Kitô hữu Nigeria nạn nhân của lực lượng hồi cuồng tín Boko Haram

Radiovaticana 03/01/2012 16.48.37 – Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Augustin Kasujja, Sứ Thần Tòa Thánh tại Nigeria, và ông Stanley Ukeni, chuyên viên phân tích tình hình chính trị, về các vụ khủng bố tấn công các nhà thờ kitô tại Nigeria, trong dịp lễ Giáng Sinh 2011.

Trong ngày lễ Giáng Sinh 2011 lực lượng hồi giáo cuồng tín Boko Haram đã tấn công một số các nhà thờ kitô trong các tỉnh Abuja, Jos, Gadaka và Damaturi bên Nigeria, khiến cho 200 tín hữu bị chết và hàng trăm người khác bị thương. Tất cả các thành phố nói trên đều ở miền bắc Nigeria, là vùng có đa số dân theo Hồi giáo, và luật Sharia đã được áp dụng trên cuộc sống của người dân tại 12 trên tổng số 37 tiểu bang. Ngày 26-12-2011 lại đã xảy ra nhiều vụ đốt phá hàng quán của các tín hữu kitô: ít nhất đã có 30 hàng quán bị các nhóm hồi cuồng tín tấn công, khiến cho hàng trăm kitô hữu phải chạy trốn.

Lực lượng Boko Haram được Imam Mohammed Yusuf thành lập cách đây hơn 10 năm và quy tụ nhiều giáo phái hồi nhỏ, được định nghĩa là “các người Taleban Nigeria”. Lãnh tụ Yusuf đã qua đời trong tù cách đây 2 năm.

Trong tiếng Hausa “Boko Haram” có nghĩa là “giáo dục tây phương bị cấm”, để nói rằng chỉ có nền giáo dục hồi dựa trên kinh Coran là có giá trị và được phép. Từ hơn mười năm qua lực lượng hồi cuồng tín này đã khiến cho hơn 3.000 người bị chết, đa số là tín hữu kitô.

Hồi cuối thập niên 1990 và đầu năm 2000 các nhóm hồi cuồng tín này đã bị chính quyền Nigeria đánh dẹp tại miền bắc. Từ đó đến nay, họ rút lui về Maiduguri, thủ phủ tiểu bang Borno, ở mạn đông bắc Nigeria. Ông Abubakar Mùazu, giáo sư truyền thông thuộc đại học Maiduguri, cho biết lực lượng Boko Haram được lãnh đạo bởi một một nhóm người cấu kết với tổ chức khủng bố hồi giáo quốc tế Al Qaeda, càng ngày càng có nhiều khả năng tài chánh cũng như kỹ thuật. Đây là lần thứ hai lực lượng Boko Haram cho nổ bom tại Abuja, sau vụ tấn cống trụ sở Liên Hiệp Quốc ngày 26 tháng 8 năm 2011 khiến cho 24 người thiệt mạng.

Tổng thống Goodluck Jonathan, là tín hữu công giáo, đã gặp gỡ các lãnh tụ hồi giáo, trong đó có Sultan Sokoro, lãnh tụ tối cao của Hồi giáo tại Nigeria. Bình luận về các vụ khủng bố ngày lễ Giáng Sinh vừa qua, tổng thống nói: “Các hành động chống lại thường dân không phương thế tự vệ này là một tấn kích chống lại sự tự do và nền an ninh quốc gia của chúng ta, và là điều không thể biện minh được”. Tổng thống cho biết sẽ triệu tập một cuộc họp thượng đỉnh về an ninh vào dầu tháng giêng năm 2012.

Ông Muhamadu Buhari, nguyên lãnh tụ quân đội đã thất cử trong cuộc đầu hiếu hồi tháng 4 năm 2011, đã chỉ trích chính quyền là chậm chạp và thờ ơ không muốn giải quyết vấn đề. Theo ông đây là sự thất bại rõ ràng của giới lãnh đạo chính trị Nigeria.

