Kỷ niệm 5 năm làm Chủ Chăn Giáo Hội Hoàn Vũ

 

Radiovaticana 20/04/2010 – Phỏng vấn Đức Hồng Y Karl Lehmann, Tổng Giám Mục Mainz, về kỷ niệm 5 năm Đức Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo Hoàng

Ngày 19-4-2010 là kỷ niệm đúng 5 năm Đức Hồng Y Joseph Ratzinger được bầu làm Chủ Chăn Giáo Hội hoàn vũ lấy tên là Biển Đức XVI.

Trong 5 năm qua Đức Thánh Cha đã thi hành chức vụ này trong một cách thế riêng biệt được ghi dấu bằng việc gặp gỡ với thế giới, trong khiêm tốn, trong tình yêu thương sự thật, trong ý hướng chữa lành và hòa giải. Đó là các đặc thái mà mọi người có thể nhận ra trong cung cách Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đương đầu với các vấn đề của Giáo Hội và của thế giới ngày nay. Và chúng đã đem lại nhiều hoa trái tích cực, tuy ban đầu có gây ra các phản ứng tiêu cực và các chỉ trích gay gắt đối với vị Chủ chăn Giáo Hội Hoàn Vũ.

Điển hình như bài diễn văn của Đức Thánh Cha tại đại học Regensburg, trong đó ngài đặt vấn nạn với Hồi giáo và hỏi đâu là phần đóng góp của tôn giáo cho xã hội, khi nó bị biến thành bạo lực chối bỏ Thiên Chúa và lý trí. Một số thành phần hồi giáo trên thế giới đã gay gắt giận dữ chỉ trích Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI là không biết dùng từ vựng đúng đắn, và họ đã phản ứng với rất nhiều bạo lực. Nhưng sau các phản ứng vì cảm tính bồng bột và thiếu suy nghĩ ấy, dần dần thế giới hồi giáo nhận ra lòng can đảm và sự hữu lý của Đức Thánh Cha, đến độ tai nạn mà nhiều người cho là một “sự vụng về” của Đức Thánh Cha đã trở thành một động lực giúp tiến tới một cuộc đối thoại tích cực hơn giữa tín hữu công giáo và hồi giáo. Và kết qủa là càng ngày càng có nhiều người hồi trí thức công khai lên án bạo lực tại A rập Sauđi, Irak, Indonesia, Ấn Độ, Ai Cập và cả Pakistan nữa. Đó là kết qủa lòng can đảm dám nói lên sự thật của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.

Sự thật, chữa lành và hòa giải đã là trọng tâm chuyến hành hương Thánh Địa của Đức Giáo Hoàng hồi năm ngoái 2009. Đức Thánh Cha đã bầy tỏ tình bạn sâu xa đối với dân tộc Israel cũng như dân tộc Palestine, và ngài kêu gọi họ chấm dứt bạo lực và tìm ra con đường chung sống hòa bình.

Về lòng can đảm và hy vọng, Đức Thánh Cha đã vượt xa mọi vị lãnh đạo chính trị toàn thế giới, thường có lập trường phò bên này hay bên kia. Trong khi mọi người vu cáo ngài là người có khunh hướng “đức quốc xã”, chối bỏ cuộc diệt chủng do thái và ảo tưởng.

Chữa lành và hòa giải đã là đường hướng sự lựa chọn tha vạ tuyệt thông cho các Giám Mục của huynh đoàn Pio X, theo Đức Tổng Giám Mục Lefèvre, với mục đích đưa hàng trăm linh mục và hàng chục ngàn tín hữu của huynh đoàn này trở về hiệp nhất với Giáo Hội.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI coi việc duy trì sự hiệp nhất của Giáo Hội quan trọng hơn các lời càm ràm của các tín hữu cấp tiến và các lẩm bẩm của những người chống lại khuynh hướng chối bỏ cuộc diệt chủng do thái phản đối Đức Giám Mục Williamson. Cả khi vụ Giám Mục Williamson và các vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên cho thấy sự thiếu sót của các cơ quan trung ương Tòa Thánh, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI vẫn kiên trì trong quyền của ngài tìm cứu vãn một tình hình, bằng cách định nghĩa điều thật điều giả, điều đúng điều sai, bằng cách khước từ các lựa chọn mù quáng phò bên này hay bên kia.

