ĐHY TURKSON HỌP BÁO GIỚI THIỆU NGÀY SUY TƯ CẦU NGUYỆN TẠI ASSISI

Radiovaticana 18/10/2011 15.10.53 – VATICAN. Sáng 18-10-2011, ĐHY Peter Turkson, người Ghana, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, đã mở cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh, để trình bày về Ngày suy tư, đối thoại và cầu nguyện cho công lý và hòa bình trên thế giới tổ chức tại Assisi vào ngày 27-10 tới đây.

Ngày này có chủ đề là “Những người lữ hành của chân lý, lữ hành của hòa bình” do ĐTC Biển Đức 16 triệu tập nhân dịp kỷ niệm đúng 25 năm cuộc gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo về hòa bình do Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 triệu tập cũng tại Assisi ngày 27-10-1986.

Hiện diện tại cuộc họp báo, còn có nhiều chức sắc của 3 Hội đồng Tòa Thánh: Hiệp nhất các tín hữu Kitô, Đối thoại liên tôn và Văn hóa, là những cơ quan cũng cộng tác vào việc tổ chức Ngày này. ĐHY Turkson nhấn mạnh rằng “mục đích ngày suy tư, đối thoại và cầu nguyện của các vị lãnh đạo tôn giáo ở Assisi là để chứng tỏ một cách đơn sơ rằng từ những người có tôn giáo và những người thiện chí, có ước muốn đóng góp phần đặc thù của mình cho việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, đồng thời nhìn nhận cần phải tăng trưởng trong sự đối thoại và quí chuộng lẫn nhau, để có hoạt động hữu hiệu.”

ĐHY Turkson cũng nói đến những thách đố mới trên thế giới ngày nay, so với tình trạng 25 năm về trước. “Các thách đố này nằm trong cuộc khủng hoảng tài chánh và kinh tế kéo dài hơn dự định, tiếp đến là cuộc khủng hoảng của các cơ chế dân chủ và xã hội; cuộc khủng hoảng lương thực và môi sinh; các làn sóng di cư của rất đông người, những hình thức tân thực dân tinh vi, sự kéo dài tai ương nghèo đói, nạn khủng bố quốc tế chưa tận diệt được, sự chênh lệch xã hội ngày càng gia tăng và những vụ kỳ thị tôn giáo.. Một lần nữa, chỉ cần nghĩ đến những biến cố gần đây tại Ai cập và các nơi khác trên thế giới để tái khẳng định sự cần phải chống lại mọi sự lợi dụng tôn giáo. Bạo lực giữa các tôn giáo là một gương mù làm biến thái chính căn tính chân thực của tôn giáo, che khuất tôn nhan Thiên Chúa và làm cho người ta xa lìa đức tin”.

ĐHY Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình cũng nói đến chương trình đại cương Ngày Suy tư đối thoại và cầu nguyện ở Assisi: các phái đoàn tôn giáo sẽ khởi hành từ Roma với ĐTC sáng ngày 27-10 tới đây bằng xe hỏa, và xe sẽ chạy chậm lại tại nhà ga của các thành phố Terni, Spoleto và Folino, để các Giáo Hội địa phương chứng tỏ sự tham gia và tình liên đới của họ với sáng kiến của ĐTC.

Khi đến Assisi, phái đoàn sẽ vào Vương cung Thánh đường Đức Mẹ các Thiên Thần, cử hành buổi tưởng niệm các cuộc gặp gỡ trước đây và đào sâu đề tài của Ngày năm nay. Một số vị đại diện cũng như ĐTC sẽ lên tiếng trong dịp này. Sau đó là bữa ăn trưa thanh đạm giữa các đại biểu: bữa ăn đơn sơ này diễn tả sự liên kết với nhau trong tình huynh đệ, đồng thời chia sẻ nỗi đau khổ của bao nhiêu người không được hưởng hòa bình.

Sau bữa ăn là thời giờ thinh lặng, suy tư và cầu nguyện của mỗi người. Ban chiều tất cả những người có mặt tại Assisi sẽ tham dự hành trình tiến về Vương cung thánh đường Thánh Phanxicô. Đây sẽ là một cuộc hành hương và các thành viên của các phái đoàn sẽ tham gia đoạn cuối cùng. Cuộc tuần hành này diễn ra trong thinh lặng, tượng trưng hành trình của mỗi người trong việc tìm kiếm chân lý và xây dựng cụ thể công lý và hòa bình. Sau cùng, trước Đền thờ Thánh Phanxicô, các vị đại biểu các tôn giáo sẽ long trọng tái bày tỏ quyết tâm chung kiến tạo hòa bình.

ĐHY Turkson cho biết có hơn 50 quốc gia có gửi đại diện đến, trong đó ngoài các nước Âu Mỹ, còn có các nước khác như Ai Cập, Israel, Pakistan, Giordani, Iran, Ấn độ, Arập Sauđi, Phi luật tân và nhiều nước khác.

Phái đoàn Công Giáo gồm có 13 người trong đó có các vị Chủ tịch HĐGM miền và các Thượng phụ, TGM trưởng của các Giáo Hội Công Giáo tự quản. Các vị sẽ ngồi vào khu vực dành cho các GM, vì trên lễ đài các vị sẽ được ĐTC đại diện, và ngài sẽ ngồi cạnh các vị trưởng phái đoàn khác. Một ngọn đèn sẽ được trao cho ĐTC và các vị Trưởng phái đoàn. Đèn sẽ được thắp lên, tượng trưng tôn giáo soi sáng bước đi của con người tìm kiếm con đường dẫn đến hòa bình.

Tại cuộc họp báo, Đại diện Hội đồng Tòa Thánh Hiệp nhất các tín hữu Kitô cho biết sáng kiến về Ngày suy tư, đối thoại và cầu nguyện tại Assisi được 31 Giáo Hội và cộng đoàn Kitô khác hưởng ứng mạnh mẽ. Trong số này có 17 phái đoàn từ các Giáo Hội Đông phương, đứng đầu là Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople, các vị lãnh đạo của Chính Thống Albani, của giáo phận Astana và Kazachstan thuộc tòa Thượng Phụ Chính Thống Mascơva, Giáo Hội Arméni Tông truyền, Giáo Hội Chính Thống Siro Malabar bên Ấn độ, v.v.

Về phía các Giáo Hội và Cộng đồng Giáo Hội Kitô ở Tây Phương, có 13 phái đoàn, đứng đầu là Đức TGM Robert Williams, Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo, các đại diện của Liên hiệp thế giới Tin Lành Luther, Methodiste, Baptiste, và đặc biệt là Mục Sư Olav Kykse Tveit, Tổng thư ký Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô ở Genève, Thụy Sĩ.

Ngoài ra, có Phái đoàn của Ủy ban quốc tế tham khảo liên tôn thuộc tòa Đại Rabbi trưởng của Israel và các tổ chức quốc tế Do thái giáo; Do thái giáo Italia sẽ do Rabbi Trưởng Cộng đoàn Do thái ở Roma, tiến sĩ Riccardo Di Segni đại diện.

Ngoài ra, đáp lời mời của Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa, có 4 nhân vật không tín ngưỡng cũng đến tham dự cuộc gặp gỡ ở Assisi, trong đó có bà giáo sư Julia Kristeva, 70 tuổi, sinh tại Bulgari nhưng sống tại Pháp từ 45 năm nay. Bà là một nhà ngữ học, phân tâm học, triết gia và văn sĩ của Pháp và là tác giả của khoảng 30 cuốn sách. (SD 17-10-2011)

G. Trần Đức Anh OP

 


Về Trang Mục Lục