Đức Cha John Olorunfemi Onayekan, Tổng Giám Mục Abuja, thì tuyên bố: “Đa số các tín hữu kitô và hồi giáo muốn sống trong hòa bình với nhau. Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để khích lệ và thăng tiến một cuộc sống hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau với cộng đoàn hồi giáo. Chúng tôi phải tiếp tục hy vọng, mặc dù đã xảy ra các biến cố đáng buồn như trên, nhưng tiếp tục con đường đối thoại và hòa giải là điều đáng công”. Đức Cha cũng cho biết có nhiều người trẻ rất giận dữ trước các vụ khủng bố như thế này. Và ngài đã nói với chính quyền rằng, kiểu duy nhất giúp trấn an người trẻ đó là phải nhận diện và loại trừ các nhóm hồi cuồng tín này khỏi Nigeria.

Liên bang cộng hòa Nigeria rộng 923.768 cây số vuông, gồm 37 tiểu bang, có 167 triệu dân thuộc hơn 250 chủng tộc, với các ngôn ngữ và tập tục khác nhau. Các chủng tộc Fulani-Hausa, Yoruba và Igbo chiếm 68% tổng số dân; các chủng tộc Edo, Ijaw, Kanuri và Ibibio chiếm 27% và các chủng tộc còn lại chiếm 7%. Trên bình diện ngôn ngữ thực ra Nigeria có tới 521 tiếng nói khác nhau, trong đó có 510 ngôn ngữ còn sống, 2 ngôn ngữ không có người bản địa nói, và 9 ngôn ngữ chết. Vì Nigeria là cựu thuộc địa của anh quốc nên tiếng Anh được chọn làm ngôn ngữ chính. Trên bình diện tôn giáo, 50% dân theo Hồi giáo, đa số sống trong các tiểu bang miền bắc, 40% theo Kitô giáo, đa số sống trong các tiểu bang miền nam, và 10% theo đạo thờ vật linh và các tôn giáo khác.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Tổng Giám Mục Augustin Kasujja, Sứ Thần Tòa Thánh tại Nigeria, và ông Stanley Ukeni, chuyên viên phân tích tình hình chính trị, về các vụ khủng bố tấn công các nhà thờ kitô nói trên.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Kasujja, Đức Tổng Giám Mục nghĩ gì về các vụ tấn công các nhà thờ kitô tại Nigeria trong ngày lễ Giáng Sinh 25-12 năm vừa qua?

Đáp: Cuộc tấn công các nhà thờ kitô trong ngày lễ Giáng Sinh Chúa Nhật 25-12 năm vừa qua xem ra cho thấy “một chứng ung thư” cần phải được nhổ tận gốc rễ ngay lập tức, không phải chỉ bởi các kitô hữu và các chính trị gia mà thôi, mà bởi toàn dân Nigeria. Có lẽ cũng cần có một cuộc họp của Ủy ban liên tôn quốc gia giữa các tín hữu kitô và tín hữu hồi, để cùng nhau nghiên cứu xem phải phòng ngừa các hành động bạo lực ấy như thế nào. Như chính quyền địa phương đã cho biết, nếu qủa bom mạnh như vậy được đem đặt trong nhà thờ, thì chắc chắn nó đã được chuẩn bị ở một chỗ nào đó, và hẳn đã có người nào đó đã biết hay đã trông thấy.

Hỏi: Thưa Đức Sứ Thần Tòa Thánh, hiện nay tình hình Nigeria ra sao sau các vụ tấn công các nhà thờ kitô nói trên?

