Mọi sự đều qua đi, chỉ có Thiên Chúa là vĩnh cửu

 

radiovaticana 02/02/2011 18.34.55 – Tất cả mọi sự thuộc về đời này đều qua đi, chỉ có Thiên Chúa là vĩnh cửu. Trong một thế giới thường thiếu vắng các gía trị tinh thần thánh nữ Têrêxa thành Avila dậy cho chúng ta biết không mệt mỏi làm chứng cho Thiên Chúa, cho sự hiện diện và hoạt động của Chúa.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên trước 5.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 2-2-2011.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha bắt đầu một loạt bài giáo lý mới giới thiệu các Thánh Tiến Sĩ của Giáo Hội, trước hết là thánh nữ Têrêsa thành Avila, là vị thánh diễn tả một trong các đỉnh cao nhất của nền tu đức kitô thuộc mọi thời đại. Đề cập tới tiểu sử của thánh nữ Đức Thánh Cha nói:

Người sinh tại Avila, bên Tây Ban Nha, năm 1515 với tên gọi là Têrêxa de Ahumada. Trong cuốn tự thuật, chính thánh nữ đã cung cấp cho chúng ta vài chi tiết về thời thơ ấu của mình: sinh ra từ “cha mẹ nhân đức và kính sợ Thiên Chúa”, trong một gia đình đông con có 9 anh em trai và 3 chị em gái. Khi còn nhỏ chưa đầy 9 tuổi, Têrêxa đã đọc cuộc đời của vài vị tử đạo và ao ước được chết vì đạo, đến nỗi đã bỏ nhà trốn đi để chết vì đạo và lên Trời, vì chị muốn trông thấy Thiên Chúa (x.Vita 1,4).

Vài năm sau, khi nói về các sách đọc thời thơ ấu Têrêxa khẳng định là đã khám phá ra sự thật bao gồm hai nguyên tắc: một đàng là “sự kiện tất cả những gì thuộc về đời này đều qua đi, đàng khác chỉ có Thiên Chúa là vĩnh cửu, vĩnh cữu, vĩnh cửu”.

Các sách đời đọc thời thanh xuân đã khiến cho Têrêxa có cuộc sống thế tục, nhưng kinh nghiệm là nữ sinh trường các nữ tu thánh Agostino “Đức Maria ban ơn” ở Avila đã khiến cho nàng đọc các sách thiêng liêng, đặc biệt là các tác gỉa cổ điển của nền tu đức phan sinh, và chúng dậy nàng sự thinh lặng và cầu nguyện. Năm 20 tuổi Têrêxa gia nhập đan viện cát minh Nhập Thể. tại Avila và lấy tên là Têrêxa của Chúa Giêsu. Ba năm sau, chị lâm trọng bệnh và hôn mê 4 ngày, xem như đã chết (Vita 5,9). Cả cuộc chiến đấu chống lại các bệnh tật và yếu đuối cũng được chi coi như là trận chiến chống lại các kháng cự lại ơn Chúa gọi.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Năm 1543 chị mất dần các người thân: trước hết thân phụ qua đời, rồi các anh em trai cũng lần lượt di cư sang Mỹ hết. Mùa Chay năm 1554 khi 39 tuổi, chị đạt tột đỉnh cuộc chiến đấu chống lại các yếu đuối của mình. Việc khám phá ra một bức tượng “Chúa Giêsu mang nhiều thương tích” đã gây ấn tượng rất mạnh mẽ nơi chị, và chị được sống kinh nghiệm thần bí: bất thình lình chị cảm nhận được sự hiện diện sâu xa của Thiên Chúa nơi chị và và hoàn toàn bị Ngài thú hút (Vita 10,1).

Song song với việc trưởng thành nội tâm, chị thánh bắt đầu phát triển một cách cụ thể lý tưởng cải cách Dòng Cát Minh. Năm 1562 chị thành lập đan viện Cát Minh cải cách đầu tiên tại Avila, với sự ủng hộ của Đức Cha Alvaro de Mendoza, Giám Mục sở tại. It lâu sau đó, chị được sự phê chuẩn của Cha Giovanni Battista Rossi, Bễ Trên Tổng quyền dòng Cát Minh. Trong các năm tiếp theo, chị thành lập 17 đan viện cải cách khác.

