Sùng kính Mẹ Maria là noi gương Mẹ luôn cầu nguyện với và trong Giáo Hội

Radiovaticana 14/03/2012 18.28.49 – Sùng kính Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, trong Giáo Hội có nghĩa là học hỏi nơi Mẹ và là cộng đoàn cầu nguyện. Đời sống con người trải qua nhiều giai đoạn khó khăn và dấn thân, đòi hỏi phải có các lựa chọn không thể tránh được, cũng như các khước từ và hy sinh. Chúng ta hãy luôn khắng khít yêu Chúa Giêsu Con Mẹ và phó thác cho Mẹ mọi giai đoạn cuộc sống, đặc biệt là giờ lâm tử.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với hơn 20.000 tín hữu và du khách hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư 14-3-2012 tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ ngài bắt đầu trình bầy về đề tài “lời cầu nguyện theo sách Công Vụ và các thư của thánh Phaolô”. Trong Phúc Âm kể lại cuộc đời Chúa Giêsu cũng như trong sách Công Vụ kể lại lịch sử Giáo hội, thánh sử Luca cho thấy một trong các yếu tố thường hằng là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cũng như lời cầu nguyện của Đức Maria, của các môn đệ, các phụ nữ và của cộng đoàn kitô. Con đường khởi đầu của Giáo Hội được dẫn nhịp bởi hoạt động của Chúa Thánh Thần, là Đấng đã biến đổi các Tông Đồ trở thành các chứng nhân của Chúa Phục Sinh cho tới chỗ đổ máu, và bởi việc phổ biến Lời Chúa về Phương Đông và Phương Tây. Trước khi về Trời Chúa Giêsu giao cho các môn đệ chương trình sống và nói: “Các con hãy nhận lấy sức mạnh của Thánh Thần sẽ xuống trên các con, và các con sẽ là các chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem trong toàn vùng Giuđêa, Samaria và cho tới cùng bờ cõi trái đất” (Cv 1,8). Tại Giêrusalem Mười Một Tông Đồ họp nhau trong nhà để cầu nguyện, và chính trong lời cầu nguyện mà các vị chờ đợi ơn Chúa Kitô phục sinh đã hứa là Chúa Thánh Thần.

Trong bầu khí chờ đợi giữa lễ Chúa Giêsu Lên Trời và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống đó, thánh Luca nhắc tới Đức Maria Mẹ Chúa Giêsu và các thân nhân của Chúa lần cuối cùng (c. 14). Thánh sử đã dành phần đầu Phúc Âm cho Đức Maria, từ biến cố sứ thần truyền tin cho đến biến cố giáng sinh và thời thơ ấu của Con Thiên Chúa làm người. Đức Thánh cha nói tiếp:

Với Đức Maria bắt đầu cuộc sống dương thế của Chúa Giêsu và với Đức Maria cũng bắt đầu các bước đầu tiên của Giáo Hội, cả hai trong một bầu khí lắng nghe Thiên Chúa và cầm trí cầu nguyện. Mẹ Maria đã kín đáo dõi theo toàn con đường của Con Mẹ trong cuộc sống công khai cho tới chân thập giá, và giờ đây Mẹ tiếp tục dõi theo con đường của Giáo Hội trong lời cầu nguyện thinh lặng.

Trong biến cố Truyền Tin tại căn nhà Nagiarét Đức Maria tiếp đón Sứ Thần của Thiên Chúa, chú ý tới lời người nói, tiếp nhận chúng và đáp trả lại chương trinh của Thiên Chúa bằng cách biểu lộ sự sẵn sàng tràn đầy của mình: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa: xin xảy ra cho tôi theo ý muốn của Người” (Lc 1,38). Chính nhờ thái độ lắng nghe nội tâm mà Đức Maria có khả năng đọc hiểu được lịch sử riêng của mình, bằng cách khiêm tốn thừa nhận rằng chính Thiên Chúa hoạt động. Khi đi thăm bà Elidabét, Mẹ bật lên lời cầu nguyện chúc tụng và tươi vui cử hành ơn thánh Chúa, là Đấng đã làm tràn đầy con tim và cuộc sống của Mẹ, bằng cách khiến cho Mẹ trở thành Mẹ Chúa (x. Lc 1,46-55). Trong bài thánh thi Magnificat Mẹ Maria không chỉ nhìn điều Thiên Chúa đã làm nơi Mẹ, mà cũng nhìn điều Thiên Chúa đã và đang liên tục thành toàn trong lịch sử nữa. Chính vì thế mà thánh Ambrogio đã mời gọi tín hữu chúc tụng Thiên Chúa với cùng tâm hồn và tinh thần cầu nguyện như Mẹ.

