ĐỨC THÁNH CHA NÓI VỀ THẦN HỌC LINH ĐẠO

(by Xuân Bích Việt Nam Dịp mừng 75 năm thành lập Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện TERESIANUM, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI hiệp tâm tình tạ ơn với Phân Khoa, và ngài nhắc lại giá trị của Thần Học Linh Đạo mà Phân Khoa này đảm nhận để phục vụ Giáo Hội, qua việc huấn luyện và đồng hành trong hành trình đời sống thiêng liêng.

Sau đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha tại buổi tiếp kiến ngày 19 tháng 5 năm 2011 vừa qua.

Tôi vui mừng được gặp chư hiền đệ và các con, và chung tâm tình tri ân Chúa nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện TERESIANUM. Tôi mến chào Cha Saverio Cannistrà, Bề Trên Tổng Quyền dòng Cát Minh Cải Cách, cám ơn Cha rất nhiều về những lời tốt đẹp Cha vừa dành cho tôi. Xin chào mừng quí Cha của Nhà Trung Ương. Xin chào mừng Cha Giám Đốc Aniano Álvarez-Suárez, ban Giám Học và toàn Ban Giáo Sư của Teresianum. Xin chào mừng các sinh viên rất quí mến, gồm các tu sĩ Cát Minh Cải Cách, các nam nữ tu sĩ thuộc các dòng khác, các linh mục và chủng sinh.

Vậy là ba phần tư thế kỷ đã trôi qua, kể từ ngày 16 tháng 7 năm 1935, ngày Lễ kính Đức Trinh Nữ Núi Cát Minh, ngày mà Học Viện Quốc Tế của Dòng Cát Minh Cải Cách ở Rôma được thiết lập thành Phân Khoa Thần Học. Ngay từ buổi đầu ấy Phân Khoa đã nhắm đào sâu Thần Học Linh Đạo đặt nền trên Nhân Học. Và rồi, Học Viện Linh Đạo được thành lập, liên kết với chương trình cốt yếu của Phân Khoa Thần Học, và cùng mang chung tên gọi TERESIANUM.

Nhìn lại suốt giòng lịch sử của trường, chúng ta chúc tụng Chúa vì bao điều tuyệt vời Chúa đã làm cho trường, và cho bao thế hệ sinh viên theo học ở đây. Điều tuyệt vời trước hết, đó là một kinh nghiệm Giáo Hội độc đáo được hình thành nơi một cộng đoàn hàn lâm, được hậu thuẫn bởi tất cả sự phong phú của một gia đình thiêng liêng to lớn là Dòng Cát Minh Cải Cách. Chúng ta nhớ lại phong trào canh tân rộng khắp diễn ra trong Giáo Hội qua chứng tá của Thánh Têrêsa Giêsu và Thánh Gioan Thánh Giá. Phong trào này đã khơi dậy ngọn lửa nhiệt tâm với lý tưởng đời sống chiêm niệm mà vào thế kỷ 16, có thể nói, đã làm bừng cháy Châu Âu và toàn thế giới.

Các sinh viên thân mến, chính trên nền đặc sủng này mà các con làm công việc đào sâu nhân học và thần học, công việc thâm nhập vào mầu nhiệm Đức Kitô, với sự thông sáng của trái tim – nghĩa là với sự kết hợp giữa hiểu biếtyêu mến. Điều này giả thiết rằng Chúa Giêsu phải được đặt làm trọng tâm của tất cả, Ngài là trọng tâm của tình cảm và tư tưởng của các con. Thời giờ cầu nguyện của các con, việc họchành của các con, tất cả đời sống các con… phải qui hướng về Chúa Giêsu. Ngài là Lời, là “quyển sách sống”, như Thánh Têrêsa Avila quả quyết: “Để học biết sự thật, tôi không có quyển sách nào khác ngoài Thiên Chúa” (Sách Đời Sống 26,5). Cha cầu chúc mỗi người trong các con có thể nói lên cùng với Thánh Phaolô: “Tôi coi tất cả mọi sự là thua thiệt, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Ðức Kitô Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3,8).