Đáp: Sau vụ tấn công nhà thờ công giáo thánh Terexa và các nhà thờ khác, người dân đã rất bị kích động và giận dữ nữa. Tôi đã đến thăm nhà thờ kính thánh nữ Terexa hôm sau đó, sau khi đã viếng thăm các người bị thương tại nhà thương Abuja để an ủi họ và đem tới cho họ sự hiện diện liên đới của Giáo Hội. Thế rồi còn có sứ điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong ngày lễ Giáng Sinh và trong lễ kính thánh Stêphanô; sứ điệp đã trấn an tín hữu đặc biệt tại những nơi đã xảy ra các vụ tấn công. Các lời của Đức Thánh Cha đã không chỉ an ủi các nạn nhân, mà còn giúp nhận định những gĩ đã xảy ra với tinh thần trách nhiệm hơn là với bạo lực. Chính lễ kính thánh Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội, đã là một bài giảng cho người dân đang đau khổ trong chính ngày lễ Giáng Sinh. Trong thánh lễ kính thánh Stêphanô trong nhà thờ thánh nữ Terexa, tức hôm sau ngày xảy ra vụ mưu sát, đã có rất đông tín hữu hiện diện. Điều này có nghĩa là sứ điệp của Đức Thánh Cha đã khích lệ họ rất nhiều.

Hỏi: Một kiểu đọc hiểu hời hợt điều đã xảy ra tại Nigeria có thể khiến cho người ta nghĩ rằng đây là một cuộc chiến tôn giáo. Thực ra thì không phải như vậy. Vậy thì có các lý do nào khác gắn liền với các sự kiện thê thảm như thế, thưa Đức Sứ Thần Tòa Thánh?

Đáp: Nhiều quan sát viên khác nhau nói rằng đàng sau các vụ tấn công như thế cũng có các lý do chính trị. Nhưng đây là điều cần phải kiểm thực... Cách đây một tháng, khi người ta bắt được một phát ngôn viên của lực lượng Boko Haram, xem ra người này đã tiết lộ cho biết lực lượng có vài tiếp xúc với các giới chức chính trị Nigeria. Có các giới chức chính trị ẩn nấp đàng sau lệnh của những người này.

Hỏi: Như thế có nghĩa là lực lượng Boko Haram có các tiếp xúc với giới chức chính trị tại Nigeria, có phải thế không thưa Đức Sứ Thần Tòa Thánh?

Đáp: Dựa trên những gì phát ngôn viên thành viên của lực lượng Boko Haram bị bắt cách đây một tháng cho biết, thì xem ra đó là điều có thật. Ông này đã bị kết án tù 3 năm.

Hỏi: Vậy đâu là các lợi lộc mà giới chức chính trị có được khi dưỡng nuôi các bạo lực này trong nước?

Đáp: Xem ra thì từ khi có các cuộc bầu cử chính trị hồi tháng 4 năm 2011, nhóm Boko Haram đã được củng cố thế lực nhiều hơn. Ngay sau các cuộc bầu cử, các vụ bạo lực đã gia tăng, nhất là tại miền bắc Nigeria. Có người nói rằng vài giới chức chính trị miền bắc không hài lòng, vì tổng thống đắc cử là người miền nam Nigeria, mà lại là một kitô hữu...

Hỏi: Thưa Đức Sứ Thần Tòa Thánh, vùng Phi châu nam sa mạc Sahara có nguy cơ ngày càng nằm dưới ảnh hưởng của tổ chức Al Qaeda và phong trào Hồi giáo cuồng tín hay không?

Đáp: Boko Haram là một nhóm hồi cuồng tín được thành lập năm 2002 và đang lớn mạnh. Các phương tiện họ có hồi đó bây giờ đã trở thành tinh vi hơn. Và điều này có nghĩa là có ai đó để cho các phương tiện ấy vào được trong nước. Nhưng nếu có ý chí, thì cũng có thể ngăn chặn được nhóm này.

** Sau đây là một số nhận định của ông Stanley Ukeni, người bất đồng ý kiến với chính quyền Nigeria, hiện sống lưu vong và là chuyên viên phân tích tình hình chính trị Nigeria.

Hỏi: Thưa ông Ukeni, có cái gì đàng sau chương trình bạo lực của tổ chức Boko Haram này hay không?