Cuộc găp gỡ với thánh Gioan Thánh Giá đã khiến cho chị cùng với thánh nhân thành lập đan viện Cát Minh Ngặt Phép đầu tiên tại Duruelo gần Avila. Năm 1580 chị nhận được phép của Tòa Thánh nâng các đan viện thành Tỉnh Dòng Cát Minh Cải Cách, là điểm khởi hành của dòng Cát Minh Ngặt Phép. Chị kết thúc cuộc đời dương thế trong khi dấn thân thành lập các đan viện cải cách. Năm 1582 sau khi thành lập đan viện Burgos, đang trên đường trở về Avila thì chị qua đời tại Alba de Tormes, miệng lập đi lập lại hai câu nói sau đây: “ Cuối cùng, tội chết như nữ tử của Giáo Hội”, “Đã đến giờ chúng ta gặp nhau rồi, hỡi Phu Quân của Em”. Suốt cuộc đời, chị đã chỉ ở trong nước Tây Ban Nha, nhưng chị đã sống cho toàn thể Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng Phaolô V đã tôn phong chân phước cho chị năm 1614; Đức Giáo Hoàng Gregorio XV phong Hiển Thánh cho chị năm 1622 và Đức Giáo Hoàng Phaolô VI phong chị làm “tiến Sĩ Giáo Hội” năm 1970.

Trong phần hai của bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về các tác phẩm và nền tu đức của thánh nữ Têrêxa thành Avila. Tuy không có một nền giáo dục đào tạo đại học, nhưng chị đã luôn luôn thu thập các giáo huấn của các thần học gia, các văn sĩ và các bạc thầy tinh thần. Những gì chị viết ra luôn luôn đến từ các kinh nghiệm sống. Chị cũng nối kết tình bạn thiêng liêng với rất nhiều vị thánh, trong đó có thánh Gioan Thánh Giá. Đồng thời chị dưỡng nuôi mình bằng việc đọc bút tích của các thánh Giáo Phụ Girolamo, Gregorio Cả và Agostino. Trong số các tác phẩm do chị biên soạn có “Cuốn Tiểu Sử” gọi là “Sách đời sống” hay “Sách các xót thương của Chúa” viết tại Avila năm 1565. Mục đích là để minh nhiên sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa từ bi trong cuộc sống của chị, và kể lại cuộc đối thoại cầu nguyện với Chúa. Năm 1566 chị viết cuốn “Con đường Hoàn Thiện” bao gồm các lời cảnh cáo và khuyên nhủ đối với các nữ tu, tức cho 12 tập sinh tu viện Thánh Giuse tại Avila. Chị đề nghị cả một chương trình đời sống chiêm niệm phục vụ Giáo Hội, có nền tảng là các nhân đức tin mừng và lời cầu nguyện. Trong số các phần qúy báu nhất có phần chú giải Kinh Lậy Cha như mẫu mực của lời cầu nguyện.

Tác phẩm thần bí nổi tiếng nhất là cuốn “Lâu đài nội tâm” biên soạn năm 1577, trong tuổi trường thành. Nó vừa đọc lại con đường cuộc sống thiêng liêng của chị, vừa cô đọng cuộc sống kitô hướng tới sự toàn vẹn, sự thánh thiện, dưới hoạt động của Chúa Thánh Thần. Lâu đài nội tâm là việc xây dựng 7 phòng, giống như tiến trình con nhộng trở thành con bướm. Phòng cuối cùng là tột đỉnh của cuộc sống kitô, với 4 chiều kích của nó là ba ngôi, kitô, nhân chủng và giáo hội. Cuốn “Sách các vụ thành lập”, viết giữa các năm 1573 và 1582, trình bầy các sinh hoạt thành lập và cuộc sống tại các đan viện cát minh cải cách.

