Tiểu Sử Chân Phước Chiara Badano

Chiara Badano sinh ngày 29 tháng 10 năm 1971 sau 11 năm trời cha mẹ chờ đợi, tại Sassello, một thị xã vùng núi Appennino miền tây bắc nước Ý, thuộc giáo phận Acqui,. Tên Chiara nói lên con người cô, với cặp mắt lớn trong suốt, nụ cười hiền hậu và chuyền cảm, thông minh và cương nghị, linh hoạt, vui vẻ và thích thể thao, cô được mẹ giáo dục – qua những dụ ngôn Tin mừng - biết thưa chuyện với Chúa Giêsu và “luôn thưa vâng” với Người.

Cô là con người lành mạnh, thích thiên nhiên và chơi đùa, nhưng từ khi còn bé cô đăc biệt tỏ ra lòng yêu thương “những người bé nhỏ” là những người cô chú ý đến cùng phục vụ, bằng cách thường từ bỏ những giây phút nghỉ ngơi của mình. Ngay từ hồi còn đi vườn trẻ Chiara đã góp tiền để dành vào một chiếc hộp nhỏ dành cho những “trẻ da đen”; sau đó cô mơ ước được đi Phi châu như y sĩ để chữa bệnh cho trẻ em.

Là một bé gái bình thường, nhưng có một cái gì hơn nữa, Chiara để cho ơn Chúa và chương trình của Chúa dần dần tỏ lộ uốn nắn. Ngày rước lễ lần đầu Chiara được tặng cuốn Tin mừng. Đó sẽ là một “cuốn sách tuyệt diệu” và “một sứ điệp phi thường” cho cô; sau này cô khẳng định: “Cũng như đối vớì tôi học a b c thì dễ, thì cũng phải dễ sống Tin mừng!”.

Khi lên chín tuổi Chiara gia nhập nhóm Gen trong Phong trào Focolare, cô lấy đó làm lý tưởng và dần dần kéo cha mẹ đi theo. Từ đó cuộc sống cô hoàn toàn đi lên, trong việc tìm cách “đặt Thiên Chúa lên chỗ cao nhất”.

Chiara theo học cho đến những năm cuối trung học, và dâng lên Chúa Giêsu mọi khó khăn cũng như đau khổ. Nhưng năm 17 tuổi, thình lình cơn đau ở vai bên trái cho thấy qua những khám nghiệm và chữa chạy vô ích bệnh ung thư xương, cơn bệnh khởi đầu cho cuộc đi lên can-va-ri-ô kéo dài chừng hai năm trời. Khi biết căn bệnh, Chiara không khóc, không chống đối: mà chìm trong yên lặng, nhưng sau chỉ 25 phút từ miệng cô thốt ra lời thưa vâng với Chúa. Cô thường lặp lại: “Giêsu, nếu Chúa muốn, thì con cũng muốn thế”.

Chiara không để mất nụ cười rạng rỡ của mình; cô đương đầu với những chữa chạy rất đau đớn và lôi kéo người gần gũi đến cùng một Tình thương. Cô từ chối thuốc móc-phin vì nó làm cho cô không còn sáng suốt, và dâng hiến mọi sự vì Giáo hội, vì những người trẻ, những người không tin, vì Phong trào, vì công cuộc truyền giáo.., bằng cách tỏ ra tươi vui và mạnh mẽ. Cô lặp lại: “Tôi không có gì cả, nhưng còn con tim và với con tim tôi vẫn có thể mến yêu”.

Căn phòng tại bệnh viện thành phố Tô-ri-nô và tại nhà, là nơi gặp gỡ, làm tông đồ, nơi hiệp nhất: đó là thánh đường của cô. Cả những y sĩ, đôi khi không phải là những người sống đạo, bị đánh động bởi niềm an bình cô lan tỏa ra chung quanh, và một số người trở lại với Chúa. Họ cảm thấy “như bị nam châm hấp dẫn” và ngày nay họ vẫn còn nhớ đến cô, nói về cô và khẩn cầu cô.

Khi má hỏi có đau lắm không cô trả lời: “Chúa Giêsu lấy thuốc tẩy tẩy sạch con cả những điểm đen nhỏ và thuốc tẩy đốt cháy. Như thế khi lên Thiên đàng con sẽ nên trắng như tuyết”. Chiara tin vững vàng vào tình thương Thiên Chúa đối với mình, vì thế cô khẳng định: “Chúa yêu thương tôi vô bờ bến” và sau một đêm đặc biệt đau đớn cô đã có thể nói: “Tôi đau lắm, nhưng tâm hồn tôi ca hát…”.

Với những người bạn đến yên ủi cô, nhưng khi ra đi chính họ được an ủi, không lâu trước khi về Trời cô tâm sự: “… Các bạn không tưởng tượng được mối liên hệ của tôi với Chúa Giêsu lúc này thế nào… Tôi cảm thấy Chúa đòi tôi cái gì hơn nữa, lớn lao hơn. Có thể tôi sẽ nằm trên chiếc giường này nhiều năm trời, tôi không biết. Đối với tôi chỉ có ý Chúa là quan trọng, làm theo ý ấy trong giây phút hiện tại: đó là đáp lại Chúa. Nếu bây giờ người ta hỏi tôi có muốn đi lại không (khi cơn bệnh gia tăng cô bị liệt chân với những cơn soắn rất đau đớn), tôi trả lời là không, vì như vậy tôi được ở gần Chúa Giêsu hơn”.

