BUỔI HÁT KINH CHIỀU Tại Quảng trường trước Nhà Nguyện Đền Thánh Wallfahrtskapelle tại Etzelsbach, Ngày 23-9-2011

Anh Chị Em thân mến,

Tự đáy lòng, Tôi muốn chào thăm tất cả Anh Chị Em đến đây, tại Etzelsbach này, để dành một giờ cầu nguyện. Khi còn niên thiếu Tôi đã nghe nói nhiều tới Etzesbach và Tôi đã nghĩ rằng: Tôi phải viếng thăm nơi này một lần và cùng cầu nguyện với mọi người. Tôi xin nồng nhiệt cám ơn Đức Giám Mục Wanke, mà trong suốt chuyến bay Ngài đã trình bày cho Tôi biết vùng đất của Anh Chị Em, và Tôi cám ơn các người xướng ngôn viên cũng như các vị đại diện của Anh Chị Em đã tặng Tôi những món quà tượng trưng cho vùng đất của Anh Chị Em, và đồng thời, các món quà này đã cho Tôi biết những điều khác nhau trong vùng này.

Vì thế Tôi thật may mắn và hạnh phúc vì thực hiện được ước mong của Tôi đến thăm viếng Eichsfeld và cùng với Anh Chị Em, chúng ta có thể cám ơn Đức Trinh Nữ Maria ở Etzelsbach đây. “Ở đây, trong thung lũng thân thương và bình lặng” – như một bài hát của các khách hành hương thường hát lên – và “dưới những bóng cây”, Đức Mẹ Maria cho chúng ta sự an toàn và sức mạnh mới. Trong hai chế độ độc tài khắc nghiệt, muốn làm mất đi khỏi con người đức tin truyền thống của họ, người dân tại Eichsfeled được an tâm tìm thấy ở đây, trong Đền Thánh Etzelsbach, một cánh cửa mở ra và một nơi an toàn, có sự bình an nội tâm. Tình bạn hữu đặc biệt với Đức Maria, một tình bạn hữu đã lớn lên tất cả từ Đền Thánh này, chúng ta muốn tiếp tục biểu lộ qua việc Hát Kinh Chiều hôm nay kính Đức Mẹ.

Khi các Kitô Hữu trong mọi thời đại và ở khắp mọi nơi hướng về Mẹ Maria, thì họ để cho mình được hướng dẫn bở tin chắc chắn tự phát rằng Chúa Giêsu không thể nào từ chối các lời khẩn xin mà Mẹ của Ngài nói lên cho Ngài; và người ta cũng dựa vào sự tín thác không lay chuyển, đó là Mẹ Maria cùng một lúc cũng là Mẹ của chúng ta – một Người Mẹ đã cảm nghiệm sự đau khổ lớn lao nhất hơn tất cả các đau khổ khác, người Mẹ cùng với chúng ta nhận ra tất cả mọi nỗi khó khăn của chúng ta và Mẹ nghĩ theo cách thế của một người mẹ để giúp họ vượt qua tất cả. Biết bao nhiêu người trong dòng chảy của các thế kỷ đã đi hành hương đến với Mẹ Maria để tìm được trước tượng Đức Mẹ Sầu Bi - như ở đây tại Etzelsbach – sự an ủi và nâng đỡ!

Chúng ta hãy nhìn ảnh của Đức Mẹ! Một người phụ nữ tuổi trung niên cùng với đôi mắt nặng trĩu vì những tiếng khóc than và đồng thời ánh mắt có vẻ mơ mộng nhìn về phía xa xăm, như chính Mẹ đang suy tư trong lòng về những gì đã xảy ra. Trên đầu gối của người Phụ Nữ này, một thân xác mỏng mảnh của Con Mẹ đặt ngồi trên đó. Mẹ ẵm người Con này cách tế nhị và với tình thương, nâng niu như là một ơn huệ thật cao quý. Trên thân mình người Con để trần chúng ta nhìn thấy những dấu vết của việc đóng đinh. Cánh tay trái của Đấng Bị Đóng Đinh buông thẳng xuống dưới. Có lẽ việc tạc tượng Pietà (tượng Đức Mẹ sầu bi)– như người ta thường dùng – được đặt ngay từ đầu trên một bàn thờ. Như thế Chúa Bị Đóng Đinh cùng với cánh tay giang ra hướng về những gì buông xuống trên bàn thờ, nơi đó Mẹ dâng hy tế do chính Con đã hoàn thành và hy tế này được làm cho hiện thực lại trong ThánhThể.

Một điểm đặc biệt của bức ảnh lạ tại Etzelsbach là thế đặt của Đấng Bị Đóng Đinh. Phần lớn trong các lối trình bày tượng Pietà, Chúa Giêsu chết nằm mà đầu ngả về phía trái. Như thế người quan sát có thể nhìn thấy vết thương của cạnh sườn của Đấng Bị Đóng Đinh. Ở đây tại Etzelsbach, trái lại, vết thương của cạnh sườn bị giấu đi, bởi vì xác chết, rõ ràng, hướng về phía khác. Tôi nghĩ là trong khi diễn tả như thế người ta giấu ẩn một ý nghĩa sâu xa, chỉ được tỏ lộ ra với những ai chú ý chiêm ngắm ảnh này: trong bức ảnh lạ tại Etzelsbach, hai trái tim của Chúa Giêsu và của Mẹ của Chúa lại hướng về nhau, trái tim này hướng về trái tim kia, hai trái tim ở sát cạnh nhau. Các Đấng chia sẻ tình yêu cho nhau. Chúng ta biết rằng trái tim cũng là cơ quan của sự đồng cảm sâu xa với người khác, cũng như là cơ quan của sự cảm thông thân tình. Trong trái tim của Mẹ Maria có chỗ dành cho tình yêu mà Con Thiên Chúa, Con của Mẹ, muốn ban cho thế giới.