Sự thật, chữa lành và hòa giải đã luôn luôn là các chỉ thị của Giáo Hội.

Có biết bao nhiêu người do thái, người đức quốc xã, các du kích quân đã được các tín hữu, linh mục và giáo dân công giáo cứu sống trước, trong và sau đệ nhị thế chiến? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã bị nhiều người thù ghét chính vì sự phân biệt giữa sự thật, biết chú ý tới mọi chi tiết của thực tại, và các cung cách hành xử ý thức hệ có khuynh hướng tiêu diệt đối phương, là kiểu hành xử của xã hội ngày nay, trong đó thống trị chế độ độc tài của chủ trương tương đối hóa và thích nghi, trong đó không còn có sự thật khách quan nữa, mà chỉ còn có cảm tính của cái “tôi” mà thôi.

Sự thật nói trên đủ để giải thích mọi điêu ngoa, dối trá, vu khống, mạ lị và bôi nhọ, mà giới truyền thông quốc tế hăm hở trút đổ trên Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và Giáo Hội Công Giáo trong các tháng qua, liên quan tới các vụ giáo sĩ tu sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Thái độ bạo lực bệnh hoạn và mù quáng này nảy sinh từ sự kiện con người ngày nay với các tiến bộ khoa học kỹ thuật nó tưởng mình đã lên thấu tới trời và trở thành Thiên Chúa, nhưng lại khám phá ra rằng mình nghèo nàn, thiếu thốn và yếu đuối với một thứ khoa học chỉ tàn phá môi sinh và gây chết chóc cho con người, với một đường lối chính trị ngày càng bất lực, với một thứ kinh tế tự hãnh diện là “khoa học” ngày càng tỏ ra vô luân và không có khả năng đem lại hạnh phúc cho xã hội loài người.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nhắc cho thế giới biết rằng lý trí con người vén mớ cho thấy giới hạn mà không ai muốn thừa nhận và xưng thú; chỉ có Thiên Chúa mới có thể chữa lành tất cả mọi què quặt thê thảm đó trong các yêu sách của con người; chỉ có Chúa Giêsu Kitô là phương dược trao ban sự bất tử và vẻ đẹp cho cuộc sống con người.

Cuộc chiến đấu của lý trí đó cũng là cuộc chiến đấu Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đang hướng dẫn trong Giáo Hội. Chống lại một thứ Kitô giáo tình cảm, nhàm chán theo thói quen, phân chia theo ý thức hệ bảo thủ hay cấp tiến, Đức Thánh Cha thúc đẩy tín hữu bước vào trong tương quan sinh động với Chúa và với Giáo Hội là Thân Mình mầu nhiêm của Chúa Kitô, chứ không phải là trung tâm của quyền lực hay nơi trốn tránh thế giới. Tương quan sinh động đó khiến cho các lý lẽ của đức tin được lớn lên, và thúc đẩy tín hữu làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô giữa lòng thế giới.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y Karl Lehmann, Tổng Giám Mục Mainz, nguyên Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Liên Bang Cộng Hòa Đức, về biến cố Đức Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo Hoàng và tổng kết 5 năm Chủ Chăn của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y Lehmann, cách đây 5 năm Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã được Hồng Y Đoàn bầu làm Chủ Chăn Giáo Hội hoàn vũ. Đức Hồng Y đã sống giây phút lịch sử ấy như thế nào?

Đáp: Tôi đã không tin là một người Đức có thể được bầu làm Giáo Hoàng. Lý do bởi vì các vết thương của hai Thế Chiến với sự tham dự của người Đức vẫn chưa bị lãng quên. Cũng có người sợ một ảnh hưởng Đức qúa mạnh trên Giáo Hội. Nhưng mặt khác thì Đức đương kim Giáo Hoàng đã là một thần học gia nổi tiếng, trên 20 năm trời đã sẵn sàng cho việc bầu cử ấy. Qua các hoạt động và tiếp xúc đa diện ngài đã là nhân vật rất được biết tới. Vì thế mà điều ban đầu xem ra không thể xảy ra, lại đã xảy ra.

Hỏi: Đức Hồng Y có thể tổng kết 5 năm làm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI như thế nào?

