TỔNG LÃNH THIÊN THẦN CỦA 6 VỊ GIÁO HOÀNG

radiovaticana 20/07/2010 – “Tổng Lãnh Thiên Thần của 6 vị Giáo Hoàng” là danh hiệu dành cho ông Arcangelo Paglialunga, niên trưởng chuyên viên đoàn về Vatican.

Hôm 11-6-2010 ông mừng thượng thọ cửu tuần. Ông là ký giả chuyên nghiệp phục vụ dưới 6 triều đại Giáo Hoàng từ Đức Pio XII cho đến Đức đương kim Biển Đức XVI. Ông thi hành nghề nghiệp với trọn lương tâm, nuôi dưỡng bởi tình yêu ông dành cho hiền thê dấu ái Caterina và nhất là được nâng đỡ bởi Đức Tin Công Giáo kiên vững không nôn-nao giao-động với thời gian và các biến cố. Sau đây là bài phỏng vấn ông dành cho ký giả Mario Ponzi nhân dịp ông mừng sinh nhật thứ 90.

Hỏi: Thưa ông, có phải chính ông đã khai trương Phòng Báo Chí Tòa Thánh?

Đáp: Đúng thế! Cùng với tôi có các bạn đồng nghiệp như Filippo Pucci, Bruno Bartoloni, Maurizio Iorio, Nicola Marinaro, Max Bergerre và nhiều ký giả khác. Lúc đó Phòng Báo Chí Tòa Thánh tọa lạc ở nội thành Vatican nơi tòa nhà dành cho Tờ L'Osservatore Romano ấn bản hàng tuần bằng các thứ tiếng. Phòng Báo Chí chỉ có một bàn lớn đặt ở chính giữa - đã bị mối mọt đục khoét - và băng ghế dài dành cho những ai may mắn chiếm được một chỗ ngồi. Tôi thuộc vào số những kẻ may mắn này. Ngoài ra còn có hai phòng điện thoại thật lớn và một phòng âm-u nửa tối nửa sáng trong đó có một máy ronéo quay bằng tay, cũ-rích ì-ạch phát ra những tờ thông cáo thông tin. Sau đó là thời kỳ Công Đồng Chung Vatican II, Phòng Báo Chí trở thành quá nhỏ bé chật hẹp. Năm 1966 khai trương một phần của cơ sở mới dành cho Phòng Báo Chí Tòa Thành hiện nay.

Tôi nhớ rất rõ là vào thời kỳ ấy nhóm ký giả chúng tôi phải chạy từ Phòng Báo Chí này sang Phòng Báo Chí kia để có thể theo dõi các cuộc họp báo do một Linh Mục lỗi lạc dòng Tên chủ tọa mỗi ngày. Đó là Cha Roberto Tucci (nay là Đức Hồng Y).

Hỏi: Xin ông cho biết lòng say mê nghề nghiệp báo chí nẩy sinh như thế nào?

Đáp: Năm ấy tôi 27 tuổi (1947). Đệ nhị thế chiến vừa chấm dứt. Tôi cảm thấy thích thú khi cầm bút kể lại những gì đã xảy ra. Tôi gởi các bài viết cho các nhật báo tỉnh lỵ và họ chấp nhận đăng các bài tôi viết. Các ký sự gieo vào lòng tôi niềm yêu thích văn chương. Tôi thực sự viết vào năm 1956 và trở thành ký giả chuyên nghiệp vào năm 1958. Tôi cộng tác với tờ “Gazzetta del Popolo - Bản Tin Quần Chúng” của thành phố Torino (Bắc Ý). Sau đó tôi cộng tác với các báo các thành phố như Bari, TriesteFirenze. Tôi cũng gởi bài cho các báo ở Sicilia, Napoli và Venezia. Khi tôi hợp tác với tờ “Gazzettino - Bản Tin Ngắn” của thành phố Venezia thì đúng vào thời kỳ diễn ra cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. Tôi được chỉ định nhiệm vụ theo sát các sinh hoạt của Đức Tân Giáo Hoàng. Do đó tôi nghiên cứu rất kỹ về con người và cuộc đời của Đức Gioan XXIII. Tôi có linh cảm đây là vị Giáo Hoàng sẽ trao đôi cánh cho niềm Hy Vọng.

