THÀNH QUẢ TÍCH CỰC NĂM LINH MỤC

 

Radiovaticana 19/07/2010 – Nhân 150 năm ngày qua đời của thánh Jean-Marie Vianney (1786-1859) Cha Sở họ Ars, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đề nghị Giáo Hội Hoàn Vũ cử hành Năm Linh Mục. Năm Linh Mục khai mạc và kết thúc với lễ Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU KITÔ từ 19-6-2009 đến 11-6-2010. Năm Linh Mục long trọng kết thúc với khoảng hơn 15 ngàn Linh Mục từ năm châu bốn bể tuốn về Roma. Các vị đặc biệt tham dự đêm canh thức và Thánh Lễ do Đức Thánh Cha chủ sự tại quảng trường Thánh Phêrô vào sáng ngày thứ sáu 11-6-2010. Năm Linh Mục để lại những buổi cử hành trang trọng với những hình ảnh khó quên trong tâm trí mọi tín hữu Công Giáo trên toàn thế giới.

Xin giới thiệu bài phỏng vấn Đức Cha Bernard Housset, Giám Mục giáo phận La Rochelle et Saintes ở miền Tây nước Pháp.

Hỏi: Xin Đức Cha cho biết đâu là ý hướng của Đức Giáo Hoàng khi ngài công bố một Năm dành cho các Linh Mục?

Đáp: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI muốn nhấn mạnh rằng các cộng đoàn tín hữu Công Giáo phải ý thức hơn về hồng ân trọng đại của sứ vụ Linh Mục. Các tín hữu Công Giáo nên ý thức sâu xa rằng các Linh Mục - cho dầu là những người bình thường - vẫn làm chứng cách khác thường về hồng ân tận hiến cuộc đời các vị để mãi mãi đi theo Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Các tín hữu Công Giáo cũng cần phải suy tư về chiều kích sâu thẳm về lòng trung tín của các Linh Mục. Đó cũng chính là dấu chứng sự trung thành của Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Đức Thánh Cha cũng ao ước - xin trích dẫn lời của Ngài - Năm Linh Mục khơi động và cổ võ ơn gọi thật cần thiết và ưu tiên đó là ơn gọi thừa tác vụ thánh.

Hỏi: Xin Đức Cha cho biết trong Giáo Phận của ngài đã có những sáng kiến và những tổ chức nào ghi dấu Năm Linh Mục.

Đáp: Năm Linh Mục được Đức Hồng Y Philippe Barbarin Tổng Giám Mục Lyon khai mạc trong cuộc hành hương vẫn tổ chức hàng năm vào tháng tám tại Ile Madame. Đây là nơi mà vào thời kỳ sau Cách Mạng Pháp 1789 - gọi là thời Terreur - Khủng Khiếp” đã diễn ra những cuộc đày ải và thảm sát kinh hoàng. Nó xảy ra trong khoảng thời gian kể từ tháng 9 năm 1792. Thật vậy, trước đó vào ngày 12-7-1790, Chính phủ của quân cách mạng Pháp đã thiết lập Hiến Chương Dân Sự cho hàng giáo sĩ Pháp với mục đích tách lìa Giáo Hội Công Giáo Pháp ra khỏi quyền cai trị của Đức Giáo Hoàng. Họ muốn thành lập một Giáo Hội Công Giáo Pháp tự trị. Đã có 800 Linh Mục Pháp bị đưa đi lưu đày vì đã cương quyết không chấp nhận cái Hiến Chương Dân Sự này. 700 vị đã chết trong những hoàn cảnh bi thảm nhất. Trong số các vị này có 64 Linh Mục được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong chân phước tại Roma vào ngày 1-10-1995. Cái chết anh hùng của các Linh Mục Pháp đã nêu cao gương sáng cho chúng tôi về lòng trung thành với Đức Chúa GIÊSU KITÔ và với Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ.

Sáng kiến thứ hai liên quan đến Giáo Phận chúng tôi - tôi không nói đến các sáng kiến diễn ra nơi các giáo xứ vì như thế sẽ quá dài - tôi cùng với 24 Linh Mục giáo phận đã đến Ars để tĩnh tâm trong vòng một tuần lễ. Cơ hội này giúp tôi biết rõ hơn về con người và cuộc sống thánh thiện của Cha Sở Jean-Marie Vianney.

Sáng kiến thứ ba là Đức Ông André Dupleix, Phó Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục Pháp - người đã viết hai cuốn sách về Cha Sở họ Ars - đã đến thuyết trình hai lần và giảng cho hơn 50 Linh Mục giáo phận tham dự tĩnh tâm.

Sáng kiến thứ tư là đài phát thanh Công Giáo RCF của chúng tôi đã phát đi chứng từ của các Linh Mục về những điều chính yếu linh hoạt cuộc sống các vị, xuyên qua niềm vui cùng những nỗi khó khăn.

