Tôn trọng sự thật và phẩm giá con người

Radiovaticana 29/04/2011 15.14.56 – Trong tháng 5 tới đây Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mòi gọi chúng ta hiệp ý với tín hữu công giáo toàn thế giới cầu xin cho các phương tiện truyền thông xã hội biết tôn trọng sự thật và phẩm giá của từng người.

Từ vài tháng qua, thế giới chứng kiến cuộc cách mạng dân chủ tại các quốc gia Bắc Phi và vùng Trung Đông. Hàng triệu người dân đã hưởng ứng lời mời gọi xuống đường biểu tình đòi dân chủ chỉ qua các phương tiện truyền thông hiện đại là các địa chỉ liên mạng, Youtube, Twitter và điện thoại di động, làm bùng lên mgọn lửa dân chủ hiện vẫn đang lan tràn trong hàng chục quốc gia A rập. Các kỹ thuật truyền thông tân tiến có khả năng rất lớn giúp con người thuộc mọi đại lục, mầu da, ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo tiếp xúc với nhau và thu hẹp thế giới thành một ngôi làng đại đồng. Chỉ trong tích tắc hệ thống liên mạng có thể nối liền con người sống tại bất cứ đâu trên trái đất này với nhau và cung cấp cho họ đầy đủ các hình ảnh và tin tức chính xác.

Qủa thật, các kỹ thuật truyền thông hiện đại là các dụng cụ có ảnh hưởng rất lớn trên toàn xã hội, trong nghĩa tích cực cũng như trong nghĩa tiêu cực. Khi không được sử dụng một cách đúng đắn với tinh thần trách nhiệm và luân lý cao độ, các phương tiện truyền thông hiện đại trở thành nô lệ cho các lợi nhuận riêng tư ích kỷ, thuộc mọi lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và cả tôn giáo nữa. Khi đó chúng có các nội dung vô luân, tồi bại, dối trá, xuyên tạc sự thật và không phục vụ công ích và hạnh phúc con người. Khi bị nô lệ, các phương tiện truyền thông phục vụ khuynh hướng cảm xúc thay vì cung cấp các tin tức quân bình, đúng đắn và trung thực. Người ta lèo lái hình ảnh của phụ nữ và chủ trương khiêu dâm trong việc quảng cáo để bán cho chạy hàng hơn; người ta làm sai lạc bản chất của sự thật để bảo vệ và duy trì các ý thức hệ độc tài dối trá lừa đảo; người ta kiểm duyệt thông tin và thông tin một chiều lệch lạc để duy trì dân chúng trong sự ngu dốt, hay để duy trì các lập trường triệt để lỗi thời, cứng nhắc và sai lầm của mình.

Đây là điều xảy ra trong các xã hội tự do bị thống trị bởi sự thèm khát lợi nhuận. Một cách đặc biệt, đây là điều xảy ra trong các quốc gia có chế độ độc tài cai trị, trong đó nhà nước bóp nghẹt hay tước đoạt một cách tàn bạo mọi quyền tự do của người dân, thẳng tay đàn áp, trù đập và tiêu diệt các phương tiện truyền thông đối lập hay độc lập. Dọc dài lịch sử thế giới, các nhà độc tài đã không ngừng kiểm duyệt và tiêu diệt các tư tưởng khác với tư tưởng của họ, khiến cho sự sợ hãi và đàn áp thay thế đối thoại và tự do. Và trong các chế độ độc tài ấy, các phương tiên truyền thông chỉ là công cụ tuyên truyền một chiều, dối trá của nhà nước vô luân thường đạo lý.

Mỗi khi muốn tiêu diệt một cá nhân hay tổ chức nào, nhà nước độc tài cho phát động chiến dich đặt điều, vu khống, bôi nhọ, mạ ly các cá nhân hay tổ chức ấy, để dọn đường cho càc vụ bố ráp, bắt bớ và xử án, với các tội danh bịa đặt, mơ hồ, dối trá, không bằng chứng, trơ trẽn, vô liêm sỉ và vô luân. Tại Việt Nam hiện nay đó là bộ mặt mọi rợ của các vụ xử án một số vị lãnh đạo tôn giáo, các nhà dân chủ và bất đồng chính kiến, các luật sư và những người tranh đấu cho các quyền con người, cho các quyền của dân tộc và đất nước, cũng như các tín hữu tranh đấu cho công lý và hòa bình.

Tuy nhiên, khi biết sử dụng các phương tiện truyền thông tân tiến một cách đúng đắn, các phương tiện này có thể góp phần rất lớn vào việc thăng tiến các giá trị đích thực của chân, thiện, mỹ, của nền vền văn hóa tôn trọng, đối thoại và tình bạn, cũng như bảo vệ phẩm giá và các quyền con người một cách hữu hiệu.

Trong sứ điệp gửi Ngày Quốc Tế Truyền Thông 2009, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mời gọi các chuyên viên của lãnh vực truyền thông ý thức nhiệm vụ cao qúy của mình, và chú ý tới phẩm giá con người và các giá trị cao qúy của cuộc sống. Các kỹ thuật truyền thông tân tiến đã mở đường cho cuộc đối thoại giữa các con người thuộc các quốc gia, nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Kỹ thuật số cho phép con người hiểu biết nhau, và hiểu biết các giá trị và truyền thống hay đẹp của người khác. Nhưng để được phong phú, các cuộc gặp gỡ như thế phải có hình thức diễn tả liêm chính và đúng đắn. Cuộc đối thoại phải đâm rễ sâu trong việc tìm kiếm sự thật chân thành và hai chiều, để có thể thăng tiến phát triển sự cảm thông và tinh thần khoan nhượng. Bởi vì cuộc sống con người không chỉ là một tiếp nối các biến cố, mà đúng ra là việc kiếm tìm chân thiện mỹ. Chính vì mục đích đó mà chúng ta có các lựa chọn và thực thi sự tự do của mình; và chính trong sự thật, sự thiện và vẻ đẹp mà chúng ta tìm thấy hạnh phúc và niềm vui... Thật là đáng khích lệ, khi thấy có nhiều mạng kỹ thuật số mới cố gắng thăng tiến tình liên đới nhân loại, hòa bình, công lý và các quyền con người, cũng như việc tôn trọng sự sống và hạnh phúc của mọi loài thụ tạo.

Với các tư tưởng trên đây, trong tháng 5 tới này, hiệp ý với Đức Thánh Cha và tín hữu công giáo toàn thế giới, chúng ta hãy cầu xin cho các phương tiện truyền thông xã hội biết tôn trọng sự thật và phẩm giá của từng người.

Linh Tiến Khải