“Tuyên phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI đáp lại một trào lưu rất mạnh mẽ trong Giáo Hội”

TTCG (TF1, Partager sur, 30-4-2011, bài của Fabrice Aubert) - Yves Bruley đã cắt nghĩa cho TF1 News biết tại sao ĐGH lại cho tiến hành nhanh chóng thủ tục tuyên phong chân phước cho vị tiền nhiệm của mình vốn được người Công giáo hết mực mến mộ.

Yves Bruley, nhà sử học và giáo sư môn Khoa học tại Paris, là tác giả cuốn sách “Chức vụ Giáo hoàng từ Thánh Phêrô đến Đức Bênêđictô XVI” (NXB CLD, 2008).

Sau đây là bài phỏng vấn Yves Bruley do kênh TF1 của Đài Truyền hình Pháp thực hiện.

Áp phích trước Hí trường Colisée ở Rôma nhân Lễ Tuyên phong Chân phước cho Đức Gioan Phaolô II - Ảnh: TF1/LCI

F1 News: Tại sao thủ tục phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II lại quá nhanh như thế?

Yves Bruley: có 2 lý do: một lý do nội tại bên trong Giáo hội Công giáo, và một lý do có tính cách cá nhân hơn về phía Đức Bênêđictô XVI. Ta có thể nói rằng Đức Bênêđictô XVI muốn làm hài lòng một trào lưu mạnh mẽ trong lòng Giáo hội Công giáo. Trào lưu này không những muốn cho Đức Gioan Phaolô II được tôn phong lên bậc chân phước, mà còn muốn cho ngài được tôn phong lên bậc hiển thánh. Và trào lưu này muốn ngay sau khi ngài qua đời (tiếng hô “santo subito” - phong thánh ngay lập tức - trong ngày lễ tang), thậm chí ngay khi ngài còn tại thế. Đức Bênêđictô XVI muốn chấp nhận nhanh chóng lời yêu cầu phát xuất từ lòng nhiệt tình này của công chúng, nhưng đồng thời, ngài vẫn muốn tôn trọng thủ tục. Và thủ tục này đã được tôn trọng, chỉ trừ việc thời hạn đã được xúc tiến một cách nhanh chóng hơn. Nhưng chúng ta hãy nhớ lại rằng, nếu Đức Gioan Phaolô II đã không thoát khỏi cuộc mưu sát xảy ra vào tháng 5-1981, thì có lẽ ngài đã là thánh rồi. Một cách nào đó, cả cuộc đời của ngài đã được chuẩn bị cho thủ tục này.

TF1 News: Đâu là lý do khác của Đức Bênêđictô XVI, có tính cách cá nhân hơn?

Y.B.: Đức Bênêđictô XVI là vị Giáo hoàng đầu tiên đã tuyên chân phước cho vị tiền nhiệm của mình. Ngài muốn gắn liền việc tuyên chân phước này với triều đại Giáo hoàng của mình, bởi vì ngài là cộng sự viên thân tín nhất của Đức Gioan Phaolô II. Ngày hôm nay, chính Đức Bênêđictô XVI là “người tiếp nối” công trình của Đức Gioan Phaolô II, và Đức cố Giáo hoàng là người gợi cảm hứng vĩ đại cho triều đại Giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI.

TF1 News: Nói một cách chung chung hơn, tại sao những người Công giáo lại quá gắn bó với Đức Gioan Phaolô II như thế?

Y.B.: Ta phải đặt tình cảm gắn bó này vào trong một bối cảnh tổng quát hơn, gắn liền với những thời đại khác nhau của chức vụ Giáo hoàng. Ngày xưa, các Giáo hoàng ít được mọi người biết đến, và năm thì mười hoạ mới được tuyên phong chân phước. Người ta chỉ biết tên của các ngài, được nhắc đến trong Thánh lễ, chứ không biết đến nhân cách của các ngài. Chỉ từ thế kỷ 19 trở đi, các ngài mới được biết đến nhiều nhờ những phương tiện truyền thông đại chúng. Lúc đó, người ta mới mô tả đời sống của các ngài, hành trình cá nhân của các ngài, đặc biệt là qua các sách vở. Lúc đó, các ngài mới được tuyên phong chân phước thường xuyên hơn. Những tiến bộ kỹ thuật, nhất là phương tiện truyền hình mà Đức Gioan Phaolô II thừa hưởng được cũng đã khuếch đại hiện tượng này. Và chính vì Đức Gioan Phaolô II đã công du khắp nơi trên thế giới nhờ những tiến bộ của ngành hàng không, và vì các tín hữu cũng đã có thể đến Rôma với số lượng đông đảo từ khắp nơi trên thế giới, mà ngài đã trở nên rất nổi tiếng. Một cách nào đó, ngài là kết quả của tiến trình trung gian hoá.

