BƯỚC QUA NGƯỠNG CỬA HY VỌNG

 

Lời Thầy dạy năm xưa

Hôm nay ngày 19-4-2010, ĐHY Joseph Ratzinger được bầu chọn làm vị đại diện Chúa Kitô ở trần gian. Hôm nay là trọn 5 năm trong triều đại Giáo hoàng của ngài. Tự nhiên tôi nghĩ đến những lời dạy của Chúa Giêsu với thánh Phêrô năm xưa. 

Trong nhà Tiệc Ly, Chúa đã căn dặn Phêrô: Simon, Simon, Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh (Lc 22,31-32)

Khi sống lại, Chúa Kitô Phục Sinh đã hiện ra lần thứ ba với các tông đồ ở biển hồ Tibêria. Ngài đã gặp gỡ các tông đồ và phục vụ các ông một bữa sáng thân tình. Sau đó Ngài gặp Simon, và trao quyền cho ông sau khi đã thẩm vấn ba lần: Con có yêu mến Thầy không. Ba lần ông đã trả lời lại Thầy: Thầy biết con mến Thầy. Chúa Giêsu nói: “Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ anh tự thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải giang tay cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn. Người nói vậy có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi Người bảo ông: Hãy theo Thầy” (Ga 21,17-19). 

I. CƠN BÃO TỐ ẬP TỚI CON THUYỀN GIÁO HỘI 

1. Đức Bênêđictô, vị được tuyển chọn và ngày khai mạc thừa tác vụ thánh Phêrô

Xin nhớ ngày 2-4-2005, chính tạp chí Times căn cứ vào nhiều nguồn tin đã tuyên đoán ĐHY Joseph Ratzinger là ứng viên lớn để kế vị ĐGH Gioan Phaolô II. Về phần Đức Hồng y, khi còn ở Bộ Giáo lý Đức tin, ngài tuyên bố muốn nghỉ hưu cùng với hiền huynh Đức Ông George Ratzinger, tại quê nhà Bavaria (Đức) để viết sách. 

Ngày 19-4-2005, ĐHY Joseph Ratzinger được bầu là người kế vị ĐGH Gioan Phaolô II... Ngài nói với các vị Hồng y trong Cơ Mật viện: “Tôi đã cầu xin Chúa đừng làm điều này với con, nhưng rõ ràng Người đã không nghe tôi.” 

Tại bancon Đền thờ thánh Phêrô, trong nghi thức ban phép lành cho thành Rôma và cho thế giới (Urbi et Orbi), ngài đã ngỏ lời:

Anh chị em thân mến, sau ĐGH vĩ đại Gioan Phaolô II, các Hồng y đã chọn tôi, một người công bộc đơn sơ và khiêm hạ trong vườn nho Chúa. Sự thực là Thiên Chúa có thể làm việc và hành động bằng những phương tiện thiếu thốn làm tôi được an ủi và niềm vui Phục Sinh. Chúng ta tiếp tục đi theo sự giúp đỡ của Người. Người sẽ giúp đỡ chúng ta và Đức Maria sẽ luôn ở bên chúng ta. Xin cảm ơn. 

Ngày 24-4-2005, trong thánh lễ khai mạc thừa tác vụ thánh Phêrô của ngài, ngài đã nêu ra những ưu tiên:

Nỗ lực hiệp nhất các Kitô hữu.

Đối thoại cởi mở với các tôn giáo khác. 

Tiếp tục cải cách theo Công Đồng Vatican II. 

Đi theo con đường của vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II. 

2. Chiến dịch công kích Giáo Hội và đích danh ĐGH

Trong khung cảnh một thế giới đang tụt dốc suy đồi về nền luân lý, và niềm tin đang bị lung lay nơi các quốc gia theo Kitô giáo lâu đời. Trong bối cảnh hôm nay của Giáo Hội, Đức Bênêđictô - người kế vị thánh Phêrô và là vị Giáo hoàng 265- mong muốn phục hồi một Âu Châu tràn đầy niềm tin. Nỗ lực của ngài trong 5 năm qua đã đạt được những kết quả nhất định. Thế nhưng, trong những tuần lễ vừa qua, con thuyền của thánh Phêrô như đang gặp giông bão. 

