Các hội nghị thượng đỉnh ”hô to bắn tịt”

 

Radiovaticana 02/07/2010 – Hội nghị thượng đỉnh của khối G8 và khối G20 đã diễn ra tại công viên Huntsville tỉnh Toronto trong bang Ontario bên Canada trong các ngày từ 25 tới 27 tháng 6 vừa qua. Từ bao năm nay, cảnh ”đánh trống đánh phách” quảng cáo cho hội nghị thượng đỉnh của 8 cường quốc kinh tế thế giới, và lần này có thêm hội nghị thượng đỉnh đi kèm của 20 cường quốc kinh tế đang lên, đã không khiến cho dân chúng thế giới phấn khởi, trái lại khiến cho người ta càng nghi ngờ khả năng giải quyết vấn đề của các quốc gia giầu, hay đúng hơn càng có cảm tưởng các nước giầu không muốn giải quyết vấn đề của thế giới nghèo.

Sự thất bại của Hội nghị thượng đỉnh của Khối G8 lần này lại càng lộ liễu hơn nữa, vì các nước giầu nhất thế giới đã không tìm ra giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh do các ngân hàng quốc tế gây ra. Các nước tham dự đã có các lập trường hoàn toàn trái nghịch nhau liên quan tới đề nghị thành lập một loại thuế chung trên các ngân hàng và các tổ chức tài chánh, mà trong một hội nghị của Liên Hiệp Âu châu bà Angela Merkel thủ tướng của Đức đã tố cáo là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoàng tài chánh kinh tế đang khiến cho toàn thế giới khốn đốn từ mấy năm qua.

Giảng trong thánh lễ kính Đức Bà Orto tại Chiavari tỉnh Genova, tây bắc Italia, hôm 27 tháng 6 vừa qua Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cũng đã đề cập tới cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới hiện nay và bầy tỏ nỗi thất vọng của Giáo Hội đối với vài đồng thuận bé nhỏ, mà hội nghị thượng đỉnh của khối G8 đã đạt được trên lý thuyết, trong đó có việc đóng góp ngân khoản 7,3 tỷ mỹ kim để cứu các phụ nữ sinh con khỏi chết. Các lời tuyên bố của giới lãnh đạo khối G8 liên quan tới cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay gây thiệt hại cho cuộc chiến chống lại nghèo đói trên thế giới. Nhất là các cường quốc đã không đạt được thỏa hiệp nào liên quan tới việc đánh thuế các ngân hàng và tổ chức tài chánh, đang gây ra nạn sóng thần kinh tế tài chánh khiến cho toàn thế giới gặp cảnh khốn khổ từ mấy năm qua.

Đức Hồng Y Bertone nói các hậu qủa tiêu cực của cuộc khủng hoảng này phản ánh ngay trên cuộc sống của người trẻ Genova và Italia, như nạn thiếu công ăn việc làm, có công ăn việc làm bấp bênh, hay có việc làm nhưng không được đồng lương xứng đáng với khả năng của họ, và đặc biệt những người đã mất việc không tìm ra việc làm bảo đảm cho gia đình họ có cuộc sống xứng đáng. Trong cuộc viếng thăm Hiệp hội kinh tế Chiavari sau đó, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tái khẳng định sự dấn thân của Giáo Hội trong việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Italia cũng như trên thế giới.

Ông Michael Casey, giám đốc điều hành tổ chức phát triển và hòa bình công giáo Canada, đã nói lên sự thất vọng của mình đối với hội nghị thượng định của khối G8. Vì số tiền 7,3 tỹ mỹ kim không đủ để giúp ngăn chặn tệ nạn phụ nữ sinh con bị chết trên thế giới. Theo dự trù của Liên Hiệp Quốc cần phải có từ 15 đến 33 tỷ mỹ kim từ nay cho tới năm 2015 mới có thể giảm số phụ nữ chết khi sinh con trên thế giới, và cung cấp các dịch vụ y tế phù hợp với các mục tiêu của ngàn năm mới. Trong ý hướng đó Liên Hiệp Quốc yêu cầu khối G8 đóng góp 20 tỷ mỹ kim cho công tác này.

Các tổ chức phát triển cũng thỉnh cầu khối G20 góp phần giản nghèo đói trên thế giới từ nay cho tới năm 2015. Nhưng giới lãnh đạo của 20 nước có nền kinh tế đang lên, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Brasil và Nam Hàn, đã thảo luận các vấn đề khác, chứ không bàn tới tình hình kinh tế thế giới suy giảm. Họ đã chỉ đồng ý cắt giảm phân nửa số nợ hiện nay của các chính quyền liên hệ nội trong năm 2013, và chấm dứt không để cho nạn nợ nần quốc gia gia tăng từ nay cho tới năm 2016. Ngoài ra họ sẽ gây áp lực trên các chính quyền để cho các nước nghèo có thể tham gia vào nền kinh tế lành mạnh hơn trên thế giới. Trong tuyên ngôn chung kết, giới lãnh đạo khối G20 khẳng định rằng: ”Gia tăng sức lớn mạnh toàn cầu dựa trên các nền tảng có thể chịu đựng nổi đó là bước quan trọng nhất chúng tôi có thể làm để cải tiến cuộc sống của công dân trong các nước chúng tôi, nhưng cũng bao gồm cả các dân tộc của các nước nghèo nhất nữa”.

Bình luận về vài kết qủa ”èo ọt” của khối G8 và tuyên ngôn trên đây của khối G20, Linh Mục Paul Hansen, Dòng Chúa Cứu Thế, giám đốc Văn phòng cố vấn công lý Kinh Thánh tỏ ra thất vọng, vì thấy giới lãnh đạo khối G20 đã không lợi dụng dịp này để giảm việc đầu tư trong thị trường tài chánh. Cha nói: ”Điều chúng ta đã phát triển không còn là nền kinh tế dựa trên ích lợi và phục vụ nữa, mà là một nền kinh tế dựa trên giấy tờ, chuyển ngân tiền bạc nóng hổi, đầu cơ tích trữ tiền tệ, lèo lái cắt giảm ngân qũy, không dựa trên ích lợi và sự phục vu nào hết”.

Thế là các hy vọng mà nhiều tổ chức quốc tế và nhiều Hội Đồng Giám Mục, trong đó có Hội Đồng Giám Mục Pháp và Canada, cũng như hàng tỷ người nghèo trên thế giới chờ mong, đều tan biến trước các hội nghị thượng đỉnh của khối G8 va G20 vừa qua. Vì chúng chỉ là các hội nghị thượng đỉnh ”hô to bắn tịt”, lập đi lập lại từ nhiều năm qua.

Linh Tiến Khải


Về Trang Mục Lục