Trả lời câu hỏi trên truyền hình: ĐGH nói về sự đau khổ, về những người bị hôn mê, và về sự bách hại

ThongTinCongGiao (Vatican City, 22-4-2011, CNA/EWTN News/Zenit) - Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI hôm Thứ Sáu Tuần Thánh đã tạo nên lịch sử phát thanh truyền hình bởi vì ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên xuất hiện trên một chương hình trình truyền Hỏi-Đáp thu sẵn trên Đài RAI của Ý “Theo Hình ảnh Người” (In His Image), để trả lời 7 câu hỏi được gửi về từ khắp nơi trên thế giới về sự đau khổ, tình trạng hôn mê, sự bách hại các Kitô hữu, sự sống lại và Đức Mẹ Maria.

Một bé gái người Nhật là người đầu tiên đặt câu hỏi, rồi đến các bạn trẻ Irak, một phụ nữ Hồi giáo tại Bờ Biển Ngà, một bà mẹ người Ý có đứa con trai đang sống trong tình trạng thực vật…

Sau đây là các câu hỏi và câu trả lời của Đức Thánh Cha trong chương trình truyền hình “Theo Hình ảnh Người”.

Hỏi: Kính thưa Đức Thánh Cha, con xin cảm ơn ngài đã hiện diện nơi đây, sự hiện diện của ngài đã làm cho chúng con tràn đầy niềm vui và giúp chung con nhớ rằng ngày hôm nay là ngày Chúa Giêsu biểu lộ Tình yêu của Người một cách triệt để nhất, đó là, một con người vô tội lại chịu chết trên thập giá. Thật vậy, chính hình ảnh về sự đau đớn của người vô tội là câu hỏi đầu tiên của một đứa bé 7 tuổi người Nhật: “Tên con là Elena. Con là người Nhật và được 7 tuổi. Con rất sợ vì ngôi nhà mà con cảm thấy mình đang sống thật an toàn trong đó lại rung chuyển rất mạnh và nhiều bạn trạc tuổi con đã chết. Con không thể ra công viên chơi. Con muốn biết: Tại sao con lại phải sợ hãi như thế? Tại sao các đứa bé lại phải buồn đến thế? Con xin Đức Giáo Hoàng, là người đã nói chuyện với Thiên Chúa, cắt nghĩa cho con”.

Đáp: Elena thân mến, Cha thân ái chào con. Cha cũng có những câu hỏi giống như thế: Tại sao đã xảy ra như vậy? Tại sao con phải gánh chịu quá nhiều đau khổ trong khi những người khác sống một cách an nhàn? Và chúng ta không có câu trả lời nhưng chúng ta biết rằng Chúa Giêsu cũng chịu đau khổ như con vậy; Đức Giêsu, một người vô tội và là Thiên Chúa thật, Người đang ở bên con. Điều này rất quan trọng đối với Cha, ngay cả khi chúng ta không có câu trả lời, ngay cả khi chúng ta vẫn đau buồn; Thiên Chúa vẫn ở bên cạnh con và con có thể tin chắn rằng điều này sẽ giúp con. Một ngày nào đó chúng ta sẽ hiểu tại sao lại như vậy. Nhưng trong lúc này, Cha nghĩ rằng điều quan trọng là con hãy nhận biết rằng “Chúa yêu con”, ngay cả khi có vẻ như Người không biết con. Vâng, Chúa yêu con, Chúa ở bên con, và con có thể tin chắn rằng trên thế giới, trong vũ trụ này, có nhiều người đang ở bên con, nghĩ về con, và làm những gì mà họ có thể làm cho con, để giúp đỡ con. Và hãy nhớ rằng, một ngày nào đó, con sẽ hiểu rằng sự đau khổ này không phải là sự trống rỗng, không phải là vô ích, nhưng đằng sau nó là một kế hoạch tốt đẹp, một kế hoạch của tình yêu. Đó không phải là một sự tình cờ. Con hãy tin chắc rằng chúng tôi ở bên con, cũng như ở bên tất cả các trẻ em Nhật Bản đang đau khổ. Chúng tôi muốn trợ giúp các con bằng những lời cầu nguyện, bằng những hành động, và các con có thể tin chắn rằng Thiên Chúa sẽ giúp đỡ các con. Trong ý hướng này, chúng tôi cùng nhau cầu nguyện để ánh sáng tươi đẹp có thể đến với các con càng sớm càng tốt.