Kể từ ngày bước vào Tuần Thánh 28-3-2010 đến ngày hôm nay, trên các website các báo đài, đặc biệt trên các tạp chí New York Times, Times và đài BBC, VOA… và một số khá đông giới báo chí đã hùa nhau chĩa mũi dùi vào Đức Bênêđictô. Người ta đổ hết trách nhiệm các vụ bê bối về nạn ấu dâm của các linh mục từ các thập kỷ qua trên đầu ngài.

3. Các mũi giáp công của đài BBC

Đài BBC đưa hẳn một loạt các bài công kích có bài bản và có kế hoạch, kể từ ngày 29-3-2010 với các đề tài như sau: 

Giáo hoàng Bênêđictô trong cơn khủng hoảng. 

Vatican trước nạn ấu dâm.

Giáo Hội bàn chuyện lạm dụng trẻ em.

- Vatican dỡ bước tường im lặng về ấu dâm.

Xin lỗi về bài giảng lễ Phục Sinh của cha Ranieri Cantalamessa. 

Thư gửi cho Giáo Hội Ái Nhĩ Lan. 

- Liệu Giáo Hoàng có từ chức không? 

4. Những áp lực của giới truyền thông

Trong bài giảng ngày Thứ Năm Tuần Thánh của ĐHY André Vingt-Trois, Tổng Giám mục Paris: Nạn nhân của chiến dịch này là những người ít nhận được thông tin, những người đang ít cảm tình với Giáo Hội, những người rời bỏ đức tin và đôi khi cũng làm nao núng cả những người chân thành theo Giáo Hội. 

a. Tôi nên ở lại hay rời bỏ Giáo Hội?

Cha Timothy Radcliffe, OP đã có một bài viết khá sâu sắc: Tai tiếng về việc lạm dụng tình dục trẻ em trong hàng giáo sĩ Công giáo tại Đức, Ý, Thụy Sĩ và Ái Nhĩ Lan vừa được phơi bày ra ánh sáng đã làm nổi dậy một làn sóng giận dữ và khinh bỉ của quần chúng. 

Tôi đã nhận được rất nhiều email từ nhiều người trong khắp Âu Châu đặt câu hỏi: Làm thế nào họ có thể ở lại trong một Giáo Hội như thế được nữa? Không chỉ có thế, tôi còn nhận được một đơn hướng dẫn phải điền như thế nào để rời bỏ Giáo Hội. Sao phải ở lại? 

Ngài viết tiếp: Đừng thổi phồng, phóng đại một sự kiện cũng bình thường. Nhất nữa nó chỉ trong một phạm vi giới hạn nơi những tâm hồn yếu đuối. Hãy đối diện với thực tế và công bằng, với những nỗ lực của ĐTC và Giáo Hội đã làm. Phải chấp nhận sự yếu đuối của một phần nhỏ trong hàng giáo sĩ, đang khi đó ở các thành phần khác của xã hội và ở giáo phái khác lại đầy dẫy. Đừng nghĩ rằng khi mình rời bỏ Giáo Hội sẽ được an thân. Đừng quá chú trọng đến những cây đổ và hãy nghĩ đến hàng trăm ngàn mầm sống vẫn vươn lên. 

b. Họ muốn bắt giữ ĐTC 

Trên tờ Times Online được tờ The Australian đăng lại: những người vô thần nổi tiếng như Richard Dawkins và Christopher Hitchens đã yêu cầu các luật sư lo về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đâm đơn khiếu kiện và buộc tội ĐTC vì đã bao che chuyện lạm dụng tính dục. Dawkins muốn ĐTC bị bắt giữ trong cuộc công du tới nước Anh vào thánh 9 tới đây “vì những tội ác chống loài người” (Cath. News 12-04-2010). Để rồi xem… chúng ta tin rằng chuyện đó không bao giờ xảy ra! 

