Đức Thánh Cha kêu gọi bảo vệ tự do tôn giáo tại Hoa Kỳ

Radiovaticana 19/01/2012 14.34.46 – VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 19-1-2012, dành cho các GM Hoa Kỳ, ĐTC cảnh giác về trào lưu văn hóa đang tìm cách thu hẹp tự do tôn giáo tại nước này, và hạn chế chứng tá công cộng của Giáo Hội Công Giáo về luân lý.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến dành cho 16 GM, đứng đầu là ĐHY Donald Wuerl, từ vùng thủ đô, bang Maryland, Delaware, Virginia, Tây Virginia và Tổng giáo hạt quân đội Mỹ, về Roma hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

ĐTC nói đến một số trào lưu văn hóa ở Mỹ chủ trương giới hạn chân lý trong lãnh vực hoàn toàn là khoa học duy lý, hoặc loại bỏ sự thật luân lý nhân danh quyền bính chính trị hoặc qui luật của đa số.. Ngài nói: “Những trào lưu ấy không những là một đe dọa cho đức tin Kitô, nhưng còn cho chính nhân loại và cho sự thật sâu xa nhất về con người và ơn gọi tối hậu của chúng ta, quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Khi một nền văn hóa toan tính hủy bỏ chiều kích mầu nhiệm tối hậu, và khép kín đối với chân lý siêu việt, thì chắc chắn nó trở nên nghèo nàn và rơi vào quan niệm hẹp hòi và độc đoán về con người và bản chất của xã hội”.

ĐTC đề cao vai trò phê bình của Giáo Hội chống lại trào lưu văn hóa dựa vào chủ nghĩa cá nhân tột độ, tìm cách thăng tiến những ý niệm tự do tách rời khỏi sự thật luân lý.. Sự bảo vệ của Giáo Hội dành cho lý lẽ luân lý dựa trên luật tự nhiên vì Giáo Hội xác tín rằng luật này không phải là một đe dọa cho tự do của chúng ta, nhưng đúng hơn, đó là một “ngôn ngữ” giúp chúng ta hiểu được chính mình và chân lý về con người chúng ta, hầu kiến tạo một thế giới công chính và nhân bản hơn. Vì thế, Giáo Hội đề nghị các giáo huấn luân lý như một sứ điệp, không cưỡng bách nhưng là giải thoát, và như một căn bản để xây dựng một tương lai chắc chắn”.

Cũng trong bài huấn dụ khi tiếp các GM Hoa Kỳ, ĐTC mời gọi toàn thể cộng đồng Công Giáo tại Hoa Kỳ ý thức về những đe dọa trầm trọng đối với chứng tá công cộng của Giáo Hội về luân lý, do trào lưu tục hóa cực đoan gây ra, trào lưu này ngày đàng được biểu lộ trong lãnh vực chính trị và văn hóa.

ĐTC nói: “Cần nhận thức rõ những đe dọa nghiêm trọng ấy trong mọi cấp độ của đời sống Giáo Hội. Điều đặc biệt đáng lo là một số toan tính nhắm giới hạn tự do tôn giáo, vốn là điều được quí chuộng nhất trong các quyền tự do của người Mỹ. Nhiều người trong anh em đã vạch rõ sự kiện: nhiều nỗ lực có phối hợp đang được thực hiện để phủ nhận quyền phản kháng lương tâm của các cá nhân và tổ chức Công Giáo về việc cộng tác đối với những đường lối thực hành tự chúng là xấu. Một số anh em khác đã nối với tôi về xu hướng đáng lo âu, nhắm thu hẹp tự do tôn giáo vào tự do phụng tự, và không có sự bảo đảm tôn trọng tự do lương tâm”.

Sau cùng, ĐTC kêu gọi các GM Hoa Kỳ đẩy mạnh việc thăng tiến một hàng ngũ giáo dân Công Giáo dấn thân, được huấn luyện kỹ lưỡng, với một ý thức phê bình mạnh mẽ đối với trào lưu văn hóa đang thống trị, và có can đảm chống lại chủ nghĩa duy tục hóa, không cho Giáo Hội được tham gia vào cuộc thảo luận công cộng về những vấn đề quan trọng đối với tương lai của xã hội Hoa kỳ. Việc chuẩn bị những vị lãnh đạo giáo dân dấn thân và trình bày lập trường có sức thuyết phục về nhân sinh quan và xã hội quan Kitô giáo là một trách vụ hàng đầu của Giáo Hội tại đất nước anh em, như những yếu tố thiết yếu trong cuộc cuộc tái truyền giảng Tin Mừng. Các mối quan tâm này phải hình thành viễn tượng và mục tiêu của các chương trình giáo lý ở mọi cấp độ”.

Trong thời gian gần đây, HĐGM Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng tố giác các đạo luật tại một số nơi ở Mỹ đe dọa hoặc kỳ thị các tín hữu Kitô, đặc biệt là Công Giáo, như luật buộc các tổ chức Công giáo phải trả bảo hiểm ngừa thai cho các nhân viện, luật công nhận hôn nhân đồng phái, buộc các tổ chức Công Giáo phải giúp các cặp đồng phái nhận con nuôi, nếu không sẽ không được tài trợ của chính phủ, v.v. HĐGM Mỹ đã thành lập Ủy ban GM về tự do tôn giáo để giúp gây ý thức và động viên các thành phần Giáo Hội bảo vệ tự do tôn giáo. (SD 19-1-2012)

G. Trần Đức Anh OP

 


Về Trang Mục Lục