Hỏi: Và cứ thế lần lượt trôi qua với 6 vị Giáo Hoàng?

Đáp: Nếu bạn đồng ý thì tôi xin mở một dấu ngoặc để nói về một nhân vật khác của Giáo Hội Công Giáo Ý, một vị mà tôi có nhiều liên hệ kính yêu. Đó là Đức Ông Lorenzo Perosi (1872-1956), một nhạc sư và là nhà sáng tác thánh ca nổi tiếng. Thời xuân trẻ tôi thường đến nhà ngài. Nơi đây tôi có dịp gặp các đại nhạc sĩ. Trong số các vị này tôi đặc biệt chú ý đến nhạc sĩ Pietro Mascagni (1863-1945). Tài năng âm nhạc của ông khiến tôi cảm thấy choáng váng. Trong khi Đức Ông Perosi giúp tôi biết thêm một vị Giáo Hoàng thứ bảy. Đó là Đức Pio X (1903-1914). Đức Pio X có tên thật là Giuseppe Melchiorre SARTO. Tôi xin giải thích. Đức Ông Lorenzo Perosi kể lại với tôi rằng. Buổi chiều ngày 9-8-1903 Đức Ông có mặt tại quảng trường thánh Phêrô với không biết bao nhiêu người khác để chờ đợi kết quả cuộc bầu cử vị tân Giáo Hoàng. Bỗng Đức Ông thấy cửa sổ phòng Đức Giáo Hoàng mở toang. Rồi người dọn phòng làm dấu hiệu như thể đang may một vật gì đó. Đức Ông Perosi hiểu ngay là mật nghị Giáo Hoàng đã bầu Đức Hồng Y Sarto. Sarto trong nguyên ngữ Ý có nghĩa là người thợ may. Thế là Đức Ông tức tốc chạy đi báo tin cho bạn bè người thân biết là Đức Hồng Y Giuseppe Melchiorre SARTO đã đắc cử Giáo Hoàng.

Hỏi: Ông có biết rõ Đức Giáo Hoàng Pio XII không?

Đáp: Kỷ niệm của tôi về vị Giáo Hoàng đại này không may lại liên quan đến cái chết của ngài xảy ra tại dinh thự mùa hè ở CastelGandolfo. Khi nhận hung tin Đức Giáo Hoàng lâm trọng bệnh tất cả các ký giả Vatican vội vã lên đường về thành phố. Lúc ấy nơi quảng trường trước dinh thự Giáo Hoàng chỉ có duy nhất một phòng điện thoại. Các ký giả người Mỹ chiếm ngay phòng điện thoại với hy vọng sẽ là những người đầu tiên loan tin băng hà của Đức Pio XII. Thế nhưng chuyện trớ trêu là chính Max Bergerre một phóng viên của hãng thông tấn Pháp AFP lại là ký giả đầu tiên truyền đi bản tin Đức Giáo Hoàng Pio XII băng hà. Hôm ấy là ngày 9-10-1958. Rút kinh nghiệm, đến khi Đức Gioan XXIII lâm trọng bệnh, các ký giả người Mỹ túc trực ngày đêm nơi quảng trường Thánh Phêrô. Trong khi chúng tôi ngủ tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh nằm cạnh quảng trường. Cuộc hấp hối của Đức Gioan XXIII kéo dài đến 5 ngày tròn!

Hỏi: Xin ông cho biết có đúng thật là một ngày Đức Gioan XXIII gợi lên trong bài diễn văn của ngài hình ảnh của dòng sông Ấn Độ “Gange - Hằng Hà” khiến mọi người hiện diện phải ngỡ ngàng không?