Hỏi: Nếu nói một cách thực tế hơn thì Đức Cha mong muốn nói gì với các Linh Mục tuyên bố mình thật hạnh phúc thực thi sứ vụ cũng như với các Linh Mục không ngần ngại thú nhận phần nào bị mất can đảm?

Đáp: Trong toàn bộ lịch sử nhân loại cũng như lịch sử đời người luôn luôn chen lẫn ánh sáng và bóng tối, niềm vui và nỗi buồn sầu. Đó cũng là điều không thể tránh được trong cuộc sống của một Linh Mục khi ngài thực thi sứ vụ thánh. Nhưng sức mạnh và niềm vui của vị Linh Mục cậy dựa vào sức sống và niềm hy vọng của Đức Chúa GIÊSU KITÔ Phục Sinh. Tôi thường suy gẫm về bài diễn văn Đức Chúa GIÊSU nói với các môn đệ trong bữa ăn cuối cùng, được thánh sử Gioan ghi lại, đặc biệt là Lời Cầu Nguyện cho các Linh Mục. Tôi thường lập đi lập lại với các Linh Mục trong giáo phận - cách riêng với những vị đang trải qua thời kỳ chán nản mệt mỏi - tôi nói với các Linh Mục của tôi rằng: Anh em đã trao tặng cuộc đời, đã dâng hiến mọi khả năng để trình bày cách hữu hình cho Đức Chúa GIÊSU KITÔ vô hình. Vì thế, Đức Chúa GIÊSU KITÔ không thể nào bỏ rơi anh em!

Trong Giáo Phận của tôi, tôi nhận thấy rằng các Linh Mục thực sự có lòng nhiệt thành, có ý thức rõ rệt về sứ vụ Linh Mục và có một khả năng đương đầu với những khó khăn mà hầu hết tất cả chúng tôi đều phải trực diện. Đó là việc giảm sút con số tín hữu Công Giáo sống đạo cũng như số trẻ em đến tham dự các buổi học giáo lý và cuộc sống dửng dưng của một số người đã lãnh bí tích Rửa Tội, vv.

Hỏi: Năm Linh Mục vừa kết thúc. Theo Đức Cha thì đâu là hoa trái chính yếu mà Năm Linh Mục đạt được?

Đáp: Hoa quả đầu tiên là đối thoại, một cuộc đối thoại khác thường và sâu xa về sứ vụ và cuộc sống của các Linh Mục. Đối thoại giữa anh em Linh Mục với nhau và giữa Linh Mục với giáo dân. Cũng giống như trong cuộc sống của các đôi vợ chồng - khi đạt đến một số tuổi cao nào đó - thì tự nhiên lại chọn thinh lặng không còn muốn đối thoại trao đổi về những vấn đề xem ra quá hiển nhiên. Thế nhưng, nhờ Năm Linh Mục mà sự thinh lặng được phá vỡ: Các Linh Mục có thể công khai trình bày rõ ràng niềm xác tín của các vị và các con chiên bổn đạo đã lắng nghe lời các Linh Mục nói.

Hoa quả thứ hai là giáo dân đã đo lường mức độ quan trọng của Linh Mục đối với đời sống Kitô xây dựng trên Phúc Âm. Giáo Hội được chính Đức Chúa GIÊSU KITÔ thành lập. Vì thế Giáo Hội không thể hiện hữu và tồn tại nếu không có các thừa tác viên được truyền chức thánh.

Hoa quả thứ ba là khơi động trở lại công tác mục vụ cổ võ ơn gọi Linh Mục. Văn phòng giáo phận về ơn gọi đã đề ra nhiều sáng kiến để qui tụ các bạn trẻ đang trên đường tìm kiếm hoặc đã có ý hướng tiến về thiên chức Linh Mục. Chúng tôi khai trương chương trình ”Đan Viện Vô Hình”. Đây là mạng lưới gồm khoảng 200 người ghi tên dấn thân cầu nguyện mỗi ngày cho ơn gọi. Các Linh Mục đã mở rộng cửa mời các bạn trẻ đến tham dự những ngày sống với các vị nơi các nhà xứ để các bạn trẻ biết rõ hơn về cuộc sống của các Linh Mục. Tôi xin đan cử kết quả rõ rệt nhất của Năm Linh Mục: Chúng ta đang sống trong một Giáo Hội mà hầu như không còn ai dám công khai đặt vấn đề ơn kêu gọi. Nhưng kể từ đây, người ta dám làm!

Hỏi: Thưa Đức Cha Bernard Housset, trước vấn đề thuyên giảm con số các Linh Mục, các cộng đoàn tín hữu Công Giáo phải chăng giờ đây đành cam chịu cảnh sống không có các vị mục tử, hay là phải có nhiều Đức Tin hơn để xin THIÊN CHÚA gởi thợ đến đồng lúa của Ngài?