Hỏi: Câu hỏi thứ hai đưa chúng ta đến đồi Calvê vì chúng ta có một bà mẹ đang đứng dưới thập giá của con trai bà. Đây là một bà mẹ người Ý tên Maria Teresa. Bà hỏi: “Thưa Đức Thánh Cha, có phải là linh hồn của Francesco, đứa con trai của con đang ở trong tình trạng thực vật kể từ Chúa Nhật Phục Sinh năm 2009, đã lìa khỏi xác, vì dường như cháu không còn ý thức gì nữa, hay linh hồn ấy vẫn còn ở bên cháu?”

Đáp: Chắc chắn là linh hồn của cháu vẫn còn hiện diện trong thân xác của cháu. Tình trạng này có lẽ cũng giống như một cây đàn guitar bị đứt dây và vì thế không còn có thể chơi được nữa. Các bộ phận của cơ thể cũng mong manh như thế, nó dễ bị tổn thương, và linh hồn không thể trổi lên tiếng đàn, có thể nói như thế, nhưng linh hồn vẫn còn đó. Cha chắc chắn rằng linh hồn ẩn giấu đó cảm nhận được tình yêu sâu thẳm của chị, ngay cả khi không thể hiểu hết được các chi tiết, các lời nói của chị... Cháu cảm nhận được sự hiện diện của tình yêu. Sự hiện diện của chị, vì thế, hỡi các bậc phụ huynh, hỡi các bà mẹ rất thân mến, hãy ở bên cạnh cháu hàng giờ mỗi ngày, đó là hành động thực sự của một tình yêu có giá trị lớn lao vì sự hiện diện này đi vào nơi sâu thẳm của tâm hồn ẩn giấu đó. Hành động của chị vì thế còn là một chứng tá của niềm tin vào Thiên Chúa, của niềm tin vào con người, của một chứng tá đức tin, để nói với chúng ta rằng đó là một sự cam kết với sự sống, một sự tôn trọng cuộc sống con người, ngay cả trong những tình huống đau buồn nhất. Vì vậy, tôi khuyến khích chị hãy tiếp tục chịu đựng, hãy nhận ra rằng chị đang cống hiến một sự phục vụ tuyệt vời cho nhân loại qua dấu chỉ đức tin này, qua dấu chỉ tôn trọng cuộc sống này, qua tình yêu dành cho một cơ thể bị thương tích và một linh hồn đang đau khổ.

Hỏi: Câu hỏi thứ ba đưa chúng ta đến Iraq, đến với các bạn trẻ ở Baghdad, đến những Kitô hữu bị bách hại, những người gửi câu hỏi đến ĐTC. Chúng con từ Iraq xin chào ĐTC - họ nói - “Chúng con là những Kitô hữu bị bách hại tại Baghdad như Chúa Giêsu vậy. Kính thưa ĐTC, theo ý ngài, làm cách nào chúng con có thể giúp được cộng đồng Kitô giáo của chúng con để họ xem xét lại ước muốn di cư sang các quốc gia khác, làm sao để thuyết phục họ rằng ra đi không phải là giải pháp duy nhất?”