II. NHỮNG CÁO BUỘC ĐGH TRONG 5 NĂM VỪA QUA 

 Theo nhiều viên chức Tòa Thánh, việc kỷ niệm 5 năm Đức Bênêđictô XVI được bầu làm Giáo hoàng là dịp để ngài được giới truyền thông chú ý tới. Đồng thời đây cũng là dịp dể ngài nhấn mạnh đến những đường hướng của triều đại Giáo hoàng của ngài.

Tuy nhiên, trong những tuần lễ vừa qua, cuộc khủng hoảng vì những lạm dụng tình dục trẻ em của các linh mục, đã khiến cho ĐTC trở thành điểm ngắm của báo chí thế giới. Tại Vatican, xem ra người ta không còn nghĩ đến việc kỷ niệm 5 năm làm Giáo hoàng của ĐTC mà chỉ lo bênh đỡ cho ngài trước những cuộc tấn công của báo chí.

1. Cáo buộc thứ nhất

Hồi năm 2006, khi về thăm quê hương Bavaria (Đức), Đức Bênêđictô XVI đã làm cho nhiều nhà lãnh đạo Hồi giáo thất vọng khi ngài trích dẫn lời của một vị hoàng đế Byzantin theo đó tiên tri Mahomet là người đã mang lại “những điều tệ hại và vô nhân đạo”, như việc ông truyền lệnh phải quảng bá niềm tin bằng gươm giáo.

Trước sự phẫn nộ của thế giới Hồi giáo, Đức Bênêđictô XVI đã lên tiếng xin lỗi. Ngài nói rằng ngài không hề có ý phê bình Hồi giáo. Nhưng ngài nhìn nhận rằng bài diễn văn của ngài đã gây ra ngộ nhận. Sau đó, ngài bắt đầu thiết lập quan hệ với các học giả Hồi giáo để từ đó mở ra một chương mới trong cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh và Hồi giáo. 

Trong chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối năm 2006, ngài đã vào “Đền Thờ Xanh” của Hồi giáo tại thủ đô Istanbul và đứng cầu nguyện bên cạnh một giáo sĩ Hồi giáo. Cử chỉ này đã tạo một tiếng vang tích cực trong toàn thế giới Hồi giáo. Đồng thời, ngài tiếp tục nhấn mạnh rằng mọi tôn giáo đều phải loại trừ bạo động nhân danh tôn giáo.

2. Cáo buộc thứ hai

Cáo buộc thứ hai chống ĐGH Bênêđictô mô tả ngài là kẻ thù của lý trí hiện đại, và đặc biệt là biểu hiện tối cao của nó, tức là khoa học. Đỉnh điểm của chiến dịch thù nghịch này xảy ra vào tháng giêng năm 2008, khi các giáo sư buộc ĐGH phải hủy bỏ cuộc thăm viếng ngôi trường đại học chính thuộc giáo phận của ngài, đó là trường Đại học “La Sapienza” ở Roma.

Vậy mà – cũng như trước đây tại Regensburg và rồi tại Paris ngày 12 tháng 9 năm 2008 ở trường Collège des Bernadins – bài diễn từ mà ngài có ý định đọc tại trường Đại học ở Roma lại là một bảo vệ rõ rệt tính liên hệ bền vững giữa đức tin và lý trí, giữa chân lý và tự do: “Tôi không đến để áp đặt đức tin, nhưng để kêu gọi lòng can đảm tìm hiểu sự thật.” 

Điều nghịch lý: Đức Bênêđictô là một “người soi sáng (illuminist)” lớn lao cho một thời đại mà chân lý có quá ít người ngưỡng mộ, còn hoài nghi thì chiếm thế thượng phong, đến độ muốn làm câm lặng cả chân lý. 

3. Cáo buộc thứ ba

Cáo buộc thứ ba tấn công có hệ thống vào Đức Bênêđictô XVI nói rằng ngài là một con người bảo thủ dính chặt vào quá khứ, là kẻ thù của những tiến triển mới do Công đồng Vatican II mang lại. 