Kế đến, sự gắn bó này dĩ nhiên được gắn liền với triều đại kéo dài 26 năm của ngài, và nhất là với nhân cách của ngài. Ngài đã tìm được một sự quân bình trong cách sống là giáo hoàng của mình. Ngài là người trí thức, và thật không quá khi nói điều này giúp ngài sống gần gũi với mọi người và là nhà sư phạm. Thật không quá khi nói ngài là nhà thần bí, bởi vì ngài vẫn luôn là một người của hành động. Ngài rất gắn bó với giáo lý của Giáo Hội, nhưng không quá cứng nhắc. Ngài đã đóng một vai trò chính trị, nhưng trên hết, ngài là một con người của đức tin. Cuộc sống của ngài không có gì đáng chê trách cả.

Phong thánh không thật sự cần thiết

TF1 News: Với việc lùi lại một vài năm, người ta có thể tổng kết như thế nào từ hoạt động của ngài?

Y.B.: Khi ngài được bầu làm Giáo hoàng, chức vụ Giáo hoàng còn bị nhiều tranh cãi, kể cả trong Giáo Hội. Từ Công đồng Chung Vatican II trở đi, người ta vẫn tìm cách thế tốt đẹp để hiểu Giáo hoàng trong thế giới hiện đại, người ta vẫn tự hỏi đâu là vai trò mà ĐGH phải đảm nhận. Một cách tổng quát hơn, Giáo Hội cũng đã bị xâu xé giữa những người tán thành việc quay về với truyền thống và những người tán thành việc biến đổi tận căn. Giữa hai trào lưu, tuyệt đại đa số người Công giáo im lặng, không muốn làm gì cả. Đại đa số này đã tìm thấy nơi Đức Gioan Phaolô II một con người mà họ đang cần đến. Và Giáo Hội đã tìm lại được niềm tin trong đại đa số này, bởi vì họ đã tìm thấy nơi Đức Gioan Phaolô II một vị Giáo hoàng lý tưởng của mình. Người đã mang lại cho chức vụ Giáo hoàng một chỗ đứng tự nhiên hơn, thích đáng hơn, ở bên trong cũng như bên ngoài Giáo Hội. Nhờ ngài, chức vụ Giáo hoàng đã tìm lại được con đường của mình, cũng như làm cho mọi người lắng nghe tiếng nói của mình.

TF1 News: Sau khi tuyên phong chân phước, logic tiếp theo là tuyên thánh. Trong thời gian bao lâu viêc tuyên thánh có thể được diễn ra?

Y.B.: Với việc tuyên phong chân phước, điều thiết yếu đã được làm xong. Tuyên thánh có thật sự cần thiết không? Việc tưởng nhớ một vị chân phước chỉ có thể được cử hành trong một quốc gia hay trong một dòng tu, trong khi đó thì vị thánh lại có tính hoàn vũ. Thế mà Đức Gioan Phaolô II đã có tính hoàn vũ, thì như thế, trong thực tế ngài đã là thánh rồi. Việc tuyên thánh sẽ không nhất thiết mang lại điều gì lớn lao hơn nữa. Tuy nhiên, nếu Đức Bênêđictô XVI muốn xúc tiến, thì tiến trình này sẽ kéo dài theo thời gian cổ điển, nghĩa là vài năm.

G.B. Lưu Văn Lộc chuyển ngữ

(Cập nhật: 01/05/2011 - 00:11:13)

 


Về Trang Mục Lục