Đáp: Như là người kế vị Đức Gioan Phaolô II Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI có các điều kiện thật khó khăn. Bên cạnh một nhân vật có dáng dấp cao và được giới truyền thông chấp nhận như Đức Gioan Phaolô II, hồi đó trong Hồng Y Đoàn người ta đã tự hỏi không biết có tìm ra được một vị nào giống như thế, mặc dù có kiểu cách riêng của vị ấy hay không. Vì thế thật là may mắn khi chọn được một Người có tầm mức trí thức và thần học như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Trước hết Đức Giáo Hoàng là một con người của công việc bàn giấy, có tầm hiểu biết thần học cao, đáng tin cậy, và gây ấn tượng trong các cuộc gặp gỡ cá nhân cũng như trong khi nói chuyện và diễn thuyết. Và sau khi được bầu lên, Đức Giáo Hoàng đã có thể thích nghi mau chóng như gặp gỡ con người thuộc mọi giai tầng xã hội khác nhau, và có thể giảng dậy một cách rất đơn sơ gần gũi với dân chúng. Người đã mau chóng phát triển một kiểu riêng, mà không bắt chước vị tiền nhiệm.

Hỏi: Đức Giáo Hoàng cho người ta cảm tưởng ngài có thể là một vị chủ chăn không chính trị, có đúng thế không, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Trong các tình trạng nóng bỏng, hay trong các tai ương lớn hoặc trong bài diễn văn đọc trước Liên Hiệp Quốc, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã hiện diện và tỉnh táo hơn là điều có người tưởng nghĩ. Đồng thời người cũng đã hành động một cách đúng đắn. Người đã sử dụng các ơn Chúa đã ban cho người là ơn lời nói và ơn rao giảng, mà người đã để cho tuôn chảy trong cuốn sách đầu tiên về Đức Giêsu và trong nhiều bài giảng của người. Sau nhiều hoạt động và cải cách thời hậu công đồng, Đức Giáo Hoàng phải giúp cho Giáo Hội đi vào việc suy tư, đào sâu và canh tân tư tưởng nhiều hơn. Đó là món qùa đặc biệt mà triều đại giáo hoàng của người hiến tặng cho Giáo Hội. Và ở điểm này thì không ai có thể bắt chước người được.

Hỏi: Trên bình diệm đại kết xem ra Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ít cởi mở, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Có vài điều thật ra đối với tôi xem ra sai lầm. Bên Tây Phương cũng như về phía các Giáo Hội Cải cách người ta không thừa nhận lập trường của Đức Thánh Cha. Đặc biệt trước thời Công Đồng Chung Vaticăng II, qua các nghiên cứu của mình cũng như của các môn sinh như Vinzenz Pfnuer hay Siegfried Wiedenhofer, thần học gia Joseph Ratzinger đã đóng góp rất nhiều cho phong trào đại kết, hồi đó không phải là điều đương nhiên chút nào.

Chẳng hạn như vấn đề dưới các điều kiện nào có thể nghĩ tới việc Giáo Hội Công Giáo thừa nhận Bản tuyên xưng đức tin Augsburg năm 1530. Như là người đầu tiên đã viết khảo luận về vấn đề này, Đức Thánh Cha đã làm việc với các nhóm đại kết vào cuối thập niên 1950, và đầu thập niên 1960 đã diễn thuyết về đề tài này. Tôi tin rằng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã dấn thấn cho phong trào đại kết hơn là điều người ta tưởng nghĩ rất nhiều. Đương nhiên là ở đây người có các mẫu mực và tiêu chuẩn cao của người.

Hỏi: Ngày nay có người cho rằng thiếu tiếng nói rõ ràng của Đức Giáo Hoàng liên quan tới các vụ lạm dụng tính dục trong Giáo Hội. Đức Hồng Y nghĩ sao?