Đáp: Trước hết, Cha thân ái chào tất cả các Kitô hữu Iraq, là những anh chị em của chúng tôi, và Cha phải nói rằng Cha cầu nguyện mỗi ngày cho các Kitô hữu ở Iraq. Họ là những anh chị em của chúng tôi đang phải chịu đau khổ, cũng như những ai đang đau khổ trong những vùng đất khác, và do đó họ đặc biệt được yêu mến tận trong tâm can của chúng tôi và chúng tôi phải làm bất cứ điều gì có thể để họ có thể ở lại, để họ có thể chống lại cơn cám dỗ ra đi, là điều rất dễ hiểu trong điều kiện sống hiện tại của họ. Cha muốn nói rằng điều quan trọng là chúng tôi ở bên các bạn, hỡi các anh chị em Iraq thân mến, và chúng tôi cũng muốn giúp đỡ các bạn, khi các bạn đến, chúng tôi muốn đón tiếp các bạn như những người anh em. Tất nhiên, tất cả các tổ chức từ thiện thực sự có thể làm được điều gì đó tại Iraq cho các bạn, thì họ nên thực hiện. Toà Thánh tiếp xúc thường xuyên với các cộng đồng khác nhau, không chỉ với những cộng đồng Công giáo và các cộng đồng Kitô giáo khác, mà còn với cộng đồng người Hồi giáo anh em, cộng đồng Shi’tes và Sunni. Chúng tôi muốn đem lại sự hoà giải và hiểu biết lẫn nhau cũng như với với chính quyền, để trợ giúp cho hành trình đầy khó khăn của việc xây dựng lại một xã hội đang bị xâu xé này. Vì vấn đề là ở chỗ xã hội đã bị chia rẽ một cách sâu xa, đã bị xâu xé, không còn nhận thức được rằng “trong sự đa dạng, chúng ta là một dân tộc có chung một lịch sử, nơi mà mỗi người có một chỗ đứng của mình”. Cần xây dựng lại nhận thức này: đó là trong sự đa dạng, họ có cùng một lịch sử, cùng một quyết tâm. Qua đối thoại, với các nhóm khác nhau, chúng tôi muốn hỗ trợ quá trình tái thiết và khuyến khích các bạn, hỡi những anh chị em Iraq thân mến, các bạn hãy vững tin, hãy kiên nhẫn và hãy đặt niềm tin vào Thiên Chúa, để cộng tác với Người trong tiến trình khó khăn này. Chúng tôi chắc chắn cầu nguyện cho các bạn.

Hỏi: Câu hỏi tiếp theo gửi đến ĐTC từ một phụ nữ Hồi giáo ở Bờ Biển Ngà, một quốc gia bị chiến tranh nhiều năm. Phụ nữ này tên là Bintu. Chào ĐTC bằng tiếng Ảrập, chị nói: “Xin Thiên Chúa hiện diện trong tất cả những lời trao đổi của chúng ta và xin Chúa ở cùng Đức Thánh Cha”. Đó là lời chào mà họ thường sử dụng khi bắt đầu cuộc nói chuyện. Sau đó, chị nói tiếp bằng tiếng Pháp: “Thưa Đức Thánh Cha, ở đất nước Bờ Biển Ngà này, chúng con, các Kitô hữu và người Hồi giáo, đã luôn luôn sống trong sự hoà hợp. Các gia đình thường có các thành viên của cả hai tôn giáo. Cũng có sự đa dạng về sắc tộc nhưng chúng con chưa từng có vấn đề gì… Bây giờ mọi thứ đã thay đổi: khủng hoảng mà chúng con đang trải qua, gây ra bởi chính trị, đã gieo rắc chia rẽ. Biết bao người vô tội đã thiệt mạng! Biết bao người đã phải di tản, biết bao bà mẹ và trẻ em bị tổn thương! Các sứ giả đã hô hào hoà bình, các nhà chủ trương đã cổ vũ hoà bình. Với tư cách là một đại sứ của Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha khuyên điều gì cho đất nước chúng tôi?

Đáp: Tôi muốn đáp lại lời chào của chị: xin Thiên Chúa cũng ở với chị và luôn giúp đỡ chị. Tôi phải nói rằng tôi đã nhận được những lá thư thương tâm gửi từ Bờ Biển Ngà, chúng cho tôi thấy một sự thất vọng, một sự đau khổ thẳm sâu, và tôi rất buồn vì mình làm được rất ít. Chúng tôi luôn có thể làm một điều: đó là nhớ đến các bạn trong lời cầu nguyện, và trong mức độ có thể, chúng tôi làm những việc bác ái. Trên hết, chúng tôi muốn giúp đỡ, thật nhiều đến mức có thể, với những liên hệ về mặt chính trị và nhân đạo.

Tôi đã uỷ thác Đức Hồng y Turkson, Chủ tịch Hội đồng Công lý và Hoà bình của chúng tôi, đến Bờ Biển Ngà nhằm cố gắng làm trung gian hoà giải, để nói chuyện với các nhóm khác nhau và những nhân vật khác nhau để khuyến khích cho một khởi đầu mới. Trên tất cả, chúng tôi muốn làm cho mọi người lắng nghe tiếng nói của Chúa Giêsu, người mà chị cũng tin là một Vị Tiên Tri. Người luôn là một con người của hoà bình. Người ta có thể trông đợi rằng khi Thiên Chúa đến thế gian, Người sẽ là một người có quyền lực vĩ đại, tiêu diệt những thế lực đối nghịch; rằng Người sẽ dùng bạo lực hùng mạnh như một công cụ của hoà bình.