Đáp: Đây là một kỷ niệm đặc biệt mà tôi cùng san sẻ với bạn thân và đồng nghiệp Bruno Bartoloni. Câu chuyện diễn ra trong buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha Gioan XXIII dành cho một nhóm tín hữu hành hương thuộc các giáo phận miền Lombardia về Roma chúc mừng sinh nhật thứ 80 của ngài. Đoàn tín hữu hành hương do Đức Tổng Giám Mục Giovanni Battista Montini (sau này trở thành Đức Giáo Hoàng Phaolô VI) hướng dẫn. Hôm ấy là ngày 4-11-1961 và cuộc tiếp kiến diễn ra nơi “Đại Thính Đường Phép Lành”. Tất cả các ký giả Vatican đều có mặt. Đức Tổng Giám Mục Montini đọc một bài diễn văn vô cùng súc tích, trong đó có đoạn ngài nói rằng thế giới hôm nay sau khi đạt tới nền văn minh sâu xa giờ đây bỗng chứng kiến nền hòa bình bị đe dọa vì chính các tiến bộ của mình. Thật thế, đó là thời kỳ Nga Sô thử nghiệm vũ khí hạt nhân khiến cho cộng đồng quốc tế vô cùng lo âu. Và Đức Thánh Cha Gioan XXIII bất ngờ đáp lại bằng một bài ứng khẩu thật dài, trong đó ngài trình bày tầm quan trọng của các tôn giáo.

Tôi không nhớ rõ vì lý do gì, nhưng Đức Gioan XXIII bỗng nói về dân tộc Ấn và cách thức đặc thù của họ về truyền thống thanh tẩy trong dòng nước của sông Hằng Hà - Gange. Toàn bộ bài diễn văn hoàn toàn ứng khẩu. Điều này khiến cho ông Cesidio Lolli ký giả báo Quan Sát Viên Roma và vị phó giám đốc của tờ báo phải khó nhọc viết lại toàn bài diễn văn. Công việc thật nhiêu khê tốn không biết bao nhiêu giờ làm việc phụ trội. Thời gian kéo dài ròng rã suốt năm ngày trời. Vậy mà, khi bài diễn văn xuất hiện trên tờ Quan Sát Viên Roma thì lại thiếu mất phần Đức Gioan XXIII nói về hình ảnh tượng trưng của việc thanh tẩy nơi dòng nước sông Hằng Hà!

Với Đức Thánh Cha Gioan XXIII, tất cả đều bất ngờ: Ngài ra khỏi Vatican khi ngài muốn và không hề thông báo cho ai biết. Một hôm khi viếng thăm mục vụ giáo xứ San Tarcisio ở thủ đô Roma, ngài bỗng cất tiếng nói đùa khi trông thấy một nhóm phụ nữ cứ rì-rào nhỏ to trong lúc ngài đang nói: - Xem kìa, mấy đứa con gái bà Evà này không thể nào kìm hãm được miệng lưỡi của mình!

Hỏi: Còn về Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, ông nhớ gì về ngài? Ông có những kỷ niệm nào về ngài?

Đáp: Khi có dịp quen biết thật gần tôi nhận ra Đức Thánh Cha Phaolô VI đã đau khổ rất nhiều cho Giáo Hội. Ngài có một nền tu đức thật cao. Nhưng dân chúng không hiểu ngài hoặc hiểu ngài quá ít và hiểu sai. Chẳng hạn, tôi nhớ vào một buổi sáng lễ Giáng Sinh, Đức Phaolô VI có thói quen đến dâng Thánh Lễ nơi một giáo xứ ở thủ đô Roma. Đường xá vắng teo. Chỉ có xe của Đức Giáo Hoàng và xe của các ký giả Vatican tháp tùng ngài. Sau Thánh Lễ, Đức Thánh Cha gọi Đức Ông Pasquale Macchi (1923-2006) vị bí thư của ngài đến gần và cho biết ngài muốn viếng thăm một gia đình của giáo xứ để chúc mừng Giáng Sinh. Có một gia đình được chọn nhưng không được báo trước. Vì thế khi Đức Thánh Cha Phaolô VI bước vào nhà thì người ta cho biết là bà chủ nhà đang bệnh nên không thể tiếp đón Đức Thánh Cha cách xứng đáng. Nhưng Đức Phaolô VI nhân từ vẫn muốn gặp bà, ngài nói thêm, chính vì bà đang bị bệnh. Trước khi rời nhà, Đức Thánh Cha đã để lại cho gia đình này một món quà.

Hỏi: Còn về Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I thì ông từng viết rằng ông rất cảm kích trước tài năng của ngài phải không?