Ở đây Cha muốn nhắc lại định nghĩa về hoán cải mà Thánh Têrêsa đưa ra từ kinh nghiệm nội tâm của ngài, như lần nọ ngài đã cảm nhận được trước Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Thánh nữ viết: “Vừa khi nhìn Chúa trên Thánh Giá … tôi cảm nhận nỗi đau lớn đến nỗi tôi hiểu được mình đã vô ơn bạc nghĩa biết bao trước tình yêu của Chúa, đến mức trái tim tôi như vỡ ra. Tôi gục xuống dưới chân Chúa, khóc nức nở, và tôi cầu xin Chúa ban ơn để tôi đừng xúc phạm đến Ngài nữa.” (Tự Thuật 9,1). Trong cùng cảm nghiệm ấy, Thánh Têrêsa dường như cũng hỏi chúng ta: Làm sao có thể tiếp tục dửng dưng trước tình yêu lớn lao như thế? Làm sao có thể thờ ơ với Đấng đã yêu thương ta với lòng thương xót hải hà như thế? Tình yêu của Đấng Cứu Chuộc đáng cho chúng ta đáp trả bằng trọn lòngtrí, và tình yêu ấy cũng sẽ khơi động bên trong chúng ta một sự tương tác tuyệt vời, trong đó tình yêusự hiểu biết giúp làm tăng triển lẫn nhau. Trong việc học thần học, các con hãy luôn nhìn lại cái động lực sâu xa nhất thúc đẩy mình vào công việc này, đó cũng chính là cái động lực đã thúc đẩy Chúa Giêsu “yêu thương chúng ta và hiến mạng vì chúng ta” (x. 1Ga 3,16). Các con hãy ý thức rằng những năm đèn sách này là một ơn huệ quí báu được Chúa Quan Phòng ban cho; và ơn huệ này phải được đón nhận trong đức tin và được sống cách ân cần trân trọng, như cơ hội có một không hai để các con lớn lên trong ý thức về mầu nhiệm Chúa Kitô.

Trong bối cảnh hiện nay, rất cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu đào sâu linh đạo Kitô giáo, khởi đi từ những giả định nhân học của nó. Việc học chuyên biệt về linh đạo là điều quan trọng, bởi vì nhờ đó các con được trang bị khả năng thích hợp để giảng dạy môn này; nhưng còn ơn ích lớn hơn nữa, đó là hành trang khôn ngoan mà các con nhận được để đảm nhận công việc linh hướng đầy tế nhị. Như trong suốt giòng lịch  sử, Giáo Hội ngày nay vẫn tiếp tục thúc đẩy việc thực hành linh hướng, không chỉ đối với những ai ước muốn đi theo Chúa sát gót, mà đối với mọi Kitô hữu muốn sống một cách có trách nhiệm ơn gọi Phép Rửa của mình, nghĩa là muốn sống sự sống mới trong Chúa Kitô.

Thật vậy, mỗi người, cách nào đó, đều được Chúa không ngừng mời gọi đi theo Chúa sát gần hơn. Mỗi người đều cần được đồng hành cá nhân bởi một người hướng dẫn vững vàng trong giáo lý đức tin và giàu kinh nghiệm thuộc linh.

 Người hướng dẫn giúp người ta tránh những chủ quan dễ dãi, chia sẻ sự hiểu biết và kinh nghiệm sống của mình trên con đường theo Chúa Giêsu. Điều thiết yếu là thiết lập mối tương quan biệt vị giữa người hướng dẫn và người được hướng dẫn, mối tương quan như được ghi nhận giữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài – chính trong mối tương quan đặc biệt đó mà Ngài đã hướng dẫn các môn đệ theo chân Ngài để thi hành  thánh ý Chúa Cha (x. Lc 22,42), tức theo chân Ngài trên con đường thập giá.

Các sinh viên thân mến, trong mức độ mà các con được gọi đảm nhận công việc linh hướng không thể thay thế được này, các con hãy trân trọng những gì mà các con học được trong những năm đèn sách hiện nay, để đồng hành với những người mà Chúa quan phòng sẽ ủy trao cho các con, giúp đỡ họ trong việc phân định các thần loại và trong khả năng hưởng ứng các tác động của Chúa Thánh Thần, nhằm hướng dẫn họ đạt tới sự viên mãn của ân sủng, “đạt tới mức viên mãn của Chúa Kitô” – như cách nói của Thánh Phaolô (Ep 4,13).

Các con thân mến, các con đến từ khắp mọi nơi trên thế giới. Tại Rôma này, lòng và trí các con được khơi gợi để mở ra với chiều kích hoàn vũ của Giáo Hội, được thúc đẩy để đồng cảm với Giáo Hội (sentire cum Ecclesia), trong niềm hiệp thông sâu sắc với tâm tư của người kế vị Thánh Phêrô. Vì thế, Cha kêu mời các con hãy không ngừng lớn lên hơn và vững mạnh hơn trong niềm yêu mến và phục vụ Giáo Hội. Trong Mùa Phục Sinh này, chúng ta xin Chúa Phục Sinh ban cho chúng ta quà tặng Thánh Thần, và chúng ta dựa vào sự cầu bàu của Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ đã hiện diện cùng với các Tông Đồ trong Căn Gác Thượng để cầu xin Đấng Phù Trợ, xin Mẹ cầu bàu cho các con được ơn khôn ngoan của trái tim và được dư tràn ơn Chúa để sẵn sàng cho tương lai đang chờ đợi các con. Cậy nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa, của Thánh Têrêsa Giêsu và Thánh Gioan Thánh Giá, Cha thân ái ban Phép Lành Tông Tòa cho cộng đoàn TERESIANUM và cho toàn thể Gia Đình Cát Minh.

 BÊNÊĐICTÔ XVI

 THIÊN PHONG dịch từ bản gốc tiếng Ý

Từ trang http://www.teresianum.org của Pontificia Facoltà Teologia / Pontificio Istituto di Spiritualità TERESIANUM (22.5.2011)

 

 


Về Trang Mục Lục