Thực tế không phải như vậy. Người đã đến trong sự yếu đuối; Người chỉ có một sức mạnh duy nhất là tình yêu, hoàn toàn không có vũ lực, thậm chí còn chịu chết trên thập giá. Điều này tỏ lộ cho chúng ta thấy dung mạo thật của Thiên Chúa; rằng bạo lực không bao giờ đến từ Thiên Chúa, bạo lực không bao giờ giúp mang lại bất cứ điều gì tốt đẹp, nhưng là phương tiện phá hoại và không phải là con đường để thoát khỏi những khó khăn. Vì thế, Người là một tiếng nói mạnh mẽ chống lại mọi thứ bạo lực. Ngài mạnh dạn mời gọi tất cả các bên từ bỏ vũ lực, ngay cả khi họ cảm thấy họ đúng. Con đường duy nhất là từ bỏ bạo lực, là bắt đầu lại bằng cuộc đối thoại, bằng việc cố gắng cùng nhau mưu cầu hoà bình, bằng một mối quan tâm mới đối với nhau, bằng một thiện ý mới để cởi mở với nhau. Chị thân mến, thông điệp thật sự của Chúa Giêsu là tìm kiếm hoà bình bằng các phương tiện của hoà bình và từ bỏ bạo lực. Chúng tôi cầu nguyện cho chị, để tất cả các phần tử trong xã hội của chị có thể nghe tiếng nói của Chúa Giêsu, và như thế, hoà bình và hiệp thông sẽ trở lại.

H: Kính thưa Đức Thánh Cha, câu hỏi tiếp theo là của một người đàn ông Ý về chủ đề cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Xin được đọc câu hỏi: “Kính thưa Đức Thánh Cha, Chúa Giêsu đã làm những gì trong khoảng thời gian giữa cái chết và sự sống lại của Người? Kinh Tin Kính nói rằng Chúa Giêsu, sau khi chết, đã xuống ngục, chúng ta có nên nghĩ rằng điều đó cũng xảy ra cho chúng ta sau khi chết, trước khi chúng ta được lên thiên đàng?”

Đ: Trước hết, việc linh hồn của Chúa Giêsu xuống ngục không nên được tưởng tượng như một cuộc du hành về mặt địa lý hoặc không gian, từ lục địa này sang lục địa khác. Đó là một hành trình của linh hồn. Chúng ta nên nhớ rằng linh hồn Chúa Giêsu luôn luôn tiếp xúc với Chúa Cha, luôn luôn liên hệ với Chúa Cha, nhưng đồng thời, linh hồn nhân loại này đi đến tận những biên giới của hữu thể nhân loại.

Theo ý nghĩa này, linh hồn Chúa Giêsu đi vào chiều sâu, vào những nơi bị đánh mất, tới nơi mà tất cả những ai chưa đến được cùng đích của đời mình, và như thế, linh hồn đó vượt lên trên những lãnh địa của quá khứ. Từ dùng để nói việc Chúa xuống ngục chủ yếu có nghĩa là Chúa Giêsu tiếp cận ngay cả trong quá khứ, rằng hiệu lực của Sự Cứu Chuộc không bắt đầu từ năm 0 hoặc năm 30, nhưng còn đi vào quá khứ, bao quát cả quá khứ và tất cả mọi người thuộc mọi thời.

