, mà là trên Tin Mừng và chứng từ của các Tông đồ. Giáo hội không có thẩm quyền về mặt khoa học để tuyên bố về tính cách xác thực của tấm vải liệm xác Chúa Giêsu. Nhưng tấm vải liệm này đã là một sự trợ giúp quý báu cho lòng tin và lời cầu nguyện của các tín hữu.”

Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc nhở khi ngài tới đây cầu nguyện hôm 24/5/1998: “Trước tấm vải liệm, bức tranh thánh diễn tả nỗi khổ đau của những kẻ vô tội ở mọi thời, làm sao lại không nghĩ đến hằng triệu người đang chết đói, không nghĩ đến những cảnh ghê rợn đang diễn ra ngày hôm nay, đến nỗi khổ đau của bao phụ nữ, con trẻ, đến những nạn nhân của tra tấn và khủng bố, đến những nô lệ của các tổ chức tội phạm?”

Những lời nói này hẳn cũng sẽ được dội lại nơi miệng của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đang được chờ đợi tại Turinô ngày 2 tháng 5 tới.

NN. viết theo Frédéric MOUNIER trên La Croix

 


Về Trang Mục Lục