Đáp: Đúng thế! Tôi nhớ rất rõ những cuộc gặp gỡ những buổi tiếp kiến ngoại lệ của ngài mà tôi hân hạnh tham dự. Tôi nhớ những lời ngài nói đùa với các nữ tu và các trẻ em. Khi hung tin Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I băng hà do một đồng nghiệp hãng tin Ansa báo cho tôi biết nơi quảng trường Thánh Phêrô, tôi không tin là có thật. Hôm ấy là buổi sáng 28-9-1978. Mới vỏn vẹn hơn một tháng trôi qua kể từ ngày ngài đắc cử giáo hoàng! Thế nhưng khi nhìn sang “cửa đồng - portone di bronzo” và thấy cửa đóng một cánh, tôi mới vỡ lẽ: tin Đức Thánh Cha băng hà là thật. Mọi người xôn xao rúng động và ngỡ ngàng.

Hỏi: Thưa ông, còn những điểm ghi ông dành cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thì như thế nào?

Đáp: Điểm ghi ư? Không phải vậy đâu, mà là 42 quyển nhật ký tôi dành cho Đức Gioan Phaolô II! Tôi gặp ngài không biết bao nhiêu lần. Không kể hết! Tôi cẩn trọng giữ gìn các tấm ảnh chụp chung với ngài. Đối với tôi, đối với Đức Tin Công Giáo của tôi thì Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II luôn luôn giữ vai trò nòng cốt, một sức mạnh cho tôi.

Hỏi: Ông có thể kể cho chúng tôi nghe về cuộc gặp gỡ mỗi buổi sáng với Đức Hồng Y Joseph Ratzinger?

Đáp: Rất dễ gặp Đức Hồng Y Ratzinger! Chỉ cần bạn bước qua các hàng cột của quảng trường thánh Phêrô vào lúc đúng 9 giờ sáng, thì chắc chắn thế nào bạn cũng gặp được ngài. Tôi tình cờ gặp Đức Hồng Y không biết bao nhiêu lần, bởi lẽ, tôi cũng có thói quen đến Phòng Báo Chí Tòa Thánh vào giờ này. Những cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi trở thành quen thuộc và thân tình. Ngài chờ nghe tôi loan những tin tức sốt dẽo. Còn tôi thì cũng thật hân hoan báo tin cho ngài biết. Rất nhiều lần Đức Hồng Y làm hiệu cho tôi đến gần. Có lúc khác thì chúng tôi chỉ chào nhau từ xa và mỗi người đi theo con đường của mình.

Hỏi: Trên “Bản Tin - Gazzettino” số ra ngày 16-4-2005 bài ông viết có tựa đề: “Chính Đức Ratzinger là người kế vị thích hợp nhất”, có phải như vậy không?

Đáp: Khi những làn khói trắng bắt đầu tỏa ra từ các ống phun khói bên trên nhà nguyện Sistina thì tôi đang viết tiểu sử của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger. Các ký giả đồng nghiệp - khi thấy khói trắng bắt đầu phun ra - khuyên tôi nên ngừng viết bởi lẽ trong giây phút ngắn ngủi sắp tới chúng tôi sẽ biết tên vị tân giáo hoàng. Nhưng tôi vẫn tiếp tục miệt mài viết. Tôi chắc chắn vị tân giáo hoàng sẽ là Đức Ratzinger. Các bạn đồng nghiệp xem tôi là kẻ “mát dây”! Nhưng sự thật không phải như vậy! Và tôi đã đoán đúng. Sau đó, tôi có nhiều dịp đến gần Đức đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI vào những buổi tiếp kiến. Ngài nhận ra tôi và tỏ dấu vui mừng. Tôi cảm nhận nơi ngài một tình thân hữu. Vì thế mặc dầu đã về hưu, tôi vẫn tiếp tục đến Phòng Báo Chí Tòa Thánh. Nơi đây tôi cảm thấy gần gũi với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.

(“L'OSSERVATORE ROMANO”, Giornale Quotidiano Politico Religioso, (Unicuique suum Non praevalebunt), Anno CL, Venerdi 11 Giugno 2010, trang 7)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

 


Về Trang Mục Lục