Các Giáo phụ nói, bằng một hình ảnh tuyệt đẹp, rằng Chúa Giêsu nắm lấy bàn tay Adam và Eva, nghĩa là toàn thể nhân loại, và dẫn họ tiến tới phía trước, đưa họ lên cao. Vì thế, Người đã mở ra con đường dẫn đến Thiên Chúa, bởi vì con người tự mình không thể nào đến được tầm cao của Thiên Chúa. Chính Người, một hữu thể nhân loại, có thể nắm lấy bàn tay con người và mở ra một lối đi. Để đưa đến cái gì? Xin thưa để đưa đến một thực tại mà chúng ta gọi là thiên đàng. Vì vậy, việc xuống địa ngục, tức là đi vào chiều sâu của hữu thể nhân loại và đi vào quá khứ của nhân loại, là một phần thiết yếu của sứ mệnh của Chúa Giêsu, sứ mệnh của Đấng Cứu Thế, và không thể áp dụng cho trường hợp chúng ta. Cuộc sống của chúng ta thì khác. Chúng ta đã được Chúa cứu chuộc, và sau khi chết, chúng ta đến trước Vị Thẩm Phán, dưới ánh mắt của Chúa Giêsu. Một mặt, ánh mắt này có sức thanh luyện: Cha nghĩ rằng tất cả chúng ta, trong mức độ nhiều hay ít, đang cần sự thanh luyện. Ánh mắt của Chúa Giêsu thanh luyện chúng ta, và như thế làm cho chúng ta có thể sống với Thiên Chúa, sống với các thánh, và trên hết là được sống trong sự thông hiệp với những người thân yêu của chúng ta, những người đã ra đi trước chúng ta.

H: Câu hỏi tiếp theo đến từ Ý, cũng liên quan đến đề tài Sống Lại. “Thưa ĐTC, khi các phụ nữ đi ra mộ, vào ngày Chúa Nhật sau khi Đức Giêsu chết, các bà đã không nhận ra Thầy mình và tưởng Người là một người khác. Và đối với các Tông đồ cũng vậy: Đức Giêsu phải chỉ cho họ thấy những vết thương của Người, rồi qua cử chỉ bẻ bánh, cốt để họ nhận ra Người, một cách cụ thể là bằng những hành động của Người. Người có một thân xác thật sự, bằng thịt, nhưng cũng là một thân xác vinh hiển. Sự kiện thân xác phục sinh của Người không giống những đặc điểm như thân xác trước đó, điều này có nghĩa là gì? Thân xác vinh hiển thật sự có nghĩa là gì? Và sự sống lại của chúng ta cũng sẽ như thế?

Đ: Dĩ nhiên là chúng ta không thể định nghĩa được thân xác vinh hiển, vì nó vượt quá những kinh nghiệm của chúng ta. Chúng ta chỉ có thể ghi nhận những dấu chỉ mà Đức Giêsu đã ban cho chúng ta, để hiểu, một cách tối thiểu, rằng chúng ta nên tìm kiếm thực tại này trong chiều hướng nào.

Dấu chỉ đầu tiên: mồ trống. Điều đó có nghĩa là Đức Giêsu đã không để cho thân xác Người bị hư nát. Điều này chứng tỏ cho chúng ta rằng ngay cả vật chất cũng được định để hưởng sự vĩnh cửu, rằng thật sự đã sống lại, rằng không có gì bị hư mất. Nhưng sau đó Đức Giêsu đã mặc cho vật chất này một điều kiện sống mới.

Dấu chỉ thứ hai: Đức Giêsu không còn chết nữa, điều đó có nghĩa là Người vượt lên trên những định luật về sinh học và hoá học. Như thế, có một điều kiện mới, khác biệt, mà chúng ta không biết nhưng lại đang biểu lộ một cách thật sự nơi Đức Giêsu, và đó là một điều hứa hẹn lớn lao về một thế giới mới cho tất cả chúng ta, về một cuộc sống mới mà chúng ta đang hướng tới. Trong điều kiện này, Đức Giêsu có thể để cho các môn đệ của Người đụng chạm đến Người, cho họ nắm tay, ăn uống với họ, thế nhưng, Người vẫn vượt lên trên các điều kiện của cuộc sống sinh vật như chúng ta đang sống. Một mặt, chúng ta biết rằng Người là một con người thật, không phải là một bóng ma, rằng Người sống một cuộc sống thật sự, nhưng là một cuộc sống mới, một cuộc sống không còn lệ thuộc vào cái chết và đó là điều hứa hẹn lớn lao dành cho chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu, trong mức độ có thể, về Bí tích Thánh Thể. Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa ban cho chúng ta thân xác vinh hiển của Người. Người không ban cho chúng ta Thịt để ăn theo nghĩa sinh vật. Với hình dạng mới mẻ của Người, Người tự trao ban chính mình. Người đi vào trong “hữu thể” nhân loại của chúng ta, vào trong “hữu thể” của chúng ta, với tư cách là một nhân vị, và Người chạm đến chúng ta từ bên trong cùng với hữu thể của Người, để chúng ta có thể để cho sự hiện diện của Người thâm nhập vào chúng ta và biến đổi chúng ta. Đây là một điểm quan trọng bởi vì như thế là chúng ta đã thật sự tiếp xúc với sự sống mới này, với cách sống mới này, khi Người đi vào trong con người của tôi, và tôi thoát ra khỏi con người của mình và hướng đến một chiều kích mới của sự sống. Tôi nghĩ rằng khía cạnh của lời hứa này, của thực tại này - mà Người đã trao ban chính mình cho tôi và kéo tôi ra khỏi chính mình, đưa tôi lên cao - là điều quan trọng nhất. Ở đây chúng ta không nói đến những điểm mà mình không thể hiểu thấu, nhưng nói đến việc chúng ta tiến bước trên hành trình hướng về điều mới mẻ luôn luôn bắt đầu lại nơi Bí tích Thánh Thể.