Năm 2007, ĐTC cho phép cử hành Thánh lễ bằng tiếng Latinh theo nghi thức có trước thời Công Đồng Vatican II. Đây là một nhượng bộ lớn dành cho các tín hữu Công giáo thủ cựu để tìm một sự thỏa thuận với Huynh đoàn Pio X là huynh đoàn đã tách lìa khỏi Giáo Hội vì không chấp nhận những cải tổ của Công Đồng Vatican II.

Phụng vụ cũng là một trong những quan tâm chính của ĐTC. Đây là một trong những lĩnh vực, trong đó ngài muốn quân bình hóa sự canh tân do Công Đồng Vatican II chủ xướng với truyền thống của Giáo Hội. Đây là một tiến trình mà ngài gọi là “canh tân trong sự liên tục”.

4. Cáo buộc thứ tư

Cáo buộc thứ tư chạy song hành với cuộc tấn công trước. Đức Bênêđictô XVI bị tố cáo là làm lệch hướng đi công cuộc đại kết, là đặt cuộc hòa giải với nhóm Lefèbvre trước cả cuộc đối thoại với các nhóm theo Kitô giáo khác. 

Nhưng các sự việc đều chứng minh ngược lại. Từ khi ĐHY Ratzinger làm Giáo hoàng, cuộc lữ hành hòa giải với các Giáo Hội Đông phương đã tiến đi về phía trước được những bước đặc biệt, cả với các Giáo Hội Byzantine đang nhìn về tòa thượng phụ giáo chủ đại kết tại Constantinople, và – đáng ngạc nhiên nhất – với tòa thượng phụ giáo chủ tại Mátcơva. 

- Các nhóm Anh giáo ở Canada, Úc, và các địa danh khác muốn trở lại với Giáo Hội Công giáo Roma. 

- Lá thư gửi cho Giáo Hội Trung Hoa đã có sức cảm hóa lớn. Anh chị em Trung Hoa rất biết ơn ĐTC. Đa số các Đức Giám mục thuộc Giáo hội tự trị đã được công nhận. Sự ngăn cách giữa Giáo hội tự trị và Giáo hội thầm lặng đã giảm dần. Về phía nhà nước Cộng sản Trung Quốc cũng bớt căng thẳng với Vatican. 

5. Cáo buộc thứ năm

Vũ khí mới nhất trong cuộc phản kháng này là một đoạn trong bài giảng của linh mục Raniero Cantalamessa, vị giảng thuyết của giáo triều, tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, có sự hiện diện của ĐGH. Đoạn bị kết tội là những câu trích dẫn từ lá thư của một người Do Thái, nhưng bất kể như thế, tiếng ồn ào giận dữ lại đã đặc biệt nhắm vào ĐGH. Vậy mà, không có gì lại mâu thuẫn hơn là tố cáo rằng Đức Bênêđictô XVI thù nghịch với người Do Thái. 

Thực ra trước đó, khi ngài giải vạ tuyệt thông cho 4 vị giám mục thủ cựu hồi đầu năm 2009, thì sự hòa giải hầu như thất bại. Thì sau đó 4 ngày, một trong 4 vị giám mục được rút lại vạ tuyệt thông là Đức Cha Richard Williamson đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ trên khắp thế giới khi tuyên bố rằng Đức Quốc xã không có trách nhiệm trong cuộc sát tế người Do Thái.

Đức Bênêđictô XVI đã tìm cách hàn gắn sự rạn nứt với các tổ chức Do Thái. Trong một lá thư gửi cho các Giám mục trên toàn thế giới, ngài đã cám ơn “những người bạn Do Thái” vì đã giúp tái lập sự tin tưởng. Cũng trong lá thư, ngài bày tỏ đau buồn vì một số người Công giáo cho rằng ngài đã thay đổi hướng đi trong các quan hệ giữa Do Thái và Công giáo và công khai lên tiếng công kích ngài.

6. Cáo buộc thứ sáu

Cáo buộc thứ sáu – gần đây nhất – giới truyền thông lại muốn khơi lại nạn ấu dâm nơi một số giáo sĩ và đổ lỗi cho ngài đã “bao che” vụ tai tiếng này. 