Cả trong nhà Tiệc Ly Giêrusalem, ở tầng trên, nơi các môn đệ Chúa Giêsu thường hội họp (x. Cv 1,13) trong bầu khí lắng nghe và cầu nguyện, Mẹ hiện diện trước khi các cánh cửa được mở tung và các ông bắt đầu loan báo Chúa Kitô cho tất cả mọi dân tộc, giảng dậy họ tuần giữ tất cả những gì Chúa đã truyền dậy (x. Mt 28,19-20). Các chặng đường của Đức Maria, từ căn nhà ở Nagiarét cho tới căn nhà ở Giêrusalem, qua Thập Giá nơi Con Mẹ trao phó tông đồ Gioan cho Mẹ, tất cả các chặng trên con đường ấy của Đức Maria đều ghi dấu khả năng duy trì một bầu khí cầm trí, kiên trung để suy niệm mọi biến cố trong thinh lặng của con tim trước mặt Thiên Chúa (x. Lc 2,19-51), để hiểu biết cả ý muốn của Thiên Chúa, và có khả năng chấp nhận ý muốn đó trong nội tâm. Như thế, sự hiện diện của Mẹ Thiên Chúa với Mười Một Tông Đồ sau khi Chúa Giêsu về Trời, không phải là một ghi chú lịch sử đơn sơ, của một điều đã qua, mà có một ý nghĩa có giá trị rất lớn, bởi vì cùng các ông Mẹ chia sẻ điều qúy báu nhất: đó là ký ức sống động về Chúa Giêsu, trong lời cầu nguyện và sứ mệnh này của Chúa Giêsu, duy trì ký ức về Chúa Giêsu và như thế cũng là duy trì sự hiện diện của Chúa.

Lần cuối cùng thánh Luca nhắc tới Đức Maria là ngày thứ bẩy, ngày Thiên Chúa nghỉ sau việc tạo dựng, ngày của thinh lặng sau cái chết của Chúa Giêsu và ngày chờ đợi sự sống lại của Người. Đây là nguồn gốc truyền thống của Đức thánh Maria trong ngày thứ bẩy.

Giữa biến cố Lên Trời của Chúa Phục Sinh và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống lần đầu tiên, các Tông Đồ và Giáo Hội tụ tập nhau cùng với Đức Maria để cùng Mẹ chờ đợi ơn Thánh Thần; không có Thánh Thần thì không thể trở thành chứng nhân được. Mẹ là Đấng đã nhận được Chúa Thánh Thần vì đã sinh ra Ngôi Lời nhập thể, cùng chia sẻ với toàn thể Giáo Hội sự chờ đợi ơn đó, để “Chúa Kitô được thành hình trong con tim của mọi tín hữu” (x. Gl 4,19). Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của ơn Chúa Thánh Thần như sau:

Nếu không có Giáo Hội mà không có lễ Ngũ Tuần, thì cũng không có lễ Ngũ Tuần mà không có Mẹ Chúa Giêsu, bởi vì Mẹ đã sống một cách duy nhất điều mà Giáo Hội kinh nghiệm mọi ngày dưới sự hoạt động của Chúa Thánh Thần. Thánh Cromazio thành Aquileia giải thích ghi chú của sách Công Vụ như sau: “Như thế Giáo Hội tụ họp trong căn phòng trên, cùng với Đức Maria và các anh em Chúa. Vì vậy không thể nói tới Giáo Hội mà không có sự hiện diện của Đức Maria, Mẹ Chúa... Giáo Hội của Chúa Kitô là ở nơi đâu Sự Nhập Thể của Chúa Kitô bởi Đức Trinh Nữ được rao giảng; và ở nơi đâu các tông đồ rao giảng rằng các vị là anh em của Chúa, thì ở đó người ta lắng nghe Tin Mừng” (Sermo 30,1: SC 164,135).