H: Thưa Đức Thánh Cha, câu hỏi cuối cùng là của ký giả Rosario Carello về Đức Maria. Dưới chân Thánh giá, chúng ta chứng kiến một cuộc đối thoại thật cảm động giữa Đức Giêsu, Mẹ Người và Thánh Gioan, qua đó, Đức Giêsu nói với Mẹ Người: “Đây là con Bà”, và nói với Gioan: “Này là Mẹ con”. Trong quyển sách “Đức Giêsu thành Nazareth” vừa mới xuất bản của ĐTC, ĐTC đã định nghĩa đây như là “ý muốn sau cùng của Đức Giêsu”. Chúng ta phải hiểu thế nào về những lời nói này? Vào lúc đó, những lời nói ấy có ý nghĩa gì, và đâu là ý nghĩa cho ngày hôm nay? Và khi nói về niềm phó thác, ĐTC có để tâm đến việc tận hiến lại một lần nữa cho Đức Trinh Nữ Maria, ngay từ lúc khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba này không?

Đ: Những lời nói này của Đức Giêsu là một hành động rất con người. Chúng ta thấy Đức Giêsu là một con người thật sự đang thể hiện một hành động của con người, một hành động yêu thương dành cho Mẹ mình, khi giao phó thân mẫu cho chàng thanh niên Gioan, để thân mẫu được an toàn. Một phụ nữ sống đơn độc, tại Đông phương vào thời đó, là một tình trạng không thể được. Người giao phó mẹ mình cho một người thanh niên, và trao người thanh niên cho mẹ mình. Như thế, Đức Giêsu thật sự hành động như một con người, với một tình cảm mang đậm nét con người. Đối với tôi, điều này thật đẹp và hết sức quan trọng, và trước bất cứ một nền thần học nào, chúng ta thấy nơi hành động này nhân tính thật sự của Đức Giêsu, một nét nhân bản thật sự của Người. Nhưng dĩ nhiên, cử chỉ này mang nhiều chiều kích khác nhau, và không những chỉ liên hệ đến lúc đó, mà còn liên hệ đến tất cả lịch sử. Cùng với Gioan, Đức Giêsu giao phó tất cả chúng ta, toàn thể Giáo Hội, tất cả những môn đệ tương lai của Người, cho Mẹ của Người, và giao phó Mẹ của Người cho tất cả chúng ta. Và điều này đã được thể hiện qua suốt dòng lịch sử: nhân loại và các Kitô hữu đã hiểu rõ ràng hơn rằng Mẹ của Đức Giêsu cũng là Mẹ của họ. Và họ càng tín thác vào Mẹ của Người; chúng ta hãy nghĩ đến những nguyện đường lớn, chúng ta hãy nghĩ đến lòng tôn sùng Đức Mẹ, mà qua đó họ ngày càng nghe rõ hơn câu nói “Này là Mẹ con”. Và một số người cảm thấy khó mà đến được với Đức Giêsu trong vẻ uy nghi cao cả với tước vị là Con Thiên Chúa của Người, nhưng họ lại không cảm thấy khó khăn gì khi tín thác vào Mẹ của Người. Nhưng người ta lại có thể nói: “Nhưng điều này chẳng có nền tảng Kinh Thánh gì cả!”.