Cả ở đây nữa, sự tố cáo lại nhằm chính vào một người đã làm hơn bất cứ ai khác trong phẩm trật Giáo Hội, để hàn gắn lại tai tiếng này. 

Với những hiệu quả tích cực đã trông thấy đó đây. Đặc biệt là tại Hoa Kỳ nơi xảy ra hiện tượng trong hàng giáo sĩ Công giáo đã giảm đi đáng kể trong những năm gần dây. 

Nhưng những nơi nào vết thương còn đang rộng mở, như ở Ái Nhĩ Lan, chính lại Đức Bênêđictô XVI là người đòi hỏi Giáo Hội nước đó phải đặt mình vào tình trạng hối cải, bước vào con đường cần thiết ngài đã vạch ra trong lá thư mục vụ độc đáo hôm 19 tháng 3 vừa qua. 

Có sự việc là chiến dịch quốc tế chống nạn ấu dâm nay chỉ thu vào một mục tiêu duy nhất: ĐGH. Các trường hợp được đào bới lại từ quá khứ luôn luôn có ý đồ dẫn ngược về ngài, cả trong thời kỳ ngài làm Tổng Giám mục Munich lẫn khi làm chủ tịch Thánh bộ Tín lý Đức tin, cộng thêm cả chuyện phụ lục ở Regensburg trong những năm anh ngài là Đức Ông George Ratzinger hướng dẫn ca đoàn trẻ em nhà thờ chính tòa. 

Sau các cáo buộc kết án Đức Bênêđictô XVI vừa nêu trên, người ta đặt ra một câu hỏi: Tại sao vị Giáo hoàng này lại bị tấn công như thế, từ bên ngoài Giáo Hội, và cả từ bên trong nữa, mặc dầu rõ rệt là ngài vô tội đối với lời kết án này?

Phần đầu câu trả lời là: ngài bị tấn công một cách có hệ thống chính vì công việc ngài làm: muốn làm sáng tỏ, đề cao chân lý; vì lời ngài nói; vì con người ngài hiện thân một cách chính trực. Người ta muốn phá đổ uy tín của một con người suốt đời bảo vệ công lý và chân lý. Ngài quả là một vị Tiến sĩ bảo vệ đức tin, bảo vệ sự thật bằng niềm xác tín sâu xa vào sự hiển thắng của Đấng “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).

III. HIỆP THÔNG VÀ ĐỒNG CẢM VỚI GIÁO HỘI VÀ ĐẶC BIỆT VỚI ĐTC 

1. Hưởng ứng và phổ biến sâu rộng 

- Học hỏi về Giáo Hội: Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ. Với niềm tin chúng ta xác tín Chúa vẫn đang điều khiển Giáo Hội và trong tình cảm yêu mến Giáo Hội. Chúng ta hiệp thông với ĐGH. Bổn phận thiết thực nhất của chúng ta là hãy mạnh dạn làm chứng cho sự thật. Chưa bao giờ chúng ta thấy việc đồng cảm với Giáo Hội (Sentire Cum Ecclesia) thích hợp như bây giờ. 

- Cầu nguyện cho ngài: Nguyện xin Chúa gìn giữ phù hộ cho ngàii sức khỏe bền lâu, thánh hóa người và gìn giữ ngài thoát tay quân thù. 

2. Các Giáo Hội địa phương và hàng giáo phẩm khắp nơi trên thế giới đã lên tiếng ủng hộ ĐGH 

- ĐHY Angelo Sodano, Chủ tịch Hồng y đoàn, đã lên tiếng ủng hộ ĐTC và cầu nguyện cho ngài. Chúng con vẫn ở bên ĐTC với niềm tin yêu, và phó thác ngài cho vòng tay Thiên Chúa. 

- ĐHY Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã mạnh dạn phi bác và vạch trần những âm mưu chống phá Tòa Thánh. 