Công Đồng Chung Vaticăng II đã muốn đặc biệt nhấn mạnh mối dây biểu lộ hữu hình đó trong lời cầu nguyện của Đức Maria và các Tông Đồ, khi viết trong Hiến chế về Giáo Hội Lumen Gentium như sau: “Vì Thiên Chúa không muốn tỏ bầy mầu nhiệm cứu rỗi nhân loại cách long trọng trước khi Ngài đổ tràn Thánh Thần Chúa Kitô đã hứa, nên chúng ta thấy các Tông Đồ trước ngày lễ Ngũ Tuần “đã kiên tâm hiệp ý cầu nguyện cùng vơi các phụ nữ, với Đức Maria Mẹ Chúa Giêsu và với anh em Người” (Cv 1,14); và chúng ta cũng thấy Đức Maria khẩn nài ơn Thánh Thần với lời cầu nguyện của Mẹ, Đấng đã bao phủ Mẹ trong ngày truyền tin” (LG, 59). Vị thế đặc biệt của Đức Maria là Giáo Hội, trong đó “Mẹ được chào kính như chi thể siêu quần hết sức đặc biệt của Giáo Hội và như mẫu mực, gương sáng phi thường của Giáo Hội trên bình diện đức tin và đức ái” (LG 53). Rồi Đức Thánh Cha khẳng định như sau:

Như thế tôn sùng Mẹ Chúa Giêsu trong Giáo Hội có nghĩa là học nơi Mẹ là cộng đoàn cầu nguyện: đó là một trong các điểm nòng cốt miêu tả cộng đoàn kitô như được ghi trong sách Công Vụ (x. Cv 2,42). Rất thường khi lời cầu nguyện phát xuất từ những tình hình khó khăn, từ các vấn đề cá nhân khiến chúng ta hướng về Chúa để có ánh sáng, sự ủi an và trợ giúp. Nhưng Mẹ Maria mời gọi chúng ta rộng mở các chiều kích của lời cầu nguyện, hướng tới Thiên Chúa không chỉ trong lúc có nhu cầu và không phải chỉ cầu nguyện cho chính mình, mà trong cách thức đồng nhất, kiên trì, trung thành “đồng tâm nhất trí” (x. Cv 4,32).

Anh chị em thân mến, cuộc sống con người trải qua nhiều giai đoạn khó khăn và dấn thân, đòi hỏi phải có các lựa chọn không thể tránh được, cũng như các khước từ và hy sinh. Mẹ Chúa Giêsu đã được Chúa đặt để trong những lúc định đoạt của lịch sử cứu độ, và Mẹ đã biết luôn đáp trả lại với sự sẵn sàng tràn đầy; đó là hoa trái của một mối dây nối kết sâu xa với Thiên Chúa, trưởng thành trong lời cầu nguyện kiên trì và mạnh mẽ. Giữa ngày thứ sáu cuộc Khổ Nạn và Chúa nhật của Sự Phục Sinh, người môn đệ yêu dấu đã được trối lại cho Mẹ và cùng với ông là toàn cộng đoàn các môn đệ (x. Ga 19,26).

Giữa biến cố Lên Trời và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống Mẹ ở với và trong Giáo Hội trong lời cầu nguyện (x. Cv 1,14). Là Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Giáo Hội Đức Maria thực thi tình hiền mẫu này cho đến khi lịch sử kết thúc. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ mọi giai đoạn cuộc sống cá nhân và Giáo Hội cũng như giờ sau hết của chúng ta. Xin Mẹ Maria dậy chúng ta hiểu biết sự cần thiết của lời cầu nguyện, và giúp chúng ta luôn khắng khít yêu Chúa Giêsu Con Mẹ.

Sau khi chào tín hữu bằng nhièu thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người

Linh Tiến Khải

 

 

 


Về Trang Mục Lục