Rồi Đức Thánh Cha đã nói về nền tu đức của thánh nữ Têrêxa thành Avila như sau: Trước hết thánh nữ Têrêxa đề nghị các nhân đức tin mừng như nền tảng của toàn cuộc sống kitô và nhân bản: đặc biệt là sự không dính bén với của cải hay đức khó nghèo theo tinh thần tin mừng, và điều này liên quan tới tất cả chúng ta; tình yêu thương nhau như yếu tố nòng cốt của cuộc sống cộng đoàn và xã hội; lòng khiêm nhường như tình yêu đối với sự thật; sự cương quyết như hoa trái của tính táo bạo kitô; đức hy vọng như việc khát khao nước hằng sống. Cũng không được quên các nhân đức nhân bản như sự dễ thương, tính chân thật, lòng khiêm tốn, sự nhã nhặn, tươi vui, và hiểu biết văn hóa.

Nét đặc thù thứ hai: thánh nữ đề nghị kiểu sống phù hợp với các nhân vật lớn trong Thánh Kinh và thái độ sống động lắng nghe Lời Chúa. Đặc biệt thánh nữ cảm thấy mình đồng điệu với Hiền Thê trong sách Diễm Ca, với Tông Đồ Phaolô và nhất là với Chúa Kitô khổ nạn và Chúa Giêsu Thánh Thể. Chị Têrêxa đặc biệt nhấn mạnh lời cầu nguyện: cầu nguyện có nghĩa là “tương giao với tình bạn, bởi vì chúng ta liên hệ mặt đối mặt với Đấng, mà chúng ta biết Người yêu thương chúng ta” (Vita 8,5). Nó là sự sống và nó phát triển cùng với cuộc sống kitô, bắt đầu với lời cầu nguyện thành tiếng, rồi bước vào việc nội tâm hóa với việc suy gẫm và thinh lặng cho tới chỗ kết hiệp yêu thương với Chúa Kitô và Thiên Chúa Ba Ngôi Rất Thánh. Đây không phải là việc leo thang, bước lên bậc trên và bỏ kiểu cầu nguyện có trước, nhưng là một việc đào sâu từ từ tương quan của chúng ta với Thiên Chúa kéo dài suốt cuộc sống. Thánh nữ Têrêxa không chỉ dậy cầu nguyện, mà chị cùng cầu nguyện với người đọc: chị thường ngưng điều đang trình bầy để mời người đọc cầu nguyện với chị.

Còn một điểm khác nữa trong nền tu đức của chị thánh Têrêxa Avila đó là việc tập trung nơi nhân tính của Chúa Kitô. Đối với chị sống đời kitô là bước vào tương quan với Chúa Giêsu, để kết hiệp với Người qua ơn thánh, tình yệu thương và việc noi gương Chúa. Vì thế suy niệm về cuộc Khổ Nạn và Bí tích Thánh Thể là điều rất quan trọng. Vì đó là sự hiện diện của Chúa Kitô trong Giáo Hội, đối với cuộc sống của mỗi tín hữu và như là trọng tâm của phụng vụ. Sau cùng là sự hoàn thiện như khát vọng của toàn cuộc sống kitô và là đích điểm cuối cùng của nó.

Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, trong xã hội thường thiếu vắng các gía trị tinh thần của chúng ta, thánh nữ Têrêxa dậy cho chúng ta biết không mệt mỏi làm chứng cho Thiên Chúa, cho sự hiện diện và hoạt động của Ngài. Chị thánh dậy cho chúng ta cảm nhận được nỗi khát khao Thiên Chúa hiện diện trong tận cùng thẳm con tim chúng ta, sự ước mong trông thấy Thiên Chúa, tìm kiếm Ngài, nói chuyện với Ngài và trở thành bạn hữu của Ngài. Đó là tình bạn cần thiết cho tất cả chúng ta, mà chúng ta phải tìm kiếm từng ngày.

Mọi người trong đại thính đường Phaolô VI đã vui vẻ vỗ tay hoan hô, khi có một chú bé mấy tuổi từ dưới chạy lên đứng trước mặt Đức Thánh Cha lúc ngài vừa kết thúc lới chào các tín hữu bằng tiếng Anh. Đức Thánh Cha đã vuốt ve, nói chuyện và chúc lành cho chú bé. Sau cùng ngài đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

 


Về Trang Mục Lục