Cùng với Thánh Grêgôriô Cả, tôi xin trả lời như sau: “Khi đọc Sách Thánh, hãy làm triển nở những Lời của Sách Thánh” - thánh nhân nói. Điều đó có nghĩa là Lời Chúa phát triển trong đời sống thực tại. Lời Chúa lớn lên và ngày càng phát triển trong lịch sử. Chúng ta thấy tất cả chúng ta có thể biết ơn Người như thế nào, bởi vì Người là người mẹ hiện hữu thật sự của chúng ta, một người mẹ đã được ban tặng cho tất cả chúng ta. Với một niềm tin tưởng sâu xa, chúng ta có thể chạy đến với người Mẹ này, một người Mẹ của mỗi Kitô hữu. Mặt khác, người Mẹ này cũng biểu thị cho Giáo Hội. Chúng ta không thể là những Kitô hữu một cách đơn độc, với một nền Kitô giáo được xây dựng theo ý tưởng của chúng ta. Mẹ là hình ảnh của Giáo Hội, là Mẹ của Giáo Hội, và khi chúng ta phó dâng mình cho Đức Maria, chúng ta cũng phải phó dâng mình cho Giáo Hội, sống trong Giáo Hội và ở trong Giáo Hội cùng với Đức Maria. Và như thế, tôi đi đến điểm phó dâng chính mình: các ĐGH - cho dù đó là ĐGH Piô XII, Phaolô VI hay Gioan Phaolô II - luôn thể hiện một cử chỉ long trọng trong việc phó dâng cho Đức Trinh Nữ Maria, và theo tôi nghĩ thì đây là một cử chỉ hết sức quan trọng, xem đó như là một cử chỉ trước mặt nhân loại, trước mặt Đức Maria. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng bây giờ là chúng ta phải nội tâm hoá hành vi này, là để cho hành vi ấy thâm nhập vào trong tâm hồn chúng ta, là thực hiện hành vi ấy trong chính tâm hồn chúng ta. Chính vì thế, tôi đã đi đến một số nguyện đường Thánh Mẫu lớn trên thế giới: Lộ Đức, Fatima, Czestochowa, Altötting..., luôn luôn với ý tưởng cụ thể hoá, nội tâm hoá cử chỉ phó dâng này, để cho cử chỉ ấy thật sự trở thành cử chỉ của chúng ta. Tôi nghĩ rằng một cử chỉ lớn lao, mang tính cộng đồng, đã được thực hiện. Có thể vào một ngày nào đó, chúng ta cần phải lặp lại hành động này, nhưng ngày hôm nay, tôi nghĩ rằng điều quan trọng là sống, là thực hiện hành động ấy, là có được niềm tin tưởng ấy, để cho niềm tin tưởng ấy thực sự là của chúng ta. Chẳng hạn, tại Fatima, tôi đã thấy hàng ngàn người hiện diện đã thật sự bước vào trong niềm phó thác này như thế nào. Trong chính mình và cho chính mình, họ tự mình phó thác cho Mẹ; họ làm cho niềm phó thác này thực sự trở thành hiện thực nơi họ. Chính vì thế mà niềm phó thác đã trở thành một thực tế trong Giáo Hội sống động, và cũng chính vì thế mà Giáo Hội không ngừng lớn lên.

Niềm phó thác của mọi người vào Đức Maria - tức là để cho sự hiện diện này thâm nhập vào chính mình - đang hình thành và đi vào mối thông hiệp cùng với Đức Maria làm nên Giáo Hội, và làm cho chúng ta cùng với Đức Maria thực sự trở thành Hiền Thê của Đức Kitô. Như thế, lúc này đây, tôi không có ý định thực hiện một cuộc phó dâng mới mang tính công khai, nhưng tôi muốn mời gọi anh chị em ngày càng đi sâu hơn vào trong niềm phó thác mà chúng ta đã đặt nơi Đức Trinh Nữ Maria, để chúng ta có thể thật sự sống niềm phó thác đó mỗi ngày, và như thế, để cho một Giáo Hội thực sự là của Mẹ được lớn lên, một Giáo Hội là Mẹ, là Hiền Thê và là Ái Nữ của Đức Giêsu.

(Cập nhật: 24/04/2011 - 10:45:12)

V.Lộc - H.Nguyễn chuyển ngữ

 


Về Trang Mục Lục