Chúa Kitô Phục Sinh trao ban cuộc sống mới cho tín hữu và giúp họ biến đổi thế giới

radiovaticana 27/04/2011 18.31.29 – Chúa Kitô Phục Sinh trao ban cuộc sống mới cho tín hữu và giúp họ biến đổi thế giới, bằng cách sống cuộc sống mới và loan báo và làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh mỗi ngày.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói với gần 50.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 27-4-2011 tại quảng trường thánh Phêrô.

Nhiều du khách đã về Roma hành hương và tham dự các lễ nghi Tuần Thánh. Cũng có một số tới để chờ được tham dự thánh lễ phong Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô II vào Chúa Nhật mùng 1-5 tới đây.

Vì đang trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh nên trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về đề tài “lễ Phục Sinh như trung tâm của mầu nhiệm kitô”. Chúa Kitô phục sinh từ trong kẻ chết là nền tảng đức tin của chúng ta. Ngài nói:

Từ lễ Phục Sinh dãi tỏa ra như từ một trung tâm sáng láng nóng bỏng toàn phụng vụ của Giáo Hội, với nội dung và ý nghĩa của nó. Việc cử hành phụng vụ cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô không chỉ là một sự tưởng niệm đơn sơ biến cố này, nhưng là việc hiện thực nó trong mầu nhiệm, đối với cuộc sống của từng kitô hữu và của từng cộng đoàn giáo hội. Thật thế, niềm tin nơi Chúa Kitô biến đổi cuộc sống, bằng cách thành toàn trong chúng ta một sự phục sinh liên tục, như thánh Phaolô viết cho các tín hữu tiên khởi: “Xưa kia anh em đã là bóng tối, giờ đây anh em là ánh sáng trong Chúa. Vì thế anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5,8-9).

Chúng ta có thể làm cho cuộc sống trở thành lễ Phục Sinh như thế nào? Làm thế nào để toàn cuộc sống trong ngoài của chúng ta có được “hình thái” phục sinh? Cần phải hiểu ý nghĩa đích thật sự phục sinh của Chúa Giêsu: biến cố đó không phải chỉ là trở lại sự sống trước kia, như đối với ông Ladarô hay người thanh niên làng Naim, mà là một cái gì hoàn toàn khác và mới mẻ. Sự sống lại của Chúa Kitô là điểm tới của một cuộc sống không còn chịu sự hư nát của thời gian nữa, một cuộc sống mênh mông trong sự vĩnh hằng của Thiên Chúa. Trong sự phục sinh của Chúa Giêsu bắt đầu một điều kiện mới của cuộc sống con người; nó soi sáng và biến đổi lộ trình của mỗi ngày sống, và mở ra một tương lai khác và mới mẻ trong phẩm chất đối với toàn thể nhân loại. Vì thế, thánh Phaolo không chỉ gắn liền sự phục sinh của kitô hữu với sự sống lại của Cháu Giêsu (x. 1 Cr 15,16.20), mà còn chỉ cho thấy phải sống mầu nhiệm phục sinh trong cuộc sống thường ngày của chúng ta như thế nào nữa.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: trong thư gửi tín hữu Côlôxê thánh Phaolô nói: “Nếu anh em đã sống lại với Chúa Kitô, thì hãy tìm kiếm các sự trên trời, nơi Chúa Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa, hãy nghĩ tới các sự trên trời, đừng nghĩ tới các sự dưới đất” (3,1-2). Thoạt tiên, khi đọc văn bản này, xem ra thánh Tông Đồ muốn bênh vực việc khinh rẻ các thực tại trần thế, nghĩa là mời gọi quên thế giới của khổ đau, bất công và tội lỗi này đi để sống trước thiên đàng. Nhưng trong trường hợp đó thì tư tưởng về “trời” sẽ là một loại tha hóa. Nhưng để tiếp nhận ý nghĩa đích thật của văn bản, thì không được tách rời nó khỏi bối cảnh. Thánh Phaolô xác định rất rõ ràng điều người muốn nói về “các sự trên trời” cần tìm kiếm, và “các sự hạ giới” phải coi chừng. Trước hết đâu là “các sự của trái đất” phải tránh: thánh Phaolô viết: “Hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng” (3,5). Giết chết trong chúng ta ước muốn các của cải vật chất không thể thỏa mãn, tính ích kỷ, là gốc rễ của mọi tội lỗi. Như thế, thánh Tông Đồ mời gọi các kitô hữu cương quyết không dính bén với “các sự của hạ giới”; người muốn làm cho chúng ta hiểu một cách rõ ràng những điều thuộc về “con người cũ” mà kitô hữu phải lột bỏ để mặc lấy Chúa Kitô.

Thánh nhân cũng chỉ cho thấy rõ ràng đâu là những sự của thượng giới, mà kitô hữu phải tìm kiếm và nếm hưởng. Chúng thuộc về “con người mới” đã mặc lấy Chúa Kitô một lần cho tất cả trong Bí Tích Rửa Tội, nhưng nó luôn cần được canh tân “theo hình ảnh của Đấng đã tạo dựng ra nó” (Cl 3,10). Thánh Phaolô miêu tả những điều thượng giới như sau: “Là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, thánh hiến và yêu thương, vậy hãy mặc lấy các tâm tình thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau... Nhưng trên hết mọi đức tính, anh em hay mặc lấy lòng bác ái đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,12-14).