Vì nhiều người nài nỉ, cô đã viết cho Đức Mẹ trên một tờ giấy nhỏ: “Lạy Mẹ trên Trời, con xin Mẹ phép lạ được lành bệnh; nếu điều đó không theo ý Chúa, thì con xin Mẹ được sức mạnh để không bao giờ bỏ cuộc!” và cô đã trung thành với quyết định này.

Từ hồi còn nhỏ Chiara đã quyết định không “hiến tặng Chúa Giêsu cho bạn bè bằng lời nói, mà bằng hành động”. Điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng; thực vậy, đôi khi cô đã lặp lại: “Thật khó đi ngược giòng!” Và để có thể vượt thắng cản trở, Chiara thường lặp lại: “Giêsu, việc này vì Chúa!

Để sống đạo tốt Chiara đưa ra quyết định tham dự thánh lễ hàng ngày: trong thánh lễ cô nhận lấy Chúa Giêsu, Đấng cô rất mến yêu. Cô đọc Lời Chúa và suy niệm. Cô thường suy nghĩ về lời khẳng định của chị Chiara Lubich: “Tôi sẽ nên thánh, nếu tôi nên thánh ngay lập  tức”.

Cô thường lặp lại với mẹ, lúc bà lo lắng sẽ mất cô: “Mẹ cứ phó thác cho Chúa, như thế đã đủ rồi ”; và “Khi con không còn nữa thì mẹ theo Chúa và mẹ sẽ tìm được sức mạnh để tiến bước .

Chiara nhã nhặn đón tiếp người đến thăm mình và hiến tặng chính cái đau đớn của mình, bởi vì: “Tôi không có của cải gì!”. Trong những lần gặp gỡ cuối cùng với vị Giám mục của mình, cô tỏ ra lòng yêu mến lớn lao đối với Giáo hội. Đang khi đó căn bệnh lan ra và những đau đớn tăng thêm. Cô không thốt ra một lời kêu than: “Với Chúa, lạy Chúa Giêsu; vì Chúa, lạy Chúa Giêsu!”.

Chiara chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Chúa: “Đó là vị Hôn phu đến gặp tôi”, và cô chọn chiếc áo cưới, chọn những bài ca và những lời cầu nguyện cho Thánh lễ “của mình”; nghi lễ phải là một “lễ mừng”, nơi “không ai phải khóc”.

Khi lãnh nhận Chúa Giêsu thánh thể lần cuối cùng Chiara tỏ ra chìm ngập trong Người và xin người ta đọc “lời kinh”: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin ban cho chúng con một tia sáng của Chúa.

Cái tên “LUCE” (Ánh sáng) đã được Chị Chiara Lubich đặt cho cô, vì ngay từ hồi còn nhỏ cô đã có một mối liên hệ thơ từ mật thiết và như con thảo với Chị.

Cô không sợ cái chết. Cô đã nói với mẹ: “Con không xin Chúa Giêsu đến đưa con về Thiên đàng nữa, vì con còn muốn dâng lên Người nỗi đau đớn của con, để còn chia sẻ với Người đôi chút thập giá”. Cô có một tư tưởng đặc biệt về giới trẻ: “…Những người trẻ là tương lai. Con không còn chạy được nữa, tuy nhiên con muốn trao cho họ ngọn đuốc như ở thế vận hội. Những người trẻ chỉ có một cuộc sống duy nhất và đáng được sống tốt!”

Và vị “Hôn phu” đến rước cô vào rạng đông ngày 7 tháng 10 năm 1990, sau một đêm rất đau đớn. Đó là ngày lễ Đức Mẹ Mân côi. Đây là những lời cuối cùng của cô; “Má, má hãy vui mừng, vì con hạnh phúc. Chào má”. Cô còn một món quà: đó là con mắt của cô.

Trong lễ an táng được Đức Giám mục cử hành, hàng trăm hàng trăm người trẻ chạy đến và rất nhiều linh mục. Ban nhạc Gen Rosso và Gen Verde đã ca lên những bài ca do cô chọn.

Tấm gương sáng ngời của Chiara đã đạt đến rất nhiều tâm hồn người trẻ và những người không còn trẻ, đánh động họ và hướng họ về với Chúa.

Ngay lập tức “danh tiếng thánh thiện” của cô đã lan ra nhiều nơi trên thế giới; đạt “nhiều hoa quả”. Đức Cha Livio Maritano, Giám mục giáo phận Acqui, ngày 11 tháng sáu năm 1999 đã khai mạc dự án phong thánh cho cô. Ngày 3 tháng bẩy năm 2008 cô được tuyên dương là “Đáng kính” nhìn nhận cách sống đến chỗ anh hùng về các nhân đức đối với Chúa và các nhân đức hàng chính. Ngày 19 tháng 12 năm 2009 Đức thánh Cha Bê-nê-đích-tô XVI đã nhìn nhận phép lạ do lời chuyển cầu của Đấng đáng kính Chiara Badano, và ký sắc lệnh tuyên phong Chân phước cho cô. Hôm nay ta đạt đến mục tiêu Chân phước.

 


Về Trang Mục Lục