Đừng chính trị hóa tôn giáo và thần thánh hóa các thế lực trần gian

Bài viết của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trên báo Financial Times nhân dịp Giáng sinh 2012

WHĐ (21.12.2012) – Báo Financial Times, nhật báo nổi tiếng của nước Anh, ngày 19-12 vừa qua đã đăng bài viết của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, nhan đề: “Một thời đại dành cho Kitô hữu dấn thân vào thế giới”.

Văn phòng báo chí Tòa Thánh cho biết: Nhân Đức Thánh Cha vừa xuất bản quyển thứ ba trong bộ tác phẩm “Đức Giêsu thành Nazaret”, ban biên tập Financial Times đã thỉnh cầu Đức Thánh Cha viết một bài báo về tác phẩm vừa được công bố. Đức Thánh Cha đã nhận lời. Bài báo của Đức Thánh Cha đăng trên tờ Financial Times được coi là một đóng góp độc đáo của ngài vào bầu khí mừng lễ Giáng sinh năm nay, như tờ Financial Times đã phụ chú bài báo bằng chính lời của Đức Thánh Cha: “Giáng sinh là dịp hưởng niềm vui và cũng là cơ hội để suy nghĩ”.

Sau đây là toàn văn bài báo của Đức Thánh Cha.

* * *

Một thời đại dành cho Kitô hữu dấn thân vào thế giới

“Trả lại cho Caesar những gì thuộc về Caesar. Trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”. Đó là câu Chúa Giêsu trả lời khi được hỏi về việc đóng thuế. Tất nhiên, những người đặt câu hỏi có ý gài bẫy Người. Họ muốn buộc Người phải cho biết đứng về phía nào trong cuộc tranh luận chính trị gay gắt về sự cai trị của người La Mã đối với đất nước Israel. Bẫy được đặt ra ở đây: Nếu Chúa Giêsu là Vị Cứu tinh-Mêsia được mong đợi từ lâu, chắc chắn Người sẽ chống lại những người La Mã thống trị. Câu hỏi đã được tính toán kỹ lưỡng, để biết Chúa Giêsu có thực sự là mối đe dọa đối với chế độ, hoặc cũng chỉ là kẻ lừa mị dân chúng mà thôi.  

Câu trả lời của Chúa Giêsu đã khéo léo đưa cuộc tranh luận lên một bình diện cao hơn, tế nhị đưa ra khuyến cáo đừng chính trị hóa tôn giáo và đừng thần thánh hóa quyền lực nhất thời, cũng như đừng mải mê làm giàu. Cần phải nhắc nhở những kẻ đang nghe Người nói, rằng Đấng Mêsia không phải là Caesar và Caesar không phải là Thiên Chúa. Chúa Giêsu không đến để thiết lập một vương quốc ở bậc cao hơn, như Người đã tuyên bố với viên tổng trấn Ponxiô Philatô: “Nước của tôi không thuộc về thế gian này”.

Những trần thuật trong Tân ước về việc Chúa giáng sinh cũng đã truyền đi sứ điệp tương tự. Chúa Giêsu chào đời trong “cuộc điều tra dân số toàn thế giới” theo lệnh của Caesar Augustô, vị hoàng đế nổi tiếng với việc mang Pax Romana (nền hòa bình kiểu La Mã) đến các vùng đất bị người La Mã cai trị. Thế nhưng, hài nhi này, vốn được sinh ra ở một nơi xa xôi hẻo lánh của đế quốc, đã mang đến cho thế giới một nền hòa bình lớn lao hơn nhiều, một nền hòa bình bao trùm và vượt trên mọi giới hạn của không gian và thời gian.

Chúa Giêsu được giới thiệu với chúng ta là người kế nghiệp vua Đavid, nhưng công cuộc giải phóng Người mang lại cho dân mình không phải là việc đánh đuổi các đạo quân thù địch mà là đánh bại tội lỗi và sự chết đến muôn đời.

Việc Chúa giáng sinh thách thức chúng ta phải xét lại những gì cần được ưu tiên, xem lại các giá trị, nhìn lại cách sống của mình. Hẳn nhiên lễ Giáng sinh là dịp chúng ta tận hưởng niềm vui, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta suy tư, kể cả xét mình. Dịp cuối năm cũng là lúc cho thấy nhiều người đang gặp khó khăn về kinh tế, vậy chúng ta rút được bài học gì từ cảnh khiêm hạ, nghèo khó, đơn sơ của hang đá Bêlem?