Đáp: Không nên sống cảnh cam chịu! Không! Giáo Hội không thể sống mà không có các thừa tác viên được truyền chức thánh. Tôi sung sướng khi thấy một số đông các giáo dân và những người tận hiến hăng say lãnh nhận trách nhiệm trong cộng đồng Giáo Hội. Nhưng những người này không thể thay thế các Linh Mục. Các tín hữu giáo dân trước tiên phải nâng đỡ các Linh Mục và cổ võ ơn gọi Linh Mục. Tôi muốn hướng dẫn giáo dân tiến đến việc tự đặt các câu câu hỏi sau đây:

- Chúng ta có biết cảm tạ THIÊN CHÚA về hồng ân Linh Mục không? Có biết tri ân việc các Linh Mục đáp lại tiếng Chúa kêu gọi không? Có biết tri ân về lòng tận tụy, sự trung tín và việc các Linh Mục dâng hiến toàn thân không? Hay là chúng ta lại quá mau lẹ phán đoán chỉ trích và kết án về những yếu đuối của các ngài? Vậy thì, chúng ta có biết bày tỏ với các Linh Mục lòng tri ân chân thành của chúng ta không?

Tôi xác tín sâu xa rằng chúng ta sẽ có ơn gọi Linh Mục dồi dào nếu các bạn trẻ trông thấy rõ ràng là các Linh Mục được các cộng đoàn giáo dân yêu thương kính trọng. Thái độ thứ hai mà tôi cầu mong cho các tín hữu Công Giáo phải có là Cầu Nguyện: Cầu cho sứ vụ Linh Mục đem lại hoa quả phong phú và cầu cho có nhiều người trẻ mau mắn đáp lại tiếng Chúa kêu gọi để trở thành những người thợ cho cánh đồng truyền giáo của Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Cầu cho những người trẻ tiếp nối sứ vụ các Linh Mục với trọn nhiệt năng, quảng đại và niềm hân hoan.

Hỏi: Thưa Đức Cha, Năm Linh Mục có thật sự mở ra những đường hướng để giải quyết vấn đề này không?

Đáp: Năm Linh Mục đúng ra đã mở rộng tâm thức và cho phép đặt những câu hỏi như: Tại sao chúng ta cần Linh Mục? Ở điểm nào các Linh Mục thật sự cần thiết và không thể thay thế được? Nhưng theo thiển ý tôi thì Năm Linh Mục mang lại những hoa trái ở tầm trung bình và về lâu về dài. Còn quá sớm để làm một thống kê chung kết.

Hỏi: Xin phép hỏi Đức Cha câu cuối cùng. Các vụ sì-căng-đan liên quan đến các Linh Mục nhắc nhở cách thảm bại rằng Linh Mục chỉ là người như bao người khác. Thế nhưng, trong một số trường hợp, Linh Mục hành động ”in persona Christi - trong cương vị Đức Chúa KITÔ”. Vậy thì, xét cho cùng, Linh Mục là một người thường hay là vị đại diện Đức Chúa KITÔ?

Đáp: Từ rất lâu đời, vẫn có những vụ xì-căng-đan liên quan đến việc yêu thích quá độ tiền bạc hay một cung cách lạm dụng tính dục đưa đến việc phản bội lời hứa độc thân. Rồi khoảng chục năm gần đây người ta làm nổ tung những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Giáo Hội ý thức rõ ràng tầm quan trọng của vấn đề khi không bóp nghẹt các sự kiện nhưng cố gắng tìm ra phương thế để diệt trừ. Đó là chú ý nhiều hơn đến việc huấn luyện các chủng sinh và cứng rắn đối với các Linh Mục đã phạm lỗi lầm. Linh Mục là một người như bao người khác. Ngài có những yếu đuối, những mỏng dòn. Tuy nhiên, nếu mọi tín hữu được rửa tội là thành phần Nhiệm Thể của Đức Chúa KITÔ, thì các Linh Mục và các Giám Mục lại hành động ”in persona Christi - trong cương vị Đức Chúa KITÔ” đặc biệt khi các vị cử hành các bí tích.

Vì thế, có một đòi hỏi vô cùng thiết yếu, đó là chúng tôi phải cậy dựa vào Đức Chúa GIÊSU KITÔ và van xin Ngài gởi Thánh Thần đến giúp chúng tôi vượt qua những bất toàn của thân phận con người để chúng tôi có thể trở thành các Linh Mục, Giám Mục đúng theo như lòng Ngài ước nguyện. Có như thế, chúng tôi mới có thể tiến bước trên con đường thánh thiện theo gương Cha Sở họ Ars.

(”Annales d'Issoudun”, Revue de Notre-Dame du Sacré-Coeur, Juin 2010, trang 14-16)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

 


Về Trang Mục Lục