Đáp: Việc liên tục yêu sách Đức Thánh Cha phải lên tiếng liên quan tới các vụ lạm dụng tính dục tại Đức tôi thấy đôi khi nó có tính cách cuồng loạn. Vì Đức Giáo Hoàng là Chủ Chăn của Giáo Hội hoàn vũ. Khi ngài giải thích điều gì, thì ngài nói với toàn thể Giáo Hội. Và Đức Giáo Hoàng đã nói nhiều lần về vấn đề này và đã mạnh mẽ lên án tội lạm dụng tính dục trẻ em như trong chuyến công du mục vụ tại Hoa Kỳ năm 2008 và chuyến công du bên Australia trong cùng năm, hay nhiều dịp khác nữa, cũng như trong bức thư gửi Giáo Hội tại Ailen hồi đầu năm nay. Những chuyện một đàng là tự nhiên, đàng khác đã được nói đến nhiều lần, thì Đức Giáo Hoàng không cần phải lập lại nữa, nhất là vì người khác ra lệnh.

Ít ngày trước lễ Phục sinh Đức Thánh Cha cũng đã đề cập tới các vụ lạm dụng tính dục tại Đức với Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, vì thế những lập đi lập lại nói trên là vô ích. Ai cũng biết là ngay từ ban đầu Đức Thánh Cha đã rất nhậy cảm đối với vấn đề này, và không cần phải can thiệp với tư cách là người Đức. Lý do là vì Đức Giáo Hoàng là của mọi người, nên ngài cũng phải để ý. Những gì cần thiết nhất thì ngài đã trình bầy rất rõ ràng trong thư gửi Giáo Hội tại Ailen rồi. Thế thì Đức Thánh Cha còn phải nói với chúng tôi tại Đức điều gì khác nữa?

Hỏi: Ban đầu thì dân Đức vui mừng nói “Chúng ta là Giáo Hoàng”. Bây giờ thì họ lại rất là đơn sơ, tại sao vậy thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Ban đầu tựa đề “Chúng ta là Giáo Hoàng” là do nguyệt san “Bild” cho đăng, và nó đã là biến cố lịch sử vì cảm hứng khoan khoái hứng khởi trong những ngày đầu tiên có Giáo Hoàng người gốc Đức. Nhưng trong cuộc sống thường ngày sự kiện đó trở thành đơn sơ hơn. Sự thật thì có lẽ nó là một đặc tính của người Đức chúng tôi. Vì các chờ mong căng thẳng qúa đáng không được đáp trả. Nhưng mà ngay từ đầu thì cũng đã rõ ràng là Đức Giáo Hoàng không chỉ là của người Đức mà thôi.

Hỏi: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã làm được những gì cho Giáo Hội hoàn vũ trong 5 năm qua thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Tôi rất vui vì thấy Đức Giáo Hoàng đã viếng thăm Phi châu và đã yểm trợ đại lục này rất mạnh mẽ, kể cả qua Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu kỳ II. Chúng ta thấy là đại lục này gặp rất nhiều khó khăn vì kém phát triển trên bình diện kinh tế cũng như chính trị, thường là không có các cơ cấu dân chủ, thêm vào đó là tệ nạn gian tham hối lộ và bạo lực. Và Đức Giáo Hoàng đã góp phần giúp tình hình chuyển động. Rất nhiều người Phi châu đặt hy vọng nơi Giáo Hội. Đây chỉ là một thí dụ thôi. Cũng có thể nói về các đại lục và các quốc gia khác tương tự như vậy, qua các chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha.

Hỏi: Đức Hồng Y cầu chúc Đức Thánh Cha trong tương lai những gì?

Đáp: Trước hết tôi cầu chúc Đức Thánh Cha được dồi dào sức khỏe và giữ gìn được sức mạnh của người. Nếu chúng ta biết trong 5 năm qua người đã chu toàn được các bổn phận thường ngày như thế nào, thì chúng ta phải rất biết ơn người. Tôi cũng chúc Đức Giáo Hoàng, qua các chỉ dẫn và nghệ thuật thần học của người, luôn là một bậc Thầy của Giáo Hội. Và tôi cũng hy vọng rằng các nút thắt khiến cho triều đại giáo hoàng của người phải đau khổ được tháo cởi - chẳng hạn như với huynh đoàn thánh Piô X, hay với phát biểu này phát biểu khác về đại kết đáng lý đã phải chú ý hơn tới lịch sử để đừng khiến cho gương mặt của Đức Thánh Cha bị méo mó đi.

(KNA 14-4-2010; ASIANEWS 19-4-2010)

Linh Tiến Khải

 


Về Trang Mục Lục