Lễ Giáng sinh có thể là dịp chúng ta học hỏi Tin Mừng, học biết Chúa Giêsu không những là hài nhi nơi máng cỏ mà còn là Thiên Chúa làm người. Chính Tin Mừng đã khơi nguồn cảm hứng cho các Kitô hữu trong cuộc sống đời thường và dấn thân vào các việc trần thế -có thể là tại Quốc hội hay tại thị trường chứng khoán. Các Kitô hữu không thoát ly nhưng cần sát cánh cùng trần gian. Tuy nhiên, khi tham gia chính trị hoặc hoạt động kinh tế, họ cần phải vượt qua mọi loại ý thức hệ.  

Các Kitô hữu đấu tranh chống đói nghèo do nhìn nhận phẩm giá tối cao của từng con người đã được Chúa dựng nên theo hình ảnh của Ngài và ban cho sự sống đời đời. Họ làm việc nhằm đến sự chia sẻ công bình hơn các nguồn tài nguyên của trái đất, vì xác tín mình được Chúa trao phó trông coi mọi thụ tạo được Chúa dựng nên, do đó có trách nhiệm chăm sóc những người yếu ớt và dễ bị xúc phạm nhất. Các Kitô hữu chống lại sự tham lam và bóc lột, bởi tin vào con đường dẫn đến sự sống viên mãn là sống quảng đại và yêu thương quên mình, những điều đã được Đức Giêsu Nazaret dạy bảo và thực thi bằng chính cuộc sống của Người. Niềm tin vào vận mệnh siêu việt của mỗi người đang đặt ra yêu cầu khẩn cấp cho mọi người là phải cổ võ hòa bình và công lý.

Những mục tiêu trên đây được nhiều người chia sẻ, nên sự hợp tác giữa các Kitô hữu và những người khác sẽ càng gặt hái nhiều kết quả. Các Kitô hữu chỉ trả lại cho Caesar chỉ những gì thuộc về Caesar, chứ không phải những gì thuộc về Thiên Chúa. Trong lịch sử đã từng có những lần các Kitô hữu không thể làm theo yêu cầu của Caesar. Từ việc bị buộc phải tôn thờ hoàng đế thời La Mã cổ đại đến những chế độ toàn trị trong thế kỷ vừa qua, các Caesar đã cố chiếm lấy vị trí của Thiên Chúa. Sở dĩ các Kitô hữu khước từ việc cúi mình trước các thần giả tạo được thời nay xướng xuất, không phải vì một thế giới quan cũ rích, mà chính vì họ không bị lệ thuộc vào những ràng buộc của ý thức hệ, và đồng thời, lại được thúc đẩy bởi nhãn quan cao quý về vận mệnh con người, khiến họ không thể thỏa hiệp với bất cứ điều gì làm giảm giá trị của nhãn quan đó.

Tại Italia, có nhiều hang đá Bêlem được dựng nổi bật trên phông nền hậu cảnh là các phế tích dinh thự La Mã thời cổ đại. Điều này cho thấy biến cố chào đời của hài nhi Giêsu đã đánh dấu sự kết thúc của trật tự cũ, thế giới ngoại giáo, trong thế giới đó những yêu cầu của Caesar hầu như không hề bị tranh cãi. Còn bây giờ nơi đây đã có một vị vua mới. Ngài không trông cậy nơi sức mạnh của các đạo quân, nhưng dựa vào tình yêu.

Ngài mang hy vọng đến cho những ai cũng giống như Ngài: sống bên lề xã hội. Ngài mang hy vọng đến cho những người thấp cổ bé miệng trong một xã hội đầy xáo trộn và bấp bênh. Từ máng cỏ, Đức Kitô mời gọi chúng ta hãy sống như những công dân của Nước Trời, một vương quốc mà mọi người thiện chí đều có thể góp phần xây dựng trên trái đất này.

Bênêđictô XVI

(Nguồn: Financial Times)

Thành Thi chuyển ngữ

 


Về Trang Mục Lục