Lòng sùng kính Mẹ Maria được tập trung vào việc chiêm ngắm mối liên hệ giữa Mẹ và Con Thiên Chúa của Mẹ. Các tín hữu, trong khi cầu nguyện, trong những lúc đau khổ, trong lúc tạ ơn và trong những niềm vui, họ luôn tìm ra được những khía cạnh mới và những tước hiệu mới là những tước hiệu tỏ ra cho chúng ta biết mầu nhiệm này, thí dụ ảnh Trái Tim Vô Nhiễm nguyên tội Đức Mẹ Maria được coi như là biểu hiệu của sự kết hợp sâu xa và không dè dặt với Đức Kitô trong tình yêu. Không phải là việc tự thực hiện, là ý muốn chiếm đoạt và xây dựng chính mình, để hoàn thành việc phát triển chính thực của con người, điều mà ngày nay được đề nghị như là mẫu mực của đời sống tân thời, nhưng người ta cũng thay đổi cách rất dễ dàng tình cảm này thành một hình thức ích kỷ tế nhị. Đúng hơn đó là một thái độ của sự trao ban chính mình, việc từ bỏ chính mình đi, và điều này hướng tới Trái Tim của Mẹ Maria và từ đây cũng hướng tới Trái Tim Chúa Giêsu, và cũng hướng tới người khác nữa, và chỉ trong cách thế này mà chúng ta tìm ra được chính mình chúng ta.

“Chúng ta biết rằng tất cả đều hướng về điều lành cho những kẻ yêu mến Thiên Chúa, cho những kẻ được kêu gọi theo kế đồ của Ngài” (Rm 8, 28): như chúng ta vừa nghe đọc trong bài Sách Thánh trích từ thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu tại Rôma. Trong Đức Maria, Thiên Chúa đã đem tất cả quy tụ làm cho nên điều lợi ích và Ngài không ngừng làm sao, để qua Đức Maria, lợi ích này làn tràn ra hơn nữa trong thế giới. Từ Thánh Giá, từ Ngai tòa của ơn thánh và từ ơn cứu rỗi, Chúa Giêsu đã trao gửi cho con người, chính Đức Maria Mẹ của riêng Ngài, như là Mẹ của họ. Trong giây phút dâng hy tế chính mình cho nhân loại, theo cách thế nào đó, Ngài làm cho Đức Maria, nên Đấng Trung Gian, từ đó chảy ra nguồn ơn Thánh phát xuất từ Thánh Giá. Dưới chân Thánh Giá, Đức Maria trở thành người bạn và người bảo trợ loài người trong hành trình tiến tới sự sống. “Với tình Mẹ hiền, Ngài chăm sóc những anh em của Con Ngài đang lữ hành trên dương thế và đang gặp bao nguy hiểm, thử thách, cho đến khi họ đạt tới quê trời” (Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân, s. 62), Cộng Đồng chung Vaticano II đã diễn tả như thế. Phải, trong đời sống, chúng ta trải qua những biến cố dồn dập lúc thế này lúc thế khác, nhưng Đức Maria chuyển cầu cho chúng ta bên Tòa Con của Mẹ và giúp chúng ta tìm được sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa của Con và mở ra cho chúng ta con đường đi đến với Ngài.

Sự tín thác của chúng ta vào lời bầu cử của Mẹ Thiên Chúa và niềm tri ân của chúng ta vì sự trợ giúp luôn luôn được cảm nghiệm cách mới mẻ, mang theo nơi mình trong một cách thế nào đó, sự thúc đẩy để chúng ta suy nghĩ thêm ngoài mức độ cần thiết cho mỗi giai đoạn. Điều gì Đức Maria thực sự muốn nói cho chúng ta khi Ngài cứu chúng ta khỏi một cơn nguy hiểm? Ngài muốn giúp chúng ta hiểu tầm mức lớn lao và mức sâu thẳm của ơn gọi là Kitô Hữu của chúng ta. Với với sự tế nhị hiền mẫu Đức Maria muốn làm cho chúng ta hiểu rằng tất cả đời sống của chúng ta phải là một lời đáp trả cho tình yêu giàu lòng thương xót của Thiên Chúa. Như thế chúng ta tự nhủ mình rằng: hãy hiểu rằng Thiên Chúa, Đấng là nguồn mọi sự thiện hảo và Ngài không muốn gì khác hơn là hạnh phúc chân thực của bạn, Ngài có quyền đòi hỏi nơi Bạn một đời sống hoàn toàn từ bỏ và trong niềm vui Bạn theo ý muốn của Ngài và lo lắng để cả những người khác cũng làm như thế. “Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có tương lai”. Quả thế: ở đâu chúng ta để cho tình yêu của Thiên Chúa hoạt động hoàn toàn trên đời sống của chúng ta và trong đời sống của chúng ta, thì ở đó trời mở ra. Ở đó người ta có nhào nặn nên hiện tại làm cho luôn đáp ứng hơn nữa với Tin Mừng của Chúa chúng ta Đức Giêsu Kitô. Ở đó những sự vật bé nhỏ của đời sống hằng ngày có ý nghĩa và ở đó những vấn đề trọng đại sẽ tìm được câu giải đáp.

Trong niềm xác tín này, chúng ta cầu xin Đức Maria, với niềm xác tín này chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta và là Thiên Chúa của chúng ta . Amen.

Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả (Dịch từ bản văn tiếng Ý)

 


Về Trang Mục Lục