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Như thế thánh Phaolô không mời gọi kitô hữu trốn tránh thế giới, mà Thiên Chúa đã đặt để chúng ta trong đó. Đúng thật là chúng ta là công dân của một “kinh thành khác”, nơi là quê hương đích thật của chúng ta. Nhưng con đường hướng tới đích điểm đó chúng ta phải bước đi trong cuôc sống thường ngày trên trái đất này. Được tham dự vào cuộc sống của Chúa Kitô phục sinh, ngay từ bây giờ chúng ta phải sống như các con người mới trong thế giới này, trong con tim của kinh thành trần gian. Rồi Đức Thánh Cha quảng diễn điểm này như sau:

Đây không chỉ là con đường giúp biến đổi chính chúng ta, mà cũng giúp biến đổi thế giới nữa, để trao ban cho kinh thành trần gian một gương mặt mới, tạo điều kiện cho sự phát triển con người và xã hội theo cái luận lý của tình liên đới, của lòng tốt, trong sự tôn trộng sâu xa đối với phẩm giá của từng người. Thánh Tông Đồ nhắc nhở cho chúng ta biết đâu là các nhân đức phải đồng hành với cuộc sống kitô. Trên hết có đức bác ái, mà mọi nhân đức khác đều liên hệ như với suối nguồn và dạ mẹ. Nó tóm tắt “các sự trên trời”: cùng với đức tin và đức cậy, đức ái diễn tả luật lớn của cuộc sống kitô và định nghĩa bản chất sâu xa của nó.

Như vậy, lễ Phục Sinh đem lại sư mới mẻ của sự vượt qua sâu thẳm và toàn vẹn: từ cuộc sống nô lệ tội lỗi bước sang một cuộc sống của sự tự do, được tình yêu linh hoạt, là sức mạnh đánh đổ được mọi biên giới và xây dựng một sự hài hòa mới trong con tim và trong tương quan với tha nhân và với các sự vật.

Mỗi một kitô hữu, mỗi một cộng đoàn, nếu sống kinh nghiệm sự vượt qua phục sinh này, không thể không là men mới trong thế giới, bằng cách tự hiến một cách không dè dặt cho các việc cấp thiết và đúng đắn nhất, như chứng tá của các Thánh thuộc mọi thời đại và mọi nơi chốn cho thấy. Các chờ đợi của thời đại chúng ta cũng nhiều biết bao nhiêu: kitô hữu chúng ta tin chắc rằng sự phục sinh của Chúa Kitô đã canh tân con ngươi, mà không lấy nó ra khỏi thế giới, trong đó nó xây dựng lịch sử của mình. Chúng ta phải là các chứng nhân sáng ngời của cuộc sống mới đó, mà lễ Phục Sinh đã đem lại cho chúng ta. Như thế lễ Phục Sinh là món qùa ngày càng cần được luôn luôn tiếp nhận một cách sâu xa hơn trong đức tin, để có thể hoạt động trong mọi hoàn cảnh, với ơn thánh của Chúa Kitô, theo cái luận lý của Thiên Chúa, cái luận lý của tình yêu thương. Ánh sáng sự phục sinh của Chúa Kitô phải đi vào trong thế giới này của chúng ta, phải tới với nó như sứ điệp chân lý và sự sống cho tất cả mọi người qua chứng tá thường ngày của chúng ta.

Và Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Các bạn thân mến, Chúa Kitô đã sống lại thật! Chúng ta không thể giữ cho chúng ta sự sống và niềm vui mà Người đã ban cho chúng ta trong lễ Phục Sinh, nhưng phải trao ban cho những người mà chúng ta tiếp xúc. Đó là bổn phận và sứ mệnh của chúng ta: dấy lên trong con tim của tha nhân niềm hy vọng nơi có thất vọng, niềm vui nơi có nỗi buồn, sự sống nơi có cái chết. Làm chứng mỗi ngày cho niềm vui của Chúa phục sinh có nghĩa là luôn sống trong “cách thức phục sinh”, và làm vang lên lời loan báo tươi vui rằng Chúa Kitô không phải là một tư tưởng hay một ký ức của quá khứ, mà là một Người sống với chúng ta, sống cho chúng và sống trong chúng ta; và với Người, cho Người và trong Người chúng ta có thể đổi mới mọi sự (x. Kh 21,5).

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Croat, Tchèques, Slovac, Sloveni, Lituani, Hungari và Ý.

Chào đông đảo các bạn trẻ, nhất là các bạn trẻ tổng giáo phận Milano về hành hương Roma, Đức Thánh Cha nói Chúa Kitô nói với họ cũng như đã nói với các môn đệ xưa kia: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con... Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần” (Ga 20,21-23). Các con hãy đáp trả lời Chúa với niềm vui và tình yêu biết ơn đối với món qúa đức tin bao la, và các con sẽ là chứng nhân đích thật niềm vui và hòa bình của Người tại khắp mọi nơi. Ngài xin sự phục sinh của Chúa Kitô là suối nguồn bất tận của sự khích lệ, ủi an và hy vọng cho các anh chi em đau yếu. Đức Thánh Cha cầu chúc sự hiện diện của Chúa Phục Sinh hoạt động trong gia đình của các cặp vợ chồng mới cưới, với lời cầu nguyện hàng ngày dưỡng nuôi tình yêu hôn nhân của họ.

Sau cùng, Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

 

 


Về Trang Mục Lục