- ĐHY Nicolas de Jesus Lopez Rodiguez, Tổng Giám mục Santo Domingo đã không ngần ngại xác định nguyên nhân tiềm ẩn của các cuộc tấn công của một số người ở Mỹ và Châu Âu nhắm vào ĐGH vì ngài đã kiên quyết bảo vệ sự sống và chống lại tội ác phá thai

- Trong bài giảng Chúa Nhật Phục Sinh, ĐHY Juan Luis Cipriani Thorne bày tỏ sự gắn bó, đoàn kết với ĐTC và lưu ý rằng những tấn công của các phương tiện truyền thông chống lại ĐTC và Giáo Hội là “cuộc nổi loạn” chống lại chân lý và tình yêu

- ĐHY André Vingt-Trois, Tổng Giám mục Paris, trong bài giảng thánh lễ Truyền Dầu, ĐHY quả quyết: “Trong các nước dân chủ của chúng tôi, Kitô hữu cũng là những công dân như mọi công dân khác, nhưng chắc chắn họ không được các phương tiện truyền thông đối xử ngang bằng các công dân khác.” 

- Tại Việt Nam, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám mục Mỹ Tho, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin thuộc HĐGMVN, đã lên tiếng: ĐTC Bênêđictô XVI đích thực là một con người hiền hòa, bình tĩnh, trái tim dào dạt yêu thương, đầu óc rộng mở lắng nghe, đối thoại, đón nhận với lòng kính trọng những lời nói thẳng, nói thật. ĐTC là một “con người của chân lý”, luôn luôn phục vụ chân lý, luôn dùng những lời lẽ tế nhị để nói lên sự thật, đang bị “những thế lực dối trá” toa rập với nhau để tấn công và làm hại. Trong lịch sử Kitô giáo, từ lúc ban đầu những thế lực xấu đã toa rập với nhau mà chống lại “Tôi Tớ thánh của Thiên Chúa là Đức Giêsu, Đấng Thiên Chúa đã xức dầu” (Cv 4, 27). 

Tôi ước mong tất cả mọi thành phần Dân Chúa trên thế giới hãy đoàn kết với nhau, trước hết để ý thức cái “hiểm hoạ” của những lời vu oan và phỉ báng của những thế lực chống đối Giáo Hội đang toa rập nhau tìm cách làm sụp đổ uy tín của ĐTC, của Hàng Giáo Phẩm thế giới, gạt bỏ hoàn toàn ảnh hưởng tinh thần và đạo đức của Giáo Hội Công Giáo. Thứ hai là các giáo sĩ, trong “Năm Linh mục” này hãy cố gắng tối đa để canh tân bản thân và đời sống, tránh làm cớ cho thế gian to tiếng sỉ nhục Giáo Hội và cả Chúa Giêsu nữa. 

- Ngày 18-4-2010 vừa qua, Hiệp hội Giới trẻ Kitô giáo trên toàn nước Italy đã tổ chức một cuộc biểu tình ngồi tại các thành phố lớn: Roma, Milan, Turin, Venise, Naples... ủng hộ ĐTC: Chúng tôi muốn lên tiếng với những người ghét ĐTC và Giáo Hội, chúng tôi muốn cho họ biết rằng chúng tôi vẫn ở bên cạnh và trung thành với vị cha chung kính yêu của chúng tôi. 

Thay lời kết: Con thuyền Giáo Hội vẫn tiếp tục ra khơi

Lúc này hơn lúc nào hết, chúng ta cần sống mầu nhiệm hiệp thông với Giáo Hội bằng lòng tuân phục và yêu mến. Đồng cảm với ĐTC và hiệp thông cầu nguyện cho ngài. Những người chống đối Giáo Hội đã chọn thời điểm Tuần Thánh – Tuần Khổ nạn của Chúa để công kích ĐTC và Giáo Hội. Thực thế, Đức Kitô vẫn còn chịu khổ nạn trong nhiệm thể của Người và sẽ chịu khổ nạn cho đến tận thế (Pascal). ĐGH Bênêđictô lúc này ngài thực hiện câu nói của thánh Phaolô: 

Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh. Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn, rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa (Cl 1, 24-26).