Đáp: Đàng sau các vụ bạo lực khủng bố đó có tham vọng quyền bính chính trị của các giới chức miền bắc đã mất tổng thống của họ là ông Umaru Yar' Ardua và đã thua trong các cuộc bầu cử hồi tháng 4 năm 2011. Chính vì thế nên họ sẵn sàng đánh phạt tổng thống Goodluck Jonathan để tái chiếm việc kiểm soát chính quyền.

Hỏi: Vậy thì làm sao giải thích được yêu sách tôn giáo của lực lượng khủng bố này?

Đáp: Tổ chức Boko Haram chỉ là một trong các dụng cụ được các giới chức chính trị sử dụng để tấn công chính quyền hiện nay tại Nigeria. Đối với những kẻ tài trợ cho các chiến binh hồi giáo thì số người chết trong tiến trình này không có gì quan trọng.

Hỏi: Các vụ đặt bom các nhà thờ kitô trong ngày lễ Giáng Sinh vừa qua đã được chuẩn bị từ lâu trước đó, hay chỉ là phản ứng chống lại các biện pháp an ninh của chính quyền, thưa ông?

Đáp: Mặc dù có các hoạt động bảo vệ an ninh của chính quyền, họ đã giết hại rất nhiều thường dân. Các vụ khủng bố đã được chuẩn bị từ rất lâu trước đó. Các thủ lãnh của phong trào Boko Haram cũng đã báo trước cho dân chúng biết ý định của họ.

Hỏi: Thế thì tại sao họ lại tấn công các nhà thờ kitô, mà không phải là các đồn bốt cảnh sát, như họ đã làm trong qúa khứ?

Đáp: Họ muốn đánh trúng tim của các kitô hữu chiếm đa số tại miền nam Nigeria, và qua đó tấn công chính quyền. Ngoài ra họ còn muốn lôi kéo sự chú ý của cộng đồng quốc tế, và rất tiếc là họ đã thành công.

Hỏi: Vậy phải tìm những kẻ có trách nhiệm đối với các vụ bạo lực này tại Nigeria hay sao thưa ông?

Đáp: Một vài người có trách nhiệm đối với các vụ bạo lực này đang giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền và cơ quan mật vụ Nigeria. Những người khác sống ngoài Nigeria. Các vụ khủng bố loại này thường được chuẩn bị bên ngoài vùng đất chúng cố ý tàn phá.

Hỏi: Thưa ông, cuộc xung đột này chỉ liên quan tới nước Nigeria hay còn liên quan tới các quốc gia nào khác nữa?

Đáp: Chắc chắn là nó không chỉ liên quan tới nước Nigeria. Nigeria là quốc gia sản xuất nhiều dầu hỏa nhất Phi châu. Vì thế tôi xác tín rằng nó bị sử dụng như bãi chiến trường bởi cả các cường lực ngoại quốc nữa. Chẳng hạn như Iran có thể là quốc gia muốn trông thấy Nigeria bị bất ổn để gây thiệt hại cho các vụ làm ăn trong lãnh vực dầu hỏa với Hoa Kỳ là kẻ thù của họ.

Hỏi: Thưa ông, vậy cuộc đối thoại với phe đối lập có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng trong một cách thế nào đó hay không?

Đáp: Những kẻ sẵn sàng sát hại biết bao người vô tội như thế, thì họ không muốn đối thoại. Đàng khác, việc trả đũa cứng rắn của chính quyền Nigeria không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng một cách an bình. Điều mà phe đối lập muốn chính là tình trạng bất ổn này, hầu như là một cuộc nội chiến, như đã xảy ra hồi năm 1967. Trong bối cảnh này, giải pháp duy nhất là chính quyền củng cố và bảo đảm việc tôn trọng luật lệ, bằng cách trừng phạt những kẻ có trách nhiệm đối với các vụ bạo lực này một cách thích đáng. Nhưng trái lại, tại Nigeria những kẻ có tội ấy lại không bị trừng phạt.

(RG 28-12-2011; Avvenire 27-12-2011)

Linh Tiến Khải


Về Trang Mục Lục