Không biết tâm trạng của ĐGH Bênêđictô như thế nào khi Hồng y đoàn trao trách nhiệm cho ngài, tôi liên tưởng cảm nhận của ngài cũng giống những cảm nhận của ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn cách đây 12 năm khi ngài chuẩn bị về nhận chức Tổng Giám mục Giáo phận Sài Gòn: Tâm sự của kẻ được sai đi. 

Sau giờ kinh tối, theo thường lệ, tôi chuẩn bị cho thánh lễ hôm sau. Thế nhưng hôm nay thấy mình có một cảm giác mới lạ: hai vai như đang bị đè nặng, đầu óc quay cuồng, không tập trung tư tưởng được, tôi bèn thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, những gì con đang cảm nhận đây, con xin kết hợp với hy lễ của Chúa để dâng lên Thiên Chúa Cha trong thánh lễ ngày mai”. 

Bỗng nhiên, tôi nghe một tiếng nói hơi lạ: 

- “Có điều gì làm cho ngươi âu lo đến thế?” 

Sau giây phút bàng hoàng, tôi nhận ra tiếng Chúa Giêsu nói, nên thưa với Người rằng: “Lạy Chúa, con mừng quá, con cám ơn Chúa đến với con ngay lúc nầy. Chúa biết con mới nhận được bài sai đi đến một chỗ lạ và lớn. Con cảm thấy âu lo và không biết phải làm gì !” 

- “Điều cốt yếu ngươi phải để tâm là tìm cách tiếp tục công trình Thiên Chúa Cha đã ủy thác cho Ta và cho Giáo hội mà Ta đã thiết lập: từ một cộng đồng nhân loại đã bị nguyên tội và lực lượng sự chết làm phân rẽ, ngươi hãy cùng những người mà Ta đã chọn, động viên mọi người góp sức xây dựng một cộng đồng nhân loại đoàn kết, hiệp nhất, một lòng mến Chúa yêu người, phục vụ cho sự sống và phẩm giá của mọi người, để họ được sống và sống dồi dào.” 

- “Lạy Chúa, Chúa biết việc nầy quả là khó khăn: giữa mọi người chúng con có nhiều khác biệt, khác biệt do hoàn cảnh văn hoá - xã hội - tôn giáo, khác biệt do quan điểm và lập trường, khác biệt do tính khí và khát vọng...” 

- Nhưng thưa Chúa, Chúa biết con quen sống bình dị và âm thầm. Con nghe nói nơi mới lạ này thì chuyện gì cũng được đưa lên giấy trắng mực đen, đưa lên mạng Internet, cả chuyện tốt lẫn chuyện xấu, chuyện thật lẫn chuyện ảo, dễ tạo ra dư luận phân rẽ, dễ làm cho khoảng cách giữa người với người xa thêm. 

- “Ngươi không thấy chính Ta cũng không thoát khỏi dư luận phũ phàng của người đời sao? Ngươi không biết hậu quả của dư luận đó đưa Ta đến đâu ư? Ngươi không nhớ rằng bước theo Ta cũng có nghĩa là đồng hành với Ta trên đường Thập giá ư?” 

- “Ta hiểu thấu lòng ngươi và đồng cảm với ngươi. Chính vì thế mà Ta đã gởi và đang tiếp tục gởi Thánh Thần mà Thiên Chúa Cha đã trao ban cho Ta, để Người luôn dẫn dắt ngươi qua từng chặng thử thách cam go. Ngươi có tin vào Người không?

- “Thưa Chúa, con tin.” 

Chợt tỉnh lại, tôi không còn nghe thấy Ngài nữa, nhưng vẫn cảm nhận một thứ ánh sáng và sức mạnh huyền diệu còn lan toả đâu đây...

Chúng ta xác tín rằng: Thiên Chúa vẫn ấp ủ và hướng dẫn ĐTC bước qua ngưỡng cửa hy vọng. Và tiếp tục hướng dẫn con thuyền Giáo Hội ra khơi trong ánh bình minh tươi sáng. 

Lm Đa Minh Đinh Viết Tiên, OP (daminhvn.net)

 


Về Trang Mục Lục